1. Lịch sử pháp luật hình sự thực định của Việt Nam về các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính
1.1. Trước khi pháp điển hóa lần thứ nhất
Quốc hiệu nước ta từ thời Hồng Bàng được gọi là Văn Lang, đến đời Thục Phán An Dương Vương được gọi là Âu Lạc. Sau khi trải qua thời kỳ Bắc thuộc, nhà Đinh (968 - 980) đã dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nước tự chủ, đổi quốc hiệu là Đại Cồ Việt, mở ra thời kỳ phong kiến tập quyền ở nước ta. Đến đời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072), quốc hiệu được đổi là Đại Việt. Cho đến đời vua Gia Long, thống nhất được cả Nam Bắc (1802), quốc hiệu nước ta là Việt Nam.
Theo như sử sách ghi lại, bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta là bộ Hình thư, gồm 03 quyển, được ban hành năm 1042, dưới đời vua Lý Thái Tông (1028 - 1054). Tiếp đến vào năm 1230, dưới triều đại nhà Trần, vua Trần Thái Tông đã cho soạn thảo bộ Quốc triều thông chế và sửa đổi hình luật lễ nghi sau khi đã tham khảo các luật lệ triều trước. Năm 1341, vua Trần Dụ Tông đã chỉ đạo biên soạn bộ Hoàng triều đại điển và khảo soạn bộ Hình thư để ban hành[1].
Tiếp nối thời đại nhà Trần, vương triều Lê được thành lập bởi vua Lê Thái Tổ và trong suốt lịch sử tồn tại của mình (1428 - 1788), nhà Lê đã để lại những thành tựu to lớn trong lĩnh vực pháp luật và điển chế, trong đó có Quốc triều hình luật (hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức). Bộ luật này được biên soạn dưới thời vua Lê Thánh Tông, từ đó, đưa Nhà nước phong kiến Đại Việt, hồi nửa sau thế kỷ XV trở thành một Nhà nước thành công lớn trong việc lấy luật pháp để trị nước. Cùng với Quốc triều hình luật, một trong những bộ luật lớn và quan trọng trong thời đại phong kiến nước ta đó chính là Bộ luật Gia Long (hay còn gọi là Hoàng Việt luật lệ) được biên soạn dưới thời nhà Nguyễn. Cho đến nay, chỉ còn hai bộ luật được lưu trữ gần như là hoàn chỉnh để nghiên cứu, đó chính là Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ[2]. Ra đời trong thời đại phong kiến, thuật ngữ “tội phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính” chưa xuất hiện nhưng đã tồn tại các tội phạm, về bản chất, xâm hại đến việc quản lý đất nước của triều đình, gây thiệt hại tới lợi ích nhà nước phong kiến, lợi ích của vua chúa, quan lại được quy định rải rác trong hai bộ luật này. Ví dụ: trong Quốc triều hình luật, Điều 71 Chương Cấm vệ quy định những ai trốn cửa ải, vượt biên giới ra nước ngoài thì bị chém (theo thuyền buôn ra nước ngoài cũng xử chém), người giữ ải (coi xét cửa biển cũng vậy) không biết thì bị lưu đày đi châu gần, biết mà cố ý cho đi thì cùng một tội với người trốn đi nước ngoài, người chủ tướng biếm hai tư; hoặc Điều 116 Chương Chức chế quy định đại sự cần giữ bí mật mà ai tiết lộ ra thì bị chém; hoặc trong Hoàng Việt luật lệ, Chương Binh luật quy định phàm người không có văn dẫn mà tự độ qua cửa quan, bến đò thì xử phạt 80 trượng.
Từ giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp bắt đầu chiến tranh xâm lược Việt Nam và thực hiện chính sách “chia để trị”, chia lãnh thổ nước ta thành ba kỳ là Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Vì thế, đã có ba bộ luật hình sự tương ứng với ba miền chia cắt được thi hành trên lãnh thổ nước ta, gồm Bộ luật Hình sự Bắc Kỳ (hay còn gọi là Luật hình An Nam), Bộ luật Hình sự Trung Kỳ (hay còn gọi là Hoàng Việt hình luật) và Bộ luật Hình sự Nam Kỳ (hay còn gọi là Hình luật Pháp tu chính). Hệ thống pháp luật của nước ta trong thời kỳ Pháp thuộc là hệ thống pháp luật nửa thực dân - nửa phong kiến. Trong ba bộ luật trên, không có sự phân chia rõ ràng giữa các quy phạm của Phần chung và Phần riêng và đa số các quy phạm này được kế thừa từ Bộ luật Gia Long, các quy phạm còn lại được ban hành nhằm đàn áp phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta[3] và nhằm mục đích điều khiển chính quyền của thực dân Pháp.
Sau gần 87 năm thực dân Pháp xâm lược nước ta, vào năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, lật đổ ách thống trị thực dân và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập vào ngày 02/9/1945. Trong khoảng 10 năm đầu kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công (1945 - 1955), quân và dân ta phải tiến hành song song hai nhiệm vụ: thứ nhất là phải xây dựng lại đất nước và chính quyền mới còn non trẻ; thứ hai là tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với âm mưu khôi phục lại chế độ thực dân của nước ta. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi (ngày 07/5/1954), Hiệp định Giơnevơ đã được ký kết (ngày 20/7/1954). Trong khoảng thời gian này, bên cạnh một số đạo luật hình sự cũ không mâu thuẫn với thực tế, được tạm thời giữ nguyên hiệu lực, nhiều đạo luật hình sự mới của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được ban hành nhằm mục đích trừng trị một số tội phạm với tính chất xâm hại đến việc quản lý, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước. Ví dụ: Sắc lệnh số 106/SL ngày 15/6/1950 của Chủ tịch nước về trừng trị những tội làm chậm trễ hay ngăn trở việc thi hành nghĩa vụ quân sự và lệnh tòng quân tại Điều 1 quy định “Sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm: a) Những người không tuân hay chậm trễ tuân lệnh làm nghĩa vụ quân sự…”. Sắc lệnh số 154/SL ngày 17/11/1950 của Chủ tịch nước về ấn định những hình phạt trừng trị việc để tiết lộ bí mật quy định “Trong thời kỳ kháng chiến việc giữ bí mật về cơ quan hay công tác của Chính phủ là nhiệm vụ của công chức, quân nhân và của toàn dân. Người nào làm tiết lộ những bí mật nói trên, tùy theo lỗi nặng nhẹ, sẽ bị: cảnh cáo; phạt vi cảnh; truy tố trước Tòa án thường và có thể bị phạt tù từ 6 ngày đến 6 tháng; truy tố trước Tòa án quân sự”. Sắc lệnh số 69/SL ngày 10/12/1951 của Chủ tịch nước về đặt chế độ giữ gìn bí mật quốc gia quy định về trường hợp “cố ý tiết lộ hoặc bán bí mật quốc gia” và trường hợp “sơ suất để lộ bí mật quốc gia, hoặc đánh mất tài liệu bí mật quốc gia”.
Trong 30 năm tiếp theo (1955 - 1985), trước khi nước ta tiến hành pháp điển hóa pháp luật hình sự lần thứ nhất, các đạo luật hình sự cũ đã được bãi bỏ hoàn toàn, nhiều văn bản pháp luật hình sự mới đã được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành. Trong giai đoạn này, nước ta phải đối mặt với âm mưu nô dịch của đế quốc Mỹ. Sau 21 năm trường kỳ kháng chiến (1954 - 1975), Nhân dân ta đã đánh bại đế quốc Mỹ và dành lại độc lập dân tộc. Năm 1980, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi nhận nguyên tắc pháp chế - nguyên tắc quan trọng nhất trong tổ chức bộ máy nhà nước. Vì vậy, trong thời kỳ này, một loạt các văn bản pháp luật hình sự đã được ban hành với phạm vi thực hiện thống nhất trên toàn lãnh thổ nước ta. Một số quy định về tội phạm xâm hại đến lĩnh vực xây dựng, tổ chức bộ máy nhà nước cũng được ghi nhận, sửa đổi, bổ sung. Ví dụ: Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 thay thế cho các văn bản pháp luật hình sự được ban hành trong giai đoạn trước đã bổ sung quy định về các hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, trốn tránh việc phục vụ trong quân đội… Nghị định số 519-TTg ngày 29/10/1957 của Thủ tướng Chính phủ quy định thể lệ về bảo tồn cổ tích quy định: “Tất cả những bất động sản và động sản có một giá trị lịch sử, hay nghệ thuật (kể cả bất động sản và động sản còn nằm ở dưới đất hay dưới nước và những danh lam thắng cảnh (danh thắng) ở trên lãnh thổ nước Việt Nam bất cứ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, một đơn vị hành chính, một cơ quan, một đoàn thể, hoặc một tư nhân, từ nay đều đặt dưới chế độ bảo vệ của Nhà nước…”.
Như vậy, có thể thấy, quy định về các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính đã được manh nha trong pháp luật hình sự nước ta từ các thế kỷ trước. Ở mỗi thời kỳ, tên gọi cũng như mức độ quy định của các tội phạm này có thể khác nhau nhưng đều mang đặc điểm chung là vì mục đích bảo vệ cho hoạt động quản lý, điều hành, tổ chức của bộ máy cầm quyền.
Dựa trên sự kế thừa có chọn lọc các đạo luật hình sự cũ, văn bản pháp luật hình sự cũ và tình hình đất nước lúc đó, ngày 27/6/1985, Bộ luật Hình sự đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/1986. Đây là dấu mốc quan trọng bởi sau 10 năm soạn thảo, nước ta đã lần đầu tiên pháp điển hóa pháp luật hình sự Việt Nam thành một Bộ luật Hình sự với đầy đủ phần chung, phần riêng và có phạm vi thực hiện thống nhất trên toàn lãnh thổ.
1.2. Từ sau khi pháp điển hóa lần thứ nhất đến nay
Từ sau năm 1985, Bộ luật Hình sự nước ta đã trải qua thêm hai lần pháp điển hóa lớn nữa để phát triển thành Bộ luật Hình sự năm 1999, đến Bộ luật Hình sự năm 2015 và nhiều lần sửa đổi, bổ sung sau khi thi hành trên thực tế để phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước qua từng giai đoạn. Trong quá trình này, các quy định về các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính cũng được sửa đổi, bổ sung. Có những tội danh được bổ sung vào bộ luật; có những tội danh được tách ra để phù hợp hơn về mặt kỹ thuật lập pháp và cũng có những hành vi được phi tội phạm hóa sau khi đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm và tính phổ biến của hành vi.
Pháp điển hóa pháp luật hình sự lần thứ nhất: Bộ luật Hình sự năm 1985 (thi hành trong hơn 14 năm, từ ngày 01/01/1986 đến ngày 01/7/2000).
Trong Bộ luật Hình sự năm 1985, các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính được quy định tại Mục C Chương 8 của Phần các tội phạm cùng với các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng. Quy định về các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong Bộ luật Hình sự năm 1985, sau khi được sửa đổi, bổ sung 04 lần qua các năm 1989, 1991, 1992 và 1997 bao gồm 14 điều, từ Điều 205 đến Điều 217[4]. Theo khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 1985, đa số các tội thuộc nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính là tội phạm ít nghiêm trọng, chỉ có một số tội với khung hình phạt tăng nặng là tội phạm nghiêm trọng như tại khoản 2 Điều 205, khoản 3 Điều 207, khoản 2 Điều 211.
Pháp điển hóa pháp luật hình sự lần thứ hai: Bộ luật Hình sự năm 1999 (thi hành trong hơn 17 năm từ ngày 01/7/2000 đến ngày 01/01/2018).
Trong Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, các nhà làm luật đã tách các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính thành một chương riêng biệt là Chương XX, gồm 20 điều, từ Điều 257 đến Điều 276. Trong lần pháp điển này, đã có thêm bốn tội danh tại Điều 260, Điều 273, Điều 274, Điều 275 được bổ sung vào chương các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính[5]. Một số tội danh được tách ra dựa trên cơ sở điều luật cũ (Điều 261, Điều 262 Bộ luật Hình sự năm 1999 được tách ra từ Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 1985) hoặc được tách ra sau khi đã bổ sung về hành vi khách quan (Điều 266 bổ sung hành vi “sửa chữa, sử dụng”). Một số hành vi được phi tội phạm hóa như hành vi trốn tránh, cản trở nghĩa vụ lao động công ích (Điều 208 và Điều 209 Bộ luật Hình sự năm 1985). Ngoài ra, trong Bộ luật này, chỉ có hình phạt đối với các tội quy định tại Điều 265 và Điều 269 là tăng nặng hơn mức tối thiểu hoặc tối đa so với mức hình phạt đã quy định tại các điều luật tương ứng của bộ luật cũ; còn lại, các hình phạt đối với các tội danh quy định ở các điều luật khác được quy định theo hướng giảm nhẹ hơn mức tối thiểu hoặc mức tối đa so với mức hình phạt đã quy định tại các điều luật tương ứng của Bộ luật cũ (các điều 259, 262, 266, 267, 276) hoặc được giữ nguyên.
Pháp điển hóa pháp luật hình sự lần thứ ba: Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (thi hành từ ngày 01/01/2018 đến nay).
Bộ luật Hình sự năm 2015 được thông qua ngày 27/11/2015 và dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, tuy nhiên, Bộ luật này đã được các nhà thực tiễn, nhà khoa học nhận xét là còn nhiều sai sót về mặt kỹ thuật lập pháp[6] nên đã phải lùi hiệu lực thi hành để sửa đổi, bổ sung cho đến ngày 01/01/2018 mới chính thức có hiệu lực thi hành.
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, quy định về các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính tại Chương XXII, gồm 22 điều, từ Điều 330 đến Điều 351. Trong lần pháp điển hóa này, Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật (Điều 336) đã được bổ sung, trong khi đó, hành vi không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính (Điều 269 Bộ luật Hình sự năm 1999) được phi tội phạm hóa. Nhằm góp phần hoàn thiện kỹ thuật lập pháp cũng như nâng cao hiệu quả áp dụng các chính sách hình sự để xử lý tội phạm, một số tội danh được tách ra thành các tội độc lập như Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép và Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (các điều 348, 349, 350). Các hình phạt chính đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong Bộ luật Hình sự hiện hành gồm cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền và tù có thời hạn. Các tội phạm này thường có hai khung hình phạt chính với mức phạt tù cao nhất là 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm cư trú, cấm hành nghề, cấm làm công việc nhất định hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 đến 05 năm.
2. Xu hướng phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam về một số tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
Tội phạm là một hiện tượng xã hội và phòng, chống tội phạm là một nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, thường xuyên, liên tục và lâu dài. Việc xác định một hành vi có phải là tội phạm hay không để đưa vào điều chỉnh trong phạm vi Bộ luật Hình sự được gọi là tội phạm hóa. Ngược lại, việc xác định một hành vi đang được quy định là tội phạm nhưng không còn được coi là tội phạm trong thời điểm hiện nay hoặc dự kiến trong tương lại được gọi là phi tội phạm hóa. Như vậy, để thực hiện tội phạm hóa hoặc phi tội phạm hóa một hành vi nào đó, bên cạnh việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi đó, các nhà làm luật cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố xã hội điển hình như yếu tố chính trị, yếu tố kinh tế - xã hội cũng như yếu tố văn hóa - lịch sử của đất nước trong từng giai đoạn phát triển.
Thứ nhất, hiện nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh xây dựng, ứng dụng khoa học và công nghệ, là quốc sách hàng đầu để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế khu vực cũng như hội nhập quốc tế toàn cầu. Do đó, việc xuất hiện những trường hợp sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội là không thể tránh khỏi, trong đó có các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.
Trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, tội chống người thi hành công vụ thường chiếm tỷ trọng lớn nhất[7]. Đó là vì trong quá trình thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, một bộ phận người dân có các hành vi chống đối, khiêu khích và thậm chí là gây thương tích cho người thi hành công vụ khi đang thực hiện nhiệm vụ. Các hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính nhưng cũng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 330 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự). Hành vi chống người thi hành công vụ được hiểu là “hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao”[8]. Trong thời kỳ kết nối công nghệ như hiện nay, người dân sẽ dễ bị các đối tượng xấu kích động, lôi kéo hơn thông qua các trang mạng máy tính, mạng viễn thông, dẫn tới các hành vi chống người thi hành công vụ đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Trên thực tế, có những trường hợp người dân đã thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ rồi dùng điện thoại để quay, chụp, có những thông tin sai sự thật và phát tán lên các trang mạng xã hội, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng chức năng nên bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 330. So với hành vi chống người thi hành công vụ thông thường thì có thể thấy, việc kết hợp với hành vi đưa các video với thông tin sai sự thật lên mạng máy tính, mạng viễn thông sẽ làm cho mức độ nguy hiểm cũng như thiệt hại cho xã hội của hành vi phạm tội tăng lên và do đó sẽ cần phải có hình phạt nặng hơn để tương xứng với hành vi này. Tuy nhiên, Điều 330 Bộ luật Hình sự cũng như các văn bản hướng dẫn chưa có quy định về vấn đề này. Nghiên cứu cho thấy, cần bổ sung tình tiết “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông” là tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 330 để có cơ sở xử lý hình sự tương xứng đối với hành vi sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông chống người thi hành công vụ.
Cùng với sự phát triển hiện nay trên thế giới về công nghệ khoa học, nhiều yếu tố tiêu cực liên quan đến việc rò rỉ thông tin, hay các thủ đoạn làm giả con dấu, tài liệu sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp. Ví dụ: cuối năm 2023, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận H, thành phố Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam ba đối tượng để điều tra về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 341 Bộ luật Hình sự). Trong quá trình điều tra, các đối tượng đã khai nhận về việc sử dụng máy tính, máy in màu 3D, máy ép nhiệt, ảnh con dấu của các cơ quan nhà nước, phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… và chỉ trong gần 30 phút, bằng việc sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại, các đối tượng đã làm giả rất nhiều tài liệu, con dấu của các cơ quan, tổ chức vì mục đích thu lợi bất chính[9]. Tương tự như lập luận ở trên, để có cơ sở xử lý hình sự tương xứng đối với hành vi sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông để làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì cần bổ sung tình tiết “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông” là tình tiết định khung tăng nặng tại Điều 341.
