Tóm tắt: Trong quá trình hoạt động, công ty cổ phần có thể thực hiện việc mua lại cổ phần đã bán cho các cổ đông theo yêu cầu của cổ đông hoặc theo quyết định của công ty. Việc mua lại cổ phần có thể làm thay đổi số lượng cổ đông, vốn điều lệ và cũng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ nợ của công ty. Bài viết này phân tích, đánh giá một số khía cạnh pháp lý của hoạt động mua lại cổ phần nhằm đưa ra những đề xuất hoàn thiện Luật Doanh nghiệp về vấn đề này.
Abstract: During its operation, a joint-stock company may repurchase shares sold to shareholders at the request of shareholders or at the company's decision. The repurchase of shares may change the number of shareholders, the charter capital and may also affect the interests of the company's creditors. This article analyzes and evaluates some legal aspects of share repurchase activities in order to make recommendations to improve the Enterprise Law on this issue.
1. Khái quát về việc công ty mua lại cổ phần của cổ đông theo Luật Doanh nghiệp năm 2020
Mua lại cổ phần là việc công ty thực hiện mua lại cổ phần của chính mình từ các cổ đông trong công ty. Cổ phần được mua lại là cổ phần thu về và là cổ phần chưa bán của công ty. Việc mua lại cổ phần là nghĩa vụ, cũng là quyền tự nguyện của công ty trong những trường hợp nhất định theo quy định pháp luật. Sau khi mua lại, công ty cổ phần (CTCP) phải thực hiện việc đăng ký giảm vốn điều lệ xuống tương ứng với số cổ phần mà công ty đã mua lại.
Khái niệm về mua lại cổ phần chưa được bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định. Tuy nhiên, căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2020, có thể định nghĩa mua lại cổ phần như sau: Mua lại cổ phần là việc công ty mua lại cổ phần đã bán cho các cổ đông theo yêu cầu của cổ đông hoặc theo quyết định của công ty. Trong quan hệ mua lại cổ phần, chủ thể bên bán là cổ đông, còn bên mua là công ty phát hành cổ phần.
Trên thực tế, việc công ty mua lại cổ phần thường xuyên xảy ra khi công ty quyết định giảm vốn mặc dù không bị lỗ, hoặc công ty muốn điều hòa thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu của công ty. Sự can thiệp của công ty nhằm khống chế các thăng trầm quá đáng của giá thị trường và giúp công ty dễ dàng thực hiện kế hoạch gom cổ phần sau này[1].
Về nguyên tắc, công ty không thể trở thành cổ đông sở hữu cổ phần của chính mình. Luật Doanh nghiệp năm 2020 không có quy định chính thức nguyên tắc này, mà ghi nhận trường hợp ngoại lệ mua lại cổ phần theo hai hình thức đó là: (i) Theo yêu cầu của cổ đông; (ii) Theo quyết định của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông.
Khi thực hiện mua lại cổ phần của cổ đông, công ty phải đáp ứng các điều kiện bắt buộc đó là có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty. Cụ thể, công ty chỉ được thanh toán cổ phần được mua lại cho cổ đông nếu ngay sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác[2]. Tuy vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2020 không quy định cách thức xác định khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty. Quy định về khả năng thanh toán là nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ nợ[3], tránh trường hợp công ty thực hiện việc tẩu tán tài sản bằng cách mua lại cổ phần của cổ đông, làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty đối với người thứ ba.
Các vấn đề pháp lý đặt ra sau khi công ty thực hiện mua lại cổ phần của cổ đông bao gồm: (i) Cổ phần được mua lại được coi là cổ phần chưa bán. Công ty phải đăng ký giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phần, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác[4]. (ii) Cổ phiếu xác nhận quyền sở hữu cổ phần đã được mua lại phải được tiêu hủy ngay sau khi cổ phần tương ứng đã được thanh toán đủ[5]. Nếu không tiêu hủy hoặc chậm tiêu hủy cổ phiếu thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc/Tổng giám đốc phải liên đới chịu trách nhiệm pháp lý. (iii) Sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, nếu tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty giảm hơn 10% thì công ty phải thông báo cho tất cả chủ nợ biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thanh toán hết số cổ phần được mua lại[6].
2. Các hình thức công ty mua lại cổ phần của cổ đông
Công ty cổ phần mua lại cổ phần được thực hiện dưới hai hình thức: Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông hoặc theo quyết định của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông. Việc mua lại cổ phần của hai hình thức này đòi hỏi đáp ứng những điều kiện, thủ tục nhất định của pháp luật.
2.1. Công ty bắt buộc mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông
Trong CTCP, quyền cổ đông là một loại quyền đặc biệt được xác lập thông qua việc sở hữu cổ phần, trong đó, cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình đang sở hữu trong một số trường hợp mà lợi ích của cổ đông có thể bị vi phạm nghiêm trọng bởi quyết định của công ty.
Cổ đông có quyền yêu cầu CTCP mua lại cổ phần trong một số trường hợp nhất định và công ty bắt buộc phải mua lại cổ phần, bao gồm:
Trường hợp thứ nhất: Khi Đại hội đồng cổ đông thông qua các quyết định làm ảnh hưởng đến các quyền lợi của cổ đông và cổ đông biểu quyết không tán thành quyết định của Đại hội đồng cổ đông về các vấn đề: (i) Thay đổi quyền và nghĩa vụ của cổ đông tại điều lệ của công ty; (ii) Tổ chức lại công ty. Ngoài hai nội dung trên, Luật Doanh nghiệp năm 2020 không gợi mở để điều lệ của công ty quy định các trường hợp khác. Nếu điều lệ công ty có quy định về các trường hợp mua lại cổ phần thì đây là trường hợp công ty tự nguyện mua lại cổ phần của cổ đông theo quyết định của công ty được quy định tại Điều 133 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Trong trường hợp này, cổ đông có thể sở hữu cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi biểu quyết của công ty. Yêu cầu mua lại cổ phần phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề này.
Trường hợp thứ hai: Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại yêu cầu công ty mua lại cổ phần ưu đãi mà mình sở hữu. Khi yêu cầu của cổ đông phù hợp với các điều khoản, điều kiện của loại cổ phần này, thì công ty bắt buộc phải mua lại. Giá mà công ty thực hiện hoàn lại cổ phần ưu đãi sẽ được xác định theo các điều khoản và điều kiện quy định về loại hình cổ phần ưu đãi hoàn lại.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.
Tuy vậy, quy định thời gian để công ty phải thực hiện việc mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông lên đến 90 ngày là chưa hợp lý, vì đây là một quãng thời gian khá dài để thực hiện thủ tục chấm dứt mối quan hệ này. Trong trường hợp giữa cổ đông và CTCP không thỏa thuận được về giá mua, bán lại cổ phần, điều luật cho phép các bên có thể sử dụng tổ chức thẩm định giá và quy định công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn nhưng không đề cập đến việc công ty hay cổ đông sẽ phải chịu khoản chi phí cho tổ chức thẩm định giá. Điều này sẽ dễ dẫn đến tranh chấp giữa cổ đông và CTCP[7].
2.2. Công ty tự nguyện mua lại cổ phần theo quyết định của Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, CTCP có quyền tự nguyện mua lại cổ phần: (i) Không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán; (ii) Một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán. Mục đích của việc công ty tự nguyện mua lại cổ phần tương đối đa dạng như giảm số lượng cổ đông của công ty hoặc nhằm thay đổi giá cổ phần khi giá trên thị trường có xu hướng giảm.
Hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã bán trong thời hạn 12 tháng. Trường hợp khác, việc mua lại cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi cổ tức do Đại hội đồng cổ đông quyết định. Quy định chặt chẽ như vậy nhằm tránh xảy ra hành vi đầu cơ hoặc ít nhất cũng giới hạn rủi ro này[8]. Hội đồng quản trị quyết định giá mua lại cổ phần. Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại. Đối với cổ phần loại khác, nếu điều lệ công ty không quy định hoặc công ty và cổ đông có liên quan không có thỏa thuận khác thì giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường.
Công ty có thể mua lại cổ phần từ tất cả các cổ đông tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty. Trình tự, thủ tục mua lại của tất cả các cổ đông được quy định như sau:
Một là, quyết định mua lại cổ phần của công ty phải được thông báo bằng phương thức để bảo đảm đến được tất cả cổ đông trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định đó được thông qua. Thông báo phải gồm tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty, tổng số cổ phần và loại cổ phần được mua lại, giá mua lại hoặc nguyên tắc định giá mua lại, thủ tục và thời hạn thanh toán, thủ tục và thời hạn để cổ đông bán cổ phần của họ cho công ty.
Hai là, cổ đông đồng ý bán lại cổ phần phải gửi văn bản đồng ý bán cổ phần của mình bằng phương thức để bảo đảm đến được công ty trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo. Văn bản đồng ý bán cổ phần phải có họ, tên, địa chỉ liên lạc, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số cổ phần sở hữu và số cổ phần đồng ý bán; phương thức thanh toán; chữ ký của cổ đông hoặc người đại diện theo pháp luật của cổ đông. Công ty chỉ mua lại cổ phần trong thời hạn nêu trên.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật quy định về mua lại cổ phần
Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cần quy định rõ ràng hơn về việc cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại toàn bộ hay một phần số cổ phần của mình sở hữu. Bởi vì, nếu mua toàn bộ thì bên bán không còn là cổ đông công ty nhưng nếu mua một phần thì cổ đông đó chỉ giảm số lượng cổ phần sở hữu trong công ty.
Thứ hai, cần quy định cách thức, các chỉ tiêu cụ thể xác định khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty. Bởi vì, khả năng này được xác định sau khi thanh toán việc mua lại cổ phần, vì vậy, cần có các tiêu chí cụ thể để xác định khả năng thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của công ty trong tương lai. Việc đưa ra căn cứ tiêu chí xác định sẽ vừa nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ nợ, vừa tránh sự trì hoãn trong việc mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông.
Thứ ba, về thời gian công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông và chi phí thẩm định giá cổ phần, cần sửa đổi quy định của khoản 2 Điều 132 Luật Doanh nghiệp năm 2020 theo hướng rút ngắn thời hạn CTCP phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông và đồng thời, quy định rõ vấn đề chịu chi phí thanh toán cho tổ chức thẩm định giá trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được giá bán cổ phần mà phải sử dụng đến dịch vụ thẩm định giá[9].
Thứ tư, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng cần có những quy định rõ ràng hoặc quy định mở để công ty có thể quy định cụ thể trong điều lệ. Bởi vì, khi cổ đông sử dụng quyền bắt buộc công ty mua lại cổ phần, cổ đông đó thường có mâu thuẫn với cổ đông khác và ban lãnh đạo công ty. Trong trường hợp như vậy, các bên có thể khó có thỏa thuận về giá mua lại hoặc về tổ chức định giá chuyên nghiệp được sử dụng. Do vậy, mức giá mua lại và thủ tục lựa chọn tổ chức định giá chuyên nghiệp nên được ấn định trước hoặc quy định trong điều lệ công ty[10].
Thứ năm, các quy định pháp luật cũng cần dự liệu, bổ sung trường hợp nếu công ty không thực hiện yêu cầu mua lại cổ phần thì cổ đông yêu cầu có quyền khởi kiện công ty để yêu cầu công ty thực hiện nghĩa vụ mua lại cổ phần của mình hay không? Đồng thời, trong trường hợp công ty không thực hiện mua lại cổ phần theo yêu cầu mà gây thiệt hại thì cổ đông khởi kiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với công ty hay đối với người quản lý công ty?
Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
[1]. Nguyễn Mạnh Bách, Các công ty thương mại, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2006, tr. 128.
[2]. Khoản 1 Điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[3]. Trương Nhật Quang, Pháp luật về doanh nghiệp: Các vấn đề pháp lý cơ bản, Nxb. Dân trí, 2016, tr. 494.
[4]. Khoản 2 Điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[5]. Khoản 3 Điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[6]. Khoản 4 Điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[7]. Trần Thăng Long & Phan Huy Lâm, Các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc công ty cổ phần - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 02+03 (450+451), tháng 02/2022.
[8]. Nguyễn Mạnh Bách, tlđd, tr. 128.
[9]. Trần Thăng Long & Phan Huy Lâm, tlđd.
[10]. Trương Nhật quang,tlđd, tr. 487.