1. Lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng thương mại quốc tế theo thỏa thuận của các bên giao kết hợp đồng
Trong các giao dịch hợp đồng giữa các bên thuộc các quốc tịch khác nhau (còn gọi là hợp đồng thương mại quốc tế), việc cho phép các bên tự do lựa chọn pháp luật áp dụng cho giao dịch hợp đồng của mình là một quy định rất quan trọng được thừa nhận rộng rãi trên thế giới trong các điều ước quốc tế, cũng như trong các đạo luật quốc gia. Việc các bên tự do lựa chọn có cơ sở về mặt lý thuyết là nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng, theo đó, các bên giao kết hợp đồng có quyền tự thỏa thuận và quyết định những vấn đề liên quan tới giao kết của mình, Nhà nước sẽ không can thiệp vào sự lựa chọn và thỏa thuận này[1].
Quyền lựa chọn pháp luật áp dụng của các bên giao kết hợp đồng thực ra không phải là vấn đề mới mẻ. Ngay từ khoảng những năm 120 - 118 trước Công nguyên, một sắc lệnh ký kết giữa Ai Cập và Hy Lạp đã quy định rằng, nếu các bên thỏa thuận rằng hợp đồng giữa họ được giao kết bằng tiếng Ai Cập, thì tranh chấp liên quan tới hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Tòa án Ai Cập, theo pháp luật Ai Cập; còn nếu hợp đồng được giao kết bằng tiếng Hy Lạp thì tranh chấp liên quan tới hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Tòa án Hy Lạp, theo pháp luật Hy Lạp[2]. Có thể thấy, ngay từ thời này, các bên giao kết hợp đồng từ Ai Cập và Hy Lạp đã có thể lựa chọn luật áp dụng thông qua việc lựa chọn ngôn ngữ thể hiện giao kết hợp đồng của mình.
Hiện nay, pháp luật của nhiều quốc gia cũng có quy định về quyền lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng của các bên giao kết. Chẳng hạn, khoản 1 Điều 25 Luật Tư pháp quốc tế năm 2016 của Hàn Quốc quy định: “Một hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật mà các bên lựa chọn một cách trực tiếp hoặc ngụ ý”. Cũng tương tự như vậy, Điều 116 Bộ luật Tư pháp quốc tế của Liên bang Thụy Sĩ năm 1987 (sửa đổi, bổ sung năm 2007) quy định hợp đồng sẽ được điều chỉnh bằng pháp luật do các bên lựa chọn. Tại Việt Nam, khoản 1 Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận: “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng…”. Nhiều quốc gia khác cũng có các quy định tương tự.
Các quy định tương tự trong pháp luật của nhiều quốc gia đã dẫn tới hệ quả là trong các điều ước quốc tế, quyền lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng của các bên cũng được quy định. Điều 2 Các quy tắc về lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế do Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế ban hành năm 2015 quy định: Một hợp đồng được điều chỉnh bởi pháp luật do các bên lựa chọn. Các bên có thể chọn pháp luật áp dụng đối với toàn bộ hoặc chỉ một phần của hợp đồng, pháp luật khác nhau áp dụng với những phần khác nhau của hợp đồng… Không cần có mối liên hệ nào giữa pháp luật được chọn và các bên ký kết hoặc giao dịch của họ. Điều 3 Nghị định Rome năm 2008 của Liên minh châu Âu về luật áp dụng cho nghĩa vụ hợp đồng cũng quy định hợp đồng được điều chỉnh bởi luật do các bên lựa chọn.
