Vấn đề nhận cha, mẹ, con trong trường hợp trẻ em đang là con nuôi được coi là đã và đang phát sinh trong thực tiễn, nhưng trong Luật Nuôi con nuôi chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh, do đó, trong quá trình nghiên cứu, xem xét vận dụng các quy định pháp luật về nuôi con nuôi, pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình và hộ tịch để hướng dẫn địa phương giải quyết thấu đáo nhưng phải phù hợp với nguyên tắc, mục đích của việc nuôi con nuôi, tránh tình trạng tùy tiện ảnh hưởng đến quan hệ nuôi con nuôi, xáo trộn cuộc sống, tinh thần của cha mẹ nuôi và con nuôi.
1. Việc nhận cha, mẹ, con khi trẻ em đang là con nuôi
Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nuôi con nuôi, Cục Con nuôi đã tiến hành công tác kiểm tra đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước, đồng thời hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết nuôi con nuôi cho địa phương, trả lời đơn thư của công dân liên quan đến những vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết nuôi con nuôi trong trường hợp đã nhận con nuôi và đang tiến hành làm thủ tục xin nhận con nuôi. Trong đó có trường hợp: Yêu cầu xác nhận cha, mẹ và con khi trẻ em đang là con nuôi của ông Đỗ Văn A và bà Nguyễn Thị B đối với trẻ em Đặng Đỗ Văn C là trẻ em bị bỏ rơi từ năm 2007 tại Ủy ban nhân dân xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đã được ông Đặng Đình D và bà Đỗ Thị E là người phát hiện trẻ em bị bỏ rơi nhận trẻ em làm con nuôi. Ông Đỗ Văn A và bà Nguyễn Thị B đã cung cấp giấy chứng sinh và kết quả giám định ADN để chứng minh họ là cha, mẹ đẻ của cháu Đặng Đỗ Văn C.
Về vấn đề này, trong quá trình xem xét giải quyết cũng đã có tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn có liên quan về hướng giải quyết và đã thu nhận được nhiều ý kiến khác nhau, tựu trung lại có thể phân thành hai nhóm ý kiến như sau:
- Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng, theo quy định tại Điều 25, khoản 1 Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015, cha mẹ đẻ của trẻ em có quyền nhận cha, mẹ, con vì đây là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân. Việc xác định cha, mẹ, con này không làm chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi mà chỉ đơn thuần là ghi nhận quyền đương nhiên của cha mẹ đẻ với đứa con mà họ sinh ra và ngược lại. Sự kiện pháp lý này làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ đẻ và con.
- Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng, Điều 24 Luật Nuôi con nuôi quy định: Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Mặt khác, khoản 3 Điều 78 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ đẻ và con đẻ được khôi phục kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt”. Như vậy, không thể tồn tại cùng lúc quyền, nghĩa vụ giữa cha, mẹ đẻ với con đẻ và quyền, nghĩa vụ giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi bởi vì quan hệ này được xác lập thì quan hệ kia sẽ mất đi và ngược lại. Chính vì vậy mà không thể cho nhận cha, mẹ, con khi trẻ em đang là con nuôi.
Theo quan điểm của tác giả thì mặc dù quyền nhận cha, mẹ, con là quyền nhân thân của mỗi cá nhân và pháp luật dân sự cũng như pháp luật hộ tịch đã quy định đầy đủ về quyền nhận cha, mẹ, con nhưng những quy định này là nhằm vào các trường hợp người cha, mẹ chưa được công nhận là cha, mẹ hợp pháp của trẻ em, ví dụ như trường hợp trẻ em là con ngoài giá thú. Đối với trường hợp trẻ em đang là con nuôi có nghĩa là trẻ em đang ở trong mối quan hệ hợp pháp được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Do đó, nếu cho phép cha, mẹ đẻ nhận con sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ đẻ và con trong khi mối quan hệ nuôi con nuôi vẫn đang tồn tại sẽ dẫn đến tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi với trẻ em.
Mặc dù việc nhận cha, mẹ, con khi trẻ em đang là con nuôi không phải là căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi, nhưng việc này không phù hợp xét trên những khía cạnh sau:
Thứ nhất, căn cứ vào các quy định của pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình và nuôi con nuôi: Khoản 3 Điều 78 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền, nghĩa vụ giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ được khôi phục kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt. Đồng thời, theo khoản 3 Điều 27 Luật Nuôi con nuôi, trường hợp con nuôi được giao cho cha mẹ đẻ khi quan hệ nuôi con nuôi bị chấm dứt thì các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đẻ đã chấm dứt theo quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật này được khôi phục. Mặt khác, điểm c khoản 1 Điều 27 và điểm b khoản 1 Điều 28 của Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ cho phép con nuôi lấy lại tên, họ mà cha mẹ đẻ đã đặt sau khi việc nuôi con nuôi bị chấm dứt. Như vậy, mọi sự thay đổi liên quan đến cha, mẹ đẻ của trẻ em đã được cho làm con nuôi chỉ có thể được thực hiện sau khi việc nuôi con nuôi đã bị chấm dứt.
Thứ hai, về thực tiễn, việc nhận cha, mẹ, con khi trẻ em đang là con nuôi sẽ dẫn đến những hệ lụy trong quan hệ nuôi con nuôi như: Gây xáo trộn cuộc sống của con nuôi và cha mẹ nuôi, ảnh hưởng đến tinh thần, sự phát triển của con nuôi, tạo tâm lý bất an cho cha mẹ nuôi. Mặt khác, việc giải quyết cho nhận cha, mẹ, con khi trẻ em đang là con nuôi sẽ tạo tiền lệ cho các trường hợp khác, dễ dẫn đến việc cha, mẹ đẻ đòi lại con đã được cho làm con nuôi và như vậy sẽ không bảo đảm được sự bền vững của quan hệ nuôi con nuôi, trái với nguyên tắc, mục đích của việc cho, nhận con nuôi đã được pháp luật quy định là nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì mục đích tốt nhất của trẻ em được nhận làm con nuôi.
Thứ ba, về kinh nghiệm quốc tế, pháp luật của một số bang ở Hoa Kỳ (Chicago, Illinois) quy định cha mẹ đẻ có thời hạn 60 ngày, kể từ ngày từ bỏ con, để kiến nghị về quyền nhận lại con. Nếu hết thời hạn nêu trên mà cha mẹ đẻ không có ý kiến gì thì cơ quan có thẩm quyền bắt đầu các thủ tục để chấm dứt quyền cha mẹ và ra quyết định cho trẻ em làm con nuôi. Khi quyết định về nuôi con nuôi có hiệu lực, mọi quyền của cha mẹ đẻ đã từ bỏ con bị chấm dứt. Pháp luật của Cộng hòa Pháp cũng quy định, đối với trẻ em khi sinh ra không xác lập quan hệ huyết thống, ví dụ như sinh con bí mật, cha mẹ đẻ có thời hạn 02 tháng để nhận con. Nếu như trẻ em đã được giải quyết cho làm con nuôi thì mọi yêu cầu xác định cha, mẹ, con đều không được chấp nhận.
Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng, cần phải bảo vệ quan hệ nuôi con nuôi bình đẳng như quan hệ huyết thống; cha, mẹ đẻ chỉ được đăng ký nhận cha, mẹ, con đối với trẻ em đã được giải quyết cho làm con nuôi khi việc nuôi con nuôi đã được chấm dứt theo quy định của pháp luật.
2. Một số kiến nghị
Xuất phát từ những yêu cầu khách quan của thực tiễn công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi cũng như công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước tại các địa phương trong phạm vi toàn quốc, việc xem xét, hướng dẫn, trả lời đơn thư yêu cầu của công dân về giải quyết việc nuôi con nuôi cần phải được nghiên cứu một cách toàn diện, đầy đủ, thông suốt các quy định pháp luật về nuôi con nuôi cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan để có hướng giải quyết theo đúng tinh thần quy định của pháp luật về nuôi con nuôi. Đối với những hành vi mới phát sinh trong thực tiễn mà Luật Nuôi con nuôi chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh thì cần vận dụng các quy định pháp luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương cũng như công dân. Tác giả cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nuôi con nuôi, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc nuôi con nuôi trong nước thì vấn đề đặt ra hiện nay là cần sớm tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá và tổng kết thực tiễn để xem có nhiều hành vi mới phát sinh liên quan đến quan hệ nuôi con nuôi trong thời gian qua không, những hành vi nào cần thiết phải được Luật điều chỉnh để có hướng đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nuôi con nuôi trong thời gian tới. Nhất là vấn đề yêu cầu xác nhận cha, mẹ, con khi trẻ em đang là con nuôi cần sớm được quan tâm đưa vào quy định cụ thể một điều riêng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đời sống pháp lý đòi hỏi và nhằm bảo vệ tốt nhất quyền của trẻ em được nhận làm con nuôi.
Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp