1. Phân biệt hành vi khách quan giữa tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản
Trên thực tế, tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015) thường chỉ bị nhầm lẫn với tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 trong trường hợp người phạm tội có hành vi “đe dọa dùng vũ lực”. Vậy, vấn đề đặt ra là, đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản, trường hợp nào thì cấu thành tội cướp tài sản, còn trường hợp nào chỉ cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản?
Có thể thấy, mặc dù hành vi “đe dọa dùng vũ lực” ở tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản đều là hành vi uy hiếp về tinh thần đối với người bị tấn công với ý thức làm cho người bị tấn công lo sợ sẽ bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe nếu không để cho người phạm tội chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên, hành vi “đe dọa dùng vũ lực” ở tội cướp tài sản là đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, tức là cường độ và sức mãnh liệt của lời đe dọa đến mức làm cho người bị tấn công bị tê liệt ý chí phản kháng, không còn có khả năng lựa chọn phương án hành vi phù hợp để chống trả lại sự tấn công của người phạm tội, còn hành vi “đe dọa dùng vũ lực” ở tội cưỡng đoạt tài sản là đe dọa sẽ dùng vũ lực. Giữa hành vi đe dọa và thực hiện lời đe dọa trong tội cưỡng đoạt tài sản có một khoảng cách thời gian nhất định. Người phạm tội không có ý thức dùng ngay tức khắc sức mạnh thể chất hoặc vật chất đối với chủ sở hữu tài sản hoặc đối với người thân thích của họ, người bị đe dọa cũng nhận thức được là người phạm tội không dùng vũ lực ngay lập tức nếu không đưa tài sản cho người phạm tội chiếm đoạt, tức là mức độ mãnh liệt của lời đe dọa dùng vũ lực không đến mức làm tê liệt tự do ý chí của người bị đe dọa, họ vẫn có thời gian để suy nghĩ, cân nhắc lựa chọn những phương án hành vi khác nhau để bảo vệ tài sản của mình.
Bên cạnh đó, “hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được” được mô tả tại Điều 168 về tội cướp tài sản là những hành vi như cho người bị tấn công uống thuốc ngủ, thuốc mê nhằm chiếm đoạt tài sản. Người bị tấn công không nhận thức được sự việc đang xảy ra hoặc có thể biết sự việc xảy ra nhưng bị tê liệt tinh thần, mất tự do ý chí không thể thực hiện được hành vi chống trả việc chiếm đoạt tài sản của người phạm tội[1]. Còn “thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 170 về tội cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ gây thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự, uy tín cho người đang quản lý tài sản hoặc người thân thích của họ nếu không giao tài sản cho người phạm tội. Cũng như hành vi “đe dọa sẽ dùng vũ lực”, hành vi khác uy hiếp tinh thần người khác không làm người bị đe dọa bị tê liệt tinh thần, họ không bị lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Người bị đe dọa vẫn còn có thời gian nhất định để lựa chọn cách xử sự phù hợp như chuẩn bị các điều kiện ngăn cản hoặc báo cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của người đe dọa. Người phạm tội có thể sử dụng bất cứ thủ đoạn nào miễn là có thể khống chế được ý chí, tinh thần của người bị đe dọa, làm cho người bị đe dọa có căn cứ lo sợ lời đe dọa được thực hiện trên thực tế nên buộc phải trao tài sản cho người phạm tội[2].
Ngoài ra, để phân biệt trường hợp nào là đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc và trường hợp nào không đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì phải căn cứ vào không gian, thời gian xảy ra vụ án, nếu trong không gian, thời gian đó mà ai cũng quá sợ và phải giao tài sản cho người phạm tội thì phải định tội là cướp tài sản dù hành vi đe dọa không quyết liệt nhưng cũng làm cho người bị hại lâm vào tình trạng không thể chống cự được.
Như vậy, dấu hiệu quan trọng nhất để phân biệt hai tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản là người bị hại có lâm vào tình trạng không thể chống cự được không. Dấu hiệu này hoàn toàn tùy thuộc vào tình hình thực tế để đánh giá[3].
2. Vụ án cụ thể liên quan đến tội xâm phạm sở hữu
2.1. Nội dung vụ án
Ngày 26/11/2019, anh T1 (sinh năm 2000) vay của anh T (sinh năm 1994) số tiền 10.000.000 đồng và hẹn đến ngày 26/12/2019 thì trả hết nợ. Đến tháng 4/2020, do T1 chậm đóng tiền lãi nên T hẹn gặp T1 đến quán bida cà phê để giải quyết việc nợ tiền.
Khoảng 14h30 ngày 09/5/2020, T1 điều khiển xe mô tô trị giá 3.900.000 đồng (xe T1 mượn của bà V) đến gặp T. Do T1 không có tiền trả và xin trả trước 400.000 đồng tiền lãi và khất nợ đến ngày 18/5/2020 nhưng T không đồng ý, sau đó, T bực tức dùng vũ lực (tay, chân và cây cơ bida) đánh T1. Vì sợ hãi nên T1 tiếp tục xin T cho thời gian để xoay tiền trả nhưng T không đồng ý và tiếp tục dùng cây cơ bida đánh vào chân T1 và sau đó, yêu cầu T1 đi ra khu phía sau của quán. T cũng yêu cầu T3 (là nhân viên của quán) ra dắt xe mô tô vào vị trí để xe của quán.
Tại khu bán cà phê phía sau của quán lúc này không có khách, T tiếp tục dùng tay, chân đánh vào người T1, ép T1 phải trả cả tiền gốc và lãi cho T nhưng T1 vẫn xin khất nợ thì T yêu cầu T1 viết giấy để lại chiếc xe mô tô, cho T1 về xoay tiền, đến tối mang lên trả tiền T rồi lấy xe về. Tuy nhiên, T1 nói với T rằng, chiếc xe mô tô là xe mượn, không phải của mình và xin T cho mang xe mô tô về để xoay tiền trả nhưng T không đồng ý. Do bị T dùng cơ bida, tay và chân đánh liên tục vào người trước đó nên T1 sợ hãi, không thể chống cự lại được buộc phải viết giấy theo như nội dung T nói, để lại xe mô tô cho T. Vụ án sau đó bị phát hiện.
2.2. Một số quan điểm về định tội danh
Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi của T cấu thành tội cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015):
- Về mặt khách quan: Hành vi của T được xác định là “hành vi dùng vũ lực”. Do T đã dùng tay và chân đánh liên tục vào người nên T1 không thể chống cự lại được buộc phải viết giấy theo nội dung T nói và để lại xe mô tô. Việc dùng vũ lực này nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản và được thực hiện công khai.
Xét đến hoàn cảnh lúc xảy ra vụ án, mặc dù, vẫn có người biết được (T3) việc T đánh T1 nhưng không có dấu hiệu can ngăn hành vi đánh người, không những thế, T3 còn dắt xe của bị hại vào phía sau của quán theo lời của T, chính vì vậy, T1 không thể chống cự lại việc chiếm đoạt chiếc xe mô tô.
- Hành vi của T không cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản: Hành vi khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản được mô tả tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 là “đe dọa sẽ dùng vũ lực” hoặc “dùng thủ đoạn khác nhằm uy hiếp tinh thần” nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này, T đã dùng vũ lực đối với nạn nhân nên hành vi của T không phải là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực. Bên cạnh đó, T cũng không có dùng thủ đoạn khác nhằm uy hiếp tinh thần nạn nhân nên không thể cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. “Hành vi khác uy hiếp tinh thần” là hành vi đe dọa gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín bằng bất cứ thủ đoạn nào nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội. Hành vi uy hiếp tinh thần có thể được thực hiện bằng một số thủ đoạn ví dụ như: Đe dọa hủy hoại tài sản của người bị đe dọa; đe dọa tố giác hành vi phạm pháp hoặc hành vi vi phạm đạo đức của người bị đe dọa; đe dọa loan tin về đời tư... của người bị đe dọa[4].
Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Mục 2 Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về trao đổi nghiệp vụ (Công văn số 233/TANDTC-PC): “Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn”. Mặt khác, tội cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015) nặng hơn tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015) và với những phân tích nêu trên nên hành vi của T cấu thành tội cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015) là phản ánh đầy đủ tính chất, mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội.
Quan điểm thứ hai cho rằng, hành vi của T cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015):
- Về mặt khách quan: T thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đối với T1 bằng hình thức cưỡng bức tinh thần (do bị đánh trước đó) và bị lấy xe mô tô để bảo đảm cho số tiền 10.000.000 đồng. Do bị T dùng cơ bida, tay và chân đánh liên tục vào người nên T1 sợ hãi và buộc phải viết giấy nợ theo như nội dung T yêu cầu, sau đó để lại xe mô tô cho T. Vì vậy, hành vi của T được xem là dùng “thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.
- Mục đích phạm tội: Hành vi đánh T1 là do T1 không trả nợ cho T. T yêu cầu T1 viết giấy mượn tiền và cầm xe mô tô là để bảo đảm cho việc sẽ lấy được số tiền 10.000.000 đồng mà T1 đã vay của T trước đó. Vì vậy, hành vi của T cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.
3. Một số nhận xét, đánh giá
Với các quan điểm xoay quanh việc định tội danh trong vụ án nêu trên, tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai: Hành vi của T cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015), mà không cấu thành tội cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015), bởi lẽ:
Thứ nhất, về hành vi khách quan: Hành vi dùng vũ lực đánh T1 của T không mang tính mãnh liệt và tức thời, chưa đến mức làm tê liệt ý chí của T1, khi T đánh T1 thì T1 hoàn toàn có điều kiện để đối phó và có thể kháng cự được nhưng chỉ hạn chế ở chỗ, do lo sợ mà T1 đã giao tài sản cho T. Hơn nữa, trong quán cà phê lúc này vẫn có người (T3) biết được việc T dùng vũ lực đánh T1.
Thứ hai, mục đích phạm tội: Hành vi dùng vũ lực đánh T1 của T là nhằm mục đích đòi tiền từ T1 chứ không nhằm mục đích chiếm đoạt ngay tài sản là chiếc xe mô tô T1 đang sử dụng, đồng thời, trên người T1 lúc đó có số tiền 400.000 đồng nhưng T không chiếm đoạt, điều đó đã thể hiện rằng, T chỉ muốn T1 viết giấy nhận nợ (chính xác số tiền đã nợ) và giữ lại xe của T1 để bảo đảm cho khoản vay, khi nào T1 trả nợ xong cho T thì T trả lại xe cho T1.
Do đó, hành vi của T có đầy đủ yếu tố cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thứ ba, không thể áp dụng Công văn số 233/TANDTC-PC trong vụ án này: Mục 2 Công văn số 233/TANDTC-PC hướng dẫn: “Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn”.
Nghiên cứu ví dụ minh họa của Công văn: “Nguyễn Văn A và đồng phạm dùng xăng đốt cháy một số xe ô tô đang để trong sân của Công ty B, với mục đích nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng. Hành vi của A và đồng phạm vừa có dấu hiệu cấu thành tội khủng bố quy định tại Điều 299 Bộ luật Hình sự, vừa có dấu hiệu cấu thành tội hủy hoại tài sản quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp này, A và đồng phạm chỉ thực hiện 01 hành vi (đốt cháy một số xe ô tô), nên nếu hành vi này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì A và đồng phạm cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn là tội khủng bố quy định tại Điều 299 Bộ luật Hình sự năm 2015”[5]. Theo lý giải của Công văn này, có thể thấy, giữa cấu thành của tội khủng bố (Điều 299 Bộ luật Hình sự năm 2015) và tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015) là cặp cấu thành tội phạm có quan hệ chung, riêng nên theo nguyên tắc định tội danh, thì quy phạm riêng được áp dụng[6]. Vì vậy, việc hướng định tội danh trong ví dụ minh họa của Công văn số 233/TANDTC-PC là hợp lý khi có sự cạnh tranh giữa quy phạm chung và quy phạm riêng.
Quay trở lại với vụ án đang phân tích, giữa cấu thành của tội cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015) và tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015) không phải là cặp cấu thành tội phạm có quan hệ chung, riêng nên không thể áp dụng Mục 2 Công văn số 233/TANDTC-PC trong trường hợp này.
Tóm lại, qua nhận diện hành vi cấu thành tội cướp tài sản hay tội cưỡng đoạt tài sản dưới góc nhìn từ vụ án cụ thể nêu trên, có thể thấy, định tội danh đúng chính là tiền đề cho việc quyết định hình phạt được chính xác, bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội. Hơn nữa, việc định tội danh đúng còn là sự thể hiện hoạt động có hiệu quả, ý thức tuân thủ pháp luật triệt để cũng như ý thức trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp của các cơ quan có thẩm quyền, từ đó góp phần nâng cao uy tín, chất lượng hoạt động của các cơ quan này cũng như hỗ trợ cho việc củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Lê Bá Đức
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
[1]. Viện Nghiên khoa học pháp lý (1993), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr. 155 - 156.
[2]. Trịnh Quốc Toản (Chủ biên, 2022), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Phần Các tội phạm (Quyển 1), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 286.
[3]. Đinh Văn Quế (2021), “Phân biệt một số tội phạm có hành vi chiếm đoạt tài sản”, Tạp chí Kiểm sát, số 03, tr. 20.
[4]. Nguyễn Mai Bộ (2022), Các tội xâm phạm sở hữu trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nxb. Tư pháp, tr. 73.
[5]. Điều 299 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: ...”.
Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: ...”.
[6]. Võ Khánh Vinh, Giáo trình Lý luận chung về định tội danh, Nxb. Đại học Huế, năm 2018, tr. 197.
Nguyễn Văn Huy, Một số vấn đề về hành vi thỏa mãn cấu thành nhiều tội, https://tapchitoaan.vn/mot-so-van-de-ve-hanh-vi-thoa-man-cau-thanh-nhieu-toi, truy cập ngày 15/5/2023.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 390), tháng 10/2023)