1. Nội dung vụ việc
Tháng 8/1995, ông Khúc Thừa Nhạ, bà Nguyễn Thị Mai Phương vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Chi nhánh huyện Q, tỉnh T 90.000.000đ, mục đích là để xây dựng khu nhà nghỉ và bãi gửi xe phục vụ khách thập phương đến tham quan Khu dich tích tại xã An Lễ, huyện Q. Ông Nhạ, bà Phương có thế chấp cho Ngân hàng một số tài sản để đảm bảo khả năng trả nợ gồm nhà và quyền sử dụng đất của ông, bà đang ở tại xã An Bài, huyện Q và quyền sử dụng 14 lô đất, trên đã có móng nhà, bể nước, ao cá... tại xã An Lễ, huyện Q. Do việc kinh doanh bị thua lỗ nên ông, bà đã đi khỏi địa phương làm ăn. Trong thời gian ông Nhạ, bà Phương vắng mặt tại địa phương, Ngân hàng đã tự ý phát mại tài sản của ông, bà để thu hồi nợ.
Nay ông Nhạ, bà Phương xác định chỉ có bà Phương ký hợp đồng vay tiền của Ngân hàng, ông Nhạ không liên quan. Ngân hàng nhận thế chấp tài sản không đúng quy định của pháp luật, vì tại thời điểm đó 14 lô đất ở xã An Lễ của ông Nhạ, bà Phương chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Nhạ, bà Phương yêu cầu Tòa án buộc Ngân hàng phải trả lại cho ông, bà toàn bộ tài sản đã phát mại và phải bồi thường thiệt hại cho ông, bà tổng số tiền 1.770.410.000đ. Ông Nhạ, bà Phương đồng ý trả khoản tiền đã vay của Ngân hàng gồm nợ gốc tính đến thời điểm Ngân hàng phát mại tài sản là 86.500.000đ và nợ lãi tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam do bà Nguyễn Thị Sánh Giám đốc Chi nhánh huyện Q trình bày: Ngày 01/8/1995, Ngân hàng cho vợ chồng ông Nhạ, bà Phương vay 90.000.000đ, gồm 70.000.000đ vay ngắn hạn (thời hạn 12 tháng, lãi suất 2,5%/tháng) và 20.000.000đ vay trung hạn (thời hạn 24 tháng, lãi suất 2,2%/tháng). Khi vay tiền, ông Nhạ, bà Phương có thế chấp tài sản gồm 1 căn nhà mái bằng diện tích 23m2 và công trình phụ trên diện tích 110m2 đất tại xã An Bài và quyền sử dụng 14 lô đất có tổng diện tích 2.300m2 ở xã An Lễ; tổng giá trị là 140.000.000đ. Quá trình thực hiện hợp đồng, ông Nhạ, bà Phương đã nhiều lần trả nợ gốc, trả lãi rồi lại vay. Tính đến cuối tháng 5/1997, ông bà nợ Ngân hàng 87.500.000đ nợ gốc, trong đó nợ quá hạn là 80.000.000đ. Ngân hàng đã nhiều lần thông báo về khoản nợ quá hạn nhưng ông Nhạ, bà Phương không thực hiện việc trả nợ. Ngày 30/6/1997, ông Nhạ, bà Phương trả cho Ngân hàng thêm 1.000.000đ, còn nợ 86.500.000đ. Ngày 08/12/1997, bà Phương xin khất nợ và xin tự bán tài sản thế chấp để trả nợ Ngân hàng. Ngày 12/12/1997, Ngân hàng có văn bản đề nghị bà Phương, nếu có người mua tài sản thế chấp, thì Ngân hàng sẽ kết hợp cùng bà Phương bán để thu hồi nợ, nhưng bà Phương không có ý kiến phản hồi.
Tháng 4/1998, do không nhận được thông tin phản hồi từ phía vợ chồng ông Nhạ, bà Phương nên Ngân hàng đã tiến hành việc kê biên, định giá và phát mại tài sản thế chấp của họ. Số nợ được xác định trước khi phát mại tài sản thế chấp là 86.500.000đ nợ gốc và 140.740.000đ nợ lãi. Sau khi phát mại tài sản thế chấp, trừ vào số tiền ông Nhạ, bà Phương nợ, Ngân hàng xác định, tính đến nay ông bà còn nợ 19.466.000đ nợ gốc và 149.740.000đ. Ngân hàng thừa nhận, việc Ngân hàng khi phát mại tài sản đã giao lại cho Ủy ban nhân dân xã An Lễ 20.000.000đ do Uỷ ban nhân dân xã An Lễ yêu cầu để trừ vào số tiền ông Nhạ, bà Phương còn thiếu khi mua đất là không đúng. Do đó, Ngân hàng xác định hiện ông Nhạ, bà Phương còn nợ 149.206.000đ sau khi phát mại tài sản, nhưng Ngân hàng không yêu cầu Tòa án giải quyết trong vụ án này. Đối với khoản tiền 20.000.000đ đã giao cho Uỷ ban nhân dân xã An Lễ, Ngân hàng và Uỷ ban nhân dân xã An Lễ sẽ tự giải quyết, không yêu cầu Tòa án giải quyết trong vụ án này. Ngân hàng xác định việc nhận thế chấp, kê biên, định giá và phát mại tài sản thế chấp của vợ chồng ông Nhạ, bà Phương là đúng với các quy định của pháp luật, nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nhạ, bà Phương.
