Toàn cảnh Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp cho biết, quá trình đổi mới và phát triển của Việt Nam trong hơn 35 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Điển hình như trong năm 2023, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,05%. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn, thách thức và tiềm ẩn rủi ro.
Đồng chí Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm được coi là chìa khóa để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp và cả quốc gia; giảm thiểu các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp cũng như quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo lập sự nhất quán, đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro và giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường. Đây là trách nhiệm chính của doanh nghiệp, tuy nhiên, Nhà nước và xã hội cũng có trách nhiệm để thúc đẩy và bảo đảm tuân thủ.
Tại Việt Nam, xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm và tăng trưởng xanh, ngày 14/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 843/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027. Thông qua Diễn đàn này, Bộ Tư pháp cũng như các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan của Việt Nam sẽ có thêm các thông tin, kinh nghiệm hữu ích phục vụ việc triển khai hiệu quả Quyết định số 843/QĐ-TTg.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định, việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy các tác động tích cực của doanh nghiệp mà còn đòi hỏi giải quyết các nghĩa vụ của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người. Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam đã đề ra những định hướng linh hoạt, sẵn sàng điều chỉnh để ứng phó với các thách thức và cơ hội mới. Những kinh nghiệm từ các chuyên gia, đại biểu tại Diễn đàn này sẽ là nền tảng quý giá trong tương lai.
Thảo luận tại Diễn đàn về thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, TS. Trần Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế PACC cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp quan trọng vào GDP của cả nước. Tuy nhiên, hạn chế của các cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu nguồn lực tài chính, trình độ quản lý thấp và chưa có chiến lược rõ ràng về trách nhiệm xã hội. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, trong đó phổ biến là hiểu sai việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp chỉ dừng lại ở hoạt động từ thiện, thay vì gắn kết với mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Để cải thiện tình hình trên, TS. Trần Minh Sơn đề xuất cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tích cực xây dựng chiến lược thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp để phù hợp với văn hóa và mục tiêu của doanh nghiệp, lồng ghép các nguyên tắc bảo vệ môi trường, quản lý lao động và phát triển cộng đồng vào hoạt động kinh doanh. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hoàn thiện chính sách pháp luật, ban hành cơ chế ưu đãi và cung cấp các chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực thực hiện trách nhiệm xã hội.
TS. Trần Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế PACC.
Tại Diễn đàn, Luật sư Đinh Việt Thanh, Trưởng Ban pháp chế, Tổng Công ty May 10 chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của Tổng Công ty May 10 trong việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm và khẳng định rằng đây không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là động lực để phát triển bền vững. Luật sư Đinh Việt Thanh chỉ ra rằng Tổng Công ty May 10 đã tích cực thực hiện các biện pháp như chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch, đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng và xây dựng hệ thống đánh giá rủi ro để quản lý tác động đến môi trường và xã hội. Doanh nghiệp không chỉ tuân thủ pháp luật mà còn vượt qua các tiêu chuẩn tối thiểu bằng cách chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong chuỗi cung ứng. Việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội giúp Tổng Công ty May 10 tăng cường uy tín, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao sự hài lòng của người lao động. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn trong việc triển khai kinh doanh có trách nhiệm, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ trong các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Luật sư Đinh Việt Thanh kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cung cấp các ưu đãi cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện kinh doanh có trách nhiệm, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ có thể tham gia chuỗi cung ứng bền vững.
Luật sư Đinh Việt Thanh, Trưởng Ban pháp chế, Tổng Công ty May 10.
Chia sẻ về thực tiễn thực hành kinh doanh có trách nhiệm thông qua hoạt động tư vấn của đội ngũ luật sư, ông Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự nhấn mạnh vai trò quan trọng của các luật sư trong việc thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam; đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự gia tăng các yêu cầu pháp lý liên quan đến quyền con người, môi trường và quản trị doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hưng Quang chỉ ra rằng các cam kết quốc tế như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, cùng với hơn 20 văn kiện quốc tế và 200 quy định pháp luật trong nước đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ. Vai trò của luật sư không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định hiện hành mà còn tư vấn xây dựng các quy chế quản trị nội bộ, đánh giá rủi ro và bảo đảm sự phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Việc áp dụng các mô hình giải quyết tranh chấp hiệu quả như trọng tài thương mại hoặc hòa giải sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Nguyễn Hưng Quang khẳng định, luật sư không chỉ là người hỗ trợ pháp lý mà còn đóng vai trò như đối tác chiến lược, giúp doanh nghiệp cân bằng giữa lợi nhuận kinh tế và trách nhiệm xã hội.
Ông Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự.
Tham gia thảo luận tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ về cơ sở pháp lý và vai trò của đội ngũ luật sư trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kinh doanh có trách nhiệm, đồng thời nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và trách nhiệm xã hội. Với bề dày hoạt động của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hà khẳng định các luật sư có thể cung cấp dịch vụ pháp lý toàn diện, từ tư vấn pháp luật, xây dựng quy trình quản trị nội bộ, đến đại diện trong các tranh chấp pháp lý. Sự hợp tác giữa luật sư và doanh nghiệp là yếu tố then chốt để bảo đảm việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm đạt hiệu quả cao. Ông Nguyễn Văn Hà đề cao vai trò của luật sư trong việc phổ biến các quy định mới, giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời và tuân thủ các cam kết quốc tế. Nhà nước và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cần ban hành các Chương trình, Kế hoạch về từng chuyên đề, nội dung khác nhau liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp triển khai tới các đoàn luật sư để thực hiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Việc xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch và có trách nhiệm không chỉ giúp cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã tham gia đánh giá kết quả và thảo luận bàn tròn về “thực hiện Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam - Kết quả bước đầu, đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp”.
Các đại biểu tham gia đánh giá kết quả và thảo luận bàn tròn tại Diễn đàn.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, đồng chí Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển các chính sách, pháp luật. Sau hơn 01 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027, các doanh nghiệp đã có sự cố gắng rất nhiều trong việc thúc đẩy hoạt động bên cạnh sự đồng hành của các luật sư. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân chính là do nhận thức từ cộng đồng doanh nghiệp chưa cao. Chính vì vậy, cần tăng cường nhận thức cho các doanh nghiệp về việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm để từ đó có những giải pháp, hành động cụ thể trong từng lĩnh vực trọng tâm của Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027. Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan điều phối của Chương trình hành động này trong thời gian tới cam kết sẽ cố gắng nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao để gắn kết giữa các cơ quan bộ, ngành, địa phương và khối doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam./.
Hoàng Trung