Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích, đánh giá làm rõ một số điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 trong quy định về doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở so sánh với Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Abstract: The article focuses on analyzing, evaluating and clarifying a number of new points of the 2020 Enterprise Law in the regulations on state-owned enterprises on the basis of comparison with the 2014 Enterprise Law.
1. Khái niệm doanh nghiệp nhà nước
Trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có sự thay đổi về khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) so với Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”[1], tuy nhiên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này”[2]. Như vậy, theo cách định nghĩa của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì DNNN được hiểu là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nhưng theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì khái niệm DNNN đã được sửa đổi theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã xác định rõ DNNN gồm:
(i) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, những doanh nghiệp được xem là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong trường hợp này bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
(ii) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Theo đó, những doanh nghiệp được xem là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trong trường hợp này bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Như vậy, với cách định nghĩa của Luật Doanh nghiệp năm 2020, để được xem là DNNN thì doanh nghiệp này phải do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Sự thay đổi trong cách quy định về khái niệm DNNN này vừa phù hợp, bám sát với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước[3], vừa đa dạng hóa các loại hình DNNN để thu hút các nhà đầu tư chiến lược với nguồn vốn dồi dào cũng như góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn việc sử dụng vốn nhà nước trong các DNNN. Bởi, khi Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ sẽ cho phép DNNN hoạt động dưới các loại hình đa dạng hơn bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần[4]. Điều này sẽ giúp DNNN có cơ hội thực hiện các kênh huy động vốn đa dạng, tiếp cận nhanh chóng các nguồn lực từ khu vực tư nhân để thực hiện và phát triển các mục tiêu của doanh nghiệp. Đồng thời, việc giữ tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn điều lệ cũng đã đủ bảo đảm quyền chi phối trực tiếp việc ra các quyết định thông thường (chỉ yêu cầu tỷ lệ trên 50%) và chi phối gián tiếp việc ra một số các quyết định khác (yêu cầu tỷ lệ 65%) của DNNN.
2. Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên
So với Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ quy định thành viên Hội đồng thành viên phải làm việc theo chế độ chuyên trách[5]. Đồng thời, thay vào đó “trừ Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên khác của Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc, Tổng giám đốc công ty đó hoặc công ty khác không phải là doanh nghiệp thành viên theo quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu”[6]. Việc Luật Doanh nghiệp năm 2020 bỏ đi quy định thành viên Hội đồng thành viên tại các DNNN phải làm việc theo chế độ chuyên trách là cần thiết bởi quy định này không rõ ràng, khó áp dụng thống nhất trên thực tế[7]. Ngoài ra, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, về nguyên tắc, một cá nhân sẽ được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc thành viên Hội đồng thành viên tại các DNNN với thời hạn không quá 05 năm và không quá 02 nhiệm kỳ tại một công ty nhưng nếu cá nhân này đã có trên 15 năm làm việc liên tục tại công ty đó trước khi được bổ nhiệm lần đầu thì sẽ không bị ràng buộc bởi quy định giới hạn 02 nhiệm kỳ. Đây là điểm mới và tiến bộ của Luật Doanh nghiệp năm 2020 so với Luật Doanh nghiệp năm 2014, quy định này giúp tận dụng, phát huy được năng lực của những nhân sự có nhiều gắn bó, cống hiến tại doanh nghiệp.
Về tiêu chuẩn và điều kiện đối với thành viên Hội đồng thành viên tại DNNN, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định bổ sung thêm các đối tượng không được xem xét bổ nhiệm vào Hội đồng thành viên. Theo đó, ngoài các trường hợp được quy định tại Điều 92 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì những đối tượng thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng sẽ không được bổ nhiệm vào vị trí thành viên Hội đồng thành viên tại các DNNN. Việc Luật Doanh nghiệp năm 2020 mở rộng thêm các đối tượng nêu trên không được xem xét bổ nhiệm vào vị trí thành viên Hội đồng thành viên tại các DNNN là cần thiết, bởi điều này giúp loại bỏ được những trường hợp không đáp ứng được các tiêu chuẩn, năng lực, sức khỏe hoặc có khả năng mang lại những nguy cơ rủi ro cho DNNN nếu để họ tham gia vào việc quản lý, điều hành các doanh nghiệp này. Ngoài ra, về vấn đề cách chức Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng quy định rõ đối với trường hợp Chủ tịch hoặc thành viên khác của Hội đồng thành viên bị truy tố và bị buộc tội thì người này chỉ bị cách chức khi bị Tòa án kết án và bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật[8]. Cách quy định này cụ thể, rõ ràng, hợp lý và thuyết phục hơn so với cách quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014[9] bởi một người chỉ được xem là có tội khi có quyết định hoặc bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
3. Chủ tịch công ty
Chế định Chủ tịch công ty được ghi nhận trong mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Chủ tịch công ty tại các DNNN do cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm theo quy định của pháp luật, có nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Mỗi cá nhân chỉ được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch công ty không quá 02 nhiệm kỳ, tuy nhiên điều này không áp dụng đối với trường hợp người được bổ nhiệm đã có trên 15 năm làm việc liên tục tại công ty đó trước khi được bổ nhiệm lần đầu[10]. Việc Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định không giới hạn 02 nhiệm kỳ đối với người được bổ nhiệm đã có trên 15 năm làm việc liên tục tại công ty đó trước khi được bổ nhiệm lần đầu là một quy định mới và tiến bộ so với Luật Doanh nghiệp năm 2014. Bởi quy định này cho phép DNNN tận dụng và phát huy năng lực của những nhân sự có nhiều gắn bó, cống hiến tại doanh nghiệp. Hơn nữa, con số 15 năm là khoảng thời gian đủ lâu để một người tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng trong công việc cũng như chứng minh sự tận tụy, trung thành vì lợi ích của doanh nghiệp và có thể giao nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp trong nhiều nhiệm kỳ nếu họ vẫn tiếp tục được tín nhiệm.
Bên cạnh đó, theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, Chủ tịch công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ngoài thực hiện các trách nhiệm được quy định tại Điều 83 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì còn phải có trách nhiệm thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho chủ sở hữu công ty về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối[11]. Điều này khác so với Luật Doanh nghiệp năm 2014, bởi tại khoản 4 Điều 83 Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ quy định, Chủ tịch công ty có trách nhiệm: “Thông báo kịp thời, đầy đủ và chính xác cho công ty về doanh nghiệp mà họ và người có liên quan của họ làm chủ sở hữu hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối”. Việc Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định bắt buộc Chủ tịch công ty phải có trách nhiệm thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho chủ sở hữu công ty theo như quy định tại khoản 4 Điều 83 Luật Doanh nghiệp 2020 là một quy định mới so với Luật Doanh nghiệp năm 2014. Quy định này bảo đảm sự quản lý, giám sát kịp thời, hiệu quả của chủ sở hữu đối với DNNN cũng như Chủ tịch công ty, từ đó giúp xác định, kiểm soát và hạn chế được các vấn đề rủi ro, thất thoát có khả năng xảy ra tại DNNN trước các nguy cơ bị chi phối từ những mối quan hệ có liên quan.
4. Giám đốc, Tổng giám đốc
Giám đốc, Tổng giám đốc có vị trí quan trọng trong việc điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có quy định về tiêu chuẩn và điều kiện để một người được bổ nhiệm làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc DNNN.