2. Giải quyết của Tòa án
Tòa án cấp sơ thẩm (Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2011/DSST ngày 12/5/2011 của Tòa án nhân dân huyện Q) đã quyết định: Bác yêu cầu của ông Nhạ, bà Phương về việc đòi Ngân hàng trả lại tài sản là nhà đất và quyền sử dụng 14 lô đất đã phát mại và việc đòi Ngân hàng bồi thường thiệt hại về các khoản đền bù giải phóng mặt bằng một phần quyền sử dụng đất ở xã An Bài, phần tài sản có trên 14 lô đất đã phát mại và phần thiệt hại do ông, bà không được sử dụng tài sản là nhà đất từ tháng 5/1997 đến khi xét xử sơ thẩm, tổng cộng là 1.770.410.000đ. Đồng thời, buộc Ngân hàng có trách nhiệm trả ông Nhạ, bà Phương số tiền 20.000.000đ (do đã trừ lùi cho Uỷ ban nhân dân xã An Lễ khi Uỷ ban nhân dân xã An Lễ trúng thầu quyền sử dụng 14 lô đất do Ngân hàng phát mại). Khoản tiền này được trừ vào số tiền ông Nhạ, bà Phương vẫn còn nợ Ngân hàng sau khi phát mại tài sản.
Tòa án cấp phúc thẩm (Bản án dân sự phúc thẩm số 15/2011/DSPT ngày 28/9/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh T) đã sửa bản án sơ thẩm quyết định: Buộc Ngân hàng phải bồi thường cho ông Nhạ, bà Phương số tiền 117.600.000đ (do khi phát mại nhà đất cho vợ chồng ông Lộng, bà Khuyên đã tính thiếu giá trị 28m2 đất, theo định giá hiện tại là 4.200.000đ/m2).
3. Các quan điểm chưa thống nhất về giải quyết vụ án
Tuy quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm đã có hiệu lực phải thi hành, song trong quá trình giải quyết thi hành án vẫn có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau trong việc áp dụng pháp luật và giải quyết vụ án cần được cấp giám đốc thẩm xem xét lại. Chúng tôi xin nêu ra một số quan điểm để các nhà nghiên cứu pháp luật và áp dụng pháp luật phân tích đánh giá về quá trình giải quyết.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thủ tục thế chấp quyền sử dụng 14 lô đất giữa ông Nhạ, bà Phương và Ngân hàng; việc định giá tài sản thế chấp vắng mặt ông Nhạ, bà Phương và việc bán đấu giá tài sản thế chấp là trái với quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm bác yêu cầu của ông Nhạ, bà Phương là không đúng.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Do vợ chồng ông Nhạ, bà Phương không trả nợ đầy đủ nên Ngân hàng buộc phải phát mại các tài sản mà ông, bà đã thế chấp để thu hồi vốn. Việc kê biên, định giá và phát mại các tài sản thế chấp được chính quyền địa phương chấp thuận và được Ngân hàng thực hiện công khai. Số tiền thuê được từ việc bán đấu giá tài sản thế chấp đã khấu trừ vào khoản tiền vợ chồng ông Nhạ, bà Phương nợ Ngân hàng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Nhạ, bà Phương đòi Ngân hàng phải trả toàn bộ tài sản thế chấp và bồi thường thiệt hại là có căn cứ.
4. Ý kiến trao đổi
Ngày 20/7/1995, ông Nhạ có 2 đơn xin vay vốn, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã An Bài, kèm theo là dự án sản xuất, kinh doanh hàng tổng hợp và xây dựng khách sạn mini. Tại khế ước vay tiền ngày 01/8/1995 và hai phiếu chi cùng ngày đã thể hiện, Ngân hàng đồng ý cho ông Nhạ (ký tên ở phần chủ hộ vay vốn) và bà Phương (ký tên ở phần người thừa kế thay chủ hộ) vay tổng số tiền 90.000.000đ, gồm 70.000.000đ thời hạn 12 tháng, lãi suất 2,5%/tháng và 20.000.000đ thời hạn 24 tháng, lãi suất 2,2%/tháng. Như vậy, đủ cơ sở xác định ông Nhạ, bà Phương có vay của Ngân hàng số tiền 90.000.000đ. Nay ông Nhạ, bà Phương cũng thừa nhận về vấn đề này.
