Quốc tịch thể hiện sự gắn bó chặt chẽ, sự quy thuộc về một Nhà nước của một cá nhân, là tiền đề pháp lý để một cá nhân có thể được hưởng các quyền và nghĩa vụ của một Nhà nước và ngược lại. Một cá nhân không có quốc tịch thì nhiều quyền cơ bản của họ không có cơ chế để bảo đảm. Quốc tịch xác định địa vị pháp lý của công dân không chỉ trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mà còn ở ngoài phạm vi biên giới quốc gia, trong xã hội quốc tế, là cơ sở để Nhà nước thực hiện quyền bảo hộ ngoại giao đối với công dân của nước mình ở nước ngoài, đồng thời là cơ sở để các nước hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm... Không quốc tịch là vấn đề phát sinh ngoài mong muốn của các quốc gia. Hậu quả của các hiện tượng xã hội quốc tế này có thể dẫn tới những căng thẳng, phức tạp giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Do vậy, cộng đồng quốc tế đã có những cố gắng để giải quyết vấn đề này. Rất khó để xác định một con số cụ thể về số lượng người không quốc tịch hiện nay trên thế giới. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hiện nay có ít nhất 10 triệu người trên thế giới không có quốc tịch.
Ở Việt Nam, tình trạng người không quốc tịch, người không rõ quốc tịch nước nào đang cư trú trên lãnh thổ nước ta khá đông. Mặc dù Luật Quốc tịch năm 2008 đã tạo điều kiện cho người không quốc tịch nhập quốc tịch Việt Nam, nhưng nhiều người không quốc tịch vẫn không đủ điều kiện để nhập quốc tịch nước ta, cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, nhiều quyền của họ chưa được bảo đảm thực hiện.
Để tìm hiểu thêm về người không quốc tịch, kính mời quý bạn đọc đón đọc bài viết "Người không quốc tịch - Thực trạng và giải pháp" của tác giả Nguyễn Thị Vinh đăng tải trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật định kỳ số tháng 9 (282) năm 2015.
Mộc Miên