1. Công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An
Tỉnh Long An là một trong 08 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm 01 thành phố, 01 thị xã, 13 huyện với tổng diện tích là 4.492 km², dân số trên 1,7 triệu người. Long An có vị trí địa lý đặc biệt, là cửa ngõ nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ. Phía Đông giáp Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh, phía Bắc giáp tỉnh Svay Rieng (Vương Quốc Campuchia), phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp và phía Nam giáp tỉnh Tiền Giang. Ngoài vị trí chiến lược, Long An còn có nhiều lợi thế khác như điều kiện tự nhiên thuận lợi; cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện với hệ thống giao thông liên hoàn; các khu công nghiệp đáp ứng cả về số lượng cũng như được đầu tư hoàn thiện về hạ tầng. Hiện nay, toàn tỉnh có 35 khu công nghiệp, 63 cụm công nghiệp, trong đó 16 khu công nghiệp, 22 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích 2.323,03 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 87,6%. Các khu công nghiệp đã thu hút được 1.622 dự án đầu tư, trong đó có 793 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 4.543,6 triệu USD và 829 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 92.219 tỷ đồng. Tất cả các khu công nghiệp đều đã lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc tự động nước thải và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và môi trường để theo dõi[1]. Công tác thu gom, xử lý rác thải công nghiệp được các doanh nghiệp thực hiện khá tốt, tỷ lệ thu gom chất thải rắn công nghiệp ước tính đạt khoảng 90% (khoảng 10% chất thải rắn công nghiệp còn lại doanh nghiệp tái sử dụng hoặc lưu kho).
Bên cạnh những kết quả đạt được về kinh tế, xã hội do các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh mang lại thì tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp ngày càng phức tạp hơn. Trong năm 2022, qua thanh, kiểm tra gồm: Vi phạm trong khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh..., ngành chức năng tỉnh Long An đã ban hành 63 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 4,9 tỷ đồng[2]. Các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của nhiều doanh nghiệp chủ yếu là: Xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; nước thải sau xử lý cục bộ không đạt tiêu chuẩn đúng quy định; chưa xử lý khí thải, mùi hôi; các loại rác thải sinh hoạt công nghiệp, chất thải nguy hại chưa được phân loại; chưa đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại; chưa chuyển giao xử lý chất thải nguy hại đúng quy định; khai thác sử dụng các giếng nước ngầm không có giấy phép; lắp đặt đường ống, máy bơm, bơm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường… Có thể kể đến “điểm nóng” ô nhiễm môi trường đã được báo chí đăng tải, đó là cụm công nghiệp Hoàng Gia (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An)[3].
Trước đây, dự án Khu dân cư Gò Đen cũng là một điểm “nóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, được cử tri kiến nghị nhiều trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội tỉnh. Thế nhưng, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, huyện, địa phương, đến nay tình trạng rác thải sinh hoạt vứt tràn lan tại khu vực này cơ bản đã được giải quyết. Thông tin từ Ủy ban nhân dân xã Phước Lợi, các hội, đoàn thể thường xuyên ra quân quét dọn, thu gom rác, trồng cây xanh và tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường[4].
Trong những năm qua, mặc dù các cấp, các ngành nói chung và lực lượng Cảnh sát kinh tế, môi trường nói riêng đã thực hiện rất nhiều các giải pháp để thực hiện bảo vệ môi trường nói chung và tại các khu công nghiệp nói riêng đã đạt nhiều kết quả nhất định. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp vẫn còn diễn biến phức tạp, có thể kể đến một số nguyên nhân sau:
- Phần lớn các cơ sở sản xuất, tổ chức kinh tế tại các khu công nghiệp chưa quan tâm đầu tư đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường, vẫn còn tình trạng chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường; công nghệ máy móc sản xuất ở một số doanh nghiệp đã lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, không đủ năng lực tài chính, kỹ thuật để đầu tư công nghệ xử lý chất thải hiện đại.
- Một số quy định của pháp luật về truy cứu trách nhiệm hình sự, thủ tục tố tụng hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành khi triển khai vẫn còn có những vướng mắc (trình tự, thủ tục, điều kiện áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội, phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại, xác định thiệt hại…) nên đến nay chưa có pháp nhân thương mại nào tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An bị xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự về hành vi gây ô nhiễm môi trường. Trong các vi phạm pháp luật về môi trường của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp gây ra là thiệt hại về tài sản, sức khỏe của nhân dân sinh sống xung quanh khu công nghiệp. Tuy nhiên, để xác định được thiệt hại, cơ quan có thẩm quyền phải thuê tổ chức giám định thiệt hại, mất chi phí, mất thời gian và không phải trường hợp nào cũng có thể xác định chính xác con số thiệt hại cụ thể… Ngoài ra, Chương XXIX Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân”, các quy định của chương này đều sử dụng thuật ngữ “pháp nhân” mà không phân biệt hay giới hạn loại pháp nhân thương mại hay phi thương mại… những vấn đề này đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường nói chung và tại các khu công nghiệp của tỉnh Long An nói riêng.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan, tổ chức tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đôi lúc chưa đi vào trọng tâm, việc tổ chức còn sơ sài và mang tính hình thức, còn bị động trước tình hình vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng diễn biến phức tạp.
- Trình độ, năng lực nhận thức về pháp luật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học… của một số cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng Cảnh sát kinh tế, môi trường còn hạn chế, nhất là số cán bộ được tuyển dụng từ các ngành khác và điều chuyển từ các lực lượng nghiệp vụ khác tới nên chưa thật sự đáp ứng yêu cầu công tác.
- Các mặt công tác nghiệp vụ trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường tại các khu công nghiệp chưa thật sự được chú trọng, hiệu quả chưa cao.
2. Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp ở Long An
Để chủ động nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp theo chức năng của lực lượng chuyên trách Công an tỉnh Long An trong thời gian tới, tác giả xin đề xuất một số giải pháp trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp phải đảm bảo đồng bộ hạ tầng trước khi mời gọi doanh nghiệp đầu tư, hoạt động; thường xuyên theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; yêu cầu các công ty, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thứ hai, lực lượng Cảnh sát kinh tế, môi trường tích cực chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tích cực bảo vệ môi trường.
Để đạt được yêu cầu này, trước hết lực lượng Cảnh sát kinh tế, môi trường cần phải được sự ủng hộ, hỗ trợ từ các cấp ủy Đảng và các tổ chức quần chúng để chủ động phổ biến và tuyên truyền pháp luật cũng như chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Việc tuyên truyền, phổ biến có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức diễn đàn pháp luật về môi trường, ô nhiễm môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền đến từng hộ dân, từng doanh nghiệp, từng cơ sở sản xuất kinh doanh, kết hợp với các buổi tuyên truyền về an toàn, sức khỏe lao động, chế độ bảo hiểm, tiền lương... tại các khu công nghiệp.
Thứ ba, cần nghiên cứu, quy định thống nhất về “pháp nhân thương mại” giữa Bộ luật Hình sự với Bộ luật Tố tụng hình sự; sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể áp dụng một số biện pháp tư pháp về trình tự, thủ tục, điều kiện áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội theo quy định tại Điều 82 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra. Cần chỉnh sửa các quy định theo hướng mức phạt phải luôn cao hơn mức hưởng lợi do vi phạm của các doanh nghiệp; bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người lao động, người thứ ba tham gia giao dịch với pháp nhân thương mại phải chịu các hình phạt chính…
Thứ tư, cần quan tâm bố trí lại số lượng, tỷ lệ giữa các đội nghiệp vụ, ưu tiên cho lực lượng trực tiếp đấu tranh với vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực công nghiệp theo hướng: Đối với cán bộ chiến sỹ đã tốt nghiệp các trường Công an nhân dân thì đưa đi đào tạo chuyên môn về lĩnh vực môi trường; đối với số cán bộ chiến sỹ tuyển từ ngành ngoài vào (nhất là những đơn vị có nhiều cán bộ tuyển từ ngành ngoài vào đã có chuyên môn về môi trường thì đưa đi học nghiệp vụ cảnh sát tại Đại học Cảnh sát hệ tập trung văn bằng 2); đối với cán bộ chiến sỹ được điều động từ những bộ phận khác sang thiếu cả nghiệp vụ điều tra, trinh sát và cả kiến thức về môi trường thì cần gửi đi các lớp tập huấn chuyên sâu cả nghiệp vụ điều tra, trinh sát, cả kiến thức về môi trường, khoa học, kỹ thuật.
Thứ năm, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tác nghiệp của lực lượng Công an nhân dân. Chú trọng vào thực hiện có hiệu quả công tác điều tra cơ bản, tập trung vào các lĩnh vực và các khâu trọng điểm (vận hành hệ thống xử lý chất thải, phân loại chất thải, vận chuyển chất thải…) cùng các tài liệu cần thu thập: Giấy phép khai thác nước dưới đất, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, bản cam kết bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường... Trong đó, tập trung các biện pháp nghiệp vụ để thu thập thông tin, tài liệu về công tác bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và tình trạng ô nhiễm cục bộ các tuyến kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh biện pháp phát động quần chúng, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tiến hành phân loại theo định kỳ, tiến hành thanh loại những đối tượng có điều kiện, khả năng vi phạm pháp luật, đồng thời, tập trung nắm tình hình các đối tượng còn biểu hiện nghi vấn. Đặc biệt, chú ý vận động số công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp là chuyên gia nước ngoài làm việc trong các khu công nghiệp có nguồn thải lớn, được xác định là trọng điểm gây ô nhiễm môi trường trong những năm qua để cung cấp thông tin, tài liệu về các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Thứ sáu, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài ngành Công an trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường tại các khu công nghiệp bằng cách: Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, báo cáo chuyên đề giữa các đơn vị trong ngành cũng như với các cơ quan chức năng khác để trao đổi kinh nghiệm, thống nhất các biện pháp xử lý nhất là phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, với Sở Tài nguyên và môi trường, lực lượng công an tại các Đồn Công an khu công nghiệp… trong việc trao đổi thông tin, thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất ở các doanh nghiệp nhằm đảm bảo các doanh nghiệp này tuân thủ theo hồ sơ môi trường được duyệt. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm trong xả nước thải, khí thải tại khu công nghiệp, tránh để xảy ra các vụ việc làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và các chính sách ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta, góp phần ổn định an ninh trật tự, để tỉnh Long An ngày càng phát triển.
Trung tá, TS. Đinh Anh Tuấn
Trường Đại học cảnh sát nhân dân
[1]. Nguyễn Tân Thuấn (2021), Công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An, Tạp chí Môi trường, số 3, Hà Nội.
[2]. https://www.sggp.org.vn/long-an-xu-ly-nghiem-cac-sai-pham-tren-linh-vuc-tai-nguyen-va-moi-truong-trong-nam-2023-post675765.html, truy cập ngày 22/11/2023.
[3]. https://baolongan.vn/xu-ly-diem-den-o-nhiem-moi-truong-a114277.html, truy cập ngày 22/11/2023.
[4]. https://baolongan.vn/nguy-co-o-nhiem-moi-truong-tu-du-an-khu-dan-cu-go-den-a152175.html, truy cập ngày 22/11/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 394), tháng 12/2023)