Abstract: The paper points out some insufficiencies, entanglements relating to level of costs for examination, re-examination on site, assets measurement and valuation, at the same time, analyses causes of such insufficiencies and entanglements. From that point, the author makes recommendations, proposals for completion of legal provisions concerning this issue.
Xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản là những biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ do đương sự yêu cầu hoặc do thẩm phán chủ động tiến hành khi xét thấy cần thiết và được thực hiện theo trình tự của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản được quy định cụ thể tại Điều 101 và Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Về nghĩa vụ tạm ứng chi phí đo đạc không được quy định cụ thể tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, việc đo đạc là rất cần thiết, đo đạc để xác định diện tích, ranh giới đất tranh chấp, cây trồng, vật kiến trúc trên đất để làm cơ sở giải quyết vụ án. Do đó, tạm ứng chi phí đo đạc là một vấn đề rất cần thiết và thực tế Tòa án cũng yêu cầu đương sự nộp tạm ứng chi phí đo đạc.
1. Một số hạn chế, vướng mắc liên quan đến mức tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản
Thứ nhất, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì mức để Tòa án ấn định cho đương sự nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là số tiền Tòa án tạm tính để tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ[1] và tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản là số tiền mà Hội đồng định giá tạm tính để tiến hành việc định giá tài sản theo quyết định của Tòa án[2], Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không quy định tiền tạm ứng chi phí đo đạc nhưng thực tiễn giải quyết vụ án cho thấy, số tiền tạm ứng trên cũng sẽ do Tòa án tạm tính để tiến hành việc đo đạc. Vì vậy, mức tạm ứng các chi phí tố tụng bao gồm xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản sẽ do Tòa án quyết định và Tòa án sẽ ấn định mức trên dựa vào tạm tính thực tế số tiền sẽ chi cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản để thông báo cho đương sự nộp tạm ứng. Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết những khoản cần phải chi trong việc xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản. Thông thường, những khoản cần phải chi trong việc xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản sẽ bao gồm những khoản sau: (i) Chi phí đo vẽ nhà đất, được tính theo giá của cơ quan có chức năng đo vẽ nhà, đất, đây là chi phí có hợp đồng, biên lai thu tiền; (ii) Chi phí cho phương tiện đi lại, nếu địa điểm ở xa thì chi phí được tính theo giá vận chuyển, sẽ có hóa đơn, chứng từ, nếu địa điểm gần thì cán bộ Tòa án và thành viên sẽ tự túc phương tiện; (iii) Chi phí cho đại diện Ủy ban nhân dân xã, phường tham gia phối hợp cùng Tòa án để tiến hành xác định vị trí đất, ranh giới đất; (iv) Chi phí cho Hội đồng định giá. Ngoài những khoản chi như trên thì một số Tòa án sẽ còn những khoản chi khác và những khoản chi đó đa phần sẽ có hóa đơn, chứng từ để sau này có thể quyết toán lại với đương sự.
Thứ hai, hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về trình tự và thủ tục thu, chi liên quan đến chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản nên việc ấn định mức tạm ứng thường theo ý chủ quan của Tòa án dẫn đến mỗi Tòa án thực hiện mỗi cách khác nhau. Đồng thời, các khoản chi có cần hóa đơn, chứng từ hay không cũng cần phải quy định chi tiết. Đối với các khoản chi có hóa đơn, chứng từ thì việc thu, chi tương đối dễ dàng nhưng các khoản chi trên phải nhằm phục vụ cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản của Tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế có một số khoản chi không thể có hóa đơn, chứng từ, các trường hợp trên có được tính vào số tiền để Tòa án thực hiện việc xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản hay không (như: Tiền xăng xe cá nhân của thẩm phán và thư ký để đi đến địa điểm cần phải xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản...). Đối với các trường hợp trên thì thực tế Tòa án vẫn tính vào tiền xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản, bởi vì số tiền mà Tòa án chi trên đều nhằm mục đích phục vụ cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản. Theo quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc xem xét, thẩm định tại chỗ căn cứ vào quy định của pháp luật; tại khoản 2 Điều 163 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì chi phí định giá tài sản là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho công việc định giá tài sản và do Hội đồng định giá tính căn cứ vào quy định của pháp luật. Như vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không quy định các khoản chi của Tòa án cần phải có hóa đơn, chứng từ, mà các khoản chi phải là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả. Quy định như trên rất chung chung nên dễ dẫn đến trường hợp Tòa án chi những khoản chi không phù hợp nhưng Tòa án lại cho rằng, những khoản chi đó là cần thiết và hợp lý phải chi trả.
Có thể thấy, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định mức tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản là số tiền Tòa án tạm tính để tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản nhưng chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết rõ ràng về trình tự và thủ tục thu, chi liên quan đến chi phí trên nên việc ấn định mức tạm ứng thường theo ý chủ quan của Tòa án. Do đó, có nhiều trường hợp thẩm phán sẽ cố tình ra thông báo tạm ứng chi phí tố tụng rất cao so với thực tế với mục đích gây khó khăn cho đương sự, đương sự không có khả năng nộp tiền tạm ứng thì Toà án sẽ căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đình chỉ giải quyết vụ án. Đồng thời, theo khoản 1 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì nguyên đơn sẽ không được khởi kiện lại vụ án. Tuy nhiên, thực tế còn xảy ra trường hợp Tòa án ra thông báo để đương sự nộp tạm ứng chi phí tố tụng với số tiền khá cao và đương sự chỉ có số tiền ít hơn số tiền Tòa án đã thông báo và đương sự cho rằng số tiền đó đã đủ để Tòa trưng cầu cơ quan chuyên môn để tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản, đương sự chỉ nộp số tiền như trên. Đối với trường hợp này, thông thường, Toà án sẽ không đồng ý, bởi vì Toà án đã ra thông báo để đương sự nộp đủ số tiền như đã thông báo. Vì vậy, khi nào đương sự đủ số tiền Tòa án thông báo thì Tòa án mới lập biên bản giao nhận tiền, nếu không đủ thì Tòa án sẽ không thực hiện việc lập biên bản giao nhận tiền và nếu quá thời hạn nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng thì Tòa án sẽ giải quyết theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 và khoản 1 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tác giả không đồng ý với việc Tòa án từ chối giao nhận tiền khi đương sự nộp, vì số tiền Tòa án đưa ra có thể cao hơn rất nhiều so với chi phí thực tế tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản. Tuy nhiên, khi đương sự nộp số tiền ít hơn số tiền Tòa án thông báo và cho rằng số tiền trên đã đủ để Tòa án trưng cầu cơ quan chuyên môn thực hiện thì đương sự phải chứng minh cho lời trình bày của mình, có thể thông qua những hợp đồng đo đạc, định giá những phần tài sản tranh chấp tương tự trong thực tế.
Đối với mức tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản thì hiện nay có hai quan điểm khi Tòa án ra thông báo yêu cầu đương sự tạm ứng chi phí tố tụng như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định mức tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản là số tiền Tòa án tạm tính để tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản. Do đó, việc xác định mức tạm ứng sẽ do thẩm phán giải quyết vụ án tạm tính trên cơ sở số tiền sẽ chi cho việc trưng cầu cơ quan chuyên môn để thực hiện. Số tiền trên sẽ dựa vào những tham khảo trên thực tế, cộng với những chi phí phát sinh để thẩm phán tính toán ra mức tạm ứng cuối cùng và thông báo cho đương sự yêu cầu được biết để nộp tạm ứng. Tuy nhiên, thực tế sẽ xảy ra rất nhiều rủi ro do số tiền tạm ứng chi phí tố tụng là do Tòa án tạm tính, số tiền trên sẽ dựa vào ý chí chủ quan của thẩm phán giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, do phụ thuộc và ý chí chủ quan nên mỗi thẩm phán sẽ có cách tính toán khác nhau và thông báo số tiền tạm ứng khác nhau. Từ đó, sẽ dẫn đến không thống nhất giữa các Tòa án và khó khăn cho đương sự khi Tòa án ra thông báo với mức khá cao so với thực tế.
Quan điểm thứ hai cho rằng, mặc dù Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định mức tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản là số tiền Tòa án tạm tính để tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản. Tuy nhiên, với số tiền tạm ứng, Tòa án phải dựa trên những chi phí Tòa án chi trên thực tế thông qua cơ quan chuyên môn cung cấp cho Tòa án. Do đó, để tiến hành thông báo số tiền tạm ứng chi phí tố tụng cho đương sự thì trước tiên Tòa án phải liên hệ với cơ quan Tòa án tiến hành trưng cầu để các cơ quan đó cung cấp cho Tòa án bản dự tính số tiền thực hiện việc xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản. Sau đó, Tòa án sẽ tổng hợp tất cả số tiền tạm tính và ra thông báo tạm ứng chi phí tố tụng kèm theo bản kê chi tiết số tiền tạm tính chi, những khoản cần phải chi. Khi đó, nếu đương sự không nộp số tiền tạm ứng trên thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án mới thuyết phục.
Với hai quan điểm trên, tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, mặc dù Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không quy định và chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết nhưng hiểu theo quan điểm thứ hai sẽ hợp lý, đảm bảo quyền lợi chính đáng của đương sự, khi đó thông báo tạm ứng chi phí tố tụng của Tòa án sẽ có giá trị pháp lý và thuyết phục. Bởi vì, số tiền Tòa án thông báo là những khoản Tòa án sẽ chi được liệt kê chi tiết và cung cấp cho đương sự, đây là số tiền cần thiết để Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản đã được cơ quan chuyên môn xác nhận. Nếu mức tạm ứng Tòa án đưa ra và buộc đương sự phải nộp trong khoảng thời gian nhất định nhưng đương sự không thể nộp thì Tòa án không thể tiến hành những biện pháp thu thập chứng cứ trên được, dẫn đến vụ án không thể nào giải quyết được. Vì vậy, khi hết thời hạn nộp tạm ứng chi phí tố tụng mà đương sự không nộp mà không có lý do chính đáng thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là hoàn toàn thuyết phục.
Ngoài ra, đối với mức tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản còn xảy ra trường hợp Tòa án tạm tính số tiền để tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản nhưng thực tế chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết rõ ràng về trình tự và thủ tục thu, chi liên quan đến chi phí trên nên việc ấn định mức tạm ứng thường theo ý chủ quan của Tòa án và Tòa án đã tạm tính số tiền quá thấp, dẫn đến trường hợp khi thanh toán cho cơ quan chuyên môn chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản thì số tiền tạm ứng không đủ để thanh toán. Đối với vấn đề trên thì Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chỉ quy định Tòa án tạm tính số tiền xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản để thông báo và yêu cầu đương sự nộp. Trong trường hợp này, Tòa án đã thông báo yêu cầu đương sự nộp số tiền cụ thể, đương sự đã nộp đủ, nhưng số tiền đương sự đã nộp không đủ thanh toán cho cơ quan chuyên môn thì Tòa án có thể thông báo để đương sự nộp thêm số tiền để đủ thanh toán hay không và nếu đương sự không nộp thì Tòa án sẽ xử lý như thế nào. Tòa án không thể căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đình chỉ giải quyết vụ án do nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá và chi phí tố tụng khác, bởi vì nguyên đơn có nộp tiền đầy đủ theo thông báo của Tòa án nhưng số tiền nguyên đơn nộp không đủ để thanh toán. Nếu Tòa án thông báo đương sự nộp thêm số tiền nhưng đương sự không nộp thì Tòa án không thể cho rằng đương sự không nộp tạm ứng theo yêu cầu của Tòa án do đương sự đã nộp theo thông báo lần đầu của Tòa án và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không quy định nên không có căn cứ để Tòa án thông báo cho đương sự nộp đầy đủ số tiền, trường hợp này lỗi thuộc về Tòa án do Tòa án tạm tính số tiền không đủ để thanh toán cho cơ quan chuyên môn. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu không thanh toán đủ chi phí cho cơ quan chuyên môn thì Tòa án không thể nào lấy kết quả để phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án được. Theo quan điểm của tác giả, đối với trường hợp trên thì Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định số tiền tạm ứng chi phí tố tụng sẽ do Tòa án tạm tính nên thực tế thẩm phán giải quyết vụ án phải tạm tính số tiền tạm ứng cao hơn số tiền thanh toán cho cơ quan chuyên môn, nhưng không được tạm tính quá cao hoặc vừa đủ để thanh toán, bởi vì quá trình giải quyết vụ án ngoài việc thanh toán cho cơ quan chuyên môn thì có thể còn phát sinh một số chi phí tố tụng khác và thẩm phán có thể có số tiền tạm ứng để thanh toán mà không phải thông báo yêu cầu đương sự tiếp tục nộp.