Việc thế chấp, xử lý tài sản thế chấp là căn nhà mái bằng 23m2 và công trình phụ trên tổng diện tích 110m2 đất, trị giá 40.000.000đ: Ông Nhạ, bà Phương đã thế chấp nhà đất này cho Ngân hàng, thể hiện tại Biên bản định giá tài sản thế chấp xin vay vốn ngân hàng ngày 22/7/1995. Tuy nhiên, khi xử lý tài sản thế chấp, Ngân hàng chỉ phát mại quyền sử dụng 82m2 đất, thiếu 28m2 so với diện tích thực tế ông Nhạ, bà Phương đã thế chấp. Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, buộc Ngân hàng phải hoàn trả cho ông Nhạ, bà Phương giá trị quyền sử dụng 28m2 đất theo biên bản định giá của Tòa án cấp sơ thẩm với đơn giá 4.200.000đ/m2, bằng 117.600.000đ là có căn cứ.
Việc thế chấp, xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng 14 lô đất ở xã An Lễ: Tại thời điểm Ngân hàng giải ngân cho vợ chồng ông Nhạ vay vốn (ngày 01/8/1995), thì vợ chồng ông Nhạ chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng chính vợ chồng ông Nhạ đã nhiều lần khẳng định ông, bà là chủ sử dụng 14 lô đất và đã thế chấp cho Ngân hàng quyền sử dụng 14 lô đất này. Tại Phiếu đăng ký tài sản thế chấp ngày 05/8/1995 (sau khi được giải ngân), vợ chồng ông Nhạ cũng đã ký xác nhận thế chấp quyền sử dụng 14 lô đất, tổng diện tích 2.300m2, trị giá 100.000.000đ để vay vốn Ngân hàng. Quá trình Ngân hàng nhận thế chấp tài sản, không có đương sự nào tranh chấp với vợ chồng ông Nhạ về quyền sử dụng 14 lô đất nêu trên; đồng thời, cũng không có quyết định nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định các lô đất nêu trên là bất hợp pháp. Cuối năm 1995, vợ chồng ông Nhạ đã được Uỷ ban nhân dân huyện Q ra quyết định giao đất. Do đó, đủ cơ sở xác định vợ chồng ông Nhạ là chủ sử dụng hợp pháp 14 lô đất đã thế chấp cho Ngân hàng để vay vốn.
Quá trình sử dụng vốn vay của Ngân hàng, vợ chồng ông Nhạ không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng kỳ hạn. Ngân hàng đã nhiều lần thông báo nợ quá hạn, nhưng vợ chồng ông Nhạ không thực hiện việc trả nợ. Ngày 02/5/1997, Ngân hàng đã lập tờ trình về việc phát mại tài sản thế chấp của ông Nhạ, bà Phương để thu hồi nợ, được Uỷ ban nhân dân huyện Q phê duyệt. Tính đến thời điểm lập tờ trình phát mại, ông Nhạ, bà Phương còn nợ Ngân hàng 87.500.000đ nợ gốc, trong đó nợ quá hạn là 80.000.000đ. Ngày 30/6/1997, bà Phương trả cho Ngân hàng được 1.000.000đ, sau đó không trả nữa, tiếp đó vợ chồng ông Nhạ đã đi khỏi địa phương, không thông báo cho Ngân hàng biết nơi cư trú. Ngày 29/6/2001, Ngân hàng đã tổ chức đấu giá công khai quyền sử dụng 14 lô đất của vợ chồng ông Nhạ, kết quả chỉ có ông Phạm Ngọc Thạch mua 1 lô, 13 lô còn lại không có người mua, sau đó Uỷ ban nhân dân xã An Lễ xin mua để làm mặt bằng bãi để xe cho khách đến tham quan di tích. Như vậy, việc kê biên, phát mại tài sản thế chấp là quyền sử dụng 14 lô đất của vợ chồng ông Nhạ đã được Ngân hàng thực hiện công khai, đúng quy định của pháp luật.
Trên đây là quan điểm của chúng tôi về việc giải quyết vụ án. Vụ án này có thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài, việc xử lý tài sản thế chấp của Ngân hàng vẫn còn có ý kiến chưa đúng quy trình, thủ tục. Chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi của bạn đọc.
ThS. Phan Ngọc Hà
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn