Từ những hiệu quả tích cực mang lại cho người dân, doanh nghiệp khi triển khai thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên Ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế theo tinh thần của Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05/3/2024 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2024, Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/5/2023 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có chính sách thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua Ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID trên toàn quốc (Công văn số 656/TTg-KSTT ngày 24/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID).
Để sớm đưa chính sách thí điểm đi vào cuộc sống, giúp cho người dân, doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước được hưởng những giá trị, tiện ích của việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID, được sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Tổ Đề án 06 của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Lãnh đạo Bộ Công an, ngày 20/9/2024, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã thống nhất ban hành Quy trình số 570/TTLLTPQG-QLHC ngày 20/9/2024 về thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên Ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID (Quy trình số 570/TTLLTPQG-QLHC). Quy trình số 570/TTLLTPQG-QLHC gồm 10 bước, trong đó, người dân chỉ tham gia 02 bước và ở mỗi bước chỉ thực hiện một vài thao tác đơn giản trên ứng dụng VNeID, các bước còn lại là tác nghiệp của các công chức tư pháp làm công tác lý lịch tư pháp và các cán bộ công an thực hiện tra cứu, xác minh về án tích, cụ thể:
Bước 1: Công dân đăng nhập vào ứng dụng VNeID (định danh mức độ 02) để kê khai hồ sơ và thực hiện thanh toán phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID
Hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo Quy trình số 570/TTLLTPQG-QLHC chỉ có 01 Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp điện tử tương tác đã có sẵn trên ứng dụng VNeID.
Khi đã được định danh mức độ 02, công dân truy cập vào ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh của mình, vào mục “Thủ tục hành chính/cấp Phiếu lý lịch tư pháp” để tạo yêu cầu, công dân thao tác một số lựa chọn để hoàn tất tờ khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Công dân tiến hành thanh toán trực tuyến phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp ngay trên ứng dụng VNeID và gửi Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Trường hợp thuộc đối tượng miễn, giảm phí cung cấp thông tin, người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đính kèm giấy tờ chứng minh (đối tượng là trẻ em, người cao tuổi không cần phải đính kèm giấy tờ chứng minh do đã được xác thực thông tin về độ tuổi trên hệ thống).
Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 thì cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 01 và cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 02 là hai thủ tục độc lập với nhau, vì vậy, điểm lưu ý ở đây là công dân chỉ được nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 01 hoặc hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 02; không được chọn cả 02 loại Phiếu lý lịch tư pháp trong một hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Bước 2: Gửi hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Sau khi nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và nộp phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, thông tin của Hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp hợp lệ sẽ được gửi về Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương.
Ở bước này, cần lưu ý là khi đã có hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đang được Sở Tư pháp giải quyết thì người dân không thực hiện nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp mới (trừ trường hợp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp mới khác loại Phiếu với hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đang xử lý).
Các bước còn lại như: Tiếp nhận hồ sơ; đẩy dữ liệu sang hệ thống Phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp; tiếp nhận hồ sơ từ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính sang Phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp; tra cứu, xác minh thông tin; cơ quan công an thực hiện tra cứu, xác minh; nhận, cập nhật kết quả tra cứu, xác minh; lập Phiếu lý lịch tư pháp điện tử; trả kết quả cho người dân sẽ do công chức tư pháp và cán bộ công an thực hiện.
Bên cạnh các bước thực hiện yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Quy trình số 570/TTLLTPQG-QLHC cũng bổ sung thêm các quy định về “Tra cứu kết quả”, qua đó, người dân có thể thực hiện tra cứu tình trạng hồ sơ và kết quả Phiếu lý lịch tư pháp điện tử tại cả ba hệ thống là ứng dụng VNeID, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thành phố và Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, quy định mới việc “Bổ sung, đính chính, thu hồi, hủy bỏ Phiếu lý lịch tư pháp” để xử lý trong trường hợp Phiếu lý lịch tư pháp đã cấp có nội dung không chính xác hoặc trái pháp luật theo quy định tại Điều 50 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, Sở Tư pháp ra Quyết định (bổ sung, đính chính, thu hồi, hủy bỏ) Phiếu lý lịch tư pháp điện tử đã cấp và cấp lại Phiếu lý lịch tư pháp điện tử cho công dân (nếu có) và chuyển Quyết định và Phiếu lý lịch tư pháp điện tử đã được cấp lại cho Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thành phố để đồng bộ kết quả với ứng dụng VNeID và Cổng dịch vụ công quốc gia. Phiếu lý lịch tư pháp đã cấp có nội dung không chính xác hoặc trái pháp luật phải thể hiện trạng thái đã được bổ sung, đính chính, thu hồi hoặc hủy bỏ.
Quy trình số 570/TTLLTPQG-QLHC có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2024 và thay thế Quy trình số 9118/QLHC-TTLLTPQG ngày 05/12/2023 của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an và Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp về thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên Ứng dụng định danh quốc gia VNeID tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế.
So với Quy trình số 9118/QLHC-TTLLTPQG, Quy trình số 570/TTLLTPQG-QLHC có một số điểm nhấn mang tính “đột phá”, đó là:
Thứ nhất, giảm tối đa các bước thực hiện thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Quy trình gồm 10 bước (giảm 03 bước so với quy trình trước đây).
Thứ hai, đơn giản hóa tối đa tài liệu, giấy tờ khi tra cứu thông tin về án tích bằng việc bỏ bản sao Thẻ căn cước, bản sao hộ chiếu trong hồ sơ tra cứu, việc tra cứu của Sở Tư pháp và cơ quan công an chỉ sử dụng mã định danh cá nhân.
Thứ ba, quy trình đã mở rộng để mọi công dân Việt Nam (người đã thành niên, người dưới 14 tuổi, người thuộc diện người có công với cách mạng được miễn, giảm phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp…) đều có thể thực hiện quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình trên ứng dụng VNeID.
Thứ tư, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục kể từ khi tiếp nhận yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp hợp lệ cho đến khi trả kết quả cho người dân. Theo quy trình trước đây thì thời hạn để trả Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân là 10 ngày (trường hợp phức tạp là 15 ngày) thì quy trình mới ấn định thời gian tối đa để trả kết quả cho người dân là 03 ngày đối với các trường hợp không có thông tin về án tích và 09 ngày đối với các trường hợp có thông tin về án tích và cần phải tiến hành công tác nghiệp vụ khác như xác minh thêm về tình trạng thi hành án.
Thứ năm, toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp đều diễn ra trên môi trường mạng, kết quả là Phiếu lý lịch tư pháp điện tử đáp ứng đầy đủ yêu cầu dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Việc rút ngắn thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp mặc dù sẽ tạo ra áp lực và trách nhiệm lớn hơn cho các Sở Tư pháp, cơ quan công an thực hiện việc tra cứu cũng như Bộ phận Một cửa tại các tỉnh, thành phố, tuy nhiên, điều này cũng sẽ là tiền đề để từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp, góp phần tích cực vào việc phát triển chính phủ số, xã hội số và công dân số./.
Lê Thanh Tùng
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp
Ảnh: internet