1. Một số vấn đề lý luận về tín thác
1.1. Khái niệm tín thác
Là một chủ đề kinh điển của khoa học pháp lý phương Tây, đã có rất nhiều tác phẩm nghiên cứu và đưa ra định nghĩa cho quan hệ tín thác. Tác giả Ford và Lee trong cuốn “Những nguyên lý về pháp luật tín thác” (Principle on the Law of the Trust) định nghĩa, tín thác là một nghĩa vụ có thể thi hành theo luật công bình mà nó thuộc về một người (người nhận tín thác) với tư cách chủ sở hữu của một số tài sản cụ thể (tài sản tín thác) để giải quyết tài sản đó vì lợi ích của một người khác (người hưởng lợi) hoặc để thực hiện một vài mục đích cụ thể nào đó[1]. Tác giả Martin trong tác phẩm “Luật công bình hiện đại” (Modern Equity) thì cho rằng, tín thác là một mối quan hệ được công nhận bởi luật công bình, xuất hiện khi tài sản được trao cho một người hoặc nhiều người gọi là người nhận tín thác, mà những người nhận tín thác này có nghĩa vụ giữ vì lợi ích của những người khác, được gọi là cestuis que trust hay người hưởng lợi[2].
Hai định nghĩa nói trên tuy có sự khác nhau về diễn đạt nhưng đều thống nhất ở những nội dung cơ bản, xác định những đặc điểm chính của quan hệ tín thác, cụ thể như: (i) Là một dạng quan hệ pháp lý, bao gồm ba bên là người lập tín thác, người nhận tín thác và người hưởng lợi; (ii) Xuất hiện khi một người hoặc nhiều được trao cho một tài sản xác định, trở thành chủ sở hữu hợp pháp của tài sản đó và bị ràng buộc phải giữ gìn và quản lý tài sản đó vì lợi ích một hoặc nhiều người khác (người hưởng lợi) hoặc vì một số mục đích cụ thể khác.
Từ đặc điểm trên, nhóm tác giả đưa ra khái niệm đầy đủ và dễ hiểu cho quan hệ tín thác như sau: Tín thác là một quan hệ pháp lý, xuất hiện khi mà một hoặc nhiều người (người lập tín thác) chuyển giao tài sản cho một hoặc nhiều người khác (người nhận tín thác) và người này với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản, có nghĩa vụ phải giữ gìn, quản lý và định đoạt tài sản đó vì lợi ích của một hoặc một nhóm người thụ hưởng (người hưởng lợi) hoặc vì các mục đích cụ thể khác.
1.2. Các đặc trưng của quan hệ tín thác
1.2.1. Sự phân chia quyền sở hữu
Đặc trưng nổi bật nhất của quan hệ tín thác đó là sự phân chia trong quyền sở hữu, hay còn gọi là sở hữu kép (duality of ownership). Như đã đề cập ở phần định nghĩa, trong quan hệ tín thác tồn tại ba bên (bên lập tín thác, bên nhận tín thác và bên thụ hưởng tín thác) và đòi hỏi sự phân chia quyền sở hữu tài sản giữa hai bên là bên nhận tín thác và bên thụ hưởng lợi ích sau khi tài sản tín thác được người lập tín thác chuyển giao cho người nhận tín thác, theo đó, bên nhận tín thác (nhận ủy thác quản lý tài sản) sở hữu tài sản về mặt pháp lý, có các quyền chiếm giữ, sử dụng, định đoạt tài sản (nhưng không thụ hưởng lợi ích từ tài sản) và bên thụ hưởng tín thác sở hữu tài sản về mặt lợi ích (có quyền hưởng lợi, nhưng không được chiếm giữ, định đoạt vào thời điểm tài sản đang được bên nhận tín thác chiếm giữ). Có sự phân biệt rất rõ ràng giữa quyền quản lý tài sản và quyền hưởng lợi từ tài sản và làm phát sinh khái niệm phân chia quyền sở hữu hay là sở hữu kép. Ngay khi lập tín thác, các quyền tài sản của người lập ra tín thác không còn nữa, mà hành vi này làm phát sinh mối quan hệ pháp lý giữa người nhận tín thác và người hưởng lợi tín thác. Vì nắm giữ quyền sở hữu tài sản về mặt pháp lý, bên nhận tín thác có tất cả các quyền của một chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản, bao gồm các quyền chiếm giữ, sử dụng và định đoạt. Tuy nhiên, tất cả các quyền này đều bị hạn chế bởi những điều kiện được quy định tại văn bản xác lập quan hệ tín thác, đồng thời, việc thực hiện tất cả các quyền này, đều chỉ phục vụ cho mục đích của tín thác, chứ không phục vụ cho lợi ích cá nhân của bên nhận tín thác. Trong mối quan hệ với bên thứ ba, bên nhận tín thác đóng vai trò là chủ sở hữu tài sản tín thác và có quyền đối vật đối với tài sản tín thác. Trong khi đó, bên thụ hưởng tín thác có quyền hưởng lợi từ tài sản tín thác theo các điều kiện được bên lập tín thác quy định rõ trong tín thác.
1.2.2. Sự độc lập của tài sản tín thác
Khi một quan hệ tín thác được thiết lập và có hiệu lực pháp lý thì tài sản tín thác sẽ được tách bạch khỏi tài sản cá nhân của cả bên nhận tín thác lẫn bên lập tín thác và trở thành một “sản nghiệp độc lập”[3]. Do đó, chủ nợ của bên nhận tín thác lẫn bên lập tín thác không thể thu giữ tài sản tín thác trong trường hợp bên nhận tín thác bị tuyên bố phá sản và phải thanh lý tài sản. Tài sản tín thác chỉ tồn tại cho bên thụ hưởng tín thác hoặc chỉ phục vụ vì mục đích của tín thác, chứ không liên quan đến chủ nợ của cá nhân bên nhận tín thác hay bên lập tín thác. Đặc trưng tạo nên sự hữu dụng của tín thác, biến tín thác trở thành một công cụ quản lý tài sản hiệu quả và an toàn, ví dụ như: Bố/mẹ hay ông/bà có thể lập tín thác để chu cấp cho con/cháu mình đến một độ tuổi nhất định nhằm đề phòng trường hợp bản thân làm ăn thua lỗ và dính vào nợ nần. Người sắp mất có thể lập tín thác để dùng cho mục đích thờ cúng hoặc từ thiện mà không phải bận tâm về việc tài sản của mình sẽ bị xâm phạm hoặc sử dụng không đúng mục đích.
1.3. Các yếu tố cấu thành
Một quan hệ tín thác có giá trị pháp lý cần bảo đảm được ba yếu tố, đó là: Ý định thiết lập tín thác, tài sản tín thác và đối tượng mà tín thác hướng đến. Cả ba yếu tố này phải được xác định một cách cụ thể, rõ ràng bằng cách này hoặc cách khác. Nếu thiếu một trong ba yếu tố hoặc một trong ba yếu tố này không được xác định một cách rõ ràng, thì quan hệ tín thác sẽ không được hình thành. Trong các tài liệu khoa học pháp lý về tín thác, ba yếu tố này còn được gọi là ba điều chắc chắn (Three certainties)[4].
1.3.1. Sự chắc chắn về ý định thiết lập tín thác
Quan hệ tín thác chỉ được hình thành khi ý định thiết lập tín thác của người lập tín thác là rõ ràng, chắc chắn. Sự chắc chắn và rõ ràng này có thể được thể hiện thông qua lời nói, hành động hoặc rõ ràng nhất là bằng văn bản. Yếu tố này được thiết lập để xác định xem có ý định cần thiết hay không là xem xét liệu người tạo ra quỹ tín thác có muốn ai đó có nghĩa vụ giữ tài sản vì lợi ích của người khác hay không. Việc sử dụng từ “tin tưởng” không cần thiết để thể hiện sự chắc chắn về ý định. Tuy nhiên, khi nó được sử dụng, nó có thể không thể hiện chắc chắn ý định tùy thuộc vào ngữ cảnh. Tòa án sẽ xem xét nội dung ý định của người sáng tạo để xem liệu họ muốn áp đặt nghĩa vụ hay yêu cầu những người được ủy thác làm điều gì đó. Nếu nó chỉ đơn thuần là một yêu cầu, các từ bắt buộc sẽ hiển nhiên, chẳng hạn như “mong muốn”, “yêu cầu”, “tự tin”. Câu hỏi về ý định được đánh giá một cách khách quan, có liên quan đến ý kiến của người có lý. Để bảo đảm được sự chắc chắn này, thì ngôn từ trong văn bản tín thác phải dễ hiểu, không mang tính đa nghĩa. Ngày nay, sự chắc chắn của ý định thành lập tín thác không còn là vấn đề lớn bởi phần lớn tín thác hiện tại đều được thiết lập bằng văn bản mà cụ thể là hợp đồng hoặc di chúc.
1.3.2. Sự chắc chắn về vấn đề tài sản tín thác
Tài sản tín thác được xem là yếu tố quan trọng, cốt yếu nhất trong quan hệ tín thác khi nó là thứ rằng buộc lợi ích và nghĩa vụ của các bên. Sự chắc chắn về tài sản tín thác thể hiện ở hai phương diện: Thứ nhất, tài sản tín thác phải được xác định rõ ràng, cụ thể, có thể thông qua các tiêu chí như là về phạm vi, số lượng, giá trị hay địa điểm[5]; thứ hai, sự xác định rõ về phạm vi lợi ích mà người hưởng lợi sẽ nhận được. Cụ thể là thỏa thuận tín thác phải xác định được người hưởng lợi sẽ nhận được lợi ích dưới dạng nào, số lượng bao nhiêu và theo chu kỳ thời gian cụ thể như thế nào. Nếu có nhiều người hưởng lợi thì phải xác định cụ thể cho từng người và mỗi người hưởng lợi có thể nhận được lợi ích không giống nhau.
1.3.3. Sự chắc chắn về đối tượng
Ở đây, đối tượng là người hưởng lợi từ tài sản tín thác hoặc mục đích khác mà theo đó tín thác được lập ra để thực hiện. Nếu khi thiết lập tín thác mà người lập không đề cập đến đối tượng hưởng lợi hoặc mục đích thì quan hệ tín thác sẽ không hình thành. Khi xác định người hưởng lợi và mục đích thì việc xác định càng chi tiết, cụ thể thì sẽ càng giúp cho việc thực hiện hiệu quả và rõ ràng hơn, vừa tạo thuận lợi cho người nhận tín thác vừa ngăn ngừa việc người này lợi dụng để mưu lợi riêng cho bản thân.
Nếu tài sản đã được chuyển giao mà đối tượng của tín thác vẫn chưa được xác định rõ ràng, thì người lập tín thác sẽ trở thành người hưởng lợi và người nhận tín thác sẽ tiếp tục giữ gìn tài sản vì lợi ích của người lập tín thác (lúc này đã trở thành người hưởng lợi) cho đến khi tài sản được chuyển giao trở lại cho người này để thiết lập lại một tín thác khác.
2. Một số ứng dụng của tín thác trong đời sống xã hội và liên hệ với thực tiễn Việt Nam
2.1. Tín thác là một công cụ hữu hiệu cho việc quản lý tài chính cá nhân
Như đã phân tích, tín thác có thể được xem là một giải pháp lâu dài, hiệu quả cho việc bảo đảm sự an toàn cho tài chính gia đình. Cụ thể, với đặc trưng là tài sản tín thác có sự độc lập, tách bạch khỏi tài sản cá nhân thì bằng việc thiết lập một quan hệ tín thác, những người tạo ra thu nhập trong gia đình (như bố, mẹ, ông, bà) có thể chia tài sản của mình thành nhiều sản nghiệp khác nhau và để mỗi sản nghiệp phục vụ một mục đích nhất định như một tín thác dùng để chi trả cho chi phí học tập cho con cái hay tín thác dùng để chu cấp cho chính bản thân họ khi nghỉ hưu. Tài sản tín thác tách bạch khỏi tài sản cá nhân nên nếu trong trường hợp bản thân bị mất việc hay làm ăn thua lỗ, nợ nần thì tài sản tín thác vẫn được duy trì, không bị thu hồi để thực hiện nghĩa vụ trả nợ và tiếp tục có thể chi trả cho những nhu cầu quan trọng về lâu dài cho các thành viên trong gia đình cũng như bản thân. Ngoài ra, tín thác cũng là một cách thức hiệu quả để các bậc phụ huynh kiểm soát chi tiêu của con cái khi họ không có điều kiện cũng như thời gian[6].
Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển với tốc độ cao, thu nhập bình quân của người dân được nâng cao, cùng với đó là sự gia tăng về số lượng của tầng lớp trung lưu và giới siêu giàu. Điều này, dẫn tới nhu cầu tìm kiếm một công cụ để quản lý tài sản một cách hiệu quả, để tránh tranh chấp, mâu thuẫn hay thiệt hại xảy ra khi ở trong các tình huống không mong muốn như là chết (thừa kế), ly hôn hay phá sản, bảo đảm khi các tình huống đó xảy ra thì các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người chưa thành niên vẫn có nguồn tài chính ổn định để duy trì cuộc sống. Tín thác là một giải pháp hữu hiệu có thể giải quyết được nhu cầu này.
2.2. Quản lý tài sản cho mục đích từ thiện
Từ thiện, cứu trợ là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội và nhận được sự quan tâm, đóng góp của nhiều người dân, doanh nghiệp. Một vấn đề quan trọng của hoạt động từ thiện, đặc biệt là các tổ chức, chương trình từ thiện quy mô lớn là việc quản lý tài sản dùng cho hoạt động từ thiện, vốn đến từ sự đóng góp của xã hội, bảo đảm sự an toàn, minh bạch cho hoạt động từ thiện. Việc thành lập quỹ tín thác chính là một giải pháp hiệu quả cho vấn đề này. Tài sản tín thác được tách bạch khỏi tài sản cá nhân và chỉ được sử dụng cho những mục đích xác định trong thỏa thuận tín thác nên nó sẽ bảo đảm sự minh bạch cho khoản tiền dùng cho mục đích từ thiện, tránh trường hợp các cá nhân xấu trong tổ chức từ thiện lợi dụng quyền lực để biển thủ số tiền này. Ngoài ra, trường hợp tổ chức hay cá nhân điều hành hoạt động từ thiện có nghĩa vụ nợ đến hạn mà không có khả năng trả thì khoản tiền từ thiện trong tín thác vẫn được giữ nguyên trạng và không bị thu hồi để trừ vào khoản nợ[7]. Theo đó, cần có một công cụ pháp lý hữu hiệu để quản lý tài sản trong quỹ từ thiện một cách an toàn, minh bạch và tín thác có thể đáp ứng được các điều kiện này.
2.3. Ứng dụng trong hoạt động đầu tư sinh lời
Hiện nay, bên cạnh việc tìm kiếm thu nhập thông qua lao động, sản xuất và kinh doanh thông thường, thì nhiều cá nhân cũng như công ty tổ chức cũng có nhu cầu tăng thêm thu nhập thông qua hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, để đầu tư có hiệu quả, mang lại nhiều lợi nhuận, đặc biệt là việc đầu tư ở các kênh có nhiều biến động như chứng khoán hay tiền mã hóa, thì đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng và nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn. Đây là điều mà rất ít người có được, đặc biệt là ở những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường. Để giải quyết nhu cầu này, các quỹ tín thác đầu tư ra đời. Cách thức hoạt động của quỹ này là người hoặc công ty có nhu cầu đầu tư sẽ chuyển giao tiền cho quỹ, quỹ này sau đó sẽ liên kết với những nhà đầu tư chuyên nghiệp để thực hiện việc đầu tư bằng số tiền khách hàng gửi vào quỹ. Lợi nhuận kiếm được sẽ được gửi về cho khách hàng căn cứ vào tỷ suất phân chia đã thỏa thuận ban đầu[8]. Hiểu một cách đơn giản, đây là một hình thức “đầu tư hộ”, khi mà khách hàng có vốn để đầu tư nhưng không đủ kiến thức lẫn kinh nghiệm nên quyết định ủy thác cho quỹ - nơi có những nhân sự có kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu về đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư giúp mình. Gọi là quỹ tín thác bởi đây là một mô hình quan hệ tín thác với người gửi tiền vào quỹ vừa là người lập tín thác, vừa là người hưởng lợi. Quỹ tín thác đầu tư này hoạt động dưới hình thức công ty đại chúng và có phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán[9].
Hoạt động tín thác đầu tư đã được thực hiện ở Việt Nam trong nhiều năm với hình thức phổ biến nhất là các quỹ tín đầu tư bất động sản. Mục đích của loại quỹ này là thông qua phát hành chứng chỉ quỹ nhằm huy động vốn nhàn rỗi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và cho phép các nhà đầu tư đầu tư 100% vốn vào các dự án bất động sản hoặc sở hữu các bất động sản thương mại[10]. Các quỹ đầu tư bất động sản hoạt động hiện đều là các quỹ nước ngoài, như VNL của Vinacapital, VPF của Dragon Capital, ILH- ILH2 và ILH3 của Indochina Capital, VPH của Saigon Asset Management[11]… Tuy nhiên, do chưa có khung pháp lý đầy đủ, nên có thể dẫn đến rủi ro cao khi đầu tư nên nhiều nhà đầu tư vẫn còn tâm lý e dè khi đầu tư vào loại hình này. Do vậy, cần xây dựng khung pháp lý đầy đủ cho quan hệ tín thác để giải quyết được vấn đề này.
Có thể thấy, tín thác thực sự là một công cụ vô cùng hiệu quả cho việc quản lý tài sản cũng như đầu tư đã được chứng minh trong thực tiễn một số quốc gia trên thế giới và có thể giải quyết được nhiều nhu cầu về tài sản, kinh tế, xã hội đang hiện hữu trong xã hội Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, trong tương lai, các nhà làm luật cần sớm xem xét nghiên cứu việc xây dựng khung pháp lý cho hoạt động này tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Hùng
Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung
NCS. Hoàng Trung Hiếu
Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam
[1]. Ford and Lee: Principles on the Law of Trusts (1996, 3rd ed).
[2]. Jill E. Martin: Modern Equity (1997, 15th ed), p. 45.
[3]. Lê Vũ Nam, Lê Bích Thủy, Quan hệ tín thác trong pháp luật một số quốc gia và gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 24/2020, tr. 42.
[4]. https://www.lawteacher.net/free-law-essays/equity-law/knight-v-knight-2.php, truy cập ngày 12/4/2023.
[5]. Tan zhenting, Perfecting the Chinese Law of Trusts: Critical and Comparative Study of the Australian and Chinese Law of Trusts, Luận án Tiến sĩ, Đại học Bond, 2005, tr. 93.
[6]. https://www.quillgroup.com.au/blog/how-to-set-up-a-family-trust/#:~:text=Thousands%20of%20new%20family% 20trusts,legal%20structure%20for%20a%20business, truy cập ngày 13/4/2023.
[7]. http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/210637/Xac-lap-va-van-hanh-tin-thac-cho-muc-dich-tu-thien—Kinh-nghiem-tu-quoc-te.html, truy cập ngày 13/4/2023.
[8]. https://www.nerdwallet.com/uk/investing/what-is-an-investment-trust/, truy cập 13/4/2023.
[9]. https://www.blackrock.com/uk/individual/products/investment-trusts/understanding-investment-trusts, truy cập ngày 13/4/2023.
[10]. https://idautu.com/co-hoi-va-thach-thuc-cua-quy-dau-tu-tin-thac-bat-dong-san-reit-tai-viet-nam/, truy cập ngày 13/4/2023.
[11]. https://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh/bo-von-vao-quy-tin-thac-bat-dong-san-sao-cho-hieu-qua-334100.html, truy cập ngày 13/4/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 384), tháng 7/2023)