* Mắt mẹ
Sau gần mười năm đi du học nước ngoài, anh về thăm làng cũ. Ngày xưa, khi rời làng, anh là một cậu học trò nhút nhát. Bây giờ thì anh đã nổi tiếng. Tuy vậy, khi bước thấp bước cao trên những con đường làng khúc khuỷu, rợp bóng tre, hương cau thơm nức, anh không khỏi bồi hồi.
Ông bác họ chống gậy đi sang, tiếng oang oang:
- Thằng này khá. Họ ta từ xưa đã nổi tiếng là có nhiều người đỗ đạt. Nhưng đi nhiều thì chắc chưa ai vượt qua cháu.
Thằng cháu đang học lớp 12 lên tiếng:
- Chú ấy đi một tuần, bằng cả họ mình đi trong cả chục đời chứ ít à.
Ông bác gật gù:
- Thì mới tuần trước nó đang ở Pháp, nghe nói vài hôm nữa phải có mặt ở Nhật Bản rồi.
Anh nói với thằng cháu:
- Nhiều quan niệm cũ bây giờ hoàn toàn bị đảo ngược. Ví như… – Anh lúng túng, muốn chọn một thí dụ thật dễ hiểu – ví như cái đồng hồ, xưa nay luôn luôn kêu tích tắc, thế rồi người ta chế ra một loại đồng hồ cứ câm như thóc, vậy mà cả triệu năm mới sai một phần nhỏ của giây. Đó là trong lĩnh vực công nghệ. Còn trong quan hệ, có nhiều người cùng tuổi cháu, mà học trò là những giáo sư tóc đã bạc, nhiều người khác đang học đại học, mà điều hành những công ty có cả vạn người…
Ông bác thủng thẳng:
- Nhưng vẫn có những thứ muôn đời không thay đổi đâu, các con ạ!
Ông bác về rồi, mẹ anh kêu anh ra giếng tắm. Bà múc từng gàu nước dội lên tai, lên cổ anh. Bàn tay nhăn nheo kỳ cọ cho anh. Ba bốn năm nay, mắt bà gần như mù hẳn. Những ngón tay bà lần tìm vết sẹo sau vành tai anh.
Bà cười nhẹ:
- Có vết sẹo này, dẫu đi cùng trời cuối đất, mẹ cũng không lạc con mình được. Thế mà hồi đó mẹ lo quá, cứ nghĩ quẩn. Nhà có thuốc gì đâu, mấy cái lá ngoài vườn đắp lên, rồi nhờ trời mà khỏi.
- Ôi, mẹ…
- Con cứ có tật hay thức khuya rồi cứ lăn ra giường mà ngủ. Rồi cũng có ngày muỗi nó tha ra liệng ngoài ao mất thôi.
Anh cố cười lớn mà mắt cứ cay xè.
Có nhiều thứ trên đời sẽ còn thay đổi, nhưng tình mẹ già thì bao giờ vẫn vậy, mãi mãi xưa cũ mà luôn luôn mới mẻ, cảm động!
* Kỳ án vịt cỏ
Cô nàng Vịt Cỏ vừa bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, đề tài “Sự cách tân trong tiếng kêu đêm của Quạ Khoang”. Cả năm thành viên đáng kính của Hội đồng chấm luận án nhất trí cho điểm tuyệt đối. Sáng hôm sau, tờ “Thời báo Vịt Trời” đăng một bài báo dài với cái tít ấn tượng “Một tài năng mới của nền văn học Đầm Lác”.
Ba năm sau, tờ tạp chí “Văn hóa Đầm Lác” xuất hiện bài viết của nhà lí luận phê bình Két Xanh, đăng mấy kỳ liền. Bài viết đưa ra những phân tích sắc bén về sự lầm lạc, mất phương hướng ẩn dưới lớp áo khoa học giả hiệu trong luận án của Vịt Cỏ. Ngay lập tức, hàng chục tờ báo chính thống của Đầm Lác nhao nhao tiếp ứng như một dàn đồng ca nhiều bè. Các bài viết hè nhau dội xuống bản luận án những lời lẽ kết tội nặng nề, coi đó là: “Mưu toan giải thiêng và nổi loạn của Vịt Cỏ…”.
Không phải mọi ý kiến đều đồng thuận. Trên một số trang mạng, đám chích chòe, bồ nông, giận dữ đưa ra nhiều ý kiến phản biện. Theo nhóm Bồ Nông, đó là “sự lên ngôi trở lại của phê bình kiểm dịch… văn học theo định hướng xã hội đầm lầy… phê bình chỉ điểm đang soán ngôi… thời kỳ nhân văn giai phẩm đã trở lại…”.
PGS. Ngỗng Trắng là thành viên trong ban chấm đề tài cũng đưa ý kiến. Với những lí lẽ mực thước, thâm trầm, PGS. Ngỗng đứng ra dàn hòa: “Vịt Cỏ hãy còn trẻ. Ở lứa tuổi bồng bột như vậy, thật đáng quý ta biết dấn thân trong sáng tạo. Tác giả Vịt Cỏ bắt đầu có được những thao tác trí tuệ trong tư duy, nắm vững những lí luận nghiên cứu hiện đại. Tôi khẩn thiết mong quý vị trước khi ném đá hãy sờ lên đầu hói của mình mà nhớ đến thuở khi người ta trẻ…”.
Có vài phản biện vừa thắp lên lập tức bị dội xuống bằng một thùng nước lạnh. Trên tờ “Sự thật Vịt”, cựu bộ trưởng bộ văn hóa GS. Cú Mèo đã có một bài viết nảy lửa, cảnh báo về sự sa sút lý tưởng và lối sống của giới cầm bút Đầm Lác. Theo GS. Cú Mèo thì Quạ Khoang là đại diện cho bóng tối, là hiện thân của thù địch và lạc hậu. Tiếng kêu của Quạ Khoang là quốc ca của quỷ sứ!
Bài viết của GS. Cú Mèo kết thúc mọi sự tranh luận, kết thúc luôn sự nghiệp đang mở ra của nàng Vịt Cỏ. Nhưng cuộc sống vốn vĩ đại, Đầm Lác không có thời gian ưu tư về một số phận.
Đám vịt vẫn hàng ngày xuống đầm mò ốc, chán chê thì lên bờ rỉa lông cánh, hứng chí lại hát vang bài “Vịt ca”. Thoạt tiên, Vịt Đực đứng ra trước đàn, xoạc cẳng, ngửa cổ rống lên câu mở đầu bằng giọng khàn khàn rất vịt đực của mình: “Chúng ta là chủ nhân vinh quang của Đầm Lác”. Cả đàn vịt cao giọng hát bè: “Quạc quạc quạc… Quạc quạc quạc…”. Cứ thế, tiếng ca của bầy vịt vang dậy cả một vùng đầm lầy hoang vu: “Chúng ta là con dân tự do của Đầm Lác… Quạc quạc quạc… Đường vinh quang, chúng ta xây bằng máu xương; Chứ không xây bằng cỏ rác; Hẹn trăm năm sau, tới thiên đường; Cùng vang ca lời yêu thương... Quạc quạc quạc… Quạc quạc quạc!”
Thời gian trôi qua, không biết bao nhiêu mùa “trăng tàn nguyệt tận”, ở xứ An Nam xảy ra vụ án văn chương Nhã Thuyên. Thật kì lạ là kịch bản vụ án lặp lại nguyên xi cái bi kịch của Vịt Cỏ.
VĨ THANH
Nàng Vịt Cỏ không chốn dung thân. Có đàn chim di trú thương tình chở nàng đến một xứ sở xa lạ có tuyết rơi, trên những cánh đồng xanh mướt có những cối xay gió khổng lồ. Nỗi niềm xa xứ hành hạ khôn nguôi, nàng sinh một chú vịt con ốm yếu. Không ngờ, đứa con nàng lại đi vào trí nhớ của nhân loại qua câu chuyện cổ tích của Andersen vĩ đại, câu chuyện “Chú vịt con xấu xí”.
Ngài Andersen tôn kính vì quá lơ đãng nên không đưa vào truyện một dòng ghi chú mà mới đây người ta tình cờ tìm thấy trong cuốn sổ tay nhàu nát của ngài: “Vịt con xấu xí là con nàng Vịt Cỏ, thuở xưa sống yên bình ở Đầm Lác bên phương Đông xa xôi chói ngời ánh nắng”.
(Theo http://nguyenhoalu.wordpress.com)