Tóm tắt: Doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và là đối tượng cần được hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý. Bài viết này đánh giá thực trạng pháp luật và đề xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho đối tượng này trong thời gian tới.
Abstract: Small and medium-sized enterprises always account for a large proportion of the total number of businesses in Vietnam, play an important role in promoting socio-economic development and are the subjects that need information support and legal advice. This article assesses the current legal situation and proposes to improve the quality and effectiveness of legal support for this subject in the coming time.
1. Quy định pháp luật và tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam thời gian qua
Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở góc độ chung có thể hiểu là các doanh nghiệp có quy mô về nguồn vốn, số lượng lao động thường xuyên nhỏ hoặc vừa dựa trên các tiêu chí phân loại cụ thể. Các quốc gia trên thế giới thường có sự phân loại doanh nghiệp theo nhóm nhằm hoạch định các chính sách phù hợp liên quan đến quá trình định hướng, hỗ trợ phát triển, xây dựng các văn bản luật để quản lý hoạt động nhằm bảo đảm phù hợp với cơ sở vật chất, nhân lực, chịu tác động từ môi trường đầu tư kinh doanh và những vấn đề khác. Tại Việt Nam, khoản 1 Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí: a) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; b) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng”. Trong khi đó, theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới (WB), doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến dưới 200 người và nguồn vốn 20 tỷ đồng trở xuống, còn doanh nghiệp vừa có từ 200 đến 300 lao động, nguồn vốn từ 20 đến 100 tỷ đồng[1].
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là việc bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện các hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật[2].
Về nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo quy định hiện hành, các cơ quan chức năng tiến hành việc hỗ trợ trên các vấn đề về tiếp cận thông tin pháp luật; cập nhật và nâng cao kiến thức pháp luật kinh doanh nói chung và pháp luật theo từng vấn đề chuyên sâu nói riêng; giải đáp các vấn đề pháp lý phát sinh mà doanh nghiệp quan tâm; kiến nghị và được tiếp nhận kiến nghị. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thực tế hiện nay cho thấy, loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng thể doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Hiện nay, cả nước có khoảng 541.753 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trong nền kinh tế (khoảng 93% trong tổng số doanh nghiệp), với tổng số vốn đăng ký khoảng 130 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp. Hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30%, đóng góp giá trị sản lượng công nghiệp 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% lao động[3]… Có khoảng 80% các doanh nghiệp nhà nước thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng 97% xét về vốn (trong đó hơn 62% số doanh nghiệp là siêu nhỏ) và 99% xét về lao động so với tổng số doanh nghiệp của cả nước. Trong tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn với khoảng 98,4%, số doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%[4].
Trong hoạt động của doanh nghiệp, việc được hỗ trợ pháp lý là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm các doanh nghiệp kinh doanh theo đúng các chính sách quản lý của Nhà nước, thực hiện đúng, đủ, kịp thời các quy định của pháp luật, hạn chế các sai phạm và những hậu quả không mong muốn xảy ra. Hoạt động của các doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh nhằm đem lại lợi nhuận, do đó, Nhà nước luôn quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp được tiến hành trong khuôn khổ pháp luật, không gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên, xã hội. Pháp luật sẽ không thể được hiện thực hóa triệt để nếu các doanh nghiệp không nắm, hiểu biết được và thực hiện đúng. Làm tốt công tác hỗ trợ thông tin pháp lý cũng bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được thực hiện hiệu quả, ổn định, thông suốt, không bị gián đoạn, góp phần mang lại các giá trị tích cực nhất định về lợi nhuận. Đồng thời, hoạt động này cũng góp phần hạn chế được các rủi ro trong kinh doanh của các doanh nghiệp trong tất cả các khâu như thành lập, vận hành doanh nghiệp, tuyển dụng, ký kết hợp động, thực hiện các điều khoản liên quan; chỉ khi doanh nghiệp được tư vấn, nắm bắt đầy đủ các thông tin pháp lý và thực hiện đúng thì mới hạn chế tối đa các trở ngại, rủi ro pháp lý.
2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Thứ nhất, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận hỗ trợ pháp lý chưa nhiều. Tính đến cuối năm 2022, trong tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, chỉ có khoảng 8% nhận được sự hỗ trợ pháp lý[5]. Theo đó, nhìn chung doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguy cơ gặp rủi ro cao khi xảy ra các tranh chấp pháp lý, công tác quản lý nhà nước gặp nhiều trở ngại. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có cơ chế, chính sách áp dụng cho các cơ quan thực hiện hỗ trợ pháp lý chưa thực sự hoàn thiện và rõ ràng. Kinh phí phục vụ cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong những năm gần đây mặc dù đã được quan tâm đầu tư song vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp vẫn còn thụ động trong việc góp ý các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quyết liệt trong việc thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng còn mang tính thụ động, được thực hiện chủ yếu là lồng ghép trong quá trình xử lý các công việc thường xuyên của các đơn vị.
Thứ hai, các dịch vụ hỗ trợ pháp lý hiện nay vẫn tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn, các khu vực có tốc độ sản xuất, kinh doanh phát triển mạnh. Trong khi đó, tại nhiều khu vực, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, dịch vụ hỗ trợ pháp lý còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Nhìn chung, các địa bàn tập trung đông dân cư, mức độ phát triển kinh tế - xã hội cao thường thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn tốt hơn, số lượng cán bộ quản lý nhiều hơn so với các địa bàn khác; những địa bàn này cũng là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của loại hình dịch vụ hỗ trợ, tư vấn pháp lý tư nhân với sự hiện diện của hàng loạt văn phòng luật sư, trung tâm hỗ trợ - tư vấn pháp lý… Trong khi đó, các chính sách để điều tiết sự phát triển nhằm bảo đảm đồng đều giữa các địa phương, khu vực vẫn còn hạn chế.
Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn có những hạn chế nhất định. Có lúc, có nơi nội dung tuyên truyền chưa đầy đủ, chưa có trọng tâm, trọng điểm và đúng đối tượng. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nắm được đầy đủ các quy định pháp luật để triển khai thực hiện trong quá trình hoạt động. Hình thức tuyên truyền, vận động còn khá đơn giản, khô khan, chưa sử dụng các sản phẩm công nghệ, khoa học kỹ thuật, phần mềm có sức lan tỏa cao, phạm vi tuyên truyền lớn. Vẫn còn tâm lý coi nhẹ công tác tuyên truyền ở một bộ phận cơ quan, cán bộ làm công tác quản lý; một số còn thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa thực sự nhiệt tình.
Thứ tư, việc bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng tại các cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều khó khăn từ vấn đề tuyển dụng biên chế, chọn người có năng lực, trình độ trong lĩnh vực pháp lý để có thể đem lại hiệu quả tư vấn cao, đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý; chưa thực sự thu hút được nhiều người có năng lực, trình độ pháp lý cao làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Thứ năm, một trở ngại khác đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận trợ giúp pháp lý là sự vào cuộc của các doanh nghiệp chưa thực sự quyết liệt. Một trong những nguyên nhân là do các doanh nghiệp thường chỉ chú trọng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí trong thuê chuyên gia, nhân viên thực hiện chức năng pháp lý. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ còn tư tưởng coi nhẹ vấn đề pháp lý, coi đây là yếu tố không thực sự quan trọng, cũng nhiều doanh nghiệp còn nặng tư tưởng truyền thống, thiếu chiều sâu trong tiếp cận xu thế hiện đại gắn với bảo đảm các vấn đề về luật pháp. Có lúc, có nơi doanh nghiệp chưa chủ động trong việc đề nghị hỗ trợ pháp lý, không tích cực tham gia các lớp tập huấn khi được mời; trả lời miễn cưỡng, không sát với thực tế khi được khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý; còn tâm lý e ngại khi tham gia các chương trình hỗ trợ. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của một số doanh nghiệp chưa thực sự chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng pháp luật; đội ngũ cán bộ phụ trách công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, chưa thường xuyên được bồi dưỡng về nghiệp vụ nên đôi lúc còn lúng túng trong việc hỗ trợ pháp lý khi doanh nghiệp có yêu cầu...
3. Một số đề xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam trong thời gian tới
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh nhằm mục đích tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường trong nước và ngoài nước. Cải cách vấn đề thuế, cắt giảm các thủ tục đăng ký doanh nghiệp để tạo môi trường tốt cho sự ra đời và hoạt động của các doanh nghiệp. Hoàn thiện khung pháp lý về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, hướng tới 100% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý miễn phí khi có nhu cầu; giải quyết, tháo gỡ vướng mắc khó khăn về mặt pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi có nhu cầu. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận hiệu quả các nguồn lực về tài chính, đất đai, nguồn lao động, khoa học - công nghệ… Theo đó, Chính phủ nên xem xét ban hành nghị định riêng về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thay vì Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như hiện nay. Bộ Tư pháp cần nghiên cứu xây dựng đề án về hệ thống tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để các bộ, ngành và địa phương triển khai thống nhất và hiệu quả. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh đối với mọi hành vi cố tình gây khó khăn, cản trở quá trình doanh nghiệp, công dân tiếp cận thông tin phục vụ quá trình thành lập, hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc giảm thiểu các thủ tục hành chính và đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm quy định liên quan đến hỗ trợ thông tin và tư vấn pháp lý là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp phát triển, hạn chế sai phạm, qua đó, gián tiếp giải quyết vấn đề về lao động, nâng cao thu nhập của người dân và giải quyết các vấn đề xã hội.
Thứ hai, chính quyền, cơ quan chức năng cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khai thác đồng bộ, đa dạng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật từ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho chủ doanh nghiệp; in ấn, phát cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bộ tài liệu pháp lý có liên quan. Khai thác, sử dụng hệ thống phương tiện truyền thông như phát thanh, truyền hình, báo in, loa phát thanh địa phương… Khai thác tối đa các hình thức tuyên truyền mới có mức độ lan truyền nhanh chóng và có sức ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp như xây dựng loạt bài viết tư vấn pháp lý, phóng sự, phỏng vấn và chuyển tải lên các trang báo điện tử, Youtube, Facebook, Zalo… để chuyển tải đến người dân và doanh nghiệp. Cổng thông tin doanh nghiệp cần bổ sung đầy đủ chuyên mục cảnh báo rủi ro pháp lý đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; thường xuyên cập nhật, đăng tải một số bản án, quyết định của Tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thể tham khảo, rút kinh nghiệm.
Thứ ba, để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nhà nước và các địa phương cần quyết tâm thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài để tuyển dụng, sử dụng chuyên gia, người có kiến thức sâu về pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào công tác trong các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng tư vấn pháp lý, hợp tác với các chuyên gia, người có kinh nghiệm tư vấn pháp lý thực tiễn trong quá trình tổ chức hoạt động tư vấn, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ chuyên trách công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các lớp dành riêng cho đối tượng là chủ hoặc chủ chốt trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ tư, mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa phải nhận thức đúng và đổi mới tư duy kinh doanh, phát triển kinh tế gắn liền với vấn đề bảo đảm thủ tục pháp lý, phòng ngừa và xử lý khi phát sinh các tranh chấp. Người đứng đầu các doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tích cực học hỏi, tìm hiểu thêm các kiến thức pháp lý, tham gia các buổi tập huấn do cơ quan quản lý nhà nước tổ chức; chủ động trao đổi với bộ phận tư vấn pháp lý khi cần thiết. Tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hướng đến việc bố trí nhân viên chuyên trách thường trực làm nhiệm vụ tư vấn và xử lý các vấn đề pháp lý hoặc nhân viên kết hợp vừa phụ trách vấn đề pháp lý vừa làm nhiệm vụ khác hoặc thuê khoán từ các công ty chuyên làm nhiệm vụ tư vấn pháp lý. Tích cực, tự giác cung cấp thông tin cho lực lượng công an và các cơ quan quản lý khi phát hiện các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa có hành vi cố tình sử dụng các mối quan hệ xã hội có tính chất phức tạp giải quyết các tranh chấp, vướng mắc quá trình hoạt động mà không đi theo định hướng giải quyết đã được pháp luật quy định.
Thứ năm, các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn của mạng lưới tư vấn viên pháp lý cho doanh nghiệp. Mỗi cán bộ làm công tác quản lý, xử lý thủ tục về đăng ký thành lập doanh nghiệp cần hướng đến là những nhà tư vấn pháp lý giỏi, có thái độ nhiệt tình, tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền, tư vấn khi người dân và doanh nghiệp gặp vướng mắc trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính và pháp lý. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho mạng lưới tư vấn pháp luật cấp tỉnh và xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp với nội dung là các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Pháp luật về quản trị doanh nghiệp, hợp đồng, lao động và bảo hiểm xã hội; pháp luật về cạnh tranh, sở hữu trí tuệ; các quy định mới của các bộ luật mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung; các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia hoặc thừa nhận. Ngoài ra, cần tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, góp phần tăng cường năng lực tư vấn pháp lý cho đội ngũ này trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Nguyễn Tiến Khoa
Vụ trưởng, Văn phòng Quốc hội, Thư ký Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội
[1]. Xem: Long Giao (2021), Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vật lộn trong chuyển đổi số, nguồn: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông, https://ictvietnam.vn/cac-doanh-nghiep-vua-va-nho-vat-lon-trong-chuyen-doi-so-26387.html, truy cập ngày 09/02/2023.
[2]. Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
[3]. Https://laodong.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-nho-va-vua-dong-gop-lon-cho-nen-kinh-te-1024647.ldo.
[4]. Chu Thanh Hải (2020), Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
[5]. Https://vov.vn/kinh-te/han-che-phap-ly-khien-doanh-nghiep-nho-va-vua-gap-rui-ro-cao-post975509. vov#:~:text=Ch%E1%BB%89%20kho%E1%BA%A3ng%208%25%20doanh%20nghi%E1%BB%87ptr%E1%BB%A3%20ph%C3%A1p%20l%C3%BD%20cho%20DN, truy cập ngày 14/02/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số 375, tháng 2/2023)