Sau 10 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ, bảo tồn và phát triển văn hóa, quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị; quản lý, sử dụng đất; cơ chế tài chính, chính sách liên kết vùng… Nguyên nhân được cho là do pháp luật về Thủ đô chưa đầy đủ, chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách; một số quy định còn mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thi hành, một số đạo luật mới ra đời có quy định khác với Luật Thủ đô năm 2012 trong việc cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về cùng một vấn đề hoặc bãi bỏ quy định của Luật Thủ đô (như Luật Cư trú bãi bỏ khoản 3, 4 Điều 19 Luật Thủ đô năm 2012). Mặt khác, Luật Thủ đô năm 2012 cũng chưa có quy định cụ thể về áp dụng Luật đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong việc thi hành.
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị và các chủ trương của Đảng tại các nghị quyết có liên quan; khắc phục những tồn tại, hạn chế; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Thủ đô năm 2012, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng Luật Thủ đô năm 2024.
Một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng Luật Thủ đô là kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012. Theo đó, Luật Thủ đô năm 2024 được kế thừa một số nội dung, cụ thể:
- Có 03 điều được kế thừa toàn bộ tại Điều 5, 6, 7 Luật Thủ đô năm 2012 gồm:
+ Trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô: Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp, liên tục của các cấp chính quyền và người dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
+ Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
+ Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô được tặng cho người nước ngoài có đóng góp đặc biệt trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô hoặc trong việc thiết lập, mở rộng, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô; Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định điều kiện, thủ tục tặng, thu hồi danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô.
- Một số quy định còn lại cơ bản kế thừa Luật Thủ đô năm 2012 nhưng có sửa đổi, bổ sung, trong đó nổi bật nhất là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô gồm:
+ Quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch; phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển giao thông, phát triển nhà ở, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cơ chế chính sách về tài chính…
+ Tổ chức chính quyền đô thị, cải tạo, chỉnh trang đô thị, phát triển khu công nghệ cao, thử nghiệm có kiểm soát, phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách xã hội, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, phát triển nông nghiệp và nông thôn, đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước, thẩm quyền đầu tư, ưu đãi đầu tư, thu hút nhà đầu tư chiến lược, quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng, liên kết, phát triển vùng./.
Nguyễn Bích Thủy
Sở Tư pháp thành phố Hà Nội