1. Khái quát về chế định thừa kế
Đặc biệt, chế định thừa kế còn được các nhà làm luật quy định một cách chi tiết trong Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 và hiện nay là Bộ luật Dân sự năm 2015. Chế định thừa kế là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ về tài sản mà ở đây được gọi là di sản do người chết để lại. Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền thừa kế như sau: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”. Nói một cách đơn giản, chế định thừa kế xoay quanh vấn đề để lại di sản và hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Bản chất của thừa kế chính là sự dịch chuyển tài sản từ người chết sang người thừa kế. Như vậy, theo quy định trên, cá nhân có bốn quyền cơ bản sau: Một là, lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi chết; hai là, để lại tài sản cho người thừa kế theo pháp luật; ba là, hưởng di sản theo di chúc; bốn là, hưởng di sản theo pháp luật. Đối với chủ thể không là cá nhân thì chỉ có duy nhất một quyền đó là hưởng di sản theo di chúc.
Quan hệ về thừa kế xuất hiện thường xuyên trong hoạt động công chứng và tương đối phức tạp. Do vậy, để có thể giải quyết một cách chính xác, thấu đáo, bảo đảm an toàn pháp lý cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan, công chứng viên cần phải có nền tảng kiến thức vững vàng cùng với khả năng phân tích, áp dụng pháp luật một cách chặt chẽ, phù hợp với từng trường hợp khác nhau. Khi giải quyết bất kỳ tình huống thừa kế nào, thì điều đầu tiên là công chứng viên cần phải xác định rõ các yếu tố sau: Thời điểm mở thừa kế, người để lại di sản thừa kế, di sản thừa kế, người thừa kế và hình thức chia thừa kế.
Theo quy định của pháp luật, người để lại di sản ở đây chỉ có thể là cá nhân và chỉ khi một cá nhân có tài sản chết đi thì mới làm phát sinh mối quan hệ về thừa kế. Tài sản của một cá nhân chết đi hay còn gọi là di sản trong quan hệ về thừa kế có thể là tài sản riêng của người chết hoặc phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Để có thể xác định được đâu là tài sản chung và đâu là tài sản riêng, chúng ta cần áp dụng thêm các quy định khác về quyền sở hữu tài sản trong Bộ luật Dân sự cũng như chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình.
Về thời điểm mở thừa kế, Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này”. Như vậy, thời điểm mở thừa kế chính là thời điểm người để lại di sản chết được ghi rõ trong giấy chứng tử, trích lục khai tử hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế. Đối với trường hợp một người được Tòa án tuyên bố là đã chết thì việc xác định thời điểm mở thừa kế phải căn cứ vào quyết định của Tòa án. Đối với các công chứng viên, việc xác định một cách chính xác thời điểm mở thừa kế giữ vai trò hết sức quan trọng và là yếu tố tiên quyết trong việc xác định di sản thừa kế, người thừa kế cũng như thời hiệu thừa kế.
Kể từ thời điểm mở thừa kế, tức là kể từ thời điểm xảy ra sự kiện người để lại di sản chết, những người thừa kế sẽ có các quyền và nghĩa vụ tài sản do chính người chết để lại. Người thừa kế được đề cập ở đây được hiểu là cá nhân còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết; trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị. Đây là quy định được nêu tại Điều 613, Điều 614, Điều 619 Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thừa kế thế vị như sau: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”. Từ những quy định trên có thể thấy, pháp luật dân sự đã đưa ra những tiêu chí rất rõ ràng về việc xác định người thừa kế, tuy nhiên, các nhà làm luật vẫn dự trù thêm trường hợp ngoại lệ đề cao tính huyết thống nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng phát sinh từ chính mối quan hệ huyết thống đó như trường hợp thừa kế thế vị.
Về hình thức chia thừa kế, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hai hình thức đó là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Thừa kế theo di chúc là thừa kế theo ý chí của của chính người để lại di sản; còn thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
2. Một số vấn đề cần lưu ý
Bên cạnh việc xác định chính xác các yếu tố quan trọng nêu trên, mỗi công chứng viên khi tiến hành giải quyết các giao dịch dân sự có liên quan đến thừa kế cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, về từ chối nhận di sản
Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về từ chối nhận di sản như sau: “1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. 2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. 3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”. Pháp luật Việt Nam cho phép người thừa kế được quyền hưởng di sản thì cũng cho phép người thừa kế từ chối nhận chính di sản đó. Tuy nhiên, việc từ chối nhận di sản buộc phải tuân theo trình tự, thủ tục nhất định. Việc từ chối nhận di sản phải được thực hiện trước thời điểm phân chia di sản thông qua hình thức lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, người thừa kế khác cũng như người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. Ngoài ra, việc từ chối nhận di sản còn phải đáp ứng một điều kiện quan trọng đó là việc từ chối không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Ở đây, khi công chứng văn bản từ chối nhận di sản, công chứng viên cần xác định rõ như thế nào là trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Nghĩa vụ tài sản được quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 phải được hiểu một cách chính xác là nghĩa vụ của chính người thực hiện việc từ chối nhận di sản đó chứ không phải là nghĩa vụ do người chết để lại hay nghĩa vụ của bất kỳ chủ thể nào khác có liên quan. Tuy nhiên, trong thực tiễn hành nghề công chứng, vẫn có trường hợp công chứng viên từ chối công chứng văn bản từ chối nhận di sản của người thừa kế đối với di sản là tài sản hiện đang thế chấp tại ngân hàng. Áp dụng quy định tại Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”, công chứng viên cho rằng, kể từ thời điểm mở thừa kế, tất cả các quyền và nghĩa vụ tài sản do người chết để lại sẽ chuyển giao cho người thừa kế, do vậy, nghĩa vụ tài sản đối với ngân hàng do người chết để lại cũng sẽ chuyển giao cho người thừa kế và việc từ chối nhận di sản trong trường hợp này là trốn tránh nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Tuy nhiên, việc vận dụng pháp luật như vậy là chưa chính xác. Trước tiên, chúng ta cần xác định pháp luật cho phép người thừa kế được quyền hưởng di sản chứ không bắt buộc người thừa kế phải hưởng di sản do người chết để lại và nội hàm của Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2015 là để xác định thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế. Quyền và nghĩa vụ luôn đi đôi với nhau, khi người thừa kế hưởng di sản do người chết để lại thì đồng nghĩa với việc họ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại trong phạm vi di sản mà họ được hưởng trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại: “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”, các nhà làm luật sử dụng thuật ngữ “người hưởng thừa kế” thay vì “người thừa kế” và Điều 622 Bộ luật Dân sự năm 2015 về tài sản không có người nhận thừa kế: “Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước” đã đưa ra cách xử lý tài sản còn lại sau khi thực hiện xong nghĩa vụ về tài sản trong trường hợp có người thừa kế nhưng đã từ chối nhận di sản. Từ những quy định trên, chúng ta có thể khẳng định rằng, người thừa kế không bắt buộc phải hưởng di sản trong trường hợp có tồn tại nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại và có quyền từ chối nhận di sản nếu đáp ứng được điều kiện không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản của mình đối với người khác.
Thứ hai, thừa kế thế vị
Bộ luật Dân sự đưa ra tiêu chí cụ thể để xác định người thừa kế bao gồm hai trường hợp như sau: Đối với người thừa kế là cá nhân thì phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết; đối với người thừa kế không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, đối với người thừa kế là cá nhân, pháp luật quy định thêm một trường hợp ngoại lệ tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thừa kế thế vị như sau: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Ví dụ: Ông A và vợ là bà B có con là C, C có con là D. Năm 2019, ông A, bà B và C cùng bị tại nạn và chết cùng một thời điểm. Ông A và bà B chết để lại số tiền là 500 triệu đồng. Trong trường hợp này, áp dụng theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì cháu là D sẽ được hưởng di sản thừa kế số tiền 500 triệu đồng từ ông bà là A và B.
Xét theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 về người thừa kế theo pháp luật thì D sẽ thuộc hàng thừa kế thứ hai. Tuy nhiên, ở tình huống này, mặc dù D là cháu của A và B nhưng D vẫn là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất với vai trò hưởng thay phần di sản mà đáng lẽ ra C (người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất) sẽ được hưởng nếu còn sống. Như vậy, cần lưu ý trường hợp trên để không nhầm lẫn giữa các hàng thừa kế với nhau cũng như hiểu đúng nội hàm của điều luật về thừa kế thế vị.
Bên cạnh đó, quy định về thừa kế thế vị chỉ được áp dụng đối với hình thức thừa kế theo pháp luật chứ không được áp dụng trong trường hợp chia theo di chúc. Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc như sau: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Di chúc là sự thể hiện ý chí chủ quan của chính người để lại di sản, người lập di chúc đã chỉ định người được quyền hưởng di sản thừa kế theo mong muốn của mình. Do vậy, nếu con là người được hưởng di sản theo di chúc mà chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì di sản đó sẽ được chia theo di chúc chứ không xảy ra trường hợp thừa kế thế vị như tình huống nêu trên. Đó cũng là lý do vì sao mà các nhà làm luật lại đưa điều luật về thừa kế thế vị vào chương thừa kế theo pháp luật.
Phòng Công chứng số 1 tỉnh Gia Lai