Nguyên nhân chính dẫn đến mức tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản có những vướng mắc trên thực tế áp dụng là do Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định chi phí tố tụng do Tòa án tạm tính, nhưng không quy định chi tiết cách tạm tính như thế nào và không hướng dẫn về trình tự, thủ tục thu, chi liên quan đến chi phí tố tụng trên. Do đó, số tiền tạm ứng chi phí tố tụng được Tòa án tạm tính dựa trên ý chí chủ quan của cá nhân thẩm phán giải quyết vụ án, chính vì dựa ý chí chủ quan mà không có bất kỳ văn bản hướng dẫn chung nên mỗi thẩm phán giải quyết vụ án sẽ nhìn nhận khác nhau và thông báo khác nhau đối với vụ án họ được phân công giải quyết. Từ đó, dẫn đến trường hợp có vụ án Tòa án thông báo yêu cầu đương sự nộp tạm ứng chi phí tố tụng nhưng sau khi thanh toán toàn bộ chi phí đối với các cơ quan chuyên môn thì số tiền còn lại dư rất nhiều và trường hợp khác thì số tiền Tòa án thông báo cho đương sự nộp lại không đủ để thanh toán chi phí với cơ quan chuyên môn.
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Từ những vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật tác giả kiến nghị cần phải có văn bản hướng dẫn Điều 155 và Điều 163 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 theo hướng như sau:
Thứ nhất, cần quy định trường hợp trước khi Tòa án tiến hành thông báo số tiền để đương sự nộp tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản thì Tòa án phải có bản dự tính số tiền thực hiện thông qua số tiền Tòa án dự kiến chi được cung cấp từ cơ quan chuyên môn. Cụ thể, đối với việc xem xét, thẩm định tại chỗ thì: “Trong trường hợp Tòa án thông báo tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ thì Tòa án sẽ lập bản kê chi tiết những khoản Tòa án sẽ phải chi và thẩm phán phải ký tên đóng dấu xác nhận”. Đối với việc đo đạc, định giá tài sản thì: “Toà án sẽ tiến hành liên hệ với cơ quan đo vẽ, định giá để các cơ quan trên cung cấp cho Tòa án bản dự kiến tạm tính số tiền đo đạc, định giá trên diện tích khu đất, nhà đang tranh chấp và xác nhận vào bản dự kiến tạm tính số tiền đo đạc để cung cấp cho Tòa án”. Sau đó, Tòa án sẽ tổng hợp tất cả số tiền tạm tính chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản là bao nhiêu và Tòa án sẽ ra thông báo tạm ứng chi phí tố tụng kèm theo bản kê chi tiết số tiền tạm tính chi và những khoản cần phải chi để cung cấp cho đương sự. Quy định như trên sẽ bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và đương sự sẽ biết được những khoản cần phải chi và số tiền cụ thể Tòa án phải chi để đương sự thực hiện nghĩa vụ tạm ứng chi phí tố tụng. Trong trường hợp đương sự không nộp tạm ứng chi phí tố tụng thì việc đình chỉ giải quyết vụ án mới có căn cứ và thuyết phục.
Thứ hai, cần phải có văn bản hướng dẫn quy định chi tiết những khoản cần phải chi khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản để tránh trường hợp Tòa án chi vào những khoản không đúng quy định của pháp luật và ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Tác giả kiến nghị nên có văn bản hướng dẫn những khoản cần phải chi khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản theo hướng: “Khi Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản thì những khoản Tòa án cần phải chi bao gồm: Chi phí đo vẽ nhà đất, được tính theo giá của cơ quan có chức năng đo vẽ nhà, đất; chi phí cho phương tiện đi lại; chi phí cho đại diện Ủy ban nhân dân xã, phường tham gia phối hợp cùng Tòa án để tiến hành xác định vị trí đất, ranh đất; chi phí cho Hội đồng định giá, các chi phí Tòa án chi phải có hóa đơn, chứng từ và được lưu trong hồ sơ vụ án”. Hướng giải quyết này sẽ giúp Tòa án xác định được chính xác những khoản cần phải chi trả khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, đo đạc và định giá tài sản, sẽ đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự.
Tòa án nhân dân TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
[1]. Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[2]. Khoản 1 Điều 163 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.