Di dân là hệ quả tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Khi công nghiệp hóa được đẩy mạnh, cùng với quá trình đô thị hóa thì người dân và lao động từ nông thôn, các vùng, miền có điều kiện sống khó khăn, lạc hậu sẽ di chuyển đến những vùng, miền có điều kiện sống thuận lợi hơn. Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, tình trạng người dân và lao động tự do di chuyển từ nông thôn ra đô thị có xu hướng ngày càng nhiều. Bên cạnh những mặt tích cực, thì tình trạng di dân cũng gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến các chính sách về quản lý nhân khẩu (hộ khẩu), lao động, việc làm, an sinh xã hội, y tế, giáo dục... Trong khi đó, hệ thống chính sách, pháp luật điều chỉnh về di dân nói chung, di dân từ nông thôn ra thành thị nói riêng vẫn còn có những hạn chế, bất cập nhất định, chưa điều chỉnh kịp thời với hiện tượng di dân hiện nay.
Mục đích nghiên cứu của đề tài là đánh giá thực trạng di dân, người lao động tự do ở Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời đánh giá chính sách, pháp luật của Việt Nam đối với người lao đông tự do di dân từ nông thôn ra đô thị, từ đó đưa ra một số kiến nghị, giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra đô thị.
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, đề tài này thực sự có ý nghĩa thực tiễn, cung cấp những thông tin tổng hợp, đa chiều, mang tính thời sự, đã đặt nền tảng lý luận và thực tiễn căn bản nhằm hoàn thiện khung pháp lý đối với người lao động tự do di dân từ nông thôn ra thành thị, đảm bảo vấn đề di dân gắn với vấn đề an sinh - xã hội, phát triển bền vững, trật tự và công bằng xã hội.
Đề tài đã được Hội đồng đánh giá cao và được nghiệm thu với kết quả xuất sắc.
Vũ Hải Việt