Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ban hành đã tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và các hành vi khác xâm phạm tài sản công; khai thác, sử dụng tài sản công hợp lý, hiệu quả; chuẩn hóa công tác quản lý tài sản công. Theo đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có những điểm mới như phân định rõ loại đối tượng áp dụng; đồng thời quy định cụ thể chế độ quản lý, sử dụng tài sản công của các đối tượng áp dụng…
Để hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công xử lý đối với tài sản bị tịch thu là tang vật vi phạm hành chính Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản như: Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Nghị định số 151/2017/NĐ-CP); Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân (Nghị định số 29/2018/NĐ-CP); Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (Thông tư số 144/2017/TT-BTC); Thông tư số 57/2018/TT-BTC ngày 05/7/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP (Thông tư số 57/2018/TT-BTC); Quyết định số 268/QĐ-BTC ngày 19/02/2019 của Bộ Tài chính về phân cấp thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và phân cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu tương đối đơn giản, cụ thể:
(i). Đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan quyết định tịch thu lập biên bản nộp, chuyển giao tang vật, phương tiện. Việc bàn giao và tiếp nhận các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải được tiến hành theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
(ii). Đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá khi làm thủ tục chuyển giao được xác định theo Điều 60 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã được xác định có sự thay đổi tại thời điểm chuyển giao thì cơ quan ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quyết định thành lập hội đồng để định giá tài sản trước khi làm thủ tục chuyển giao. Thành phần hội đồng định giá theo quy định tại khoản 3 Điều 60 của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Khoản 3 Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định thời hạn xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu là trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Quá thời hạn này mà không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên, theo các quy định xử lý tài sản công thì quy trình để xử lý tài sản bị tịch thu là tang vật vi phạm hành chính bị xử lý hiện nay rất phức tạp: từ việc xác định thẩm quyền người phê duyệt phương án xử lý, trình tự thủ tục phê duyệt phương án, phải lấy ý kiến trước khi trình người có thẩm quyền phê duyệt,…Tuy nhiên, thực tiễn xử lý tài sản vẫn còn rất nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến việc xử lý tài sản, cụ thể ở một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, việc xử lý tài sản phải thực hiện nhiều thủ tục, trình tự không đảm bảo thời hạn về xử lý tài sản
Theo quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định xử lý tang vật, phương tiện hành chính bị tịch thu thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền phải xử lý (chuyển cho cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc tổ chức bán đấu giá hoặc tiêu hủy theo quy định). Quá thời hạn này mà không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo quy định tại Điều 110 Luật Quản lý tài sản công “1. Sau khi có quyết định tịch thu hoặc quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân, đơn vị chủ trì quản lý tài sản có trách nhiệm báo cáo cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 19 của Luật này; 2. Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 19 của Luật này có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản theo các hình thức quy định tại Điều 109 của Luật này, trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt”.
Để thuận lợi cho công tác xử lý tài sản Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 268/QĐ-BTC phân cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản, theo đó giao: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền quyết định hoặc quy định việc phê duyệt phương án xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các Tổng cục theo quy định Điều 42 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều trình tự, thủ tục làm mất rất nhiều thời gian ảnh hưởng đến thời hạn xử lý tài sản, cụ thể:
(i) Thủ tục lấy ý kiến trước khi phê duyệt
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư số 57/2018/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định về lập, phê duyệt phương án xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản lập phương án xử lý “lấy ý kiến của cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công thuộc Bộ, cơ quan trung ương”.
Qua rà soát Luật Quản lý tài sản công không yêu cầu phải lấy ý kiến trước khi phê duyệt. Quy định việc lấy ý kiến như trên cũng chưa hợp lý, bởi người có thẩm quyền phê duyệt phương án lại phải lấy ý kiến của cơ quan khác trước khi phê duyệt (Tổng cục Hải quan lấy ý kiến của Cục Kế hoạch và Tài chính; Uỷ ban nhân dân tỉnh phải lấy ý kiến của Sở Tài chính?”.
Mặt khác, quy định pháp luật và quy định của ngành chưa quy định cụ thể thời hạn trả lời đơn vị lấy ý kiến dẫn đến trên thực tế việc chậm, kéo dài thời gian trả lời.
(ii) Các trình tự, thủ tục như đăng tải trên website về tài sản công, thành lập hội đồng định lại giá để xác định giá khởi điểm, thời hạn thực hiện các thủ tục khi bán, ví dụ: Thời hạn niêm yết là 05 ngày làm việc… các trình tự, thủ tục này gây mất nhiều thời gian dẫn đến không đảm bảo thời hạn xử lý tài sản theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Hoặc trường hợp khi tổ chức bán đấu giá 02 lần không thành thì lựa chọn hình thức bán tài sản khác: Trình tự lại phải thực hiện lại từ đầu để trình người có thẩm quyền ra quyết định hủy quyết định xử lý tài sản theo hình thức bán đấu giá để ra quyết định bán tài sản theo hình thức niêm yết hoặc chỉ định?.
Trước khi có Nghị định số 29/2018/NĐ-CP thì thủ tục xử lý tài sản công là tang vật phương tiện, vi phạm hành chính bị tịch thu rất đơn giản và pháp luật trao thẩm quyền rất rộng cho đơn vị ra quyết định tịch thu và chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình trong việc xử lý tài sản.
Do vậy, cần rà soát lại trình tự, thủ tục để giảm bớt các bước, trình tự để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý tài sản.
Thứ hai, vướng mắc trong việc xác định giá khởi điểm để chuyển bán đấu giá đối với tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu
- Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, đối với việc xử lý theo hình thức bán đấu giá… thì cơ quan được giao chủ trì xử lý thực hiện việc bán, tiêu hủy theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác có liên quan.
- Điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP việc xác định giá khởi điểm được quy định như sau: Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định này thành lập Hội đồng để xác định giá khởi điểm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá xác định để làm căn cứ quyết định giá khởi điểm.
- Theo đoạn 2 điểm a khoản 3 Điều 12 Thông tư số 57/2018/TT-BTC thì giá khởi điểm của tài sản xử lý theo hình thức bán đấu giá được xác định như sau: Giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính là giá khởi điểm để tổ chức đấu giá.
Trong các trường hợp sau đây phải thành lập hội đồng để xác định giá khởi điểm: Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khi chuyển giao để đấu giá chưa được xác định giá trị; thời điểm dự kiến tổ chức đấu giá vượt quá 60 ngày, kể từ ngày xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 60 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; giá trị tang vật đã được xác định theo quy định tại Điều 60 của Luật Xử lý vi phạm hành chính chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) từ 10% trở lên so với giá của tài sản cùng loại theo thông báo giá của Sở Tài chính tại thời điểm chuyển giao để đấu giá.
Như vậy, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP cho phép lựa chọn hình thức thành lập Hội đồng hoặc thuê tổ chức thẩm định giá để xác định giá làm căn cứ quyết định giá khởi điểm. Tuy nhiên, hướng dẫn tại Thông tư số 57/2018/TT-BTC không thống nhất với quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Theo quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP sẽ được ưu tiên để áp dụng.
Theo quy định tại khoản 7 mục II hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 quy trình thẩm định giá ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC thì thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá được xác định trên cơ sở đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá; biến động về pháp lý, thị trường liên quan đến tài sản thẩm định giá và mục đích thẩm định giá nhưng tối đa không quá 06 (sáu) tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực.
Như vậy, trường hợp quá 60 ngày xác định giá (biên bản xác định giá của cơ quan hải quan) nhưng chứng thư thẩm định giá vẫn còn hiệu lực thì vẫn phải thành lập hội đồng xác định giá khởi điểm là không hợp lý.
Mặt khác, đối với các tài sản là hàng đã qua sử dụng, hội đồng vẫn phải căn cứ vào chứng thư thẩm định giá để xác định giá, vì đây là những mặt hàng đặc thù trên thị trường không phổ biến, không có giá thông báo của Sở Tài chính địa phương. Việc phải thành lập hội đồng xác định giá sẽ thêm thủ tục và kéo dài thời gian xác định giá khởi điểm.
Thứ ba, vướng mắc trong việc xác định giá bán niêm yết đối với tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu
- Theo quy định tại 4 điểm a khoản 4 Điều 12 Thông tư số 57/2018/TT-BTC: Việc bán chỉ định hoặc niêm yết giá được thực hiện theo quy định tại Điều 26, Điều 27 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP thì giá bán niêm yết tài sản công là giá trị đánh giá lại. Việc đánh giá lại giá trị tài sản công được thực hiện theo quy định về việc xác định giá trị tài sản quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định này (thành lập hội đồng hoặc thuê tổ chức thẩm định giá).
- Tại a khoản 4 Điều 12 Thông tư số 57/2018/TT-BTC quy định: Giá bán hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng do đơn vị chủ trì quản lý tài sản xác định căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính và chất lượng của hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng để xác định; trường hợp không thể áp dụng được quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan tài chính tại địa bàn xảy ra hành vi vi phạm để xác định giá bán của hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng.
Theo Thông tư số 57/2018/TT-BTC quy định việc xác định giá bán niêm yết, chỉ định. Tuy nhiên, Nghị định 151/2017/NĐ-CP lại xác định giá bán niêm yết, chỉ định là giá trị định giá lại. Việc đánh giá lại giá tài sản thực hiện theo quy định về việc xác định giá trị tài sản quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 151/2017/NĐ-CP - tức là phải thành lập hội đồng hoặc thuê tổ chức thẩm định giá. Điều này, gây mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc xử lý hàng hóa.
Ngoài ra, qua rà soát các quy hiện hành chỉ quy định việc thành lập hội đồng xác định lại giá trong trường hợp bán theo hình thức bán đấu giá mà chưa quy định rõ trong trường hợp nào phải đánh giá lại giá khi bán theo hình thức niêm yết, chỉ định.
Thứ tư, vướng mắc trong việc xử lý tài sản công trong trường hợp bán đấu giá không thành
- Tại khoản 6 Điều 24 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP “Trình tự, thủ tục đấu giá tài sản công thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản”.
- Theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định việc xử lý tài sản công trong trường hợp đấu giá không thành thì tổ chức đấu giá lại trong trường hợp đấu giá lần đấu không thành; hoặc qua 02 lần tổ chức đấu giá không thành thì cơ quan được giao tiếp tục thực hiện đấu giá lại hoặc quyết định bán tài sản theo hình thức xử lý khác theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và quy định tại Nghị định này. Liên quan đến nội dung này, phát sinh 02 vướng mắc như sau:
Một là, chưa có quy định về việc giảm giá trong trường đấu giá lại
Theo quy định trên, trường hợp đấu giá không thành thì tổ chức đấu giá lại. Tuy nhiên, qua rà soát thì hiện chưa có quy định về việc giảm giá khởi điểm trong trường hợp đấu giá lại. Điều này không hợp lý bởi khi tổ chức đấu giá lại mà vẫn giữ nguyên giá khởi điểm cao như ban đầu thì nguy cơ dẫn đến việc đấu giá không thành là rất cao.
Hiện nay, việc giảm giá khi bán lại chỉ áp dụng đối với trường hợp bán niêm yết theo khoản 8 Điều 26 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định: Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định này xem xét, quyết định giảm giá bán tài sản để tổ chức bán lại theo nguyên tắc mỗi lần giảm không quá 10% giá niêm yết của lần trước liền kề mà không quy định việc giảm giá đối với trường hợp đấu giá lại.
Trước khi có Luật Đấu giá năm 2016, việc đấu giá lại quy định tại Điều 49 Nghị định số 107/2010/NĐ-CP quy định trong trường hợp bán đấu giá tài sản không thành thì việc xử lý tài sản bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản.
Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì sau hai lần giảm giá mà cuộc bán đấu giá tài sản vẫn không thành, thì tổ chức bán đấu giá tài sản trả lại cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để thực hiện thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá.
Do pháp luật không quy định nên cơ quan hải quan gặp khó khăn trong việc có nên giảm giá tài sản để đấu giá tiếp hay không? và thủ tục thực hiện việc giảm giá tài sản công thực hiện như thế nào?
Hai là, chưa có hướng dẫn về việc lựa chọn hình thức xử lý khi đã 02 lần đấu giá không thành
Theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP trường hợp sau 02 lần tổ chức đấu giá không thành, cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản tiếp tục trình người có thẩm quyền đã ra quyết định bán tài sản để xem xét, quyết định hủy bỏ quyết định bán đấu giá tài sản công để bán theo hình thức xử lý khác theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và quy định tại Nghị định này.
Tuy nhiên, chưa hướng dẫn cụ thể hình thức xử lý khác ở đây là hình thức nào? (bán niêm yết/bán chỉ định), trình tự, thủ tục đối với trường hợp này như thế nào? giá khởi điểm có được giảm hay vẫn giữ nguyên giá cũ?...
Đây là những vướng mắc về mặt quy định pháp luật, do vậy trong thời gian tời cần có sự rà soát, đánh giá tổng kết để sửa đổi các quy định về xử lý tài sản công là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu theo hướng đơn giản hơn, tránh gây mất nhiều thời gian. Mục đích đặt ra quy trình là tránh việc tiêu cực trong việc tảu bán, bán tháo tài sản công. Tuy nhiên, với quy trình như hiện nay thì mất nhiều thời gian thì các chi phí như thuê kho, bãi phát sinh đôi khi số tiền xử lý tài sản thu được không bù đắp lại khoản chi phí này. Do vậy, cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc này./.
Phòng Xử lý vi phạm, Cục Điều tra chống buôn lậu