Bán đấu giá tài sản là một công đoạn trong quá trình thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự nhằm đảm bảo cho nghĩa vụ trả tiền trong thi hành án dân sự. Với ý nghĩa là một biện pháp cưỡng chế nhằm bảo đảm thi hành án dân sự, đảm bảo quyền lợi của các bên, bán đấu giá cũng góp phần hoàn thiện thủ tục thi hành án dân sự. Sau 25 năm triển khai hoạt động bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự ở Việt Nam, hoạt động này đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự vẫn còn hạn chế. Từ đó dẫn đến tình trạng khách hàng có tâm lý ngại mua tài sản bán đấu giá trong thi hành án dân sự, nhiều tài sản được đem ra đấu giá nhiều lần nhưng không có ai mua, mặc dù giá trị của nó lớn hơn nhiều so với giá khởi điểm mà doanh nghiệp bán đấu giá đề xuất
Để phát huy những kết quả đã đạt được trong thời qua và nâng cao hiệu quả của bán đấu giá tài sản trong thời gian tới, cần thiết phải nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống các vấn đề về bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự.
Nhận thức được tầm quan trọng này, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã biên tập, đăng tải bài viết “Nâng cao hiệu quả bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự” của tác giả Bùi Thị Thu Hiền, trên Số chuyên đề 32 trang tháng 7/2015 về Thi hành án dân sự. Trong bài viết này, tác giả đã nêu và phân tích cụ thể về khái niệm bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự, một số đặc điểm của bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự, nguyên nhân của những bất cập và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật…
Thành Trung