1. Quy định của pháp luật về chủ thể trong hợp đồng nhượng quyền thương mại
Tính đến thời điểm này, theo tác giả được biết, Việt Nam là một trong 33 quốc gia trên thế giới có hệ thống quy phạm pháp luật riêng biệt điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại (NQTM). Các quy định đó được ghi nhận tại một số văn bản pháp luật, theo đó, chủ thể của hợp đồng nhượng quyền thương mại được quy định như sau:
1.1. Về tư cách pháp lý của chủ thể trong hợp đồng nhượng quyền thương mại
Thứ nhất, đối với bên nhượng quyền, được phép cấp quyền thương mại khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 8 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (Nghị định số 08/2018/NĐ-CP): “Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm”. Quy định này được hiểu, đối với trường hợp thương nhân là bên nhượng quyền nước ngoài hoặc bên nhận quyền sơ cấp từ bên nhượng quyền nước ngoài, thương nhân đó phải kinh doanh theo phương thức NQTM ít nhất là 01 năm ở Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương mại. Pháp luật quy định khoảng thời gian như vậy để doanh nghiệp có thời gian xây dựng thương hiệu, tạo được uy tín trong lòng người tiêu dùng và đối với các đối tác tương lai, lập kế hoạch chuẩn bị cho việc nhượng quyền được chu đáo, từ đó, giúp doanh nghiệp hạn chế được mức thấp nhất những rủi do có thể xảy ra. Điều 8 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP đã sửa đổi các quy định về điều kiện đối với bên nhượng quyền không quy định các điều kiện kinh doanh khác đối với bên nhượng quyền như: Đăng ký hoạt động nhượng quyền tại cơ quan có thẩm quyền hay các quy định về đối tượng hàng hóa, dịch vụ được phép nhượng quyền.
Thứ hai, điều kiện đối với bên nhận quyền, Điều 9 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ Điều 6 về điều kiện đối với bên nhận quyền của Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (Nghị định số 35/2006/NĐ-CP). Điều 6 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định: “Thương nhân được phép nhận quyền thương mại khi có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại”. Quy định mới về việc bãi bỏ điều kiện này đối với bên nhận quyền có thể hiểu như sau: Bên nhận quyền có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân; nếu là thương nhân cũng không cần thiết phải đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng NQTM. Đây là quy định tạo hành lang pháp lý rộng mở cho hoạt động NQTM tại Việt Nam hiện nay.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ thể của hợp đồng NQTM có thể là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài. Trong đó, bên nhượng quyền thương mại bắt buộc phải là thương nhân có hệ thống và cơ sở kinh doanh trên thị trường, có quyền kinh doanh độc lập và không đưa ra các điều kiện đối với bên nhận quyền.
1.2. Về số lượng chủ thể trong hợp đồng nhượng quyền thương mại
Tùy vào tính chất của các loại hợp đồng NQTM khác nhau mà trong hợp đồng có thể chỉ có hai bên chủ thể nhưng có những hợp đồng lại có nhiều chủ thể tham gia. Trong lĩnh vực NQTM sản xuất thường chỉ có một bên nhận quyền. Tuy nhiên, hiếm khi trong hợp đồng NQTM chỉ có hai bên, mà thông thường có nhiều bên nhận quyền và nó tạo ra một mạng lưới kinh doanh.
Thứ nhất, loại hợp đồng mà các bên bao gồm hai cấp: Cấp một, chủ thương hiệu trao toàn bộ bí quyết cho một số bên nhận quyền trong một phạm vi địa lý lớn; cấp hai, trong một phạm vi địa lý nhất định, các bên được thực hiện các hoạt động kinh doanh thông thường, do vậy, chỉ thụ hưởng một phần lợi ích từ hoạt động nhượng quyền.
Thứ hai, hoạt động nhượng quyền được thực hiện trong một khu vực địa lý lớn và chủ thương hiệu trao cho bên nhận quyền cơ bản - người được thụ hưởng độc quyền trong khu vực địa lý này, nhiệm vụ phát triển thêm các bên nhận quyền khác để thụ hưởng toàn bộ lợi ích từ hoạt động nhượng quyền. Theo Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 35/2006/NĐ-CP, chủ thể của NQTM bao gồm bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền, mặc dù vậy, theo Điều 290 Luật Thương mại năm 2005, thì có thể còn xuất hiện thêm chủ thể thứ ba: “1. Bên nhận quyền có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba (gọi là bên nhận lại quyền) nếu được sự chấp thuận của bên nhượng quyền. 2. Bên nhận lại quyền có các quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền quy định tại Điều 288 và Điều 289 của Luật này”. Mặc dù vậy, quy định này không có nghĩa là bên nhượng quyền luôn có quyền từ chối nếu không muốn bên nhận quyền nhượng lại quyền cho bên thứ ba, mà chỉ khi xảy ra trong một số trường hợp nhất định. Việc quy định các trường hợp bên nhượng quyền có quyền từ chối việc bên nhận quyền nhượng lại quyền cho bên thứ ba đã làm hạn chế quyền của bên nhượng quyền, đồng thời, mở rộng quyền của bên nhận quyền. Ngược lại, quy định này cũng giúp kiểm soát được hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền và toàn bộ hệ thống NQTM.
2. Một số bất cập của quy định về chủ thể trong hợp đồng nhượng quyền thương mại
Hoạt động NQTM là hoạt động mang tính đặc thù. Vì vậy, trong hợp đồng NQTM luôn tồn tại hai chủ thể quan trọng là bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Về cơ bản, hợp đồng NQTM chính là sự thỏa thuận giữa hai bên chủ thể này về nội dung của hoạt động NQTM.
2.1. Về điều kiện để trở thành bên nhượng quyền
Trong hoạt động NQTM, hầu hết các nước trên thế giới đều quy định các bên chủ thể phải là thương nhân tồn tại một cách hợp pháp, có thẩm quyền kinh doanh và có hoạt động thương mại tương thích với đối tượng nhận quyền. Những đặc thù này của NQTM đã làm cho quan hệ hợp đồng trong NQTM có những khác biệt với các loại hợp đồng khác khi quan hệ nhượng quyền không chỉ dừng lại giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền mà đôi khi còn xuất hiện thêm bên nhận quyền thứ cấp (bên thứ ba). Theo đó, bên nhận quyền thứ cấp là bên nhận lại quyền kinh doanh của bên nhượng quyền từ bên nhận quyền đầu tiên. Trong trường hợp đó, các bên sẽ phải có những thỏa thuận phù hợp với lợi ích của các bên, đặc biệt là với bên nhượng quyền.
Pháp luật thương mại chỉ ra các đối tượng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng NQTM: Bên nhượng quyền, bên nhận quyền, bên nhượng quyền thứ cấp, bên nhận quyền sơ cấp và bên nhận quyền thứ cấp. Điều 290 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “1. Bên nhận quyền có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba (gọi là bên nhận lại quyền) nếu được sự chấp thuận của bên nhượng quyền. 2. Bên nhận lại quyền có các quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền quy định tại Điều 288 và Điều 289 của Luật này”. Tuy nhiên, theo Nghị định số 35/2006/NĐ-CP thì không phải bất kỳ trường hợp nào bên nhận quyền cũng có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba nếu được sự chấp thuận của bên nhượng quyền; bên nhượng quyền trực tiếp chỉ được từ chối việc chuyển giao quyền thương mại của bên nhận quyền khi có một trong các lý do sau đây: (i) Bên dự kiến nhận chuyển giao không đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính mà bên dự kiến nhận chuyển giao phải thực hiện theo hợp đồng NQTM; (ii) Bên dự kiến nhận chuyển giao chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn lựa chọn của bên nhượng quyền trực tiếp; (iii) Việc chuyển giao quyền thương mại sẽ có ảnh hưởng bất lợi lớn đối với hệ thống NQTM hiện tại; (iv) Bên dự kiến nhận chuyển giao không đồng ý bằng văn bản sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của bên nhận quyền theo hợp đồng NQTM; (v) Bên nhận quyền chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với bên nhượng quyền trực tiếp, trừ trường hợp bên dự kiến nhận chuyển giao cam kết bằng văn bản thực hiện các nghĩa vụ đó thay cho bên nhận quyền. Các quy định về việc từ chối chuyển giao quyền thương mại của bên nhượng quyền đã làm hạn chế quyền của bên nhượng quyền và mở rộng hơn quyền của bên nhận quyền. Thực tiễn áp dụng cho thấy, pháp luật khi có những điều chỉnh thỏa đáng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận quyền mà theo đánh giá là có phần bị động trong quan hệ với bên nhượng quyền sẽ mang lại nhiều tác động tích cực trong hoạt động NQTM, khuyến khích vấn đề nhượng quyền phát triển. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật cũng đảm bảo cho bên nhượng quyền có thể kiểm soát được hoạt động kinh doanh của bên nhận quyền và hệ thống NQTM.
Để đảm bảo tốt hoạt động NQTM, pháp luật Việt Nam cũng đã có những điều chỉnh căn bản về điều kiện để trở thành bên nhượng quyền trong hợp đồng NQTM nhưng cũng có những bất cập như:
Điều 8 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP có quy định về điều kiện trở thành bên nhượng quyền trong hợp đồng NQTM, theo đó, thương nhân chỉ được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm ở Việt Nam. Quy định như vậy sẽ làm mất đi ưu thế cạnh tranh, mở rộng thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài vì nếu các nhà đầu tư nước ngoài có đủ năng lực, điều kiện thì có thể mở rộng hệ thống để chiếm lĩnh thị trường, tăng khả năng cạnh tranh ngay từ thời gian đầu hoạt động mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy định tương tự nào từ phía Nhà nước. Mặt khác, quy định thời hạn như vậy cũng chưa chắc đủ cơ sở đảm bảo năng lực nhượng quyền của thương nhân, bởi để tiến hành nhượng quyền, đòi hỏi bên nhượng quyền phải có khả năng tài chính, nhân sự để duy trì sự trợ giúp và kiểm soát thường xuyên đối với toàn bộ hệ thống nhượng quyền. Trên thực tế, trong quan hệ NQTM, bên nhượng quyền phải có hệ thống và cơ sở kinh doanh có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Hệ thống kinh doanh này phải có thời gian trải nghiệm trên thị trường đủ để tạo ra một giá trị “quyền thương mại”1 hợp lý và tạo được niềm tin cho bên nhận quyền. Dưới góc độ pháp luật, chủ thể nhượng quyển phải trải qua một thời gian kinh doanh nhất định, khoảng thời gian này được các nước quy định khác nhau tùy vào quan niệm của quốc gia đó về sự phức tạp và tính chứa đựng rủi ro của loại hình kinh doanh này. Thông thường, pháp luật các nước quy định thời gian này là một năm hoặc ba năm (trong đó có Việt Nam). Việc quy định thời gian “tập sự” là một năm thực chất là quy định mở đường, tạo niềm tin cho bên nhận quyền và hỗ trợ cho bên nhượng quyền trong việc tìm kiếm đối tác đáng tin cậy. Thiết nghĩ, trong môi trường kinh doanh hiện nay, việc quy định thời gian hoạt động của bên nhượng quyền như trên không hoàn toàn mang lại thành công cho các bên khi hợp tác, bởi có những thương hiệu có uy tín và hệ thống nhượng quyền được mở rộng tại nhiều quốc gia như KFC… thì vấn đề lại không nằm ở thời gian một năm thử thách.
Ngoài ra, quy định thời hạn trên cũng đặt ra một vấn đề ở Việt Nam là trong trường hợp thương nhân Việt Nam là bên nhượng quyền thứ cấp của bên nhượng quyền ban đầu là thương nhân nước ngoài thì có cần phải đáp ứng điều kiện “phải hoạt động theo phương thức nhượng quyền ít nhất 01 năm ở Việt Nam” hay không?
2.2. Về hình thức tồn tại của bên nhượng quyền
Khi xem xét các quy định của Luật Thương mại Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành thì thấy rằng, không có điều khoản nào đặt ra các điều kiện về hình thức tồn tại của thương nhân đối với bên nhượng quyền - một trong những quy định rất được coi trọng ở một số quốc gia. Theo pháp luật Trung Quốc, nước này yêu cầu bên nhượng quyền bắt buộc phải là doanh nghiệp, mọi hình tức tồn tại khác của thương nhân đều không được coi là có đủ điều kiện để thực hiện quyền thương mại2. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam chỉ quy định bên nhượng quyền có thời gian hoạt động ít nhất 01 năm tại Việt Nam thì chưa đủ.
2.3. Về điều kiện để trở thành bên nhận quyền
Trong khi điều kiện đặt ra đối với thương nhân nhượng quyền khá khắt khe và phức tạp thì đối với bên nhận quyền, pháp luật hiện hành không đưa ra điều kiện. Điều 9 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP gỡ bỏ hoàn toàn các điều kiện đối với bên nhận quyền được đặt ra trước đó ở Nghị định số 35/2006/NĐ-CP. Quy định này, về cơ bản, đã tạo ra được sự thông thoáng cho các thương nhân khi lựa chọn phương thức kinh doanh, đặc biệt là các thương nhân mới khởi nghiệp, quy mô và cơ sở kinh doanh còn hạn hẹp. Tuy nhiên, nó lại tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với bên nhượng quyền, nhất là khi bên nhận quyền sau khi đã nhận quyền thì không phát huy được thế mạnh của mình, hệ thống kinh doanh bị thu hẹp làm ảnh hưởng đến uy tín và hiệu suất doanh thu của bên nhượng quyền. Điều này được nhận thấy rõ nhất khi một số thương hiệu mạnh “ngại” nhượng quyền tại Việt Nam.
Thông thường, pháp luật các nước sẽ đặt ra những yêu cầu nhất định đối với bên nhận quyền trong một quan hệ nhượng quyền. Theo đó, bên nhận quyền phải tồn tại dưới tên thương mại riêng, xác định một tư cách pháp lý độc lập với bên nhượng quyền, mặc dù để bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ tới người tiêu dùng, nhưng bên nhận quyền phải tập hợp các dấu hiệu tập hợp khách hàng, nhận biết thương nhân trong đó bao gồm cả tên thương mại của bên nhượng quyền3. Pháp luật của Australia cũng đã có những quy định cứng rắn về đặc trưng của bên nhận quyền, đó là hoạt động dưới tên thương mại riêng và trực tiếp chịu rủi ro với hoạt động kinh doanh do bên này tiến hành4. Với quy định này, bên nhận quyền trong pháp luật Australia có tư cách pháp lý hoàn toàn độc lập so với bên nhượng quyền và đặc biệt là hoàn hoàn tự mình chịu trách nhiệm từ những rủi ro trong kinh doanh mà mình gây ra. Bên nhận quyền phải tồn tại dưới hình thức pháp lý nhất định, ở một góc độ nào đó, điều này là hoàn toàn hợp lý và công bằng với bên nhượng quyền, mối quan hệ giữa hai bên chủ thể này là mối quan hệ hợp tác, xuất phát từ bản chất kinh tế, một khi bên nhượng quyền nhượng lại quyền kinh doanh, thương hiệu, nhãn hiệu và các hỗ trợ khác thì một rủi ro mà bên nhượng quyền có thể gặp phải là khả năng mất bí quyết kinh doanh, bí mật công nghệ. Mặt khác, bên nhượng quyền cũng có thể đối mặt với những tổn thất nặng nề do sự đổ vỡ hệ thống nếu bên nhận quyền kinh doanh không thành công và dẫn đến thua lỗ. Vì thế, pháp luật một số nước trên thế giới quy định bên nhận quyền phải tồn tại dưới một hình thức pháp lý nhất định, mà một trong những yếu tố xác định là năng lực pháp lý, đó là chủ thể này phải tồn tại dưới hình thức doanh nghiệp5. Điều này được xem là một trong những biện pháp nhằm bảo vệ bên nhượng quyền trước những rủi ro có thể xảy ra.
2.4. Về hình thức tồn tại của bên nhận quyền
Pháp luật thương mại Việt Nam không bắt buộc hình thức pháp lý đối với bên nhận quyền. Điều này có phần phù hợp với môi trường nhượng quyền tại Việt Nam trước đây, khi mà NQTM được thực hiện ở Việt Nam chủ yếu được thiết lập dưới dạng nhà hàng, quán ăn nhanh với quy mô nhỏ lẻ nằm trong khả năng có thể điều khiển được của thương nhân là một cá nhân hoặc hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, vấn đề này cần được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng khi mà phương thức kinh doanh NQTM ở Việt Nam đang ngày càng chiếm ưu thế và là sự lựa chọn của các doanh nghiệp. Từ năm 2010, hàng loạt các thương hiệu lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam và tạo ra những hiệu ứng không nhỏ đối với nền kinh tế đất nước. Vì thế, việc giữ nguyên các quy định đối với bên nhận quyền như hiện nay phần nào gây tâm lý bất an cho các doanh nghiệp nhượng quyền.
Như vậy, xuất phát từ bản chất của hợp đồng NQTM là hợp đồng mang tính đặc thù, thậm chí được xem là một dạng hợp đồng đặc biệt với tính chất phức tạp của nó, thì việc xem xét đánh giá các khía cạnh về chủ thể của loại hợp đồng này là hoàn toàn cần thiết, đặc biệt trong điều kiện hiện nay khi mà các “đại gia nước ngoài” đang đổ bộ vào Việt Nam và NQTM không còn là vấn đề mới mẻ nữa. Đồng thời, xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu từ thực tiễn.
3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về chủ thể của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Một là, quy định điều kiện trở thành chủ thể NQTM một cách phù hợp hơn
Theo quy định của pháp luật hiện hành, điều kiện để trở thành chủ thể trong NQTM là bên nhượng quyền phải có thời gian hoạt động ít nhất một năm. Thực chất của quy định chỉ nhằm củng cố niềm tin và tạo thời gian thử thách đối với bên nhượng quyền mà không ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất nhượng quyền. Sự thành bại của một doanh nghiệp khi lựa chọn hình thức nhượng quyền không phụ thuộc vào thời gian hoạt động mà ở khả năng tài chính, khả năng quản lý, số cơ sở trong hệ thống nhượng quyền… Vì vậy, có thể cho rằng, quy định này đang làm giảm khả năng cạnh tranh của các thương hiệu. Do đó, quy định về điều kiện nhượng quyền nên được xây dựng theo hướng chú trọng các điều kiện về kinh tế, khả năng quản lý, khả năng tài chính, phương thức kinh doanh của bên nhượng quyền. Đồng thời, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc chúng ta quy định các điều kiện đối với bên nhượng quyền thực sự không cần thiết. Thiết nghĩ, nên có những thay đổi theo chiều hướng mở nhằm khuyến khích các thương hiệu có tên tuổi vào thị trường Việt Nam, cụ thể, đối với các thương hiệu lớn, đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường thế giới như Nokia, McDonald’s… thì có thể thực hiện nhượng quyền trực tiếp mà không cần phải qua thời gian thử thách một năm. Rõ ràng, khi một thương hiệu đã chứng minh được sự thành công bền vững của mình trước đó cũng như đã nhân rộng mô hình kinh doanh của mình bằng hình thức nhượng quyền trên toàn thế giới thì một năm đối với họ tại Việt Nam là quá lãng phí.
Hai là, quy định về điều kiện đối với bên nhận quyền
- Pháp luật Việt Nam đang tạo điều kiện cho bên nhận quyền khi không đưa ra những tiêu chí đối với bên nhận quyền. Tuy nhiên, với điều kiện nội tại hiện nay thì quy định này lại không còn phù hợp. Thị trường Việt Nam đang là điểm đến đối với các thương hiệu lớn trên thế giới thông qua hình thức nhượng quyền, không thể phủ nhận rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang rất hào hứng với những dự án nhượng quyền đến từ các “ông lớn”. Vấn đề NQTM “cho phép người khác thành công giống như chúng ta đã thành công”; “là sự lặp lại của thành công” đã không còn lạ lẫm với thương nhân Việt Nam. Với những lợi thế mà NQTM mang lại, tính từ thời điểm năm 2010, Việt Nam đã có hàng trăm hệ thống NQTM với quy mô lớn ở nhiều lĩnh vực như thời trang hay điện ảnh… những hoạt động nhượng quyền này có quy mô rất lớn, nhưng quy định điều kiện chủ thể nhận quyền là thương nhân có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại là không thỏa đáng, chưa đảm bảo được quyền lợi cho bên nhượng quyền. Vì thế, với bối cảnh hiện nay, pháp luật nên có những điều chỉnh cụ thể về vấn đề này theo hướng quy định hình thức tồn tại bắt buộc đối với bên nhận quyền phải là pháp nhân. Đó là một trong những biện pháp hạn chế rủi ro đối với bên nhượng quyền.
- Việc Nghị định số 08/2018/NĐ-CP bãi bỏ toàn bộ các điều kiện kinh doanh đối với bên nhận quyền, trong đó bãi bỏ quy định: “Hàng hóa, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại là hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh” đang tạo ra những cách hiểu chưa thống nhất. Vì vậy, để đảm bảo sự thống nhất về chủ thể đối với bên nhận quyền thì vấn đề giữ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại là cần thiết.
Nghiên cứu một số vấn đề pháp lý về hợp đồng nhượng quyền thương mại để đưa ra những quan điểm, cơ sở khoa học về việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động NQTM nói chung và hợp đồng NQTM nói riêng, cũng như hoàn thiện pháp luật thương mại ở Việt Nam là điều cấp bách. Điều này không chỉ là đòi hỏi từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, mà còn xuất phát từ yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới còn đóng góp vào quá trình xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh NQTM tương thích tối đa với pháp luật NQTM của các nước trên thế giới.
Đại học Luật thuộc Đại học Huế
[1]. The Merriam Webster Dictionary and Thesaurus, http://www.merriam-webster.com/dictionary/ von%20Baer’s%20law.
[2]. Legislation and regulation relevent to franchising in People’s republic of China.
[3]. Vũ Đặng Hải Yến, Một số vấn đề pháp lý về chủ thể của hoạt động nhượng quyền thương mại, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 4/2008.
[4]. Geert Bogaert and Ulrich Lohmann, Commercial Agency and Distribution Agreements, Laws and practice in the Member States of the European Community, Association Internationale des Jeunes Avocats.
[5]. Vũ Đặng Hải Yến, Một số vấn đề pháp lý về chủ thể của hoạt động nhượng quyền thương mại, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 4/2008.