Tóm tắt: Bài viết phân tích, đánh giá và bình luận những vấn đề cơ bản về doanh nghiệp nhỏ và vừa trên phương diện nhận diện bản chất lý của loại doanh nghiệp này.
Abstract: The article analyzes, evaluates and comments on the basics of small and medium-sized enterprises (SMEs) in terms of identifying the legal nature of this type of enterprises.
1. Vài nét về doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được xác định là động lực tăng trưởng, là “xương sống” của các nền kinh tế. Các quốc gia đã phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… hay các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan… đều quan tâm đến việc thành lập và hoạt động của loại doanh nghiệp này.
Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), có đến 96% doanh nghiệp đăng ký ở Việt Nam là DNNVV. Khối này tạo ra đến 40% tổng sản phẩm quốc nội, tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới mỗi năm, chủ yếu mang lại lợi ích đặc biệt cho nguồn lao động chưa qua đào tạo. Trong những năm tới, khối DNNVV vẫn sẽ đóng vai trò chủ chốt đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
DNNVV là loại doanh nghiệp có số lao động, quy mô ở một giới hạn nào đó. Nhiều chuyên gia kinh tế và pháp luật của Việt Nam cho rằng, khái niệm DNNVV được du nhập từ bên ngoài vào Việt Nam. Vấn đề tiêu chí xác định doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là trung tâm của nhiều cuộc tranh luận trong những năm qua. Thông thường, các tiêu chí đó là về số nhân công, vốn đăng ký, doanh thu... các tiêu chí này thay đổi theo từng quốc gia, từng chương trình phát triển khác nhau. Việc xác định khái niệm DNNVV có ý nghĩa trong việc tìm ra các đối tượng thuộc diện DNNVV được áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước.
Ở Việt Nam, định nghĩa về DNNVV có sự thay đổi theo thời gian. Theo Công văn số 681/CP-KTN ngày 20/6/1998 của Chính phủ về việc định hướng chiến lược và chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV ở Việt Nam, thì DNNVV là doanh nghiệp có số công nhân dưới 200 người, số vốn kinh doanh dưới 05 tỷ đồng (tương đương 378.000 USD - theo tỷ giá giữa VND và USD tại thời điểm ban hành công văn). Tiêu chí này đặt ra nhằm xây dựng một bức tranh chung về các DNNVV ở Việt Nam và chủ yếu đó là quy ước hành chính phục vụ cho việc hoạch định chính sách hỗ trợ các DNNVV.
Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV đã chính thức đưa ra định nghĩa DNNVV, theo đó, DNNVV là cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người. Theo Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp, thì DNNVV là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: Siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên).
Theo Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, thì DNNVV bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí là tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
Như vậy, DNNVV bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa xác định theo các tiêu chí về số người lao động đóng bảo hiểm và tổng nguồn vốn hoặc tổng doanh thu. Ví dụ, khoản 1 Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định, doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 03 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 03 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 03 tỷ đồng.
2. Bản chất pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa
DNNVV là doanh nghiệp mang đầy đủ đặc điểm của một doanh nghiệp, theo đó, DNNVV là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh (khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Bên cạnh đó, DNNVV còn mang những đặc điểm pháp lý riêng. Cụ thể:
Thứ nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô vốn xác định theo lĩnh vực hoạt động kinh doanh. Quy mô vốn là cơ sở để nhận diện DNNVV. Tài sản hay vốn có thể là tổng giá trị tài sản (hay vốn), tài sản (vốn) cố định, giá trị tài sản còn lại; doanh thu có thể là tổng doanh thu/năm, tổng giá trị gia tăng/năm (hiện nay có xu hướng sử dụng chỉ số này). Tổng nguồn vốn của DNNVV được xác định trong bảng cân đối kế toán thể hiện trên báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, tổng nguồn vốn của doanh nghiệp được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý liền kề thời điểm doanh nghiệp đăng ký hưởng nội dung hỗ trợ. Tổng doanh thu của năm là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp và được xác định trên báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm hoặc trên 01 năm nhưng chưa phát sinh doanh thu thì doanh nghiệp căn cứ vào tiêu chí tổng nguồn vốn quy định tại Điều 9 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 10 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP).
Việc quy định về quy mô vốn đối với DNNVV có sự thay đổi tùy theo từng mốc thời gian. Cụ thể, so với Nghị định số 90/2001/NĐ-CP thì mức vốn của doanh nghiệp được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP đã tăng lên gấp 10 lần. Nguyên nhân của sự thay đổi này là do tác động từ kinh tế - xã hội của đất nước, sau 08 năm kể từ khi ban hành Nghị định số 90/2001/NĐ-CP, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, các doanh nghiệp lớn mạnh không ngừng. Do vậy, nếu vẫn giữ mức quy định vốn tại Nghị định số 90/2001/NĐ-CP thì không phù hợp với tình hình phát triển chung của doanh nghiệp Việt Nam và sẽ khó hỗ trợ tích cực cho các DNNVV. Trong tương lai, khi nền kinh tế tiếp tục phát triển, các quy định này cũng sẽ thay đổi theo để đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình mới. Theo quy định của Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, thì quy mô vốn được xác định theo từng lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có tổng doanh thu của năm không quá 03 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 03 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 03 tỷ đồng. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ. Đối với doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Thứ hai, doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng lao động ít và được áp dụng cho từng loại doanh nghiệp. Tiêu chí về số lượng lao động tham gia đóng bảo hiểm là một trong những tiêu chí quan trọng để nhận diện đó có phải là DNNVV hay không. Tuy nhiên, việc xác định doanh nghiệp theo số lao động thường chỉ mang tính tương đối và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như trình độ phát triển kinh tế của một nước, trình độ phát triển càng cao thì chỉ số các tiêu chí càng tăng lên,… Số lao động là cơ sở để xác định DNNVV, ví dụ: Ở Đức, DNNVV có số lao động dưới 500 người, trong khi đó ở Bỉ, DNNVV có số lao động dưới 100 người. Đối với Liên minh Châu Âu, việc xác định DNNVV cụ thể, rõ ràng hơn, theo đó, doanh nghiệp có dưới 50 lao động là doanh nghiệp nhỏ, ngược lại, doanh nghiệp có trên 250 lao động được xác định là doanh nghiệp vừa. Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, thì doanh nghiệp có dưới 100 lao động là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp có dưới 500 lao động là doanh nghiệp vừa.
Ở Việt Nam, cơ sở để xác định DNNVV là dựa trên số lượng người lao động đóng bảo hiểm được áp dụng cho từng loại doanh nghiệp. Theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, doanh nghiệp nhỏ có số lao động từ trên 10 người đến 200 người, doanh nghiệp vừa có số lao động từ trên 50 đến 300 người. Việc quy định số lao động đóng bảo hiểm xã hội tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP được cụ thể hơn. Theo đó, Điều 6 quy định: Doanh nghiệp siêu nhỏ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người, doanh nghiệp nhỏ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người. Số lao động tham gia đóng bảo hiểm là toàn bộ số lao động do doanh nghiệp quản lý, sử dụng, trả lương, trả công tham gia bảo hiểm xã hội. Số lao động tham gia đóng bảo hiểm được tính bằng tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của năm chia cho số tháng trong năm và được xác định bằng chứng từ bảo hiểm xã hội của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân được tính bằng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của các tháng hoạt động chia cho số tháng hoạt động.
Cũng cần lưu ý rằng, tiêu chí về tổng vốn đầu tư và tiêu chí về số lao động tham gia bảo hiểm xã hội luôn gắn liền với nhau. Mối quan hệ giữa vốn và số lao động góp phần mang lại những lợi thế cho DNNVV trong vấn đề đầu tư vào các lĩnh vực mới, lĩnh vực có mức độ rủi ro cao. Các DNNVV có mức vốn đầu tư vừa phải, sử dụng ít lao động phù hợp mức độ sẵn sàng gánh chịu rủi ro trong kinh doanh nếu cần thiết. Trong trường hợp thất bại, các tổn thất không nặng nề như các doanh nghiệp quy mô lớn, có thể làm lại từ đầu được. Theo đó, các DNNVV có động lực để đầu tư vào các lĩnh vực mới này, như khởi nghiệp, tham gia chuỗi liên kết… Tuy nhiên, cũng xuất phát từ quy mô vốn và số người lao động tham gia hiểm xã hội cũng dẫn đến một số bất lợi trong hoạt động, như hạn chế trong thế chấp, trong việc tiếp cận với nguồn tín dụng, nguồn vốn xã hội...
Thứ ba, doanh nghiệp nhỏ và vừa được tổ chức dưới các quy mô khác nhau. DNNVV được thiết kế theo các mô hình, gồm DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV do phụ nữ làm chủ sở hữu. DNNVV khởi nghiệp sáng tạo là những doanh nghiệp được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh, là doanh nghiệp mới sáng lập hoặc trong những giai đoạn đầu phát triển. DNNVV do phụ nữ làm chủ có thể do một hoặc nhiều người thành lập chiếm từ 51% vốn điều lệ trở lên. Đây là một tư duy mới trong việc xác định mô hình kinh doanh. Trong trường hợp có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng thời đáp ứng điều kiện của các mức hỗ trợ khác nhau trong cùng một nội dung hỗ trợ theo quy định của pháp luật, thì doanh nghiệp có thể được lựa chọn mức hỗ trợ có lợi nhất đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu có nhiều DNNVV cùng đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định của pháp luật, thì ưu tiên lựa chọn DNNVV do phụ nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ hơn. Quy định này không tạo ra các rào cản pháp lý nhằm tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, mà chủ yếu khuyến khích các DNNVV sử dụng nhiều lao động là nữ giới.
Thứ tư, doanh nghiệp nhỏ và vừa là loại doanh nghiệp được hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, lĩnh vực thương mại, dịch vụ... DNNVV hoạt động ở nhiều lĩnh vực thể hiện tính đa dạng lĩnh vực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời cho phép lựa chọn lĩnh vực hoạt động phù hợp, mô hình DNNVV với số người lao động và mức vốn khác nhau; cho phép DNNVV linh hoạt, uyển chuyển dễ thích ứng với các thay đổi của thị trường.
Nghiên cứu về bản chất pháp lý của DNNVV của Việt Nam cho thấy, về cơ bản là tương ứng với quy định của một số nước về lao động, vốn, doanh thu và lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, một số quy định về loại doanh nghiệp này chưa thực sự minh bạch, cụ thể. Vì vậy, để phát huy được những lợi thế, khả năng cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp này cần thực hiện những giải pháp căn bản trên phương diện lập pháp cũng như thực tiễn thi hành, như tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, nguồn nhân lực, vật lực, thủ tục chuyển đổi…
Các DNNVV đã và đang khẳng định tiềm năng phát triển với vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. DNNVV chính là nơi khởi nguồn đổi mới sáng tạo trong kinh doanh và cũng chính là cầu nối để đưa những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống. Nhiều DNNVV Việt Nam đã làm chủ được công nghệ và sản xuất thành công những sản phẩm đổi mới sáng tạo có giá trị kinh tế lớn. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay cần phải tiếp tục xây dựng một nền tảng pháp lý đủ mạnh, một môi trường pháp lý minh bạch và hiệu quả để đảm bảo sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng tại Việt Nam.
Abstract: The article analyzes, evaluates and comments on the basics of small and medium-sized enterprises (SMEs) in terms of identifying the legal nature of this type of enterprises.
1. Vài nét về doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được xác định là động lực tăng trưởng, là “xương sống” của các nền kinh tế. Các quốc gia đã phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… hay các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan… đều quan tâm đến việc thành lập và hoạt động của loại doanh nghiệp này.
Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), có đến 96% doanh nghiệp đăng ký ở Việt Nam là DNNVV. Khối này tạo ra đến 40% tổng sản phẩm quốc nội, tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới mỗi năm, chủ yếu mang lại lợi ích đặc biệt cho nguồn lao động chưa qua đào tạo. Trong những năm tới, khối DNNVV vẫn sẽ đóng vai trò chủ chốt đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…
DNNVV là loại doanh nghiệp có số lao động, quy mô ở một giới hạn nào đó. Nhiều chuyên gia kinh tế và pháp luật của Việt Nam cho rằng, khái niệm DNNVV được du nhập từ bên ngoài vào Việt Nam. Vấn đề tiêu chí xác định doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là trung tâm của nhiều cuộc tranh luận trong những năm qua. Thông thường, các tiêu chí đó là về số nhân công, vốn đăng ký, doanh thu... các tiêu chí này thay đổi theo từng quốc gia, từng chương trình phát triển khác nhau. Việc xác định khái niệm DNNVV có ý nghĩa trong việc tìm ra các đối tượng thuộc diện DNNVV được áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước.
Ở Việt Nam, định nghĩa về DNNVV có sự thay đổi theo thời gian. Theo Công văn số 681/CP-KTN ngày 20/6/1998 của Chính phủ về việc định hướng chiến lược và chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV ở Việt Nam, thì DNNVV là doanh nghiệp có số công nhân dưới 200 người, số vốn kinh doanh dưới 05 tỷ đồng (tương đương 378.000 USD - theo tỷ giá giữa VND và USD tại thời điểm ban hành công văn). Tiêu chí này đặt ra nhằm xây dựng một bức tranh chung về các DNNVV ở Việt Nam và chủ yếu đó là quy ước hành chính phục vụ cho việc hoạch định chính sách hỗ trợ các DNNVV.
Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV đã chính thức đưa ra định nghĩa DNNVV, theo đó, DNNVV là cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người. Theo Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp, thì DNNVV là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: Siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên).
Theo Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, thì DNNVV bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí là tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
Như vậy, DNNVV bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa xác định theo các tiêu chí về số người lao động đóng bảo hiểm và tổng nguồn vốn hoặc tổng doanh thu. Ví dụ, khoản 1 Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định, doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 03 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 03 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 03 tỷ đồng.
2. Bản chất pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa
DNNVV là doanh nghiệp mang đầy đủ đặc điểm của một doanh nghiệp, theo đó, DNNVV là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh (khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Bên cạnh đó, DNNVV còn mang những đặc điểm pháp lý riêng. Cụ thể:
Thứ nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô vốn xác định theo lĩnh vực hoạt động kinh doanh. Quy mô vốn là cơ sở để nhận diện DNNVV. Tài sản hay vốn có thể là tổng giá trị tài sản (hay vốn), tài sản (vốn) cố định, giá trị tài sản còn lại; doanh thu có thể là tổng doanh thu/năm, tổng giá trị gia tăng/năm (hiện nay có xu hướng sử dụng chỉ số này). Tổng nguồn vốn của DNNVV được xác định trong bảng cân đối kế toán thể hiện trên báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, tổng nguồn vốn của doanh nghiệp được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý liền kề thời điểm doanh nghiệp đăng ký hưởng nội dung hỗ trợ. Tổng doanh thu của năm là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp và được xác định trên báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm hoặc trên 01 năm nhưng chưa phát sinh doanh thu thì doanh nghiệp căn cứ vào tiêu chí tổng nguồn vốn quy định tại Điều 9 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 10 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP).
Việc quy định về quy mô vốn đối với DNNVV có sự thay đổi tùy theo từng mốc thời gian. Cụ thể, so với Nghị định số 90/2001/NĐ-CP thì mức vốn của doanh nghiệp được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP đã tăng lên gấp 10 lần. Nguyên nhân của sự thay đổi này là do tác động từ kinh tế - xã hội của đất nước, sau 08 năm kể từ khi ban hành Nghị định số 90/2001/NĐ-CP, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, các doanh nghiệp lớn mạnh không ngừng. Do vậy, nếu vẫn giữ mức quy định vốn tại Nghị định số 90/2001/NĐ-CP thì không phù hợp với tình hình phát triển chung của doanh nghiệp Việt Nam và sẽ khó hỗ trợ tích cực cho các DNNVV. Trong tương lai, khi nền kinh tế tiếp tục phát triển, các quy định này cũng sẽ thay đổi theo để đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình mới. Theo quy định của Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, thì quy mô vốn được xác định theo từng lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có tổng doanh thu của năm không quá 03 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 03 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 03 tỷ đồng. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ. Đối với doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Thứ hai, doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng lao động ít và được áp dụng cho từng loại doanh nghiệp. Tiêu chí về số lượng lao động tham gia đóng bảo hiểm là một trong những tiêu chí quan trọng để nhận diện đó có phải là DNNVV hay không. Tuy nhiên, việc xác định doanh nghiệp theo số lao động thường chỉ mang tính tương đối và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như trình độ phát triển kinh tế của một nước, trình độ phát triển càng cao thì chỉ số các tiêu chí càng tăng lên,… Số lao động là cơ sở để xác định DNNVV, ví dụ: Ở Đức, DNNVV có số lao động dưới 500 người, trong khi đó ở Bỉ, DNNVV có số lao động dưới 100 người. Đối với Liên minh Châu Âu, việc xác định DNNVV cụ thể, rõ ràng hơn, theo đó, doanh nghiệp có dưới 50 lao động là doanh nghiệp nhỏ, ngược lại, doanh nghiệp có trên 250 lao động được xác định là doanh nghiệp vừa. Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, thì doanh nghiệp có dưới 100 lao động là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp có dưới 500 lao động là doanh nghiệp vừa.
Ở Việt Nam, cơ sở để xác định DNNVV là dựa trên số lượng người lao động đóng bảo hiểm được áp dụng cho từng loại doanh nghiệp. Theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, doanh nghiệp nhỏ có số lao động từ trên 10 người đến 200 người, doanh nghiệp vừa có số lao động từ trên 50 đến 300 người. Việc quy định số lao động đóng bảo hiểm xã hội tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP được cụ thể hơn. Theo đó, Điều 6 quy định: Doanh nghiệp siêu nhỏ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người, doanh nghiệp nhỏ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người. Số lao động tham gia đóng bảo hiểm là toàn bộ số lao động do doanh nghiệp quản lý, sử dụng, trả lương, trả công tham gia bảo hiểm xã hội. Số lao động tham gia đóng bảo hiểm được tính bằng tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của năm chia cho số tháng trong năm và được xác định bằng chứng từ bảo hiểm xã hội của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân được tính bằng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của các tháng hoạt động chia cho số tháng hoạt động.
Cũng cần lưu ý rằng, tiêu chí về tổng vốn đầu tư và tiêu chí về số lao động tham gia bảo hiểm xã hội luôn gắn liền với nhau. Mối quan hệ giữa vốn và số lao động góp phần mang lại những lợi thế cho DNNVV trong vấn đề đầu tư vào các lĩnh vực mới, lĩnh vực có mức độ rủi ro cao. Các DNNVV có mức vốn đầu tư vừa phải, sử dụng ít lao động phù hợp mức độ sẵn sàng gánh chịu rủi ro trong kinh doanh nếu cần thiết. Trong trường hợp thất bại, các tổn thất không nặng nề như các doanh nghiệp quy mô lớn, có thể làm lại từ đầu được. Theo đó, các DNNVV có động lực để đầu tư vào các lĩnh vực mới này, như khởi nghiệp, tham gia chuỗi liên kết… Tuy nhiên, cũng xuất phát từ quy mô vốn và số người lao động tham gia hiểm xã hội cũng dẫn đến một số bất lợi trong hoạt động, như hạn chế trong thế chấp, trong việc tiếp cận với nguồn tín dụng, nguồn vốn xã hội...
Thứ ba, doanh nghiệp nhỏ và vừa được tổ chức dưới các quy mô khác nhau. DNNVV được thiết kế theo các mô hình, gồm DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV do phụ nữ làm chủ sở hữu. DNNVV khởi nghiệp sáng tạo là những doanh nghiệp được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh, là doanh nghiệp mới sáng lập hoặc trong những giai đoạn đầu phát triển. DNNVV do phụ nữ làm chủ có thể do một hoặc nhiều người thành lập chiếm từ 51% vốn điều lệ trở lên. Đây là một tư duy mới trong việc xác định mô hình kinh doanh. Trong trường hợp có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng thời đáp ứng điều kiện của các mức hỗ trợ khác nhau trong cùng một nội dung hỗ trợ theo quy định của pháp luật, thì doanh nghiệp có thể được lựa chọn mức hỗ trợ có lợi nhất đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu có nhiều DNNVV cùng đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định của pháp luật, thì ưu tiên lựa chọn DNNVV do phụ nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ hơn. Quy định này không tạo ra các rào cản pháp lý nhằm tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, mà chủ yếu khuyến khích các DNNVV sử dụng nhiều lao động là nữ giới.
Thứ tư, doanh nghiệp nhỏ và vừa là loại doanh nghiệp được hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, lĩnh vực thương mại, dịch vụ... DNNVV hoạt động ở nhiều lĩnh vực thể hiện tính đa dạng lĩnh vực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời cho phép lựa chọn lĩnh vực hoạt động phù hợp, mô hình DNNVV với số người lao động và mức vốn khác nhau; cho phép DNNVV linh hoạt, uyển chuyển dễ thích ứng với các thay đổi của thị trường.
Nghiên cứu về bản chất pháp lý của DNNVV của Việt Nam cho thấy, về cơ bản là tương ứng với quy định của một số nước về lao động, vốn, doanh thu và lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, một số quy định về loại doanh nghiệp này chưa thực sự minh bạch, cụ thể. Vì vậy, để phát huy được những lợi thế, khả năng cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp này cần thực hiện những giải pháp căn bản trên phương diện lập pháp cũng như thực tiễn thi hành, như tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, nguồn nhân lực, vật lực, thủ tục chuyển đổi…
Các DNNVV đã và đang khẳng định tiềm năng phát triển với vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. DNNVV chính là nơi khởi nguồn đổi mới sáng tạo trong kinh doanh và cũng chính là cầu nối để đưa những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống. Nhiều DNNVV Việt Nam đã làm chủ được công nghệ và sản xuất thành công những sản phẩm đổi mới sáng tạo có giá trị kinh tế lớn. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay cần phải tiếp tục xây dựng một nền tảng pháp lý đủ mạnh, một môi trường pháp lý minh bạch và hiệu quả để đảm bảo sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng tại Việt Nam.
ThS. Bùi Bảo Tuấn
Thanh tra Chính phủ
Thanh tra Chính phủ