So với Luật Doanh nghiệp năm 2014, các tiêu chí và điều kiện để xem xét bổ nhiệm một người vào vị trí Giám đốc hoặc Tổng giám đốc về cơ bản là giống với các tiêu chuẩn, điều kiện được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp năm 2014[12]. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có sự quy định mở rộng hơn về các đối tượng không được xem xét bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Theo đó, ngoài các đối tượng được quy định tại Điều 100 Luật Doanh nghiệp năm 2014; đối tượng là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc và kế toán trưởng của công ty, kiểm soát viên công ty; Luật Doanh nghiệp năm 2020 còn bổ sung thêm những đối tượng thuộc trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng không được xem xét bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc hoặc Tổng giám đốc tại các DNNN. Việc Luật Doanh nghiệp năm 2020 mở rộng thêm các đối tượng không thuộc trường hợp được xem xét bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc hoặc Tổng giám đốc như trên là cần thiết, bởi điều này giúp sàng lọc, lựa chọn được những ứng cử viên đáp ứng được các tiêu chuẩn, năng lực, sức khỏe để bảo đảm việc điều hành doanh nghiệp hiệu quả trên cơ sở hạn chế được những rủi ro tiềm ẩn có khả năng xảy ra.
5. Thành viên Hội đồng quản trị
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và công ty con của DNNN tồn tại dưới hình thức công ty cổ phần, ngoài những điều kiện được quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 155 thì còn đòi hỏi thành viên Hội đồng quản trị không được là người có quan hệ gia đình của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ[13]. Như vậy, theo nội dung quy định này, để đáp ứng tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và công ty con của DNNN dưới hình thức công ty cổ phần thì đòi hỏi ứng viên không phải là vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, anh ruột của vợ, anh ruột của chồng, chị ruột của vợ, chị ruột của chồng, em ruột của vợ, em ruột của chồng của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty, hoặc của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ. Từ quy định trên, có thể thấy rằng, so với Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có sự quy định mở rộng hơn về đối tượng được xem là người có quan hệ gia đình, theo đó, đối tượng được xem là người có quan hệ gia đình không chỉ là vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu mà còn bao gồm cả các đối tượng là bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con rể, con dâu, anh ruột của vợ, anh ruột của chồng, chị ruột của vợ, chị ruột của chồng, em ruột của vợ, em ruột của chồng. Thực tế, thời gian qua đã xảy ra trường hợp các đối tượng tận dụng kẽ hở của pháp luật trong việc chưa bao quát hết những người được xem là có quan hệ gia đình để xác lập, thực hiện các hợp đồng, giao dịch gây thất thoát cho DNNN. Vì vậy, việc mở rộng thêm các đối tượng được xem là người có quan hệ gia đình trong trường hợp này là cần thiết và phù hợp, bởi điều này sẽ giúp hạn chế được tình trạng thành viên Hội đồng quản trị nói riêng và người đóng vai trò quản lý nói chung có thể thông đồng với những người có quan hệ gia đình nêu trên để trục lợi hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến DNNN.
6. Ban kiểm soát; tiêu chuẩn, điều kiện của kiểm soát viên và Trưởng Ban kiểm soát
Ban kiểm soát đóng vai trò quan trọng và là một bộ phận không thể thiếu trong các DNNN với chức năng là giám sát công việc quản lý, điều hành tại các doanh nghiệp này. So với Luật Doanh nghiệp năm 2014, vấn đề thành lập Ban kiểm soát được quy định trong Chương IV về DNNN của Luật Doanh nghiệp năm 2020 có sự thay đổi nhất định. Theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì: “Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định bổ nhiệm 01 kiểm soát viên hoặc thành lập Ban kiểm soát gồm 03 đến 05 kiểm soát viên. Nhiệm kỳ kiểm soát viên không quá 05 năm và được bổ nhiệm lại nhưng mỗi cá nhân chỉ được bổ nhiệm làm kiểm soát viên của một công ty không quá 02 nhiệm kỳ”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 103 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì: “Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 kiểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban kiểm soát. Nhiệm kỳ kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục tại công ty đó. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 kiểm soát viên thì kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát”. Như vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định bắt buộc phải thành lập Ban kiểm soát và Ban này có thể có từ 01 đến 05 kiểm soát viên và không còn áp dụng cơ chế như Luật Doanh nghiệp năm 2014 đưa ra đó là có thể bổ nhiệm 01 kiểm soát viên hoặc thành lập Ban kiểm soát từ 03 đến 05 kiểm soát viên.
Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có sự quy định cụ thể, rõ ràng hơn về vấn đề thành lập Ban kiểm soát đối với các loại hình DNNN. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Doanh nghiệp năm 2020, đối với DNNN tồn tại dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì bắt buộc phải thành lập Ban kiểm soát[14]. Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 kiểm soát viên, nhiệm kỳ kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 kiểm soát viên thì kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát. Bên cạnh đó, đối với DNNN tồn tại dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cũng bắt buộc phải thành lập Ban kiểm soát. Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, tiêu chuẩn, điều kiện, miễn nhiệm, bãi nhiệm, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Ban kiểm soát trong mô hình DNNN này sẽ được thực hiện tương ứng theo quy định tại Điều 65 Luật Doanh nghiệp năm 2020[15]. Đây là những quy định mới so với Luật Doanh nghiệp năm 2014 và phù hợp với yêu cầu đổi mới tổ chức quản trị, kiểm soát DNNN. Quy định này đã khẳng định vai trò của Ban kiểm soát trong quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động của DNNN, từ đó góp phần bảo đảm yêu cầu quản trị chặt chẽ nhằm kiểm soát được các vấn đề rủi ro có thể xảy ra tại các doanh nghiệp này. Tương tự, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và công ty con của DNNN tồn tại dưới hình thức công ty cổ phần cũng phải thành lập Ban kiểm soát theo như quy định tại Chương V của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Tuy nhiên, so với Luật Doanh nghiệp năm 2014, đối với kiểm soát viên trong công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, Luật Doanh nghiệp năm 2020 không yêu cầu bắt buộc phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên. Điều này là hoàn toàn phù hợp, bởi lẽ, nếu yêu cầu kiểm soát viên trong công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên sẽ không phù hợp vì thực tế, để tìm được đủ số lượng thành viên Ban kiểm soát là kiểm toán viên hoặc kế toán viên là điều không hề dễ dàng đối với doanh nghiệp. Hơn nữa, hiện nay, hầu hết những người có trình độ chuyên môn về kế toán viên hoặc kiểm toán viên thường hướng đến việc lựa chọn hành nghề trong các đơn vị kiểm toán hơn là làm kiểm soát viên, do đó, đã gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thành lập Ban kiểm soát trên cơ sở đáp ứng được yêu cầu của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Chính vì vậy, việc Luật Doanh nghiệp năm 2020 sửa đổi lại điều kiện này theo hướng chỉ yêu cầu về điều kiện chuyên môn tương đương với kiểm toán viên hoặc kế toán viên, mà không đòi hỏi là người đã có chứng chỉ hành nghề là điều cần thiết, vừa giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn nêu trên, lại không làm giảm hiệu lực của quy định do vẫn phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn.
ThS. Đỗ Thị Lan Anh
Trường Đại học Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh;
ThS. Phạm Thị Hồng Tâm
Trường Đại học Phan Thiết;
ThS. Trần Linh Huân
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
[1]. Khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[2]. Khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[3]. Nguyễn Diệp, “Sở hữu 50% vốn điều lệ, nhà nước sẽ mất quyết chi phối trong doanh nghiệp”, https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/so-huu-50-von-dieu-le-nha-nuoc-se-mat-quyen-chi-phoi-trong-dnnn-d13226.html, truy cập ngày 28/02/2023.
[4]. Điều 89 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[5]. Khoản 2 Điều 90 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[6]. Khoản 5 Điều 93 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[7]. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “Bản thuyết minh chi tiết về dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi ban hành kèm theo Báo cáo số 7900/BC-BKHĐT ngày 25/10/2019”, tr. 28.
[8]. Điểm b khoản 2 Điều 94 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[9]. Điểm b khoản 2 Điều 93 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[10]. Khoản 1 Điều 99 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[11]. Khoản 4 Điều 83 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[12]. Điều 100 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[13]. Điểm d khoản 1 Điều 155 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[14]. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 54 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này phải thành lập Ban kiểm soát; các trường hợp khác do công ty quyết định”.
[15]. Khoản 2 Điều 79 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 380), tháng 5/2023)