- Hình thức của thỏa thuận lựa chọn pháp luật: Về lý thuyết, hợp đồng có thể được giao kết bằng lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi, nhưng trong thương mại quốc tế, hợp đồng thường được giao kết bằng văn bản. Vì vậy, hình thức của thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng cũng phải được thể hiện bằng văn bản. Thực tế, trong một bản hợp đồng thương mại quốc tế thường có “điều khoản lựa chọn luật áp dụng” (choice of law clause). Điều khoản lựa chọn luật áp dụng cho phép một Tòa án áp dụng pháp luật của quốc gia được các bên ký kết hợp đồng thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh từ bản hợp đồng đó, dù đó không phải là pháp luật của quốc gia có Tòa án. Bằng cách đưa vào hợp đồng điều khoản lựa chọn luật áp dụng, các bên ký kết hợp đồng đã cho biết luật nào sẽ được áp dụng cho hợp đồng đó (hoặc cho một nội dung cụ thể nào đó của hợp đồng đó). Ở đây, yếu tố “quyền tự do giao kết hợp đồng” của các bên ký kết đã làm cho việc lựa chọn luật của họ có hiệu lực, mặc dù có thể các bên không có mối liên hệ thực tế nào với quốc gia có pháp luật đã được họ lựa chọn. Điều khoản lựa chọn luật áp dụng cũng là tuyên bố của các bên về pháp luật mà mình thỏa thuận lựa chọn để áp dụng cho hợp đồng (hoặc các phần khác nhau của hợp đồng). Trong điều khoản này, các bên giao kết hợp đồng có thể lựa chọn pháp luật của một quốc gia duy nhất, có thể lựa chọn pháp luật của nhiều quốc gia khác nhau, áp dụng cho các phần hay nội dung khác nhau của hợp đồng. Các nhà khoa học pháp lý giải thích rằng, quy định này trong thương mại quốc tế chính là nhằm đảm bảo cho các bên có được sự bảo vệ tốt nhất về mặt pháp lý mà họ có thể có trong mỗi giao dịch.
Sự thỏa thuận của các bên giao kết hợp đồng cũng có thể được xác định qua tuyên bố của Tòa án, dựa vào không chỉ các thỏa thuận bằng văn bản, mà còn bằng hành vi của các bên giao kết hợp đồng, trong trường hợp thỏa thuận đó là không rõ ràng. Chẳng hạn, trong vụ tranh chấp giữa Công ty Multi Product International và Công ty Toa Kogyo Co. Ltd., một Tòa án ở Nhật Bản đã tuyên: “Nguyên đơn đã lựa chọn khởi kiện ở Tòa án này và đã xác định trong các thủ tục ban đầu cũng như trong các thủ tục của quá trình tranh luận rằng pháp luật của Nhật Bản sẽ là pháp luật được áp dụng… Bị đơn trong vụ kiện, khi ra trước Tòa án, cũng thể hiện quan điểm tương tự… Chính vì vậy, cả hai bên tranh chấp được coi là có ý định thừa nhận luật pháp của Nhật Bản sẽ được áp dụng cho những vấn đề của vụ kiện”[3].
- Giới hạn của lựa chọn pháp luật áp dụng: Luật áp dụng cho hợp đồng được xác định theo thỏa thuận của các bên. Vì vậy, đối với một số hợp đồng mà một trong các bên không có quyền lựa chọn như hợp đồng tiêu dùng, việc lựa chọn pháp luật bị giới hạn. Loại hợp đồng nữa không cho phép lựa chọn pháp luật là hợp đồng liên quan tới giao dịch bất động sản. Ngoài ra, khi lựa chọn luật áp dụng cũng cần tính đến yếu tố xung đột pháp luật, đặc biệt là khi pháp luật được lựa chọn chứa đựng những nguyên tắc, điều khoản có thể trái với nguyên tắc, điều khoản pháp luật của nơi giải quyết tranh chấp - là nơi có Tòa án sẽ thụ lý và xử lý tranh chấp hợp đồng, nếu nó phát sinh.
- Nghĩa vụ chứng minh của các bên giao kết hợp đồng khi lựa chọn pháp luật nước ngoài trong trường hợp xảy ra tranh chấp: Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng được hiểu là nghĩa vụ của các đối tượng trong việc làm rõ các tình tiết của vụ việc trong quá trình tố tụng. Trong tố tụng dân sự, đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước có nghĩa vụ chứng minh cho các tình tiết làm cơ sở cho yêu cầu hay phản đối yêu cầu của họ. Các chủ thể tố tụng có nghĩa vụ chứng minh mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ chứng minh của mình thì phải chịu trách nhiệm về việc đó[4].
