Một số nội dung được đề cập sửa đổi, bổ sung cơ bản là: Bổ sung phạm vi các bản án, quyết định được thi hành, quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, khuyến khích xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự (Chương I); Sửa đổi, bổ sung quy định về chấp hành viên (Chương II); Sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục thi hành án dân sự (Chương III); Sửa đổi, bổ sung các quy định biện pháp đảm bảo và cưỡng chế thi hành án dân sự (Chương IV); Sửa đổi, bổ sung các quy định về thi hành án trong một số trường hợp cụ thể (Chương V); Sửa đổi, bổ sung quy định khiếu nại, tố cáo và kháng nghị về thi hành án dân sự (Chương VI); Sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong thi hành án dân sự (Chương VIII); Sửa đổi, bổ sung quy định yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án dân sự (Chương IX)...
Đặc biệt, quá trình sửa đổi, bổ sung lần này cũng đề cập đến vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong thi hành án dân sự. Thực tiễn tổ chức hoạt động thi hành án dân sự cho thấy, còn có sự xác định chưa đúng bản chất của thi hành án dân sự là hoạt động tư pháp. Toà án chưa có trách nhiệm đến cùng với bản án, quyết định mà mình đã ban hành. Đã xảy ra tình trạng cắt khúc, tách rời các giai đoạn tố tụng làm hạn chế mối quan hệ giữa hoạt động xét xử với hoạt động thi hành án dân sự, giữa Toà án với cơ quan thi hành án dân sự. Do sự cắt khúc giữa hai giai đoạn xét xử và thi hành án, nên sau khi ban hành bản án, quyết định, gần như Tòa án không theo dõi kết quả thi hành bản án, quyết định trên thực tế; một số bản án, quyết định sau khi ban hành chậm được chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự; nội dung chưa đảm bảo khả thi, rõ ràng, dẫn đến các cách hiểu khác nhau; khi cơ quan thi hành án dân sự đề nghị giải thích thì không nhận được hoặc chậm nhận được trả lời; một số trường hợp giải thích chưa rõ để thi hành; trường hợp kiến nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm cũng không nhận được trả lời; khi xét xử lại đã không xử lý toàn diện kết quả thi hành án trước đó. Vì vậy, lần sửa đổi này, cần phải nghiên cứu, trao đổi kỹ hơn về cơ chế gắn kết chặt chẽ hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động thi hành án dân sự, cơ chế đó được xác định là giao cho Tòa án ra quyết định về thi hành án dân sự. Việc quy định Tòa án ra quyết định về thi hành án dân sự cũng phù hợp với định hướng cải cách tư pháp ở nước ta trong thời gian tới.
Về trách nhiệm xác minh của người được thi hành án, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu chấp hành viên tiến hành xác minh. Đây là quy định mới so với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, nhằm nâng cao hơn sự chủ động và tăng trách nhiệm của người được thi hành án tham gia vào quá trình thi hành án, giảm gánh nặng về nhân lực và kinh phí cho cơ quan thi hành án dân sự. Tuy nhiên, với truyền thống văn hóa pháp lý, ý thức chấp hành pháp luật, cũng như điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, thì quy định như trên đã không phát huy được hiệu quả trên thực tế, người được thi hành án rất khó khăn trong việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nhất là việc xác minh tại các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng... Vì vậy, trách nhiệm xác minh là trở ngại lớn của người được thi hành án trong quá trình bảo vệ các quyền, lợi ích của mình theo phán quyết của Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền. Từ sự phân tích trên, đặt ra yêu cầu cần sửa đổi theo hướng người được thi hành án có quyền cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có, mà không bắt buộc phải xác minh. Sau khi ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh...
Hiện nay, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đang được đưa ra lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm và quần chúng nhân dân. Hy vọng rằng, khi được ban hành, Luật này sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự ở nước ta.
Vương Minh