Án phí dân sự là khoản tiền mà đương sự trong vụ án có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của Tòa án. Án phí dân sự hiện nay được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Nghị quyết số 326). Trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự nói chung liên quan đến án phí dân sự hiện nay vẫn còn những ý kiến khác nhau về một số vấn đề hoặc có những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Cụ thể về:
1. Tính án phí chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ tài sản đối với người khácTheo quy định tại điểm e khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326 thì trường hợp các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng, Tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự thống nhất thỏa thuận được về việc phân chia một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung, còn một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung không thỏa thuận được thì các đương sự vẫn phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng. Quy định này có thể hiểu như sau: Trường hợp vợ, chồng có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng đối với người khác mà nếu vợ, chồng không thỏa thuận được hết việc phân chia toàn bộ số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung đối với người khác thì họ phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng. Đối với án phí nghĩa vụ tài sản chung của vợ chồng đối với người khác thì đã có quy định rõ ràng. Tuy nhiên, đối với án phí chia toàn bộ tài sản chung của vợ chồng thì hiện có hai cách tính khác nhau:
- Cách thứ nhất: Vợ chồng chỉ chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch tương ứng giá trị phần tài sản mà họ thực tế “được hưởng” sau khi “trừ” đi nghĩa vụ tài sản của họ đối với người khác. Bởi vì tại khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định như sau: Trường hợp các đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi đương sự phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ “được hưởng”. Cách tính này cũng tương tự như hướng dẫn trước đây của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 13/6/2012 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án (Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP), cụ thể là: Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ về tài sản đối với người khác và người này có yêu cầu độc lập, yêu cầu vợ chồng phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà Tòa án chấp nhận yêu cầu độc lập đó thì đối với nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm, vợ chồng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản họ “được chia” sau khi “trừ” đi giá trị phần tài sản mà họ có nghĩa vụ đối với người có yêu cầu độc lập.
- Cách tính thứ hai: Vợ chồng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch tương ứng giá trị phần tài sản mà họ “được chia” nhưng “không trừ” đi nghĩa vụ tài sản của họ đối với người khác. Những người có quan điểm theo cách tính thứ hai cho rằng: Tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng và tranh chấp nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người khác là hai quan hệ pháp luật khác nhau, bản chất sự việc khác nhau. Không phải lúc nào vợ, chồng cũng được chia tài sản như nhau và có nghĩa vụ tài sản đối với người khác như nhau. Nếu tính án phí chia tài sản chung của vợ chồng sau khi trừ đi nghĩa vụ tài sản thì có trường hợp nghĩa vụ tài sản nhiều hơn giá trị tài sản mà vợ chồng được chia nên vợ chồng không phải chịu án phí chia tài sản chung của vợ chồng mặc dù họ được Tòa án chia tài sản chung. Mặt khác, hiện tại không có quy định hay hướng dẫn nào khác như hướng dẫn tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP.
Một vướng mắc khác về tính án phí chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ tài sản đối với người khác, đó là trong trường hợp vợ, chồng có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng đối với người khác nhưng vợ, chồng tự thỏa thuận được việc phân chia toàn bộ số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung đối với người khác thì họ phải chịu án phí được tính như thế nào? Tòa án có thể áp dụng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 27 Nghị quyết số 326 hay không và áp dụng cách tính nào?
2. Tính án phí trong trường hợp đương sự chỉ thỏa thuận được một số yêu cầu của vụ án
Thực tiễn hiện nay có những vụ án đương sự chỉ thỏa thuận được một hoặc một số yêu cầu mà không thỏa thuận được việc giải quyết toàn bộ vụ án. Nếu đưa vụ án ra xét xử thì án phí cho yêu cầu đương sự đã thỏa thuận được trước khi đưa vụ án ra xét xử được tính như thế nào? Vấn đề này hiện còn quan điểm khác nhau. Ví dụ: Trong vụ án ly hôn, nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận được việc ly hôn, trả nợ chung cho người có yêu cầu độc lập nhưng không thỏa thuận được việc chia tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp này, án phí ly hôn và án phí đối với nghĩa vụ trả nợ được tính như thế nào?
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Do các đương sự không thỏa thuận được việc giải quyết toàn bộ vụ án nên Tòa án đã đưa vụ án ra xét xử. Vì vậy, các đương sự phải chịu toàn bộ án phí theo quy định chung như các vụ án thông thường khác. Cụ thể là nguyên đơn phải chịu án phí dân sự đối với yêu cầu ly hôn; nguyên đơn và bị đơn mỗi người phải chịu 50% án phí theo quy định đối với số tiền phải trả nợ.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: Việc Tòa án đưa vụ án ra xét xử là do nguyên đơn và bị đơn không thỏa thuận được yêu cầu chia tài sản chung. Tuy nhiên, đây là vụ án hôn nhân và gia đình nên trong vụ án có nhiều yêu cầu hoàn toàn độc lập với nhau. Trong đó, có những yêu cầu các đương sự đã thỏa thuận được trước khi mở phiên tòa như yêu cầu ly hôn, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ chung. Do đó, nguyên đơn và bị đơn chỉ phải chịu 50% án phí dân sự đối với yêu cầu ly hôn và 50% án phí đối với số tiền phải trả nợ như trong trường hợp hòa giải thành.
Quan điểm của tác giả: Về yêu cầu ly hôn, tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về thuận tình ly hôn như sau: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn. Tại Công văn số 72/TANDTC-PC ngày 11/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thống nhất áp dụng quy định về án phí trong vụ án ly hôn có nội dung hướng dẫn như sau: Theo quy định tại khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì trong vụ án ly hôn, nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn; trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm. Điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326 quy định: Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn; trường hợp thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí. Quy định tại khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326 là kế thừa quy định tại khoản 4 Điều 131 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004. Do không có sự thay đổi về nội dung của luật, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chưa có hướng dẫn khác nên đối với vụ án ly hôn mà các bên đương sự thuận tình ly hôn thì áp dụng tương tự hướng dẫn tại khoản 2 Điều 16 Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP, cụ thể, trong vụ án ly hôn mà các bên đương sự thuận tình ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì được xem là các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa và các bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định (mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định). Như vậy, mặc dù bị đơn đồng ý ly hôn theo yêu cầu của nguyên đơn, nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận được việc trả nợ chung nhưng nguyên đơn và bị đơn chưa thỏa thuận được việc chia tài sản chung nên không coi là thuận tình ly hôn. Trong trường hợp này, nguyên đơn phải chịu án phí dân sự (đối với yêu cầu ly hôn). Còn đối với yêu cầu trả nợ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì các đương sự đã thỏa thuận giải quyết được tại phiên hòa giải. Vì vậy, nghĩa vụ chịu án phí của nguyên đơn và bị đơn đối với số tiền phải trả nợ chỉ tính là 50% án phí như trường hợp hòa giải thành.
3. Tính án phí trong trường hợp bị đơn trong vụ án ly hôn có yêu cầu chia tài sản
Thực tiễn giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình hiện nay có trường hợp nguyên đơn không yêu cầu chia tài sản nhưng bị đơn có yêu cầu chia tài sản. Nếu yêu cầu của bị đơn không được Tòa án chấp nhận thì bị đơn có phải chịu án phí không, nếu bị đơn phải chịu án phí thì án phí là bao nhiêu? Vấn đề này hiện nay vẫn còn có các quan điểm khác nhau.
Theo quan điểm thứ nhất: Tại khoản 5 Điều 26 Nghị quyết số 326 có quy định bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận và tại điểm b khoản 5 Điều 27 của Nghị quyết số 326 cũng có quy định các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Nghị quyết này còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia. Như vậy, nếu yêu cầu chia tài sản chung của bị đơn được Tòa án chấp nhận thì bị đơn phải chịu án phí có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà bị đơn được chia và nếu yêu cầu chia tài sản của bị đơn không được Tòa án chấp nhận thì bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, trừ trường hợp bị đơn được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm. Việc buộc bị đơn phải chịu án phí là thực hiện đúng quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đó là: “Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm”.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 26 Nghị quyết số 326 thì đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia. Do đó, trường hợp bị đơn có yêu cầu chia tài sản chung nhưng không được Tòa án chấp nhận thì bị đơn không phải chịu án phí.
4. Tính án phí khi Tòa án công nhận sự thỏa thuận của đương sự
Đối với một vụ án dân sự, tại phiên hòa giải, nếu bị đơn đồng ý thực hiện nghĩa vụ đối với nguyên đơn (ví dụ bị đơn đồng ý trả nợ cho nguyên đơn) thì nguyên đơn có nghĩa vụ phải chịu án phí dân sự không? Vấn đề này hiện nay vẫn còn có các quan điểm khác nhau.
Theo quan điểm thứ nhất: Khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm. Cụ thể hóa quy định này, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326 quy định, bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận. Do yêu cầu của nguyên đơn được bị đơn chấp nhận nên bị đơn phải là người phải chịu toàn bộ (100%) án phí, nếu nguyên đơn không có thỏa thuận chịu án phí thay cho bị đơn.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326 là quy định chung nên khi vận dụng quy định này vào trường hợp cụ thể vụ án có đương sự thỏa thuận giải quyết được vụ án trước khi mở phiên tòa để buộc bị đơn chịu 100% án phí là chưa chính xác. Cụ thể, trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa thì án phí được tính sau sau: Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này (khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Tương tự tại khoản 7 Điều 26 Nghị quyết số 326 có quy định: Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch. Như vậy, cụm từ “họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm” hay “phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch” cần được hiểu là “tất cả các bên đương sự, bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có)” khi tham gia vào quá trình thương lượng, hòa giải tranh chấp trong vụ án chứ không phải chỉ là một bên đương sự có nghĩa vụ nào đó. Lý giải cho vấn đề này là vì khi hòa giải, các đương sự có quyền tự thương lượng, thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án. Tòa án chỉ làm nhiệm vu trung gian và Tòa án chỉ ra quyết định để công sự thỏa thuận của đương sự mà không hề đưa ra bất kỳ quyết định mang tính bắt buộc nào (kể cả quyết định đương sự nào phải chịu án phí) như bản án của Tòa án khi đưa vụ án ra xét xử. Điều này thể hiện sự bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ của các đương sự khi tham gia tố tụng. Vụ án có hòa giải thành hay không là do các đương sự tự thỏa thuận. Bởi vì việc hòa giải thành sẽ rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, tiết kiệm công sức, chí phí đi lại… không chỉ cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà còn cho cả nguyên đơn. Chỉ khi nào yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận (tức là trong trường hợp Tòa án giải quyết vụ án tại phiên tòa và bằng một bản án) thì bị đơn mới phải chịu toàn bộ án phí. Do đó, nguyên đơn phải chịu 25% án phí theo quy định như bị đơn.
Tương tự như vậy, trường hợp bị đơn chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Qua hòa giải, bị đơn đồng ý chịu toàn bộ án phí nhưng bị đơn thuộc trường hợp được miễn án phí thì bị đơn phải chịu 25% án phí dân sự theo quy định. Đây là phần án phí bị đơn chịu thay cho nguyên đơn. Bởi vì theo quy định tại khoản 5 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì trong vụ án có đương sự được miễn án phí sơ thẩm, đương sự khác vẫn phải nộp án phí sơ thẩm mà mình phải chịu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này. Đồng thời, tại khoản 7 Điều 26 Nghị quyết số 326 cũng có quy định: Trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí thì Tòa án chỉ xem xét miễn án phí đối với phần mà người thuộc trường hợp được miễn phải chịu theo quy định của Nghị quyết này; phần án phí, lệ phí Tòa án mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được miễn nộp. Thực tiễn có trường hợp bị đơn đồng ý chịu toàn bộ án phí nhưng vì bị đơn thuộc trường hợp được miễn án phí nên Tòa án đã miễn toàn bộ án phí cho đương sự trong vụ án là thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật, làm thất thoát ngân sách nhà nước.
5. Đương sự thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí nhưng đương sự không làm đơn yêu cầu miễn, giảm án phí
Theo quy định tại Điều 14 Nghị quyết số 326 thì người thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí phải làm đơn yêu cầu miễn, giảm án phí để Tòa án xem xét. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, trường hợp đương sự được miễn, giảm án phí nhưng đương sự không làm đơn yêu cầu miễn, giảm án phí thì có được Tòa án xét miễn giảm án phí không? Liên quan đến vấn đề này hiện nay cũng còn có các quan điểm giải quyết khác nhau. Có quan điểm cho rằng, mặc dù đương sự không có đơn xin miễn án phí nhưng thuộc trường hợp được miễn thì thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hoặc Hội đồng xét xử cũng nên xét miễn, giảm án phí cho đương sự, không nên áp dụng pháp luật một cách quá máy móc và cứng nhắc. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, nếu đương sự không có đơn xin miễn, giảm án phí thì thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hoặc Hội đồng xét xử không xét miễn án phí cho họ. Quy định về thủ tục đương sự phải làm đơn xin miễn, giảm án phí là một quy định hoàn toàn mới của Nghị quyết số 326 so với các quy định trước đây về án phí, lệ phí Tòa án. Do đó, theo tác giả, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử và đương sự cần phải tuân thủ và chấp hành đúng quy định này nhằm đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật và hạn chế sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật. Để việc miễn, giảm án phí được thực hiện đúng quy định pháp luật đòi hỏi thẩm phán khi được phân công giải quyết vụ án phải giải thích cho tất cả đương sự biết về các trường hợp được miễn, giảm án phí cũng như hướng dẫn thủ tục họ phải làm để xin miễn, giảm án phí trước khi tiến hành tổ chức phiên họp hòa giải hoặc trước khi quyết định đưa vụ án ra xét xử.
6. Xét miễn án phí đối với đương sự đang sinh sống tại thôn, ấp, khóm, phum, sóc… (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn mà không phải là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 326 thì một trong những trường hợp được miễn nộp tiền án phí là “đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.
Danh sách xã đặc biệt khó khăn hiện nay theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, được quy định tại Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020.
Danh sách thôn đặc biệt khó khăn hiện nay theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 và Quyết định số 103/QĐ-TTg ngày 22/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung, điều chỉnh và đổi tên danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020.
Vấn đề đặt ra là, đương sự là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở thôn đặc biệt khó khăn nhưng thôn này không thuộc xã đặc biệt khó khăn thì có được miễn án phí không? Có quan điểm cho rằng, Điều 12 Nghị quyết số 326 đã quy định rõ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì mới được miễn án phí nên Tòa án sẽ không miễn án phí cho đương sự là đồng bào dân tộc thiểu số đang ở thôn đặc biệt khó khăn nếu thôn này không thuộc xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, trong trường hợp này cần phải linh hoạt và hiểu “thoáng” hơn để xét miễn án phí cho đương sự. Bởi vì đương sự ở xã đặc biệt khó khăn suy cho cùng cũng phải là ở thôn trong xã đó. Do đó, tính chất đặc biệt của thôn đặc biệt khó khăn cũng tương tự như các thôn trong xã đặc biệt khó khăn.
Tòa án nhân dân thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh