Toàn cảnh Lớp bồi dưỡng kiến thức về an toàn dữ liệu trong chuyển đổi số.
Tại lớp bồi dưỡng, các chuyên gia đã chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp ứng phó với thách thức an ninh mạng đang ngày càng gia tăng thông qua 02 chuyên đề gồm: (i) An toàn dữ liệu trong kỷ nguyên số; (ii) Xử lý lộ lọt, mất an toàn dữ liệu - Bài toán của công chức, viên chức và công dân số.
Về chuyên đề “An toàn dữ liệu trong kỷ nguyên số”, ông Trần Nguyên Chung, Phòng An toàn thông tin, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo thống kê, năm 2023, thế giới chứng kiến thiệt hại lên tới 8.000 tỷ USD do các vụ tấn công mạng, với hơn 350 triệu người bị ảnh hưởng. Cứ 11 giây, một tổ chức lại trở thành nạn nhân của mã độc tống tiền. Dự báo đến năm 2025, tình hình sẽ càng nghiêm trọng hơn với 3.000 cuộc tấn công mỗi giây và 70 lỗ hổng bảo mật mới mỗi ngày. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Năm 2022, hơn nửa triệu địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet - công cụ của hacker để thực hiện tấn công. Năm 2023, hơn 5,5 triệu tài khoản tên miền “.vn” bị tấn công ransomware. Các vụ tấn công mã độc tống tiền vào các doanh nghiệp lớn như VNDirect, PVOil, VNPost gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Lộ lọt thông tin cá nhân cũng là vấn nạn nhức nhối, với ước tính 2/3 dân số bị thu thập và chia sẻ trái phép trên mạng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến mất an toàn thông tin là nhận thức kém và hệ thống bảo mật lỏng lẻo. Nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của an toàn dữ liệu, chủ quan và lơ là trong việc bảo vệ thông tin. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là lượng tử và trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra những thách thức mới cho công tác bảo mật. Để đối phó với tình hình này, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cơ quan, tổ chức cần tăng cường đầu tư cho an ninh mạng, xây dựng và triển khai các giải pháp bảo mật toàn diện. Người dân cần nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ thông tin cá nhân.
Ông Trần Nguyên Chung, Phòng An toàn thông tin, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại Lớp bồi dưỡng kiến thức về an toàn dữ liệu trong chuyển đổi số.
Đối với chuyên đề về “Xử lý lộ lọt, mất an toàn dữ liệu - Bài toán của công chức, viên chức và công dân số”, ông Trần Thái Đức, Công ty An ninh mạng Viettel đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của yếu tố con người trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm về cách nhận diện, phòng tránh và xử lý các sự cố liên quan đến mất an toàn dữ liệu, đặc biệt là khi đối mặt với các cuộc tấn công ransomware ngày càng tinh vi. Theo số liệu từ Cục An toàn thông tin, chỉ trong quý đầu năm 2024, Việt Nam đã ghi nhận 2.323 vụ tấn công ransomware, một con số đáng báo động về tình hình an ninh mạng hiện nay. Ransomware hoạt động bằng cách mã hóa dữ liệu, khiến nạn nhân không thể truy cập thông tin quan trọng và buộc phải trả tiền chuộc để giải mã. Tuy nhiên, ngay cả khi đã chi trả, không có gì đảm bảo dữ liệu sẽ được khôi phục hoàn toàn hoặc không bị phát tán.
Khi đối mặt với tấn công ransomware, chuyên gia khuyến cáo không nên vội vàng trả tiền chuộc mà cần bình tĩnh cô lập hệ thống bị nhiễm, báo cáo sự cố và tìm cách khôi phục dữ liệu từ bản sao lưu. Nếu không thể tự xử lý, hãy tìm đến sự trợ giúp từ các chuyên gia an ninh mạng. Để ngăn chặn ransomware, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp như sao lưu dữ liệu thường xuyên, cập nhật phần mềm, sử dụng xác thực mạnh, phân quyền truy cập, giám sát hệ thống và nâng cao nhận thức về an toàn thông tin.
Ông Trần Thái Đức, Công ty An ninh mạng Viettel chia sẻ tại Lớp bồi dưỡng kiến thức về an toàn dữ liệu trong chuyển đổi số.
Lớp bồi dưỡng kiến thức về an toàn dữ liệu trong chuyển đổi số của Bộ Tư pháp đã diễn ra thành công tốt đẹp, mang lại những kiến thức và kỹ năng thiết thực cho cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp. Đây là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc bảo vệ an toàn dữ liệu, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đảm bảo an ninh thông tin trong bối cảnh mới./.
Hoàng Trung