Từ thực tiễn thi hành có thể thấy, mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định phù hợp đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, đồng thời, bảo đảm được tính phù hợp với pháp luật quốc tế, nhưng vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định trong các quy định liên quan đến ghi chú kết hôn. Do đó, trong bài viết này, tác giả phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn, điều kiện ghi chú kết hôn để thấy được điểm hạn chế của các quy định này, từ đó đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện.
Theo khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, các quan hệ hôn nhân và gia đình được coi là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài khi có một trong những dấu hiệu sau: (i) Chủ thể trong quan hệ hôn nhân và gia đình là người nước ngoài; (ii) Sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ hôn nhân và gia đình xảy ra ở nước ngoài; (iii) Tài sản liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình ở nước ngoài; (iv) Nơi cư trú của các bên đương sự tham gia vào quan hệ hôn nhân và gia đình ở nước ngoài. Do đó, kết hôn có yếu tố nước ngoài được hiểu là việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
1. Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài là Ủy ban nhân dân cấp huyện (Điều 37 Luật Hộ tịch năm 2014). Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam có quy định trường hợp ngoại lệ về thẩm quyền đăng ký kết hôn. Theo đó, Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó với công dân của nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú (Điều 18 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (Nghị định số 123/2015/NĐ-CP)). Ngoài ra, theo quy định tại Điều 53 Luật Hộ tịch năm 2014 thì cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng có thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho công dân Việt Nam cư trú tại nước ngoài nếu việc đăng ký đó không trái pháp luật của nước tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Để giải quyết xung đột pháp luật về điều kiện kết hôn có yếu tố nước ngoài, theo quy định tại Điều 126 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (bao gồm công dân nước ngoài, người không quốc tịch) thì luật áp dụng để xác định điều kiện kết hôn của công dân Việt Nam là luật Việt Nam, đối với công dân nước ngoài thì luật được áp dụng là luật của nước mà người đó mang quốc tịch (trong trường hợp người nước ngoài có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài thì giấy tờ xác định điều kiện kết hôn của họ sẽ tuân theo luật của nước mà họ có quốc tịch và cư trú vào thời điểm đăng ký kết hôn; nếu người nước ngoài không cư trú ở một trong những nước mà họ có quốc tịch thì giấy tờ xác định điều kiện kết hôn của họ sẽ do cơ quan có thẩm quyền của nước họ mang hộ chiếu cấp. Đối với người không quốc tịch muốn kết hôn với công dân Việt Nam và đăng ký kết hôn trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì giấy tờ sử dụng trong việc đăng ký kết hôn là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó thường trú cấp. Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, giấy tờ sử dụng trong việc đăng ký kết hôn là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó định cư cấp hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam ở nước đó cấp). Trong trường hợp đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì người nước ngoài vừa phải tuân theo quy định của nước mà họ mang quốc tịch về điều kiện kết hôn, vừa phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn.
Trong trường hợp người nước ngoài thường trú tại Việt Nam kết hôn với nhau tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì luật được áp dụng để xác định điều kiện kết hôn của họ là Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam. Tức là, trong trường hợp họ đăng ký kết hôn ở Việt Nam thì quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam sẽ được áp dụng để xác định điều kiện kết hôn của họ mà không cần quan tâm đến luật quốc tịch của họ. Nếu họ đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm pháp luật Việt Nam về các trường hợp cấm kết hôn thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ làm thủ tục đăng ký kết hôn cho họ.
Do đó, trong trường hợp đăng ký kết hôn trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài đó đương nhiên có giá trị pháp lý tại Việt Nam.
Tuy nhiên, có những trường hợp công dân Việt Nam không đăng ký kết hôn ở Việt Nam hoặc trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài mà lại kết hôn trước cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì quan hệ hôn nhân của họ không đương nhiên được công nhận ở Việt Nam, ghi chú kết hôn đặt ra trong những trường hợp như vậy.
2. Ghi chú kết hôn
Theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, trong trường hợp công dân Việt Nam đăng ký kết hôn với nhau hoặc với người nước ngoài, để quan hệ hôn nhân đó được công nhận tại Việt Nam thì các bên không cần phải đăng ký kết hôn lại ở Việt Nam mà chỉ cần ghi chú kết hôn. Theo đó, pháp luật Việt Nam quy định phải ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn thì quan hệ hôn nhân đó mới được thừa nhận ở Việt Nam. Điều kiện để được ghi vào sổ hộ tịch như sau: Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được ghi vào sổ hộ tịch nếu tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam.
Về điều kiện kết hôn, pháp luật Việt Nam quy định: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; không bị mất năng lực hành vi dân sự; việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn (khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Các trường hợp cấm kết hôn được quy định cụ thể tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 còn quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Hôn nhân đồng giới là hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học.
So với quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có quy định mới. Nếu như luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 tại khoản 5 Điều 10 quy định: “Cấm kết hôn giữa những người có cùng giới tính” thì luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ quy định “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Với quy định này được hiểu là Nhà nước vẫn tiếp tục không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người có cùng giới tính nhưng không cấm việc chung sống giữa họ với nhau[1]. Theo đó, Nhà nước sẽ vẫn không công nhận hôn nhân đồng tính nhưng vẫn sẽ giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa họ nếu có phát sinh mâu thuẫn. Như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không cấm mà chỉ không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người có cùng giới tính.
Như vậy, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài trước cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài chỉ được ghi vào sổ hộ tịch nếu tại thời điểm kết hôn cả hai bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam. Cơ quan có thẩm quyền sẽ từ chối ghi chú vào sổ đăng ký kết hôn nếu một hoặc cả hai bên vi phạm điều cấm hoặc không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam (Điều 33 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP).
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng quy định trường hợp ngoại lệ: Nếu vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, việc kết hôn không đáp ứng điều kiện kết hôn, nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, mà vào thời điểm yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em, thì việc kết hôn cũng được ghi vào sổ hộ tịch (Điều 34 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP).
So sánh với quy định tại Điều 36 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình[2] thì: Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được công nhận tại Việt Nam nếu các bên vi phạm pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn, nhưng vào thời điểm yêu cầu công nhận việc kết hôn, hậu quả của vi phạm đó đã được khắc phục hoặc việc công nhận kết hôn là có lợi để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em thì việc kết hôn đó cũng được công nhận tại Việt Nam. Theo đó, trường hợp điều kiện kết hôn ở đây bao gồm cả điều kiện kết hôn và những trường hợp cấm kết hôn. Do đó, nếu các bên vi phạm điều cấm kết hôn thì quan hệ hôn nhân đó vẫn được công nhận tại Việt Nam khi rơi vào trường hợp hậu quả của vi phạm đó đã được khắc phục hoặc việc công nhận kết hôn là có lợi để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Như vậy, theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì nếu vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, việc kết hôn không đáp ứng điều kiện kết hôn, nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, mà vào thời điểm yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em, thì việc kết hôn cũng được ghi vào sổ hộ tịch. Còn trong trường hợp vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, việc kết hôn vi phạm điều cấm kết hôn thì sẽ không được ghi chú vào sổ đăng ký kết hôn.
Một vấn đề đặt ra là, trường hợp công dân Việt Nam đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam hoặc công dân Việt Nam đăng ký kết hôn với người nước ngoài trước cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mà họ lại là các cặp có cùng giới tính. Theo luật của nước đó thì cho phép kết hôn giữa những người có cùng giới tính như vậy họ có đủ điều kiện để đăng ký kết hôn tại nước ngoài đó và quan hệ hôn nhân của họ sẽ có giá trị trị pháp lý. Sau đó, họ về Việt Nam xin ghi chú kết hôn, nếu theo quy định của pháp luật Việt Nam thì họ không được vi phạm pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn và các trường hợp cấm kết hôn thì mới được ghi chú. Tuy nhiên, nếu chỉ vi phạm điều kiện kết hôn mà không vi phạm điềm cấm kết hôn mà hậu quả đã được khắc phục hoặc bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em thì vẫn ghi chú. Trường hợp “không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người có cùng giới tính” là điều kiện kết hôn chứ không phải điều cấm. Do đó, họ chỉ vi phạm điều kiện kết hôn mà không vi phạm điều cấm thì chỉ cần hậu quả đã được khắc phục hoặc để bảo vệ quyền lợi cho công dân Việt Nam và trẻ em thì trong trường hợp này cơ quan có thẩm quyền có ghi chú kết hôn hay không? Trong trường hợp như vậy, nếu không ghi chú kết hôn thì căn cứ vào đâu cơ quan có thẩm quyền có thể từ chối ghi chú, vấn đề này chưa có quy định cụ thể.
Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng có quy định, nếu thuộc các trường hợp sau thì việc ghi vào sổ việc kết hôn bị từ chối: (i) Việc kết hôn vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; (ii) Công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam (khoản 1 Điều 36 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
Tóm lại, với những quy định vừa mang tính chất kế thừa vừa mang tính mới về kết hôn có yếu tố nước ngoài cho thấy pháp luật Việt Nam đã có những quy định phù hợp đảm bảo tính đồng bộ, khả thi của Luật Hôn nhân và gia đình với các văn bản có liên quan, đồng thời, bảo đảm được tính phù hợp của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế. Quy định không cấm nhưng cũng không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người có cùng giới tính sẽ tạo ra những bất cập từ thực tiễn hiện nay. Do đó, khi sửa đổi các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình, thiết nghĩ, trong tương lai, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tính đến các vấn đề có thể nảy sinh từ các quy định này và nên thừa nhận quan hệ hôn nhân đồng giới và cho phép ghi chú kết hôn đối với những trường hợp đó khi họ xin ghi chú vào sổ hộ tịch. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch chưa thể sửa đổi được ngay nên cần có hướng dẫn cụ thể về trường hợp ghi chú kết hôn trong trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với nhau hoặc với người nước ngoài trước cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mà vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn trong trường hợp họ có cùng giới tính và vẫn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành là không cấm nhưng cũng không thừa nhận, do đó, sẽ chỉ cho phép ghi chú vào sổ hộ tịch nếu họ vi phạm điều kiện kết hôn khi hậu quả đã được khắc phục… trừ quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Trường Đại học Luật, Đại học Huế
[1]. Năm 2019, trong số 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã có 28 quốc gia/vùng lãnh thổ chính thức công nhận hôn nhân đồng giới. Có hơn 80 quốc gia/vùng lãnh thổ coi hành vi đồng tính luyến ái là tội phạm, một số còn áp dụng hình phạt tử hình đối với những người có hành vi đồng tính luyến ái. Số quốc gia/vùng lãnh thổ còn lại có chính sách trung dung, không coi đồng tính luyến ái là bất hợp pháp nhưng cũng không công nhận hôn nhân đồng tính.
[2]. Nghị định này đã hết hiệu lực một phần từ ngày 01/01/2016 do bị bãi bỏ, sửa đổi bởi Nghị định số 123/2015/NĐ-CP.