Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích, đánh giá làm rõ một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trong quy định về quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác.
Abstract: The article focuses on analyzing and evaluating and clarifying some new points of the Law on Environmental Protection of 2020 in regulations on waste management and control of other pollutants.
Quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác là một trong những vấn đề rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường (BVMT) bởi quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác được thực hiện hiệu quả thì hoạt động BVMT mới được bảo đảm. Do đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã dành nhiều sự quan tâm trong vấn đề sửa đổi, bổ sung và hoàn chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm. Có thể thấy rằng, những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã mang lại nhiều ý nghĩa tích cực trong hoạt động quản lý chất thải và kiểm soát chất ô nhiễm. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có sự điều chỉnh trong quy định về cách đặt tên tiêu đề đối với chương điều chỉnh về quản lý chất thải; bổ sung thêm những quy định theo hướng tạo được sự thống nhất về yêu cầu trách nhiệm quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường của chủ nguồn thải; đưa ra được những quy định mang tính sửa đổi trên tinh thần phù hợp và thống nhất trong yêu cầu chung về hoạt động quản lý nước thải; bổ sung thêm quy định về quản lý và kiểm soát mùi khó chịu. Có thể thấy rằng, đối với quá trình lập pháp, những điểm mới này đã chứng minh được tư tưởng tiến bộ của nhà lập pháp khi đã kịp thời thay đổi, bổ sung những quy định mới để phù hợp hơn với sự thay đổi của xã hội, thích ứng với tình hình thực tế, đặc biệt là vấn đề BVMT trong hoạt động quản lý chất thải và kiểm soát chất ô nhiễm.
1. Thay đổi tên gọi đối với chương quản lý chất thải theo hướng mở rộng, bổ sung thêm nội dung kiểm soát các chất ô nhiễm khác
So với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có sự thay đổi trong quy định về cách đặt tên chương trong phần điều chỉnh về nội dung quản lý chất thải. Cụ thể, tại Chương IX Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã quy định sử dụng thuật ngữ của chương là “Quản lý chất thải” nhưng đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì tên chương thay đổi thành “Quản lý chất thải và kiểm soát các chất gây ô nhiễm khác”. Như vậy, cách thay đổi trong quy định này đã mở rộng phạm vi quản lý của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, tức là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 không chỉ tập trung vào việc quản lý chất thải mà còn bổ sung thêm hoạt động kiểm soát các chất ô nhiễm khác. Việc bổ sung này là cần thiết bởi sẽ tạo điều kiện giúp cho hoạt động quản lý chất thải được thực hiện một cách toàn diện, không bỏ sót nguồn ô nhiễm có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
2. Yêu cầu thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường được quy định theo hướng linh hoạt về cách thức quản lý
So với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 không đưa ra quy định chung về trách nhiệm của chủ nguồn thải mà chỉ đưa ra trách nhiệm cụ thể của chủ nguồn thải đối với từng loại chất thải. Cụ thể, trách nhiệm của chủ nguồn thải đối với từng loại chất thải được quy định tại Điều 90, Điều 91 đối với chất thải nguy hại; Điều 95, Điều 97 đối với chất thải rắn thông thường; Điều 101 đối với nước thải; Điều 102, Điều 103 đối với bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ. Còn trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, khác với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật này đã đưa ra yêu cầu chung đối với quản lý chất thải, trong đó quy định rõ trách nhiệm của chủ nguồn thải và các tổ chức, cá nhân liên quan. Cụ thể:
- Đối với chủ nguồn thải: Chủ nguồn thải chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm tự mình tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc có thể chuyển giao cho cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp để xử lý[1]. Theo cách quy định này, có thể hiểu, chủ nguồn thải chất thải nguy hại, chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường sẽ có hai lựa chọn trọng việc trong việc quản lý chất thải, đó là tự mình quản lý chất thải hoặc chuyển giao cho các chủ thể đáp ứng đủ yêu cầu thay mình quản lý. Tức là, tùy thuộc vào điều kiện của từng chủ nguồn thải mà họ có thể lựa chọn cách tự quản lý trực tiếp hay quản lý gián tiếp thông qua việc chuyển giao. Đây là một dạng quy định mang tính tùy nghi theo hướng tạo sự thuận lợi cho chủ nguồn thải. Quy định này không mang tính chất bắt buộc mà theo hướng chủ nguồn thải có điều kiện phù hợp với trách nhiệm nào thì sẽ áp dụng trách nhiệm đó, tuy nhiên, phải bảo đảm rằng, sự phù hợp này là đúng đắn và không trái quy định pháp luật. Ngoài ra, chủ nguồn thải còn phải có trách nhiệm trong việc phân định chất thải giữa chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường bằng cách thông qua hoạt động lấy, phân tích mẫu do cơ sở có chức năng, đủ năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật[2].
- Đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định đặt ra trách nhiệm vận chuyển chất thải cho tổ chức, cá nhân vận chuyển theo hướng được lựa chọn. Cụ thể, tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý có trách nhiệm vận chuyển chất thải đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân vận chuyển khác để vận chuyển đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp[3]. Như vậy, với cách quy định này, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã cho phép tổ chức, cá nhân vận chuyển có thể lựa chọn một trong hai cách thức, hoặc tự mình vận chuyển chất thải đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp; hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân vận chuyển khác để vận chuyển đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp. Cách quy định này là linh hoạt và cần thiết, bởi khi cho phép các tổ chức, cá nhân vận chuyển được quyền lựa chọn trong việc trực tiếp hoặc chuyển giao trách nhiệm thực hiện việc vận chuyển sẽ giúp tạo được điều kiện tốt nhất có thể cho việc vận chuyển được thực hiện dễ dàng.
Như vậy, có thể thấy rằng, nếu như cách quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chưa tạo ra được sự đồng bộ trong vấn đề quản lý chất thải thì Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã khắc phục được vấn đề này bằng cách quy định bổ sung về các yêu cầu chung của chủ nguồn thải và các chủ thể có liên quan đến quản lý chất thải. Sự bổ sung này sẽ không chỉ khắc phục được sự hạn chế, rời rạc trong cách quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 mà còn giúp tạo được sự thống nhất về quy định trách nhiệm cho cả chủ nguồn thải và các chủ thể có liên quan trong hoạt động quản lý chất thải, từ đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát tối đa vấn đề xử lý chất thải, tăng hiệu quả quản lý môi trường.
3. Yêu cầu chung trong hoạt động quản lý nước thải được quy định bổ sung, cụ thể
Về vấn đề quản lý nước thải, nếu như trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 tại Điều 99 chỉ quy định hai yêu cầu về quản lý nước thải thì đến Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu (Nghị định số 38/2015/NĐ-CP), trong quy định về nguyên tắc quản lý nước thải đã có sự thay đổi theo hướng mở rộng khi đã bổ sung thành bốn nguyên tắc tại Điều 36. Đến khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được ban hành và thông qua, số lượng yêu cầu trong quản lý nước thải được ghi nhận trong Luật này đã có sự sửa đổi, bổ sung về mặt nội dung và điều này được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 72.
Như vậy, cách quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chỉ mới dừng lại ở việc chỉ đưa ra hai quy định chung về quản lý nước thải so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 khá ngắn gọn cả về nội dung lẫn hình thức, điều này đã gây ra nhiều bất cập và khó khăn khi áp dụng Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 vào hoạt động quản lý nước thải. Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng này, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có sự thay đổi trong cách quy định để phù hợp, rõ ràng và thống nhất hơn theo hướng đưa ra bốn yêu cầu trong hoạt động quản lý nước thải. Cụ thể:
Một là, nước thải phải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả ra nguồn tiếp nhận: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung thời điểm của việc thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường của nước thải. Cụ thể là, việc thu gom, xử lý nước thải phải được thực hiện trước khi xả ra môi trường tiếp nhận. Trước đó, cả Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP cũng chưa quy định cụ thể về thời điểm thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường khi xả thải. Sự bổ sung này của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã cho thấy được sự tiến bộ khi quy định theo hướng phù hợp với tình hình thực tiễn. Thực tế, nếu không quy định rõ về thời điểm thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường khi xả thải trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn liên quan thì các chủ nguồn thải có thể tự lựa chọn thời điểm và có lý do để phủ nhận hành vi vi phạm của mình. Trong trường hợp, nếu việc xử lý nước thải này xảy ra sau khi các chủ nguồn thải đã xả thải ra ngoài và môi trường tự nhiên đã tiếp nhận thì việc xử lý sẽ không còn ý nghĩa. Do vậy, sự bổ sung này là rất cần thiết bởi điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc theo hướng đặt ra trách nhiệm và tạo được sự ràng buộc rõ ràng cho chủ nguồn thải trong hoạt động quản lý nước thải.
Hai là, nước thải được khuyến khích tái sử dụng khi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và mục đích sử dụng nước: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 không đề cập đến yêu cầu này nhưng Nghị định số 38/2015/NĐ-CP lại có quy định “khuyến khích các hoạt động nhằm giảm thiểu, tái sử dụng nước thải”[4]. Tuy nhiên, Nghị định này chỉ mới dừng lại ở việc nêu ra chứ chưa quy định cụ thể về điều kiện của việc áp dụng nguyên tắc này. Do đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã kịp thời bổ sung theo hướng quy định cụ thể đó là nước thải được khuyến khích tái sử dụng khi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và mục đích sử dụng nước. Sự bổ sung này là phù hợp, bởi vì, nếu tái sử dụng nhưng không đáp ứng điều kiện thì điều này sẽ đi ngược lại bản chất của tái sử dụng. Việc khuyến khích tái sử dụng nước thải là nhằm mục đích sử dụng lại nước thải để không lãng phí nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên, nếu việc tái sử dụng không đem lại hiệu quả và không đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường cũng như không phù hợp với mục đích sử dụng nước thì nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường là rất lớn. Do vậy, khi thực hiện việc tái sử dụng nước thải, người dân cần phải cân nhắc, xem xét nhiều mặt để việc tái sử dụng thực sự đem lại hiệu quả.
Ba là, nước thải có chứa thông số môi trường nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại: Yêu cầu này khác về mặt nội dung so với quy định chung về quản lý nước thải trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014: “Nước thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại”[5]. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã sử dụng cụm từ “thông số môi trường nguy hại” thay cho cụm từ “yếu tố nguy hại” của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Như vậy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã cụ thể yếu tố nguy hại bằng cách dựa vào thông số môi trường nguy hại. Việc quy định theo hướng thay đổi “yếu tố nguy hại” thành “thông số môi trường nguy hại” sẽ giúp tạo được cơ sở căn cứ chính xác trong việc quản lý nước thải. Vì thực tế, có rất nhiều tiêu chuẩn đưa ra để đánh giá về yếu tố nguy hại và tất nhiên, điều này sẽ là lỗ hổng khi chủ thể quản lý nước thải muốn trốn tránh trách nhiệm. Bởi thực tế, sẽ có trường hợp chủ thể quản lý nước thải có thể cố tình lựa chọn một yếu tố có mức độ nhẹ hơn để nước thải do họ phát sinh không bị quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại. Vì vậy, chính sự thay đổi trong cách quy định này sẽ giúp việc quản lý nước thải đạt được hiệu quả và giúp cơ quan có thẩm quyền dễ dàng đánh giá nước thải có thuộc nước thải nguy hại hay không.
Bốn là, việc xả nước thải sau xử lý ra môi trường phải được quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phù hợp với khả năng chịu tải của môi trường tiếp nhận: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung điều kiện của việc xả nước thải sau xử lý ra môi trường mà Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã không quy định. Cụ thể, điều kiện này là phải được quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phù hợp với khả năng chịu tải của môi trường tiếp nhận. Như vậy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định theo hướng việc xả nước thải sẽ phải chịu sự quản lý cụ thể theo pháp luật môi trường và phụ thuộc vào sức chứa của môi trường tiếp nhận. Trường hợp xả nước thải vượt quá sức chịu đựng của môi trường thì cần đưa ra phương án khác phù hợp hơn với tình hình thực tế. Cách quy định này là cần thiết bởi điều này đã tạo ra được căn cứ pháp lý cần thiết để phục vụ cho việc quản lý nước thải hiệu quả trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu của quy định pháp luật và bảo vệ môi trường.
4. Nội dung về quản lý và kiểm soát mùi khó chịu được chính thức quy định rõ ràng
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chưa có quy định cụ thể về kiểm soát mùi khó chịu, chỉ đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mới có sự bổ sung thêm quy định về kiểm soát mùi khó chịu trong hoạt động quản lý chất thải. Theo đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm giảm thiểu, thu gom, xử lý mùi khó chịu, bảo đảm không để rò rỉ, phát tán và giữ khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư (điểm d khoản 1; điểm d khoản 2 Điều 53); hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm phải bảo đảm vệ sinh, không phát tán mùi khó chịu đối với chuồng trại chăn nuôi (khoản 2 Điều 61); tổ chức cá nhân trong khu dân cư gây ra mùi khó chịu phải thực hiện biện pháp giảm thiểu, không làm tác động xấu đến cộng đồng dân cư. Như vậy, có thể thấy rằng, so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có sự thay đổi đáng kể khi lần đầu tiên bổ sung quy định về kiểm soát mùi khó chịu vào hoạt động quản lý chất thải. Điều này là cần thiết, bởi hiện nay, trên thực tế, vấn đề ô nhiễm môi trường bởi mùi khó chịu gây ra rất phổ biến, điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà con đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và quyền được sống trong môi trường trong lành của con người. Chính vì vậy, việc Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bổ sung thêm quy định về quản lý, kiểm soát mùi khó chịu là điều quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cần thiết để phục vụ cho việc kiểm soát, quản lý các loại chất thải và chất ô nhiễm một cách hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, sự bổ sung này chưa đi sâu vào quy định cụ thể, do đó để các quy định này thực sự phát huy được tính hiệu quả thì đòi hỏi pháp luật môi trường cần phải tiếp tục được hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể hơn nữa về vấn đề này để bảo đảm tính khả thi trong quá trình áp dụng.
Có thể nói, bên cạnh những đóng góp tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã bộc lộ một số bất cập và hạn chế nhất định. Vì vậy, để khắc phục, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã kịp thời sửa đổi, bổ sung và đưa ra một số quy định mới mang lại nhiều ý nghĩa đối với hoạt động quản lý chất thải và bảo vệ môi trường. Điểm mới đáng chú ý của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính là quy định một cách cụ thể về yêu cầu quản lý chất thải theo hướng linh hoạt, tùy nghi, bổ sung thêm yêu cầu chung về quản lý nước thải, đặc biệt là ghi nhận quy định hoàn toàn mới về kiểm soát mùi khó chịu, từ đó mang lại nhiều ý nghĩa tích cực trong hoạt động quản lý chất thải và kiểm soát chất ô nhiễm.
ThS. Trần Linh Huân
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
ThS. Phạm Thị Hồng Tâm
Trường Đại học Phan Thiết
[1]. Điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
[2]. Điểm c khoản 1 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
[3]. Điểm đ khoản 1 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
[4]. Khoản 4 Điều 36 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
[5]. Khoản 2 Điều 99 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.