1. Khái niệm bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất
Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì: “Bị hại là cá nhân bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”[1]. Tuy nhiên, không phải mọi chủ thể bị thiệt hại do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra đều được xác định là bị hại. Chỉ những chủ thể bị tác động trực tiếp bởi tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự, được triệu tập tham gia tố tụng với tư cách bị hại thì mới được xác định là bị hại trong vụ án, có quyền và nghĩa vụ nhất định khi tham gia vào quá trình giải quyết vụ án. Đặc biệt, đối với những vụ án khởi tố theo yêu cầu bị hại thì tư cách bị hại có thể được xác định trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự. Theo đó, khi bị hại hoặc người đại diện của họ yêu cầu khởi tố trong một số trường hợp luật định thì đó cũng sẽ là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án[2].
Người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất cũng có thể trở thành bị hại nếu đáp ứng những điều kiện luật định của bị hại nói chung. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn chưa đưa ra được định nghĩa chính thức về khái niệm “người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn” thì không được làm chứng. Thông qua quy định này có thể nhận thấy người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có thể có khả năng nhận thức hoặc không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án. Đối chiếu với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khái niệm về người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất cũng không được đề cập mà hai văn bản này chỉ quy định về:
- Người mất năng lực hành vi dân sự: Người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định[3].
- Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự: Người nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự[4].
- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ[5].
Tuy nhiên, ba chủ thể này có được xem là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hay không thì vẫn chưa được làm rõ. Liên quan đến khái niệm này, Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/8/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự đã quy định người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần sẽ thuộc các trường hợp sau đây: “Người có nhược điểm về tâm thần có giấy tờ, tài liệu được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người có nhược điểm về thể chất thuộc một trong các trường hợp: Bị mù hai mắt, bị câm, bị điếc có xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên”[6]. Tuy nhiên, những quy định này chỉ mơ hồ xác định hình thức để được công nhận là một người có nhược điểm về tinh thần, thể chất mà không có những hướng dẫn cụ thể về cách thức xác định những đối tượng này. Do đó, trên thực tiễn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, tức là người do tình trạng thể chất (như mù, câm, điếc, tàn tật…) hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi.
Quan điểm thứ hai lại nhận định, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần là người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi[7].
Như vậy, cả hai quan điểm này đều khẳng định người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất không bao gồm người bị mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất trong tố tụng hình sự nên được hiểu bao gồm cả ba dạng: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và người mất năng lực hành vi dân sự. Bởi vì, chính những hạn chế về tâm thần hoặc thể chất của những chủ thể này là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến việc mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án. Hơn nữa, khi được Tòa án ra quyết định tuyên bố về khả năng nhận thức và làm chủ hành vi thì những chủ thể trên đều được chỉ định người đại diện theo quy định của pháp luật[8]. Điều này gián tiếp khẳng định nếu họ có trở thành người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự thì họ cũng sẽ có những quyền, nghĩa vụ nhất định và việc tham gia tố tụng của họ sẽ thông qua người đại diện.
Từ những phân tích trên, có thể kết luận: “Người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; hoặc người mất năng lực hành vi dân sự”. Đồng thời có thể đưa ra định nghĩa: “Bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; hoặc người mất năng lực hành vi dân sự, bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.
2. Quy định về chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự có bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất
Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại là trường hợp đặc biệt mà theo tính chất của vụ án và vì lợi ích của bị hại, cơ quan có thẩm quyền không tự ý khởi tố vụ án mà phụ thuộc vào ý chí của bị hại hoặc người đại diện của bị hại, thể hiện qua yêu cầu của họ. Thông qua chế định này, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tạo điều kiện cho bị hại hoặc người đại diện của họ có thể cân nhắc và xem xét việc khởi tố vụ án có mang lại lợi ích cho bị hại hay không. Đây chính là biểu hiện của việc bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự[9]. Theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ được khởi tố vụ án hình sự đối về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Người đại diện ở đây chỉ bao gồm người đại diện theo pháp luật, xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý chưa hoàn thiện hoặc từ tình trạng tâm thần, thể chất của họ dẫn đến việc hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Cách quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 dẫn đến hai cách hiểu:
Thứ nhất, nếu tội phạm được thực hiện thỏa mãn điều kiện tại khoản 1 Điều 155 và người bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất yêu cầu khởi tố hoặc người đại diện của họ yêu cầu khởi tố thì vụ án sẽ được khởi tố.
Thứ hai, nếu người bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì khi yêu cầu khởi tố vụ án hình sự phải thông qua người đại diện của họ.
Trên thực tiễn xét xử các vụ án hình sự hiện nay thì cách hiểu thứ hai được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, theo tác giả, cách hiểu thứ hai chỉ nên áp dụng đối với trường hợp bị hại là người mất năng lực hành vi dân sự. Đối với những trường hợp còn lại, nên áp dụng cách hiểu thứ nhất, nghĩa là vụ án được khởi tố không chỉ do yêu cầu khởi tố của người đại diện của bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà còn bao gồm cả yêu cầu khởi tố của bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Bởi như đã phân tích, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có thể là người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong hai trường hợp này, khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án của họ chỉ bị hạn chế chứ không mất hoàn toàn. Do đó, quyền yêu cầu khởi tố vụ án của họ cần được tôn trọng.
Ngoài ra, thuật ngữ “người đại diện” được nhắc đến trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có tương đồng với “người đại diện” được quy định trong Bộ luật dân sự không thì vẫn chưa được đề cập. Thay vào đó, Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi có quy định “Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và có đủ điều kiện làm người đại diện theo quy định tại các điều 134, 135 và 136 Bộ luật Dân sự, được xác định theo thứ tự sau đây: Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; người giám hộ; người do Tòa án chỉ định[10]. Tuy nhiên, khái niệm “người đại diện” trong trường hợp này lại gắn liền với người dưới 18 tuổi mà không bao gồm người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Theo tác giả, nếu xét về bản chất thì chế định đại diện trong tố tụng hình sự khác với chế định đại diện trong pháp luật dân sự. Người đại diện trong tố tụng hình sự có thể hiểu là người thay mặt, nhân danh người được đại diện thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng trong tất cả các giai đoạn tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được đại diện chứ không phải là người thay mặt, nhân danh người được đại diện thiết lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi pháp luật cho phép. Tuy nhiên, xét về cách thức xác định người đại diện để tham gia tố tụng thì có sự tương đồng giữa hai ngành luật này. Hay nói cách khác, để xác định người đại diện nói chung và người đại diện của người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất nói riêng tham gia tố tụng hình sự thì phải căn cứ vào những quy định tại điều 134, 135, 136 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, cần có quy định dẫn chiếu để thể hiện sự liên quan trong cách thức xác định người đại diện giữa hai ngành luật này, tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật, từ đó đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
3. Nội dung, hình thức yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất
Yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất là cơ sở quan trọng để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Hiện nay, hình thức yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại hoặc người đại diện của họ được quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/8/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự đã quy định người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần[11]. Theo đó, yêu cầu khởi tố của bị hại hoặc người đại diện của bị hại phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ; trường hợp bị hại hoặc người đại diện của bị hại đến trực tiếp trình bày thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải lập biên bản ghi rõ nội dung yêu cầu khởi tố để họ ký hoặc điểm chỉ vào biên bản. Biên bản do Viện kiểm sát lập phải được chuyển ngay cho Cơ quan điều tra để xem xét việc khởi tố vụ án hình sự và đưa vào hồ sơ vụ án[12]. Tuy nhiên, quy định này chỉ đề cập rằng yêu cầu khởi tố của bị hại phải thể hiện bằng văn bản nhưng hiện nay chưa có biểu mẫu chính thức nào đề cập đến nội dung của đơn yêu cầu khởi tố. Trên thực tiễn, có quan điểm cho rằng đơn tố giác tội phạm được xem là đơn yêu cầu khởi tố, vì tuy tiêu đề là đơn tố giác tội phạm nhưng trong nội dung đơn lại chứa đựng yêu cầu xử lý người phạm tội. Trong khi quan điểm khác lại cho rằng đơn tố giác tội phạm là cơ sở ban đầu để cơ quan có thẩm quyền xác minh, sau khi tiến hành xác minh nếu có dấu hiệu tội phạm thì bị hại phải làm tiếp đơn yêu cầu khởi tố vụ án[13]. Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, việc tố giác tội phạm chỉ nên được xem là thông báo về việc có tội phạm xảy ra trên thực tế. Sau đó cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xác định dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Nếu có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì mới thông báo cho người bị hại hoặc người đại diện của họ để làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Quy định này vừa mang tính chặt chẽ về mặt hình thức vừa tạo sự thống nhất trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Mặt khác, đơn tố giác tội phạm thường không có mẫu thống nhất, vì vậy, nội dung đơn sẽ được trình bày khác nhau, có hoặc không trình bày rõ yêu cầu khởi tố vụ án của bị hại hoặc người đại diện của họ, từ đó gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong việc lưu trữ tài liệu vào hồ sơ những vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Hơn nữa, tại thời điểm viết đơn tố giác tội phạm, bị hại hoặc người đại diện của họ chưa hẳn đã biết rõ về quyền yêu cầu khởi tố vụ án của mình. Nếu mặc định đơn tố giác đồng thời là đơn yêu cầu khởi tố vụ án thì đã vô tình tước đi quyền yêu cầu khởi tố vụ án của họ ngay từ đầu. Do vậy, pháp luật tố tụng hình sự cần ban hành hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của bị hại hoặc người đại diện của họ.
4. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Từ những bất cập trên, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị để hoàn thiện chế định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại là người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần như sau:
Thứ nhất, pháp luật tố tụng hình sự cần đưa ra định nghĩa chính thức về người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Theo đó, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; hoặc người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại điều 22, 23, 24 Bộ luật Dân sự năm 2015. Quy định này giúp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhanh chóng xác định được người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, từ đó áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ họ trong suốt quá trình tố tụng.
Thứ hai, cần có định nghĩa chính thức về “người đại diện” trong pháp luật tố tụng hình sự nói chung, bao gồm điều kiện để trở thành người đại diện và cách thức xác định người đại diện. Cụ thể, bổ sung trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 một điều luật quy định về người đại diện như sau: “Người đại diện của người tham gia tố tụng là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và có đủ điều kiện làm người đại diện theo quy định tại các điều 134, 135 và 136 Bộ luật Dân sự”. Qua định nghĩa này, có thể suy ra người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và có đủ điều kiện làm người đại diện theo quy định tại các điều 134, 135 và 136 Bộ luật Dân sự. Quy định này giúp cho pháp luật tố tụng hình sự về chế định người đại diện nói chung và người đại diện của người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất được cụ thể và rõ ràng hơn. Mặt khác, quy định này cũng giúp khẳng định vị thế nhất định của người đại diện, từ đó bảo vệ tốt hơn người bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Thứ ba, cần ban hành hướng dẫn về hình thức và nội dung của yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại hoặc người đại diện của họ. Về hình thức, cần quy định rõ sau khi cơ quan có thẩm quyền đã xác minh đầy đủ dấu hiệu của những tội phạm thuộc trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bị hại hoặc người đại diện của họ được thông báo về quyền được yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, được hướng dẫn thực hiện việc yêu cầu khởi tố dưới dạng văn bản hoặc trình bày trực tiếp và được ghi nhận lại bằng biên bản. Về nội dung, cần hướng dẫn về nội dung cụ thể của yêu cầu khởi tố để bảo đảm quá trình áp dụng pháp luật được thống nhất trên thực tiễn./.
Khoa Luật hình sự, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
[7] Dương Tấn Thanh, “Một số bất cập của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong thực tiễn”, [http://tks.edu.vn/WebThongTinKhoaHoc/Detail/805?idMenu=79] (truy cập ngày 31/8/2021).