Thứ hai, liên quan đến các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép: quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước là quyền cơ bản của công dân, được ghi nhận tại Điều 23 Hiến pháp năm 2013 nhưng trong một số trường hợp nhất định, quyền này có thể bị hạn chế theo các quy định của pháp luật để bảo vệ an ninh, trật tự quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình hình các tội liên quan đến xuất, nhập cảnh trái phép liên tục gia tăng về số vụ và số người phạm tội (các điều từ Điều 347 đến Điều 350)[10]. Dự báo trong những năm tới, tình hình vi phạm pháp luật về xuất, nhập cảnh diễn ra ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi, các đối tượng phạm tội có sự câu kết chặt chẽ, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng từ Trung ương đến địa phương để kịp thời xử lý tội phạm, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ áp dụng pháp luật có liên quan và đề xuất các chính sách quản lý về xuất, nhập cảnh phù hợp với tình hình thực tế ở trong nước và trên thế giới.
3. Kết luận
Trong lịch sử pháp luật hình sự Việt Nam, “mầm mống” các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính của Nhà nước đã được manh nha trong các bộ cổ luật ở các mức độ khác nhau. Trong Bộ luật Hình sự hiện hành, khách thể của các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính là các quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đối tượng tác động của các tội phạm này là hoạt động hành chính của cơ quan nhà nước hoặc là con dấu, vật, tài liệu, giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức hoặc chính bản thân người thi hành công vụ. Hiện nay, một số tội thuộc nhóm tội phạm này có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp như tội chống người thi hành công vụ, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, các tội liên quan đến xuất, nhập cảnh trái phép. Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều bình diện hiện nay, hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng là kim chỉ nam dẫn đường, vì thế, cần phải xử lý kịp thời, nghiêm minh các tội phạm này để duy trì trật tự quản lý hành chính bền vững./.
ThS. Lê Tuấn Tú
Tòa án nhân dân huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang
Đoàn Thu Trang
Khoa Pháp luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội
[1] Trần Trọng Kim (2023), Việt Nam sử lược (tái bản lần thứ 5), Nxb. Kim Đồng, Hà Nội, tr. 15 - 19.
[2] Viện Sử học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam (2009), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Thành phố Tam Kỳ, tr. 7.
[3] Lê Cảm (2018), Pháp luật hình sự Việt Nam từ thế kỷ X đến nay: Lịch sử và thực tại (sách chuyên khảo), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 72 - 89.
[4] Tội chống người thi hành công vụ (Điều 205); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội hoặc của công dân (Điều 205a) - được bổ sung vào lần sửa đổi năm 1991; Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự (Điều 206); Tội làm trái hoặc cản trợ việc thực hiện nghĩa vụ quân sự (Điều 207); Tội trốn tránh nghĩa vụ lao động công ích (Điều 208); Tội làm trái hoặc cản trở việc thực hiện nghĩa vụ lao động công ích (Điều 209); Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc (Điều 210); Tội giả mạo giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan nhà nước, của tổ chức xã hội (Điều 211); Tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy con dấu, tài liệu cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội (Điều 212); Tội không chấp hành các quyết định hành chính về cư trú bắt buộc, cấm cư trú, quản chế hoặc lao động bắt buộc (Điều 213); Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà (Điều 214); Tội vi phạm các quy định về xuất bản và phát hành sách, báo, ấn phẩm khác (Điều 215); Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 216); Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy (Điều 217).
[5] Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ (Điều 260); Tội vi phạm quy chế về khu vực biên giới (Điều 273); Tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tội ở lại Việt Nam trái phép (Điều 274); Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 275).
[6] Lê Cảm (2020), 75 năm hình thành, phát triển của hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam và định hướng tiếp tục hoàn thiện (1945 - 2020) (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 187.
[7] Nguyễn Kim Chi, Đỗ Đức Hồng Hà (2018), Trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính (theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) (sách chuyên khảo), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 85.
[8] Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 208/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.
[9] https://antv.gov.vn/phap-luat-3/lam-ro-thu-doan-trong-vu-an-lam-gia-tai-lieu-con-dau-cua-co-quan-to-chuc-75EFCAC61.html, truy cập ngày 10/5/2024.
[10] Mai Thị Thanh Nhung (2023), Các tội: tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép; tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép theo pháp luật hình sự Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 140 - 143, 204, 227 - 230.