Abstract: The paper provides a number of analyses to unify the awareness and to identify subjects of corruption acts in enterprises and organizations in the non-state sector according to the Anti-Corruption Law of 2018.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước cũng có thể là chủ thể của hành vi tham nhũng[1]. Đây là lần đầu tiên Việt Nam mở rộng áp dụng chủ thể có hành vi tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước. Do đó, việc nhận diện chính xác chủ thể có hành vi tham nhũng thuộc khu vực ngoài nhà nước là rất cần thiết và quan trọng nhằm triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu quả.
1. Khái quát chung về doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước
Tổ chức là phối hợp, liên kết hoạt động của nhiều người để thực hiện mục tiêu đề ra. Doanh nghiệp là tổ chức[2]. Ở đâu có tổ chức thì ở đó cần có sự quản lý. Một trong những chủ thể quản lý là con người (chủ thể còn lại là tổ chức của con người). Quyền hạn là yếu tố giúp cho con người quản lý hiệu quả nhưng cũng là một trong những công cụ để chủ thể dựa vào đó để có thể thực hiện hành vi tham nhũng. Bởi vì, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi[3].
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, có kinh tế tư nhân. Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển. Kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển tích cực đó cũng tiềm ẩn những dấu hiệu tiêu cực. Một trong những biểu hiện tiêu cực mới xuất hiện đó là tham nhũng. Tham nhũng đã phần nào gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Điều này đặt ra yêu cầu, Nhà nước cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có tham nhũng, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và doanh nghiệp.
Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 lần đầu tiên mở rộng quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức (Mục 1 Chương XXIII). Một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật Việt Nam là tính thống nhất và đồng bộ. Do đó, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng cần phải đáp ứng tiêu chí này để tránh sự mâu thuẫn của các ngành luật trong hệ thống pháp luật.
Từ ngày 18/9/2009, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, việc mở rộng chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, đó là thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 không định nghĩa doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, mà chỉ định nghĩa cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước. Do đó, để nhận diện doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thì chúng ta phải dựa vào định nghĩa cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội”[4]. Theo đó, có thể hiểu, doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là doanh nghiệp, tổ chức không thuộc trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước. Trước hết, tác giả cho rằng, đây là quy định phù hợp và khả thi của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 về việc xác định doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Bởi vì, với việc chúng ta khuyến khích thành lập doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, quyền tự do lập hội, được tham gia bất kỳ tổ chức nào (không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam) sẽ dẫn đến số lượng doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là rất lớn. Chúng ta sẽ không thể nào liệt kê hết, đầy đủ được. Ngược lại, hệ thống chính trị của nước ta thường xuyên, liên tục được đổi mới, sắp xếp, tổ chức theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên dẫn đến số lượng tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước dần ít đi, việc nhận diện sẽ rất thuận lợi và khả thi.
Để nhận diện cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước được các nhà làm luật căn cứ vào các tiêu chí sau: Do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động; do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội. Như vậy, cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước do Nhà nước thành lập sẽ kéo theo việc Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, cấp kinh phí, cử người quản lý và hơn hết đó là được thực hiện chức năng nhà nước. Do đó, đây là tiêu chí rõ ràng, cụ thể để chúng ta nhận diện được doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Hiện nay, chúng ta đang có chủ trương xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ công, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực dịch vụ này[5]. Có thể khẳng định, tất cả cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước hoạt động đều nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội nhưng không phải tất cả tổ chức hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội thì đều thuộc khu vực nhà nước. Chẳng hạn, hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ rất đa dạng trong các lĩnh vực dịch vụ, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nhân đạo..., đó là các hoạt động phục vụ lợi ích công cộng vì sự phát triển lành mạnh, công bằng, bình đẳng, tiến bộ xã hội[6]. Như vậy, nếu chúng ta sử dụng tiêu chí phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội để nhận diện đó là cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước thì chắc chắn sẽ không thuyết phục trong thực tế.
Việt Nam đang trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, “đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”[7]. Đi đến tận cùng vấn đề nhận diện tổ chức được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thì thuộc khu vực nhà nước, e rằng không thuyết phục những chủ thể “khó tính” nhất. Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam đang có chủ trương tách chức năng sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước[8]. Từ phân tích trên, tác giả cho rằng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức khu vực nhà nước phải đáp ứng tiêu chí có sử dụng quyền lực nhà nước hoặc có tham gia quản lý nhà nước hoặc có tài sản, vốn của Nhà nước. Ngược lại, doanh nghiệp, tổ chức không được sử dụng quyền lực nhà nước, không có sự tham gia quản lý nhà nước hoặc Nhà nước không có tài sản, vốn trong đó thì thuộc khu vực ngoài Nhà nước.
2. Nhận diện chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước
Chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước bao gồm: Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó[9]. Trong đó, người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp gồm: “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty”[10]. Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong tổ chức là người được bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng lao động để đảm nhận một chức danh quản lý nào đó. Bên cạnh đó, đối với những vị trí công việc mà không phải các chức danh, chức vụ quản lý nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền, được giao hay vì thực hiện đúng nhiệm vụ của bản thân mà lợi dụng quyền hạn để vụ lợi thì có thể trở thành chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng. Như vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định người giữ chức danh, chức vụ quản lý và người không giữ bất kỳ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước đều có thể trở thành chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng. Họ đều là những người có hành vi lợi dụng quyền hạn của mình vì vụ lợi để tham nhũng. Từ đó, tác giả mạnh dạn đề xuất, trong tương lai, chúng ta có thể định nghĩa tham nhũng theo như định nghĩa của Ngân hàng Thế giới đưa ra: “Tham nhũng là việc lợi dụng quyền hạn vì vụ lợi”. Đó sẽ là định nghĩa mang tính toàn diện, sâu sắc. Đồng thời, cũng khắc phục quan niệm truyền thống trong người dân của chúng ta là người có hành vi tham nhũng chỉ là những người có chức danh, chức vụ quản lý. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức phòng, chống tham nhũng trong xã hội.
Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tỉnh Đắk Lắk
Dương Văn Quý
Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tỉnh Đắk Lắk
[1]. Khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
[2]. Khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[3]. Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
[4]. Khoản 9 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, 2016, tr.107.
[6]. Lê Thị Phượng, Phát huy vai trò của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta, Tạp chí Cộng sản điện tử, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx? distribution=51809&print=true, truy cập ngày 15/6/2019.
[7]. Điều 53 Hiến pháp năm 2013.
[8]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, 2016, tr.106.
[9]. Khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
[10]. Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014.