Trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ và chức năng theo luật định, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Trị đã tiến hành hơn 40 cuộc giám sát thực thi pháp luật ở địa phương, trong đó có 10 cuộc giám sát chuyên đề, 9 cuộc thẩm tra các báo cáo hoạt động tư pháp và 5 cuộc giám sát các vụ việc khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác điều tra, công tố, xét xử, thi hành án dân sự,…ở địa phương. Ban Pháp chế đã chủ động hoặc phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh thành lập Đoàn giám sát, thực hiện kế hoạch giám sát theo chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm. Trong quá trình giám sát, Ban Pháp chế đã trực tiếp tham gia ý kiến, gợi ý những biện pháp tháo gỡ khó khăn giúp các ngành, đơn vị, địa phương tự điều chỉnh, bổ sung các hoạt động của mình theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Ban Pháp chế cũng chú trọng đổi mới phương pháp đánh giá, nhận định trong các báo cáo kết quả giám sát, thẩm tra đảm bảo sát đúng tình hình, kết quả hoạt động của các ngành, đơn vị, địa phương để có kiến nghị xác đáng, phù hợp nhằm khắc phục một số hạn chế, khó khăn và giải quyết sự việc theo đúng quy định của pháp luật.
Để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh đối với hoạt động tư pháp, nhất là công tác xét xử của ngành Tòa án, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với Hội thẩm nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án nhân hai cấp, tại kỳ họp thứ 4 - Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị khóa VI, nhiệm kỳ 2011 - 2016, Ban Pháp chế đã thẩm tra và đề nghị HĐND tỉnh xem xét, thông qua Nghị quyết số 08/2012/NQ-HĐND ngày 13/4/2012 về việc nâng cao năng lực hoạt động và chế độ chính sách đối với hội thẩm nhân dân hai cấp. Nghị quyết đã quy định: Trưởng đoàn hội thẩm được hỗ trợ 1.500.000 đồng/người/năm; Phó Trưởng đoàn hội thẩm được hỗ trợ 1.300.000 đồng/người/năm; hội thẩm được hỗ trợ 1.200.000 đồng/người/năm. Hội thẩm nhân dân khi nghiên cứu hồ sơ và tham gia hoạt động xét xử được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/vụ án. Chế độ này không bao gồm chế độ hỗ trợ cho hội thẩm nhân dân theo Quyết định số 241/2006/QĐ-TTg ngày 25/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ bồi dưỡng phiên tòa. Sau khi tổ chức thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, hàng năm, Tòa án nhân dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí bình quân trên 600 triệu đồng/năm để UBND tỉnh xem xét hỗ trợ hội thẩm nhân dân hai cấp.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh đối với hoạt động tư pháp nói chung và công tác xét xử của Ngành Tòa án nói riêng, xuất phát từ đặc thù của HĐND mỗi cấp và các điều kiện của cơ quan dân cử ở địa phương, trong thời gian qua còn một số khó khăn, hạn chế nhất định đó là:
- Chức năng, nhiệm vụ của HĐND các cấp đã được pháp luật hiện hành quy định song quá trình triển khai tổ chức giám sát của HĐND tỉnh nói chung, giám sát của Ban Pháp chế đối với hoạt động tư pháp ở địa phương nói riêng dù đã thực hiện khá tốt nhưng chưa được thường xuyên, một số mặt hiệu quả chưa cao. Việc chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh đối với các hoạt động tư pháp nhìn chung còn ít, câu hỏi chất vấn của đại biểu có khi chưa sâu, chủ yếu là tìm hiểu thông tin; một số cuộc giám sát của Ban Pháp chế tổ chức dàn trải, thiếu tính cụ thể và còn hình thức; hiện nay chưa có chế tài của pháp luật hoặc hướng dẫn cụ thể nào về quyền buộc các chủ thể được giám sát thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị xác đáng của HĐND.
- Nghị quyết số 725/2009/NQ-UBTVQH12 ngày 16/01/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh giám sát các cơ quan tư pháp từ cấp tỉnh đến huyện, quận do đó giám sát giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh ở địa phương đối với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, UBND các huyện đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND từ năm 2009 đến nay, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong tổ chức giám sát, số cuộc, đợt giám sát được tăng cường hơn trước, hình thức và nội dung giám sát hoạt động tư pháp xuống các huyện cũng đa dạng, phong phú song còn bất cập là HĐND tỉnh không phải là bộ phận thuộc chính quyền địa phương cấp huyện nên không bao quát hết các vấn đề, lĩnh vực, vụ việc, không có đủ thông tin và sự phản hồi từ nhân dân cơ sở.
- Việc bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân cấp huyện ở các huyện đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND còn hình thức. Từ năm 2009, sau khi triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, HĐND tỉnh đã tiến hành bầu 145 vị hội thẩm Tòa án nhân dân 7 huyện do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giới thiệu. Sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, tại kỳ họp thứ nhất - HĐND tỉnh Quảng Trị khoá VI đã tiếp tục kiện toàn, bầu lại 116 vị hội thẩm Tòa án nhân dân ở 7 huyện và 15 vị hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh. Quy trình, thủ tục bầu HĐND đúng quy định của pháp luật, theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giới thiệu ra HĐND tỉnh bỏ phiếu, bảo đảm quyền của Hội thẩm nhân dân “xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Tuy nhiên, cái khó là HĐND tỉnh không biết đầy đủ về cơ cấu thành phần, trình độ, phẩm chất và tính đại diện của những người được giới thiệu bầu hội thẩm nhân dân và HĐND tỉnh cũng không có điều kiện tìm hiểu các vị hội thẩm nhân dân ở cơ sở, chủ yếu tin tưởng vào sự chuẩn bị của Tòa án nhân dân tỉnh và giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, do đó việc thẩm tra của Ban Pháp chế cũng mang tính thủ tục. Có thể nói, thực tế việc bầu hội thẩm nhân dân và cử Đoàn hội thẩm là những vấn đề mà HĐND tỉnh không dễ dàng tiếp cận.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND cấp tỉnh nói chung và của HĐND tỉnh Quảng Trị nói riêng đối với hoạt động tư pháp trong thời gian tới, xin có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, việc chất vấn các hoạt động tư pháp tại kỳ họp Hội HĐND cấp tỉnh đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chủ tịch UBND cùng cấp là một nội dung quan trọng, cần duy trì thực hiện thường xuyên, được phát thanh, truyền hình trực tiếp, thu hút sự chú ý của cử tri và nhân dân. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh đối với các hoạt động tư pháp cùng cấp theo hướng giám sát không chỉ dừng lại ở việc nghe báo cáo, dựa trên cơ sở một vài ý kiến chung chung mà đòi hỏi phải rõ quan điểm, có lý lẽ xác đáng về những vấn đề nhất trí, không nhất trí với nội dung báo cáo đã nêu; sau khi nghe báo cáo, tổng hợp thảo luận và trả lời chất vấn nếu thấy những vấn đề, lĩnh vực quan trọng cần thiết cũng ban hành nghị quyết về hoạt động tư pháp.
Thứ hai, cần có cơ chế chính sách của trung ương và địa phương phù hợp để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương tham gia có hiệu quả hơn vào việc giám sát các hoạt động tư pháp; tăng cường vai trò, chức năng của báo chí, phương tiện truyền thông vào việc thông tin các hoạt động tư pháp, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân đồng thời phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Thứ ba, thực hiện chức năng giám sát thể hiện tính quyền lực và đại diện của nhân dân đối với các hoạt động tư pháp ở cấp huyện đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND, qua giám sát nếu phát hiện những vấn đề, lĩnh vực, vụ việc còn nổi cộm, bức xúc chưa được cử tri và nhân dân đồng tình cũng cần đổi mới tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh nhằm làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu các ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đối với việc quản lý người đứng đầu các ngành, cơ quan, đơn vị cấp huyện.
Thứ tư, đòi hỏi của thực tiễn là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đối với hoạt động tư pháp ở địa phương đó cũng là yêu cầu bảo đảm tính đồng bộ của pháp luật trong đổi mới tổ chức và hoàn thiện cơ chế giám sát của cơ quan dân cử nói chung đối với cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cơ quan có liên quan đến hoạt động tư pháp, phù hợp với tinh thần các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Do đó, trong nhiệm kỳ HĐND các cấp sắp tới, cùng với việc thiết lập chuyển đổi mô hình HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII) bên cạnh việc xác lập hệ thống Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân hiện hành sang hệ thống mới phải phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và các văn bản luật khác có liên quan đến hoạt động tư pháp.
Thứ năm, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét có điều chỉnh tương ứng trong các quy định của pháp luật về quyền giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đối với cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cơ quan có liên quan đến hoạt động tư pháp ở địa phương; có quy định thống nhất việc kiện toàn cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động cho HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; nâng cao năng lực chủ thể thực hiện chức năng giám sát và bộ máy tham mưu, phục vụ của HĐND các cấp; trong đó nghiên cứu cơ chế pháp lý về giám sát hoạt động tư pháp là yếu tố then chốt, kiện toàn cơ cấu tổ chức Ban Pháp chế HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ giúp HĐND cùng cấp giám sát hoạt động tư pháp là yếu tố đóng vai trò quyết định, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đối với hoạt động tư pháp ở địa phương, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Lê Thanh Hải
Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Quảng Trị