Luật Lý lịch tư pháp đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2010. Các quy định của Luật đã xác lập những nguyên tắc, nội dung cơ bản của quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp ngày càng tăng của công dân, đảm bảo phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế. Luật Lý lịch tư pháp là một trong những đạo luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền của công dân. Xuất pháp từ vai trò, vị trí và ý nghĩa của Luật Lý lịch tư pháp, ngày 23/9/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1532/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp. Trên cơ sở Kế hoạch này, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tập trung triển khai thi hành Luật. Sau 03 năm thi hành, công tác lý lịch tư pháp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này đang còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, hạn chế đòi hỏi các cấp, các ngành cần tiếp tục có những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác lý lịch tư pháp trong thời gian tới.
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Nhìn lại ba năm triển khai thi hành Luật Lý lịch tư pháp” của ThS. Đăng Thanh Sơn đăng trên Số chuyên đề “Thực hiện Luật Lý lịch tư pháp” tháng 4 năm 2014. Trong bài viết, tác giả đã tổng hợp những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và phân tích nguyên nhân của những hạn chế đối với công tác lý lịch tư pháp trong thời gian qua; đồng thời đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Như Quỳnh