Ngày 11/01/2018, tại Hội nghị giao ban công tác THADS quý I năm 2018, lãnh đạo Cục THADS đã chỉ đạo: “Mỗi Chi cục chọn 01 xã, phường, thị trấn trên địa bàn, nơi có lượng án nhiều, khó khăn, phức tạp để tập trung chỉ đạo công tác THADS - “xã điểm” - nhằm tạo sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan THADS với cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị cho công tác THADS; tạo động lực lan tỏa đến các địa bàn khác”. Đồng thời, giao cho Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án chỉ đạo, hướng dẫn các Chi cục thực hiện; yêu cầu các Chi cục rà soát, lựa chọn, đăng ký xã điểm; trên cơ sở đó, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể tổ chức Hội nghị triển khai công tác THADS tại các xã điểm.
Sau 01 năm triển khai thực hiện mô hình “xã điểm”, THADS tỉnh Lạng Sơn đã đạt nhiều kết quả nổi bật, khẳng định đây là cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Nhiều huyện đã tổ chức đánh giá, sơ kết và nhân rộng mô hình này.
Trong khuôn khổ bài viết, tác giả phân tích, đánh giá kết quả triển khai mô hình “xã điểm” tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, từ đó, kiến nghị, đề xuất nhằm chia sẻ mô hình, cách làm để giúp cho công tác THADS đạt hiệu quả cao nhất.
1. Hữu Lũng là huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Lạng Sơn, phía Đông và phía Nam giáp các huyện Lục Nam, Lạng Giang của tỉnh Bắc Giang; phía Tây giáp huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang và huyện Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên; phía Bắc giáp huyện Chi Lăng, Văn Quan và huyện Bắc Sơn của tỉnh Lạng Sơn. Huyện có diện tích khoảng 804 km2, có 25 xã và 01 thị trấn gồm 247 thôn, khu phố; dân số trên 117 nghìn người, gồm 07 dân tộc chủ yếu cùng đoàn kết sinh sống là Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Dao, Hoa, Sán Chỉ.
Huyện Hữu Lũng có địa bàn rộng, kinh tế phát triển, có giao thông đường bộ là quốc lộ 1A và đường sắt liên vận quốc tế đi qua, tình hình tội phạm xảy ra nhiều, tuyến đường cao tốc đang triển khai thực hiện nên nhiều gia đình được đền bù số tiền lớn dẫn đến tệ nạn cờ bạc, cá cược, đề đóm gia tăng, nhiều vụ án đánh bạc bị bắt và xét xử với số lượng rất lớn đối tượng tham gia nên số lượng hồ sơ thi hành án phải thi hành lớn. Trong năm 2018, tổng số việc phải thi hành khoảng 1.200 việc, số tiền phải thi hành là gần 9,5 tỷ đồng. Tuy số tiền phải thi hành không phải là lớn, nhưng số vụ việc tương đối nhiều, phức tạp.
Sau khi có chỉ đạo của Cục THADS tỉnh Lạng Sơn, Chi cục THADS huyện Hữu Lũng đã họp bàn và thống nhất lựa chọn địa bàn xã Minh Sơn để triển khai thực hiện mô hình xã điểm về THADS. Xã Minh Sơn là địa bàn cửa ngõ của huyện Hữu Lũng, giáp ranh với nhiều xã của huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, số lượng vụ việc thi hành án tại xã Minh Sơn so với các xã, thị trấn trong huyện tuy không nhiều, lượng tiền phải thi hành án không lớn, nhưng đây là một trong các xã có nhiều vụ việc THADS mà đương sự cố tình chây ỳ, không tự nguyện thi hành án hoặc người phải thi hành án là đối tượng nghiện ma túy, trộm cắp tài sản, phạm tội nhiều lần, đang phải chấp hành hình phạt tù tại trại giam không có tài sản hoặc không rõ địa chỉ, chưa có điều kiện thi hành nên tồn đọng nhiều hồ sơ thi hành án khó giải quyết. Sau khi chọn xã điểm, Chi cục THADS huyện đã báo cáo xin chủ trương và tham mưu Ban Chỉ đạo THADS huyện ban hành văn bản chỉ đạo chung đến các xã trong toàn huyện Hữu Lũng về công tác phối hợp trong THADS.
Ngày 07/3/2018, Chi cục THADS huyện Hữu Lũng đã phối hợp với Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Công an xã Minh Sơn tổ chức hội nghị triển khai nội dung xã điểm về THADS tới các trưởng, phó thôn, công an viên về nội dung phối hợp công tác THADS trên địa bàn xã điểm để giải quyết những hồ sơ vụ việc thi hành án mới thụ lý theo quy định của pháp luật, đồng thời tập trung tăng cường giải quyết đối với những hồ sơ khó thi hành, tồn đọng từ những năm trước.
2. Việc triển khai thực hiện mô hình xã điểm về THADS nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật Thi hành án dân sự, các văn bản liên quan, bảo đảm bản án có hiệu lực pháp luật được đưa ra thi hành và đảm bảo an ninh trật tự nông thôn đối với địa bàn xã điểm cũng như trên toàn huyện Hữu Lũng đã giúp cho Chi cục THADS rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan về công tác THADS cũng như việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện, Ban Chỉ đạo THADS huyện về lãnh đạo, chỉ đạo công tác THADS trên địa bàn huyện, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện Hữu Lũng năm 2018. Việc lựa chọn mô hình xã điểm về thi hành án tại xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng là cách làm thiết thực với phương châm “hướng về cơ sở”, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác THADS, đảm bảo bản án có hiệu lực pháp luật được chấp hành nghiêm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo quy định.
Qua triển khai mô hình xã điểm về công tác THADS tại xã Minh Sơn đã nâng cao nhận thức của người dân cũng như chính quyền địa phương về công tác THADS, ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của cơ quan THADS đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn huyện Hữu Lũng.
Sau khi triển khai tại xã điểm Minh Sơn, Chi cục THADS huyện Hữu Lũng đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động, giáo dục, thuyết phục, tuyên truyền pháp luật về THADS cho những người phải thi hành án. Sau 06 tháng triển khai và thực hiện, ngày 29/8/2018, tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã Minh Sơn, Chi cục THADS huyện Hữu Lũng tổ chức Hội nghị sơ kết mô hình xã điểm về THADS. Dự và chỉ đạo hội nghị có đại diện lãnh đạo Cục THADS tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo THADS huyện và sự tham gia của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện; Tòa án nhân dân huyện; Công an huyện cùng Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã; Trưởng, Phó Công an xã; trưởng, phó các thôn trên địa bàn xã Minh Sơn. Hội nghị sơ kết đã đánh giá, ngoài những hồ sơ vụ việc thi hành án mới thụ lý theo quy định của pháp luật đã được giải quyết xong thì trong thời gian qua, đánh giá kết quả đạt 54,2% về việc và 64% của số hồ sơ tồn đọng, khó giải quyết, trong đó có vụ việc kéo dài 12 năm thì nay đã được giải quyết (Bản án số 09/DSST ngày 03/7/2006 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn). Ngoài 24 hồ sơ tồn đọng, khó thi hành phải tập trung giải quyết, đến nay, Chi cục THADS huyện Hữu Lũng đã giải quyết xong 35 hồ sơ mới thụ lý khác tương ứng 102.400.000 đồng.
Sau khi rút kinh nghiệm từ xã điểm Minh Sơn, Chi cục THADS huyện Hữu Lũng đã tiếp tục tổ chức thực hiện “hướng về cơ sở” và triển khai tới các xã trên địa bàn huyện Hữu Lũng với nội dung tương tự như đã triển khai ở xã điểm Minh Sơn. Hội nghị triển khai tại các xã với các thành phần: Lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã; Trưởng, Phó Công an xã; cán bộ tư pháp, địa chính; trưởng, phó các thôn để tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền, phổ biến pháp luật THADS trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Hữu Lũng. Sau hội nghị đều có biên bản thông qua với những nội dung ký kết về phối hợp với cơ quan THADS trong công tác THADS tại địa phương. Kết quả là đến nay đã triển khai được trên địa bàn 15 xã của huyện Hữu Lũng và có kế hoạch tiếp tục triển khai tới 11 xã, thị trấn còn lại trong thời gian tới. Qua đó đã nâng cao nhận thức của người dân cũng như chính quyền địa phương về công tác THADS. Tại các hội nghị làm việc, Chi cục THADS huyện Hữu Lũng đã triển khai và đề nghị lãnh đạo Đảng ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an xã, các tổ chức đoàn thể, cán bộ cơ sở ở thôn, khu phố phối hợp với chấp hành viên, cán bộ cơ quan THADS tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án; tham gia xác minh, tống đạt giấy tờ, thông báo thi hành án và cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.
Năm 2018, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả của các cấp, các ngành như Tòa án nhân dân huyện, Viện kiểm sát nhân dân huyện, Công an huyện, cấp ủy Đảng, chính quyền xã cơ sở, lực lượng trưởng, phó thôn, công an viên các xã trong quá trình tổ chức thi hành án, Chi cục THADS huyện Hữu Lũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành đạt và vượt 04 chỉ tiêu kế hoạch do Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS giao cho đơn vị với kết quả cụ thể: (i) Về việc: Tổng số phải thi hành là 1.147 việc, trong đó, số cũ chuyển sang là 301 việc, số thụ lý mới là 846 việc. Kết quả xác minh, phân loại: Số có điều kiện giải quyết là 932 việc; số chưa có điều kiện giải quyết là 192 việc; số ủy thác là 23 việc. Trong số việc có điều kiện giải quyết, đã đình chỉ 35 việc, tạm đình chỉ 02 việc; giải quyết xong 841 việc, đạt tỷ lệ 93,99% (vượt chỉ tiêu 20,49%). Về chỉ tiêu giảm việc tồn: Vượt chỉ tiêu được giao, đạt tỷ lệ giảm 40% (vượt chỉ tiêu 34,5%). (ii) Về tiền: Tổng số phải thi hành là 9.397.297.000 đồng, trong đó, số cũ chuyển sang là 5.275.321.000 đồng, số thụ lý mới là 4.121.976.000 đồng. Kết quả xác minh, phân loại: Số có điều kiện giải quyết là 5.039.896.000 đồng và số chưa có điều kiện giải quyết là 3.794.986.000 đồng; số ủy thác là 562.415.000.000 đồng. Trong số tiền có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 3.178.638.000 đồng; đình chỉ là 212.568.000 đồng; xét giảm là 47.698.000 đồng; tạm đình chỉ là 2.297.000 đồng; đạt tỷ lệ: 68,23% (vượt chỉ tiêu 34,73%). Chỉ tiêu giảm tiền tồn: Vượt chỉ tiêu được giao, đạt tỷ lệ giảm 49% (vượt chỉ tiêu 43,5%).
Ngoài ra, công tác xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách theo quy định của pháp luật, đơn vị đã phối hợp với Tòa án nhân dân huyện, Viện kiểm sát nhân dân huyện thực hiện kịp thời. Kết quả là năm 2018 đã thực hiện miễn 23 hồ sơ thi hành án với số tiền 94.628.000 đồng, xét giảm 08 hồ sơ thi hành án tương ứng với tiền 47.697.000 đồng.
Bài học kinh nghiệm từ thực hiện mô hình “xã điểm”:
- Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, Tòa án nhân dân huyện, Viện kiểm sát nhân dân huyện, Công an huyện, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả của cấp ủy Đảng, chính quyền xã cơ sở, lực lượng trưởng, phó thôn, công an viên tại xã trong quá trình tổ chức thi hành án
- Thủ trưởng đơn vị cần quán triệt đơn vị và tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Cục THADS tỉnh Lạng Sơn, cân nhắc và lựa chọn, tập trung nguồn lực giải quyết các hồ sơ thi hành án trên địa bàn xã điểm đã lựa chọn.
- Trong quá trình triển khai, thủ trưởng đơn vị và chấp hành viên được phân công địa bàn cần phải thường xuyên bám sát địa bàn, thường xuyên liên lạc với địa phương, công an xã, trưởng, phó thôn để nắm rõ điều kiện, hoàn cảnh, tâm tư, ý kiến của người phải thi hành án cũng như thân nhân gia đình họ để phân loại hồ sơ hoặc có biện pháp giải quyết đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
- Định kỳ, chấp hành viên được phân công địa bàn làm việc với công an xã, trưởng, phó thôn để rà soát các đối tượng phải thi hành án đang chấp hành án treo hoặc các đối tượng đã chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương nhưng chưa thi hành xong nghĩa vụ dân sự, từ đó giáo dục, thuyết phục, đôn đốc thi hành dứt điểm hồ sơ vụ việc.
- Báo cáo kịp thời các vụ việc có khó khăn, phức tạp với Cục THADS, Ban Chỉ đạo THADS huyện, tranh thủ sự ủng hộ của các thành viên Ban Chỉ đạo, thường xuyên thông tin, trao đổi, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo đối với công tác THADS ở địa phương để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, chưa thống nhất cao trong Ban Chỉ đạo.
- Công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan trong THADS là hết sức cần thiết. Thực hiện tốt công tác phối hợp thì luôn nhận được những thông tin cần thiết để từ đó có cơ sở giải quyết việc thi hành án đảm bảo đúng theo trình tự và quy định của pháp luật, góp phần giúp Chi cục THADS hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn