Trong những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Một trong những khó khăn lớn nhất đối với người khởi nghiệp là vấn đề vốn. Gọi vốn cộng đồng, tài trợ bởi đám đông hay huy động vốn cộng đồng[1] đang ngày trở thành một phương thức huy động vốn quan trọng và được chứng minh là “dân chủ hóa” khả năng tiếp cận tài chính trên quy mô toàn cầu. Nếu như ban đầu, huy động vốn cộng đồng chủ yếu được áp dụng bởi các tổ chức xã hội từ thiện hoặc trong các lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo thì hình thức này đã được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau.
1. Khái lược về gọi vốn cộng đồng
Trước khi có các nền tảng huy động vốn cộng đồng, việc huy động vốn cộng đồng đã được sử dụng để tài trợ cho các dự án. Vào thế kỷ XVIII, XIX, người ta đã huy động công chúng để tài trợ cho các buổi hòa nhạc, công chiếu tác phẩm của Mozart, Beethoven. Tượng Nữ thần Tự do được xây dựng một phần thông qua huy động vốn từ cộng đồng vào năm 1884. Do nguồn lực để xây dựng tượng đài không đủ, Joseph Pulitzer, một nhà báo người Hoa Kỳ gốc Hungary, đã sử dụng Tạp chí New York để gây quỹ trên khắp Hoa Kỳ bảo đảm cho việc xây dựng bệ của Tượng Nữ thần Tự do[2]. Mặc dù không ai đặt tên cho hình thức này nhưng đó rõ ràng là biểu hiện của việc gọi vốn từ cộng đồng.
Theo Từ điển Merriam - Webster, gọi vốn cộng đồng được coi là “hành động kêu gọi đóng góp tài chính từ một số lượng lớn người, đặc biệt là từ cộng đồng trực tuyến”[3]. Từ điển Oxford cũng đưa ra giải thích gọi vốn cộng đồng là “việc tài trợ cho một dự án hoặc một hoạt động bằng cách huy động nhiều khoản tiền nhỏ từ một số lượng lớn công chúng, thường là qua internet”[4]. Như vậy, cách giải thích thuật ngữ này đều đề cập đến yếu tố được coi là đặc trưng cho gọi vốn cộng đồng là “sự tham gia của lượng lớn công chúng” và “internet”[5].
Với sự ra đời của hàng loạt các nền tảng công nghệ kể từ năm 2008 - 2009, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra định nghĩa cụ thể hơn về gọi vốn cộng đồng. Một trong những định nghĩa đầu tiên về gọi vốn cộng đồng được nêu lên bởi Armin Schwienbacher và Thomas Lambert năm 2010, theo đó, gọi vốn cộng đồng được hiểu là một cuộc gọi mở, về cơ bản, thông qua internet để cung cấp các nguồn tài chính dưới hình thức quyên góp hoặc để đổi lấy một số hình thức phần thưởng và/hoặc chính quyền biểu quyết để hỗ trợ các sáng kiến cho các mục đích cụ thể. Từ định nghĩa này, có thể thấy, một số điểm chung cho các hình thức gọi vốn cộng đồng khác nhau là:
- Đây là một “cuộc gọi”, ưu đãi công khai: Lời mời gọi này thay vì chỉ để dành riêng cho một nhóm người thì sẽ hướng đến tất cả mọi người, nói cách khác, tất cả công chúng đều là những nhà đầu tư tiềm năng;
- Lời gọi mời được thực hiện thông qua internet, có thể thông qua các nền tảng mạng xã hội hoặc không, nhưng luôn có sự hiện diện của internet, phương thức này giúp thu hút được một lượng lớn người quan tâm;
- Mục tiêu của lời gọi mời là nhằm thu hút các nguồn tài chính để hỗ trợ cho các sáng kiến, dự án cụ thể.
Có nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại các hình thức huy động vốn cộng đồng. Tuy nhiên, phổ biến hơn cả là cách phân loại gọi vốn cộng đồng được sử dụng bởi Massolution (một tổ chức chuyên nghiên cứu và tư vấn về gọi vốn cộng đồng; mỗi năm đều có báo cáo thường niên về tình trạng phát triển của gọi vốn cộng đồng trên thế giới) bao gồm hình thức cơ bản sau:
Một là, gọi vốn theo hình thức quyên góp từ thiện (donation-based crowdfunding): Hình thức này gợi lại nguồn gốc lịch sử của gọi vốn cộng đồng. Theo hình thức này, các dự án được tài trợ bằng cách quyên góp và chủ dự án không phải trả lợi ích cho người gọi vốn giống như cách tài trợ cho Tượng Nữ thần Tự do đã nêu ở trên. Tuy nhiên, các chiến dịch quyên góp được thực hiện thông qua nền tảng internet. Các dự án được tài trợ trên các nền tảng này rất đa dạng, có thể phục vụ cho mục đích nhân đạo, xã hội, giáo dục hay nghiên cứu y tế và thường do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội từ thiện, tổ chức phi Chính phủ đứng ra kêu gọi.
Hai là, gọi vốn theo hình thức trả phần thưởng, quà tặng (reward-based crowdfunding): Nếu như hình thức gọi vốn bằng quyên góp từ thiện trước hết dựa vào lòng vị tha, trắc ẩn của người tham gia và thường không được nhận lại một giá trị vật chất hữu hình nào thì gọi vốn theo hình thức trả phần thưởng là để tri ân cho sự đóng góp của họ. Đây có thể coi là hình thức gọi vốn cộng đồng phát triển bậc nhất hiện nay. Ví dụ, nền tảng Kickstarter[6], Indegogo[7] là những nền tảng dẫn đầu thế giới về gọi vốn cộng đồng theo hình thức này.
Huy động vốn cộng đồng dựa trên phần thưởng là phương thức tài trợ phù hợp với nhiều loại dự án: Các dự án văn hóa (phổ biến là tài trợ cho các tác phẩm điện ảnh, album ca nhạc, xuất bản sách, báo chí…), các dự án khởi nghiệp (các dự án doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo). Từ sự phong phú của các dự án kêu gọi tài trợ, các nền tảng cũng khá đa dạng và có thể áp dụng cho nhiều loại dự án khác nhau[8] hoặc áp dụng riêng cho một lĩnh vực cụ thể[9], nền tảng tài trợ cho dự án trong một lãnh thổ cụ thể…
Ba là, gọi vốn theo hình thức vay vốn (lending-based crowdfunding hay crowdlending): Hình thức này được đánh giá là ngày càng trở nên phổ biến[10]. Ở hình thức này, những người góp vốn trở thành bên cho vay với mô hình tương tự như tài chính vi mô, cụ thể là tín dụng vi mô do các tổ chức tài chính vi mô thực hiện đối với khách hàng. Hình thức gọi vốn crowdlending cho phép các nhà tài trợ rót vốn cho các dự án dưới dạng các khoản vay (có hoặc không có lãi suất) dựa trên các nền tảng cho vay liên kết, nền tảng cho vay dành riêng cho cá nhân hay nền tảng cho vay dành cho doanh nghiệp. Vốn vay được lấy từ vốn góp của cộng đồng hoặc từ những người đã kinh doanh thành công từ hình thức này nhằm tạo ra dòng vốn luân chuyển lớn để giúp các doanh nghiệp. Đây là hình thức gọi vốn cộng đồng phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thành lập nhưng tài sản bảo đảm không đủ để thuyết phục tổ chức tín dụng cho vay.
Bốn là, gọi vốn theo hình thức đầu tư (crowdinversting hay equity-based crowdfunding): Đây là hình thức gọi vốn cộng đồng cho phép những người đóng góp đầu tư vốn vào công ty và đổi lại họ nắm giữ một phần vốn của công ty dưới hình thức cổ phần. Hình thức gọi vốn này phù hợp với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về phía người đầu tư, một trong những ưu điểm lớn của hình thức này là người đầu tư sẽ nhận được khoản lợi nhuận tăng lên tương ứng với sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Ngược lại, họ cũng phải đối mặt với rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả.
Dù là gọi vốn dưới hình thức nào, chúng ta đều có thể nhận thấy quy trình huy động vốn cộng đồng hình thành một tam giác gồm ba bên: Nhà cung cấp nền tảng gọi vốn, chủ dự án và người góp vốn (người ủng hộ, cộng đồng). Trong đó, chủ dự án chịu trách nhiệm chuẩn bị và thực hiện chiến dịch gọi vốn, cung cấp các văn bản, hình ảnh, video quảng cáo và các tài liệu khác cho nền tảng gọi vốn. Nhà cung cấp nền tảng công nghệ cung cấp không gian để mô tả dự án và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán giữa người góp vốn và chủ dự án. Bên trung gian này cũng chịu trách nhiệm phát hiện các gian lận trong thanh toán, cũng như vô hiệu hóa các chiến dịch gọi vốn có hành vi gian lận. Thông thường, tiền từ những người góp vốn được giữ trong một tài khoản ký quỹ đặc biệt cho đến khi chiến dịch kết thúc. Người góp vốn dựa trên các thông tin được cung cấp trên nền tảng gọi vốn để đưa ra quyết định có ủng hộ, tài trợ hay không.
2. Thực tiễn và đề xuất giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động gọi vốn cộng đồng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp ở Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tinh thần khởi nghiệp và thái độ tích cực đối với khởi nghiệp, song lại ở trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất, với chỉ 3% được gọi là thành công, trong đó, kêu gọi đầu tư là mối quan tâm hàng đầu của những người dự định khởi nghiệp[11]. Việt Nam cũng là quốc gia với dân số trẻ, tỷ lệ tiếp cận internet cao và các mạng xã hội được sử dụng rộng rãi. Hoạt động gọi vốn cộng đồng chắc chắn sẽ là một sự hỗ trợ tích cực cho thanh niên khởi nghiệp, bởi đó là kết quả của sự kết hợp giữa công nghệ với niềm đam mê và sự hào phóng bẩm sinh của con người, điều vẫn còn thiếu là các cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội phù hợp.
Để hoạt động góp vốn cộng đồng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nói riêng, doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung phát triển tương xứng với tiềm năng, thì việc thiết lập khuôn khổ pháp lý điều chỉnh về gọi vốn cộng đồng là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Bên cạnh Luật Thanh niên năm 2020, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản, chủ trương, chính sách khởi nghiệp, giáo dục, đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên; cung cấp thông tin về thị trường; hỗ trợ pháp lý, khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật; khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng khoa học và công nghệ; ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; khuyến khích thành lập quỹ khởi nghiệp cho thanh niên, hướng tới hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các quy định cụ thể, về gọi vốn cộng đồng.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành quy định về mô hình gọi vốn cộng đồng nhằm hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của cộng đồng khởi nghiệp, tận dụng được nguồn lực có sẵn trong xã hội, cũng như bảo vệ được quyền lợi của nhà đầu tư[12]. Việc thể chế hóa và có các quy định của pháp luật sẽ làm tăng tính khả dụng của hình thức này, cũng như làm minh bạch hóa thị trường, tạo sự yên tâm cho các chủ thể tham gia gọi vốn cộng đồng. Sự hiện hữu của các quy định pháp luật về gọi vốn cộng đồng là phù hợp với chủ trương của Chính phủ về tận dụng khả năng nội tại của những nhà khởi nghiệp và nguồn vốn có sẵn trong cộng đồng, cũng như phù hợp với xu thế chung của xã hội. Một số vấn đề cần cân nhắc khi thiết lập khung pháp lý cho gọi vốn cộng đồng đó là:
Thứ nhất, cần định nghĩa rõ ràng về gọi vốn cộng đồng cũng như mô hình gọi vốn cộng đồng, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Trước đây, khi xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, hoạt động gọi vốn cộng đồng đã được đưa vào tại Điều 3 Dự thảo Luật này, theo đó, “gọi vốn cộng đồng là hình thức huy động vốn từ số đông các cá nhân thông qua tổ chức trung gian cung cấp thông tin và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ việc huy động vốn trực tuyến. Bên cung cấp vốn và bên gọi vốn tự chịu rủi ro, trách nhiệm từ việc cấp vốn và hoàn trả vốn. Bên gọi vốn có thể hoàn trả bằng quà tặng, cổ phần, vốn vay hoặc dưới các hình thức khác”[13]. Tuy nhiên, do tính mới của hoạt động này cũng như do thực trạng các nền tảng gọi vốn cộng đồng tại thời điểm đó còn chưa phát triển nên khi ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, nội dung này đã không được đưa vào diện điều chỉnh. Để đa dạng hóa các hình thức gọi vốn cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của người khởi nghiệp cũng như của người góp vốn, phù hợp với xu hướng phát triển của gọi vốn cộng đồng trên thế giới, Việt Nam có thể cân nhắc quy định cho phép áp dụng đa dạng các hình thức gọi vốn cộng đồng, bao gồm cả gọi vốn theo hình thức quyên góp từ thiện, gọi vốn theo hình thức nhận quà tặng, gọi vốn theo hình thức trả cổ phần, gọi vốn theo hình thức vay.
Thứ hai, cần xác định rõ ràng cơ quan có vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động gọi vốn cộng đồng. Trong gọi vốn cộng đồng, với đặc trưng riêng của từng hình thức huy động, có thể thấy, sự hiện diện của các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau. Cơ quan nào sẽ là chủ thể có thẩm quyền kiểm tra các điều kiện thành lập, cấp phép cho các nền tảng gọi vốn cộng đồng? Nếu coi huy động vốn cộng đồng là một hình thức mới của dịch vụ tài chính dựa trên công nghệ thì vai trò của Ngân hàng Nhà nước sẽ thế nào? Nếu cho phép áp dụng gọi vốn theo hình thức trả cổ phần thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có vai trò ra sao…
Thứ ba, cần ban hành quy định xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức cung cấp nền tảng gọi vốn cộng đồng trong tuân thủ các điều kiện về nhân sự, tài chính, công nghệ thông tin, bảo mật cũng như bảo đảm sự công bằng trong quảng bá các dự án gọi vốn trên nền tảng. Một trong những đặc thù của huy động vốn cộng đồng là tính không chuyên nghiệp của những người tham gia, bao gồm cả người khởi nghiệp và người góp vốn và họ thường phải đặt niềm tin nhất định vào các nền tảng gọi vốn. Các nền tảng gọi vốn cộng đồng giúp tạo điều kiện tương tác cho những người đang tìm nguồn vốn cho dự án và những người muốn tham gia tài trợ. Chức năng của các nền tảng này là giúp giảm thiểu chi phí giao dịch cho người tìm vốn và cho phép những người góp vốn tiềm năng tìm kiếm, lựa chọn một cách độc lập những dự án mà họ muốn hỗ trợ. Tất nhiên, các nền tảng này hoạt động không phải miễn phí và vai trò của các nền tảng này không chỉ dừng ở việc môi giới đơn thuần, do đó, các nền tảng đều mong muốn thu hút được lượng lớn những người có nhu cầu đầu tư, góp vốn. Mục tiêu lợi nhuận có thể khiến các nền tảng này bỏ qua những yêu cầu về thẩm định chất lượng dự án, bảo vệ quyền lợi người góp vốn, thậm chí có những hành vi lừa đảo khách hàng. Do vậy, cần có quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập và hoạt động của các nền tảng, yêu cầu tuân thủ quy định về chế độ giám sát, báo cáo định kỳ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, khi phát triển các hình thức gọi vốn cộng đồng, Nhà nước cũng cần cân nhắc tới sự tương thích của các quy định về gọi vốn cộng đồng với các quy định pháp luật liên quan như Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Ngoài ra, thanh toán trực tuyến cũng là một trong những khó khăn khiến gọi vốn cộng đồng khó phát triển ở Việt Nam. Những hình thức hỗ trợ chủ yếu trên các nền tảng gọi vốn cộng đồng là qua thanh toán không dùng tiền mặt như chuyển khoản, qua thẻ thanh toán quốc tế, đòi hỏi người đầu tư phải nắm bắt được công nghệ... trong khi đa số người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, mua bán trực tiếp, nhất là với những giao dịch nhỏ.
Thứ tư, một lý do quan trọng hàng đầu là rào cản pháp lý. Mặc dù mô hình gọi vốn cộng đồng đã xuất hiện ở Việt Nam từ cách đây 10 năm nhưng cho tới nay, vẫn chưa có văn bản pháp luật nào đề cập một cách chính thức về hoạt động này. Điều này dẫn tới những khó khăn trong việc xác định tư cách pháp lý của các nền tảng gọi vốn cộng đồng, trong việc ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch, cũng như bảo vệ những người góp vốn khi xảy ra gian lận hay lừa đảo. Đây là khoảng trống pháp lý cản trở thanh niên khởi nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nói riêng tiếp cận nguồn vốn cộng đồng đa dạng. Việc gọi vốn từ cộng đồng còn đặc biệt có ý nghĩa đối với các dự án khởi nghiệp ở khu vực nông thôn, gắn với khai thác giá trị văn hóa bản địa trong hoạt động du lịch sinh thái, khai thác, mở rộng giá trị thương mại sản phẩm của các làng nghề. Do thiếu cơ sở pháp lý cho việc gọi vốn từ cộng đồng nên các dự án khởi nghiệp rất khó có thể đến được với số đông nhà đầu tư có nhu cầu góp vốn./.
ThS. Tô Lý Cường
Ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn
[1]. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sử dụng các thuật ngữ “gọi vốn cộng đồng”, “huy động vốn cộng đồng” như là các cụm từ đồng nghĩa.
[2]. https://cand.com.vn/ly-luan/nu-than-tu-do-135-tuoi-i638663/, truy cập ngày 04/7/2024.
[3]. https:www.scirp.org/pdf/ojbm_2021031515314556.pdf.
[4]. https:www.merriam-webster.com/dictionary/crowfunding.
[5]. Nếu coi “web” và “đám đông” là hai yếu tố cần thiết cho việc huy động vốn thì thực ra, vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX, đã xuất hiện những chiến dịch kêu gọi tài trợ được phát động thông qua internet và nhiều nền tảng gây quỹ từ thiện đã bắt đầu xuất hiện. Một trong những ví dụ kinh điển về “gọi vốn cộng đồng” hay được nhắc đến là trường hợp nhóm nhạc rock người Anh Marillion, vào năm 1997, đã thu hút được 60.000 USD thông qua một chiến dịch phát động trên internet có tên “Tour fund” để thực hiện chuyến lưu diễn Hoa Kỳ.
[6]. https://www.kickstarter.com/.
[7]. https://www.indiegogo.com/.
[8]. Ví dụ, Kickstarter ở Hoa Kỳ, KisskissBangBang tại Pháp, FirstStep tại Việt Nam.
[9]. Ví dụ, Foodraising cho những dự án liên quan tới nhà hàng, ăn uống, bar… hay Fundovino cho dự án xoay quanh chủ đề rượu vang và nho, thậm chí sách về cây nho hay comicola chuyên kêu gọi tài trợ cho các dự án văn hóa sáng tạo.
[10]. Theo báo cáo của Massolution (2015), năm 2014, hình thức crowdlending huy động được 11,08 tỷ đô la, tức hơn 68% tổng tài trợ bằng tất cả các hình thức crowdfunding.
[11]. Khảo sát về tinh thần khởi nghiệp (AGER) tại 44 quốc gia với gần 49.000 người từ 19 tuổi trở lên được công bố tháng 9/2018 bởi sự phối hợp thực hiện của Tập đoàn Amway, Đại học Technische Universitant Munchen (TUM) và Công ty nghiên cứu thị trường GfK.
[12]. Ví dụ, Malaysia đã thông qua sửa đổi và bổ sung Luật Thị trường vốn và dịch vụ tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động gọi vốn cộng đồng vào năm 2015; Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật Khởi sự kinh doanh có hiệu lực từ ngày 23/9/2013; Trung Quốc có quy định về gọi vốn cộng đồng vào tháng 12/2024; Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành quy chế chung về huy động vốn cộng đồng ngày 10/11/2020 và có hiệu lực áp dụng trực tiếp trên toàn bộ các quốc gia thuộc EU từ ngày 10/11/2021.
[13]. Nội dung này được ghi nhận tại các dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa lần 1, 2, 3, 4 (khoản 11 Điều 3).
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 410), tháng 8/2024)