Khi Tòa án một quốc gia nào đó có quyền quyết định áp dụng pháp luật của một quốc gia khác trong xét xử các tranh chấp, Tòa án đó sẽ chỉ tuyên bố tên của quốc gia có pháp luật được áp dụng. Trong tình huống này, Tòa án một quốc gia không có nghĩa vụ phải hiểu biết, nắm vững pháp luật của quốc gia khác được các bên giao kết hợp đồng lựa chọn đó. Nghĩa vụ chứng minh ở đây yêu cầu các bên tranh chấp phải xuất trình được các quy định pháp luật liên quan mà mình đã lựa chọn để Tòa án làm căn cứ xét xử. Đối với pháp luật của Anh và Hoa Kỳ, nghĩa vụ chứng minh luôn thuộc về nguyên đơn. Nguyên đơn phải phân tích yêu cầu, đòi hỏi của mình và đề cập tới các sự kiện, tình tiết liên quan tới tranh chấp ngay trong phiên tranh luận ở Tòa án. Nếu thiếu bất kỳ sự kiện, tình tiết nào, bị đơn cũng có quyền yêu cầu Tòa án bác đơn khởi kiện.
Ngoài ra, sự khác biệt trong vai trò của thẩm phán tại phiên tòa xét xử cũng là một yếu tố có thể tác động tới nghĩa vụ chứng minh. Tại Tòa án ở các nước theo hệ thống luật dân sự với mô hình tố tụng thẩm vấn, vai trò của thẩm phán là xét hỏi các bên tranh chấp, trong khi tại các Tòa án ở các nước theo hệ thống luật án lệ với mô hình tố tụng tranh tụng, vai trò của thẩm phán lại chỉ là một người trọng tài cân nhắc tính thuyết phục trong chứng cứ, lập luận của các bên tranh chấp.
2. Lựa chọn luật áp dụng theo quyết định của Tòa án thực hiện giải quyết tranh chấp
Khi các bên giao kết hợp đồng và tranh chấp không thỏa thuận được với nhau về việc lựa chọn luật của quốc gia nào đó để giải quyết (dù là lựa chọn chính thức hay ẩn ý), thì Tòa án thụ lý tranh chấp sẽ tự quyết định việc lựa chọn luật áp dụng. Trong trường hợp này, việc Tòa án kết luận về ý định của các bên giao kết hợp đồng định áp dụng luật của một quốc gia nào đó có thể là kết quả của một sự suy đoán thuần túy, ít ra là về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, một khi ý định của các bên đã không rõ ràng, việc suy đoán ý định của họ sẽ chứa đựng nhiều yếu tố chủ quan, và vì vậy có thể không công bằng và không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Do đó, thay vì chỉ thuần túy dựa trên suy đoán một cách lý thuyết và chủ quan ý định của các bên, trong trường hợp chưa rõ luật áp dụng, các Tòa án thụ lý tranh chấp sẽ dựa trên một cơ sở chắc chắn hơn để lựa chọn luật áp dụng, đó là dựa theo một quy định của quốc gia có mối liên hệ quan trọng nhất đối với tranh chấp, hoặc luật của quốc gia nào có nhiều quyền lợi nhất đối với hậu quả của tranh chấp.
Tất nhiên, sự việc có lẽ sẽ là đơn giản nếu các Tòa án thụ lý tranh chấp thương mại quốc tế luôn luôn vận dụng nguyên tắc luật của nơi có Tòa để xét xử trong mọi trường hợp tranh chấp, tức là không chấp nhận xét xử trên cơ sở bất kỳ pháp luật nước ngoài nào. Tuy nhiên, đã từ rất lâu, các nhà làm luật và các Tòa án đã thừa nhận rằng, quan niệm đơn giản như vậy sẽ dẫn tới sự bất công trong xét xử các tranh chấp thương mại quốc tế.
Khởi thủy của ý tưởng một Tòa án của quốc gia nào đó sẽ áp dụng pháp luật của quốc gia khác để xét xử (chứ không phải pháp luật của chính quốc gia nơi có Tòa án đó) trong giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế xuất phát từ lý thuyết về sự thân thiện (comity). Thực tế là việc một quốc gia nào đó chấp nhận để Tòa án của quốc gia mình áp dụng pháp luật của nước ngoài không phải chỉ căn cứ vào các điều ước quốc tế hoặc do quy định của pháp luật trong nước mà đôi khi còn do các quốc gia muốn duy trì mối quan hệ hữu hảo hoặc các lợi ích cần được bảo vệ của chính mình. Ngay từ thế kỷ thứ XIX, Thẩm phán Joseph Story của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã từng phát biểu về vấn đề này như sau: “Các Tòa án Hoa Kỳ có nghĩa vụ áp dụng luật pháp của một quốc gia khác như một hình thức luân lý cần thiết để thực thi công lý để chúng ta cũng có thể được đối đãi một cách tương xứng như các quốc gia khác”.
Quyết định chấp nhận lựa chọn pháp luật nước ngoài để xét xử của các Tòa án thường dựa trên cơ sở: Căn cứ vào các quy định đặc định; hoặc xác định quốc gia nào có mối liên hệ quan trọng nhất đối với tranh chấp; hoặc xác định quốc gia nào có quyền lợi liên quan nhiều nhất tới hậu quả của vụ tranh chấp (lựa chọn này rất ít được áp dụng).
2.1. Học thuyết về các điều khoản lựa chọn pháp luật đặc định
Tại các quốc gia theo truyền thống luật dân sự, nếu các bên tranh chấp không thỏa thuận được về điều khoản lựa chọn pháp luật, thì luật áp dụng cho một vụ tranh chấp sẽ được Tòa án xác định dựa trên cơ sở tham chiếu theo các đạo luật hoặc các điều ước quốc tế. Theo thông lệ, các điều khoản lựa chọn pháp luật được các Tòa án một quốc gia nào đó đối xử trên cơ sở quan điểm “quyền theo luật định”. Đây là học thuyết về phương pháp tiếp cận vấn đề của nơi mà các quyền lợi hợp pháp của các bên tranh chấp quy định trong hợp đồng bắt đầu có hiệu lực.
Để xác định địa điểm làm phát sinh các quyền lợi hợp pháp, các đạo luật thường quy định rất đơn giản nhưng cũng rất rõ ràng. Chẳng hạn, pháp luật Nhật Bản quy định: Nếu ý định của các bên đương sự không thống nhất thì luật của nơi thực hiện hành vi (giao kết hợp đồng) sẽ chi phối (hợp đồng đó). Ngoài ra, Tòa án một quốc gia nào đó cũng xem xét các yếu tố khác của tranh chấp, ví dụ vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để lựa chọn luật áp dụng cho thích hợp. Ví dụ, nếu một vụ tranh chấp xuất phát từ một lỗi (hay một vi phạm), luật được áp dụng cho vụ tranh chấp đó sẽ là luật của nơi mà các hành vi lỗi xảy ra; nếu một vụ tranh chấp phát sinh từ một hợp đồng thì luật của nơi thỏa thuận hợp đồng sẽ chi phối các tranh chấp về hiệu lực của hợp đồng và luật của nơi thực hiện hợp đồng sẽ chi phối các tranh chấp về vấn đề thực hiện hợp đồng. Nếu một vụ tranh chấp liên quan tới bất động sản thì luật của nơi có bất động sản sẽ chi phối vụ tranh chấp đó.
Luật pháp của nhiều quốc gia cũng thường dự liệu những điều khoản nhằm giới hạn sự áp dụng luật pháp của các quốc gia khác. Trong một trường hợp đặc biệt nào đó, luật pháp của một quốc gia khác sẽ không được Tòa án áp dụng vì nếu luật đó áp dụng sẽ gây nên một sự vi phạm đối với chính sách công nơi có Tòa án thụ lý vụ tranh chấp.
2.2. Học thuyết “mối liên hệ quan trọng nhất” để chọn luật áp dụng
Học thuyết “mối liên hệ quan trọng nhất” (most significant relationship doctrine) cho phép một Tòa án áp dụng pháp luật của quốc gia có mối liên hệ mật thiết nhất đối với các bên tranh chấp cũng như đối với giao dịch thương mại giữa họ. Ngoài tên gọi “mối liên hệ quan trọng nhất”, học thuyết này còn có các tên gọi khác như lý thuyết về trung tâm của lực hấp dẫn, lý thuyết về cân nhắc lợi ích hay về lựa chọn ảnh hưởng hoặc lý thuyết về nhóm hợp đồng. Việc các Tòa án áp dụng học thuyết mối liên hệ quan trọng nhất cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ học thuyết truyền thống là pháp luật điều chỉnh một hợp đồng phải là pháp luật tại nơi hợp đồng đó được ký kết. Ý tưởng quan trọng nhất của học thuyết “mối liên hệ quan trọng nhất” là ở chỗ phải xác định được quốc gia nào có liên quan nhất tới một vấn đề/nội dung cụ thể nào đó của hợp đồng để áp dụng pháp luật của quốc gia đó mà giải quyết tranh chấp liên quan tới vấn đề/nội dung đó.
Căn cứ vào học thuyết “mối liên hệ quan trọng nhất”, các cân nhắc chủ yếu để một Tòa án thụ lý tranh chấp quyết định sẽ áp dụng pháp luật của một quốc gia nào đó để xét xử là:
- Việc áp dụng pháp luật của quốc gia nào đó khi xét xử sẽ giúp thúc đẩy sự hoàn thiện của pháp luật quốc tế, giúp thúc đẩy sự hòa hợp về pháp luật và thương mại giữa các quốc gia liên quan;
- Việc áp dụng pháp luật của quốc gia nào đó khi xét xử có giúp thúc đẩy sự hoàn thiện của chính sách nền tảng cũng như các quy định pháp luật của quốc gia có Tòa án thụ lý vụ tranh chấp hay không;
- Việc áp dụng pháp luật của quốc gia nào sẽ đáp ứng một cách tốt nhất kỳ vọng hợp pháp của các bên đương sự.
Đối với những tranh chấp về hợp đồng, các yếu tố có thể được cân nhắc để xác định mối liên hệ quan trọng nhất, cũng đồng thời là để xác định và lựa chọn luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp, bao gồm:
- Địa điểm ký kết hợp đồng;
- Địa điểm đàm phán hợp đồng;
- Địa điểm thực hiện hợp đồng;
- Địa điểm xảy ra tranh chấp; và/hoặc
- Quốc tịch, nơi thường trú, nơi cư trú hiện tại, hoặc nơi cấp tư cách pháp nhân của các bên đương sự.
2.3. Học thuyết “quyền lợi của Chính phủ”
Cơ sở cuối cùng mà Tòa án có thể dựa vào để xác định lựa chọn luật áp dụng cho một vụ tranh chấp là học thuyết “quyền lợi của Chính phủ” (Government Interests Doctrine). So với hai học thuyết vừa đề cập, học thuyết quyền lợi của Chính phủ ít phổ biến hơn, nhưng cũng là một học thuyết được chính thức thừa nhận trong khoa học pháp lý.
Các Tòa án thụ lý tranh chấp áp dụng học thuyết quyền của Chính phủ sẽ không chọn luật áp dụng nếu không được các bên tranh chấp yêu cầu. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ đương nhiên áp dụng luật pháp của chính quốc gia họ để giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp có yêu cầu của các bên tranh chấp muốn tìm kiếm, xác định hay lựa chọn một hệ thống pháp luật để giải quyết tranh chấp, Tòa án sẽ xem xét tới quyền lợi hợp pháp cao nhất của quốc gia nào đó liên quan trong việc xác định kết quả của vụ tranh chấp.
Nếu duy nhất chỉ có quốc gia nơi Tòa án thụ lý vụ tranh chấp có quyền lợi đối với vụ tranh chấp đó (trong khoa học pháp lý, trường hợp này gọi là xung đột ảo), thì đương nhiên Tòa án sẽ áp dụng pháp luật của chính quốc gia họ để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, nếu cả quốc gia thụ lý tranh chấp, cả một hay nhiều quốc gia khác liên quan tới các bên tranh chấp đều có một số quyền và lợi ích hợp pháp liên quan tới kết quả của giải quyết tranh chấp (trong khoa học pháp lý, trường hợp này được gọi là xung đột đích thực), thì Tòa án sẽ áp dụng luật pháp của quốc gia nơi có Tòa án thụ lý vụ việc. Nhưng nếu Tòa án xét thấy chỉ có các quyền lợi hợp pháp của hai quốc gia của các bên tranh chấp có lợi ích hợp pháp liên quan mà thôi, thì Tòa án sẽ hủy bỏ quyền thụ lý vụ án của mình, nếu quốc gia nơi có Tòa án áp dụng học thuyết “địa điểm không thuận lợi” (forum non convenience). Mặt khác, với trường hợp như vừa đề cập, Tòa án một quốc gia nào đó sẽ lựa chọn pháp luật nào được xem là hoàn hảo nhất, hoặc áp dụng pháp luật của quốc gia nào có nhiều điểm tương đồng nhất với quốc gia của nơi có Tòa án thụ lý vụ tranh chấp.
Học thuyết quyền lợi của Chính phủ được áp dụng trong việc giải quyết vụ tranh chấp giữa Reyno và Công ty Sản xuất máy bay Piper, do Tòa án sơ thẩm liên bang khu vực miền Trung bang Pennsylvania của Hoa Kỳ xét xử vào năm 1979.
2.4. Vấn đề thẩm quyền của Tòa án và học thuyết “địa điểm không thuận lợi” (forum non convenience doctrine)
Tòa án của một quốc gia có thể từ chối xét xử một tranh chấp thương mại quốc tế nếu Tòa án đó cho rằng địa phương nơi Tòa án đó có thẩm quyền là địa điểm không thuận lợi để tiến hành xét xử. Tòa án có thể từ chối quyền xét xử dựa trên lý do không thích hợp hay không công bằng dựa trên các yếu tố như: (i) Những quyền lợi cá nhân của các bên tranh chấp (trở ngại trong việc thu thập và xuất trình các chứng cứ, tài liệu, triệu tập nhân chứng do khoảng cách địa lý từ quốc gia này sang quốc gia khác); (ii) Những yếu tố về lợi ích công cộng (chẳng hạn quyền lợi của quốc gia có Tòa án thụ lý tranh chấp...).
Vụ kiện điển hình cho việc áp dụng học thuyết địa điểm không thuận lợi là vụ người dân Ấn Độ ở thành phố Bhopal kiện Công ty Union Carbide Corporation của Hoa Kỳ. Trong vụ kiện đó, khi một tai nạn xảy ra tại một nhà máy hóa chất của Công ty Union Carbide Ấn Độ và đại diện các nạn nhân kiện Công ty Union Carbide Hoa Kỳ (là công ty mẹ của Công ty Union Carbide Ấn Độ) ra Tòa án sơ thẩm liên bang Hoa Kỳ đặt tại quận Nam New York. Tòa án liên bang đã bác đơn kiện với lý do địa điểm xét xử không thuận lợi và chuyển vụ án cho Tòa án Ấn Độ xét xử.
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1]. Mục từ Freedom of Contract, Từ điển Black Law Dictionary, Sixth Edition, West Publishing Co, 1990, tr. 664.
[2]. Simeon C. Simeonides, Lựa chọn Pháp luật, Oxford University Press 2016, tr. 362.
[3]. Japanese Annual of International Law, Số 23 (1980), tr. 187.
[4]. Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển bách khoa và Nxb. Tư pháp năm 2006, tr. 561.