1. Chuyển đơn khởi kiện trong tố tụng dân sự
Theo Từ điển tiếng Việt: “Chuyển đơn khởi kiện là việc di chuyển đơn kiện từ nơi này đến một nơi khác bằng cách thức nào đó, nhằm mục đích nào đó”[2]. Theo khái niệm này, chuyển đơn khởi kiện là một trong các hoạt động tố tụng dân sự mà Tòa án phải thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Sau khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án cần xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo luật định. Trường hợp, nếu vụ án dân sự đó không thuộc thẩm quyền của Tòa án mà thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức khác hoặc không thuộc thẩm quyền của Tòa án đã nhận đơn mà thuộc thẩm quyền của Tòa án khác hoặc của Tòa án cấp khác thì tùy từng trường hợp, Tòa án tiến hành các hoạt động tố tụng phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Chẳng hạn, theo Điều 41 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nếu vụ việc dân sự đã được thụ lý mà sau đó Tòa án nhận thấy không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã thụ lý thì Tòa án đó ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý.
Về cơ sở pháp lý, chuyển đơn khởi kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cụ thể: “Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác”.
Về căn cứ chuyển đơn khởi kiện, khi Tòa án nhận và xử lý đơn khởi kiện nếu thấy vụ việc mà người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết không thuộc thẩm quyền theo cấp Tòa án và thẩm quyền theo lãnh thổ thì Tòa án nhận đơn sẽ chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền (theo cấp Tòa án và theo lãnh thổ) để giải quyết.
Như vậy, việc nhận và xử lý đơn khởi kiện trong tố tụng dân sự là việc Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện về dân sự của các cá nhân, tổ chức (tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp) gửi đến Tòa án bằng những cách thức khác nhau theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự để tiến hành hoạt động xử lý đơn và hướng dẫn người gửi đơn cách thức bảo vệ quyền của mình tại cơ quan, tổ chức thẩm quyền. Căn cứ vào thẩm quyền, Tòa án xác định phạm vi quyền hạn của mình trong thụ lý những vụ việc dân sự do các chủ thể có thẩm quyền yêu cầu. Chuyển đơn khởi kiện là một trong các kết quả của việc xác định thẩm quyền và được thực hiện khi Tòa án chưa thụ lý vụ việc dân sự.
2. Trình tự, thủ tục chuyển đơn khởi kiện và một số vướng mắc, bất cập
Hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa có quy định cụ thể về thủ tục chuyển đơn khởi kiện, mà chỉ quy định ngắn gọn: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây: Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác”[3]. Quy định này dẫn đến cách hiểu về việc chuyển đơn khởi kiện do thẩm phán ban hành dưới hình thức bằng một quyết định. Đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về việc chuyển đơn khởi kiện được ban hành dưới hình thức tên loại văn bản là quyết định hay thông báo dẫn đến tình trạng áp dụng không thống nhất giữa các Tòa án.
Như vậy, sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện, thẩm phán được phân công phải xem xét đơn khởi kiện, tùy từng trường hợp, thẩm phán sẽ tiến hành thủ tục như sau: (i) Thụ lý vụ án dân sự, nếu vụ án dân sự có đủ điều kiện để giải quyết theo quy định của luật; (ii) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác. Đây là hoạt động tố tụng mà Tòa án nhận đơn khởi kiện phải thực hiện trước khi thụ lý vụ án dân sự. Khi kiểm tra đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo do đương sự cung cấp, Tòa án phải xác định vụ án dân sự nào thuộc thẩm quyền của Tòa án nhận đơn và vụ án nào không thuộc thẩm quyền.
Về thủ tục tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện: Khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án bằng một trong những phương thức được pháp luật quy định thì bộ phận tiếp nhận đơn tại Tòa án có trách nhiệm tiếp nhận và ghi ngày, tháng, năm người khởi kiện nộp đơn vào sổ nhận đơn. Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án có trách nhiệm cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Bộ phận tiếp nhận đơn khởi kiện phải tham mưu cho Chánh án Tòa án đã nhận đơn để phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn. Việc xem xét đơn khởi kiện là hoạt động nghiệp vụ quan trọng trong việc thụ lý vụ án dân sự, hoạt động này nhằm mục đích tiến hành kiểm tra các điều kiện thụ lý để quyết định có thụ lý hay không thụ lý vụ án. Sau khi được Chánh án phân công xem xét đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, thẩm phán được phân công phải xem xét đơn khởi kiện[4].
Hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa quy định cụ thể về hồ sơ chuyển đơn khởi kiện. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (đã hết hiệu lực) quy định: Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện biết. Thủ tục chuyển đơn khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và hướng dẫn tại Điều 10 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng dân sự[5] đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (đã hết hiệu lực). Theo đó, thủ tục và hồ sơ chuyển đơn khởi kiện được thực hiện tương tự như thủ tục chuyển vụ án dân sự cho Tòa án khác giải quyết, cụ thể: “Khi xét thấy vụ việc dân sự đã được thụ lý không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân địa phương khác cùng cấp hoặc khác cấp, thì Tòa án đã thụ lý vụ việc dân sự ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xóa sổ thụ lý. Quyết định này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Tòa án có thẩm quyền sau khi nhận được quyết định chuyển vụ việc dân sự và hồ sơ vụ việc dân sự phải vào sổ thụ lý và tiếp tục giải quyết vụ việc đó theo quy định chung”[6].
Hồ sơ khởi kiện của người khởi kiện khi nộp tại Tòa án bao gồm đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo. Sau khi Tòa án nhận và xử lý đơn khởi kiện sẽ phát sinh thêm một số các văn bản liên quan đến thủ tục nhận và xử lý đơn. Vì vậy, hồ sơ nhận và xử lý đơn khởi kiện cũng có tầm quan trọng như hồ sơ của một vụ án. Tuy nhiên, do thiếu các quy định hướng dẫn đối với thủ tục chuyển đơn khởi kiện nên thực tế hiện nay, việc chuyển đơn khởi kiện đều phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của các Tòa án. Hầu hết, các Tòa án nhận đơn khi nhận thấy đơn khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác, thì chỉ tiến hành một thủ tục đơn giản là ra thông báo chuyển đơn khởi kiện và gửi kèm theo đơn khởi kiện cùng các tài liệu, chứng cứ do người khởi kiện giao nộp cho Tòa án có thẩm quyền mà không nêu rõ hồ sơ gửi kèm theo đơn khởi kiện bao gồm những tài liệu, chứng cứ gì. Những tài liệu, chứng cứ này thông thường cũng không được liệt kê và đánh số bút lục như hồ sơ vụ án. Trong trường hợp nếu có thất lạc thì cũng không xác định được tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn có đầy đủ hay chưa.
Như vậy, từ những phân tích ở trên, có thể tổng hợp một số vướng mắc, bất cập về chuyển đơn khởi kiện như sau:
Thứ nhất, do Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa quy định cụ thể về hình thức chuyển đơn khởi kiện bằng quyết định hay thông báo cho nên việc áp dụng pháp luật về chuyển đơn khởi kiện không thống nhất giữa các Tòa án. Có Tòa án ban hành thông báo chuyển đơn khởi kiện, có Tòa án ban hành quyết định chuyển đơn khởi kiện, trong khi nội dung của quyết định và thông báo hoàn toàn giống nhau.
Thứ hai, qua thực tiễn nghiên cứu cho thấy, các hồ sơ chuyển đơn khởi kiện trong một số trường hợp còn sơ sài, hầu hết đều không có các văn bản cần thiết như: Giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện hoặc thông báo nhận đơn; biên bản giao nhận tài liệu, chứng cứ kèm theo do nguyên đơn giao nộp; thông báo chuyển đơn khởi kiện; biên bản giao thông báo chuyển đơn khởi kiện cho người khởi kiện và Viện kiểm sát; phiếu chuyển kèm theo bảng kê tài liệu, văn bản của hồ sơ chuyển đơn khởi kiện… Vì vậy, Tòa án nơi nhận được hồ sơ chuyển đơn khởi kiện không thể thực hiện việc hoàn trả lại phiếu chuyển cho Tòa án nơi chuyển nhằm phục vụ công tác lưu trữ và thông báo, xác nhận đã nhận được hồ sơ khởi kiện.
Thứ ba, nội dung quyết định chuyển đơn khởi kiện hay thông báo chuyển đơn khởi kiện mới chỉ dừng lại ở việc Tòa án thông báo cho người khởi kiện được biết về việc Tòa án đã chuyển đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho một Tòa án khác có thẩm quyền giải quyết, mà không có nội dung thông báo cho Viện kiểm sát được biết về việc chuyển đơn khởi kiện. Ngoài ra, quyết định hoặc thông báo chưa có nội dung giải thích về lý do, căn cứ của việc chuyển đơn, cũng như chưa có các nội dung thông báo về quyền khiếu nại của đương sự, quyền kiến nghị của Viện kiểm sát và thời hạn khiếu nại, kiến nghị.
3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về chuyển đơn khởi kiện
Một là, cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục chuyển đơn khởi kiện để các Tòa án áp dụng dưới một hình thức văn bản thống nhất. Theo đó, văn bản phải bảo đảm bao gồm các nội dung về quyền khiếu nại của đương sự và kiến nghị của Viện kiểm sát; thẩm quyền giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với việc chuyển đơn khởi kiện. Có như vậy mới bảo đảm được ác nguyên tắc tố tụng, bảo đảm việc kiểm sát hoạt động tố tụng và quyền lợi chính đáng của đương sự.
Hai là, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn riêng đối với thủ tục chuyển đơn khởi kiện cần ban hành kèm theo biểu mẫu về thông báo chuyển đơn khởi kiện thay thế cho Biểu mẫu số 25-DS (ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Cụ thể trong hồ sơ chuyển đơn khởi kiện cần bao gồm:
- Đơn khởi kiện;
- Toàn bộ các tài liệu, chứng cứ kèm theo do nguyên đơn giao nộp và biên bản giao nhận tài liệu, chứng cứ;
- Giấy xác nhận đã nhận đơn khởi kiện hoặc thông báo nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (để Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án có căn cứ xác định thời hiệu khởi kiện);
- Thông báo chuyển đơn khởi kiện và thủ tục giao nhận, tống đạt thông báo chuyển đơn khởi kiện cho Viện kiểm sát và người khởi kiện;
- Phiếu chuyển kèm theo bảng kê tài liệu, văn bản của toàn bộ hồ sơ chuyển đơn khởi kiện.
Tóm lại, chuyển đơn khởi kiện trong tố tụng dân sự dựa trên các quy định về thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Xuất phát từ yêu cầu phải bảo đảm nguyên tắc xét xử kịp thời trong tố tụng dân sự, từ thực tế đa dạng, phức tạp của các vụ án dân sự và từ nhu cầu cần được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, đòi hỏi Tòa án phải kết hợp sử dụng nhiều biện pháp tố tụng khác nhau để giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có các quy định đầy đủ cũng như chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể nên thủ tục chuyển đơn khởi kiện vẫn chưa thực sự được quan tâm, chú trọng và chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này chưa bảo đảm các quyền khiếu nại của đương sự, cũng như kiến nghị của Viện kiểm sát… Vì vậy, trong thời gian tới, cần có những giải pháp sửa đổi, bổ sung kịp thời để hoàn thiện pháp luật về chuyển đơn khởi kiện./.
Phan Thị Chánh Lý
Trường Đại học Trà Vinh
[1]. Bài viết là kết quả nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Trà Vinh thông qua Hợp đồng số: 381/2023/HĐ.HĐKH&ĐT-ĐHTV.
[2]. Từ điển tiếng Việt (2007), Nxb. Từ điển Bách khoa, tr. 274.
[3]. Điểm c khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[4]. Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[5]. Điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
[6]. Điều 10 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi; bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 402), tháng 4/2024)