Abstract: A good company administration should be established by components which are designed on the basis of system of institutions and the supervision towards the goal of company development. This paper deals with some basic principles in current administration of limited liability company and completion direction.
1. Một số nguyên tắc của quản trị công ty
Quản trị công ty có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy và nâng cao hoạt động của công ty. Tuy nhiên, quản trị công ty minh bạch và hiệu quả không thể không nhắc tới các nguyên tắc của nó. Theo Henri Fayol (1841 - 1925) đã xuất bản tác phẩm “Quản trị công nghiệp và quản trị chung” (Administration industrielle et gennerale) năm 1946 trình bày những quan niệm mới về quản trị. Fayol nêu lên 14 nguyên tắc quản trị mà các nhà quản trị cơ sở kinh doanh luôn luôn phải thực hiện, mặc dù đây chỉ là những nguyên tắc mềm dẻo, không phải lúc nào cũng có giá trị tương đối[1]. Bao gồm:
(i) Chuyên môn hóa/Phân công hóa lao động: Nguyên tắc này khẳng định sự phân bổ công việc và chuyên môn hóa từng bước làm trong một chu trình sẽ kéo theo sự chuyên môn hóa trong kỹ năng và hiểu biết nghề nghiệp, thúc đẩy tính tập trung và hiệu quả công việc của người lao động và doanh nghiệp.
(ii) Lãnh đạo đi kèm trách nhiệm tương ứng: Theo đó, khi trách nhiệm được giao cho cá nhân tương ứng, để làm tròn trách nhiệm thì các nhà lãnh đạo này cần được cấp thẩm quyền hợp lý, bao gồm quyền yêu cầu những người có liên quan cùng tham gia. Sau cùng, chính họ phải chịu trách nhiệm trước Ban giám đốc và Hội đồng quản trị.
(iii) Kỷ luật: Kỷ luật được coi là yếu tố then chốt để một doanh nghiệp hoạt đông trơn tru. Nếu không có kỷ luật - bao gồm các tiêu chuẩn, thống nhất trong hành động, sự tuân thủ quy tắc và các giá trị - không doanh nghiệp nào có thể phát triển. Sự đồng thuận giữa công ty và nhân viên về bản chất được thể hiện qua sự tuân thủ, tính áp dụng, hành vi thể hiện sự tôn trọng.
(iv) Thống nhất về mệnh lệnh: Từ lâu, các phương châm quản lý đều cho rằng, nhân viên chỉ nên nghe lệnh từ một lãnh đạo duy nhất. Ngày nay, với hàng loạt phương pháp và mô hình quản lý kiểu ma trận đan xen nhau trong một tổ chức, nhiều khi cùng một công việc nhân viên sẽ phải báo cáo với 2 hoặc nhiều hơn cấp lãnh đạo hay bên khách hàng. Vấn đề đặt ra ở đây là, các lãnh đạo có thể sẽ đưa ra những yêu cầu trái ngược nhau và người nhân viên sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
(v) Thống nhất về đường lối: Các nhóm làm việc có cùng mục tiêu nên làm việc dưới sự lãnh đạo của 1 người quản lý và cùng làm theo 1 kế hoạch duy nhất. Điều này sẽ đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, thuần nhất trong mọi hoạt động.
(vi) Lợi ích chung cần đặt lên trên hết: Lợi ích của một nhân viên hay nhóm không được đặt cao hơn lợi ích chung của tổ chức. Ý tưởng này gây ra tranh cãi rằng, vậy ai sẽ là người quyết định xem lợi ích chung của tổ chức là gì. Ở đây tồn tại các rủi ro về doanh nghiệp và đạo đức, cũng như là thời cơ cho những kẻ “đục nước béo cò” lợi dụng. Ta cũng nên hiểu rằng, các nguyên tắc của Fayol được xây dựng với giả định mọi lợi ích và quyết định của tổ chức đều trung lập và có lý.
(vii) Thù lao: Mức thù lao cần phải công bằng và thỏa mãn cho cả nhân viên và chủ công ty (sau khi đã tính toán đến cả cơ cấu chi phí và lợi nhuận/thặng dư cần có).
(viii) Tập trung hóa: Đây là nguyên tắc thiết yếu của mọi tổ chức và là hệ quả tất yếu của quá trình cơ cấu. Ngay cả ở trong những tổ chức có cấu trúc phẳng và quyền lực phân hóa, quyền hành nói chung vẫn tập trung vào tay một số người mà thôi. Trong những tổ chức kiểu này, việc từng cá nhân được tự do đến đâu và hệ lụy từ việc phân tán quyền hành lớn đến mức nào chưa bao giờ được bỏ khỏi bàn tranh luận.
(ix) Quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên: Mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên cũng như mệnh lệnh từ trên xuống dưới cần được đảm bảo nguyên tắc rõ ràng, hợp lý, hai bên cùng hiểu.
(x) Trật tự: Mọi tổ chức nên để cho mỗi nhân viên có chỗ đứng riêng, có bổn phận phù hợp với tổ chức, luôn cảm thấy tự tin và an toàn trong môi trường công ty. Mọi nguyên tắc, luật lệ , hướng dẫn và hành động cần được thể hiện một cách dễ hiểu. Một tổ chức có trật tự sẽ phát triển ổn định chứ không hỗn loạn, khó kiểm soát, gây lo âu cho nhân viên.
(xi) Sự công bằng: Sự công bằng và công lý nên thấm nhuần vào tư tưởng của tổ chức - cả trong nguyên tắc lẫn hành động.
(xii) Ổn định về nhiệm vụ: Các nhân viên cần có thời gian để thích ứng và thực hiện công việc một cách hiệu quả nhất. Sự ổn định về nhiệm vụ thúc đẩy lòng trung thành với mục đích và giá trị của tổ chức.
(xiii) Sáng kiến: Ở mọi cấp bậc trong cơ cấu tổ chức, sự nhiệt huyết, nhiệt tình và năng lượng đều đến từ những người có cơ hội thể hiện những sáng kiến cá nhân của mình.
(xiv) Tinh thần đoàn kết: Fayol nhấn mạnh rằng, việc xây dựng và duy trì sự hòa hợp giữa các mối quan hệ trong công việc là vô cùng cần thiết.
So với quan điểm của Henri Fayol, thì OECD[2] đưa ra một số nguyên tắc cơ bản trong quản trị công ty khá cụ thể chủ yếu đề cập trên các phương diện như: (i) Bảo đảm cơ sở cho một khuôn khổ quản trị công ty hiệu quả; (ii) Quyền của cổ đông và chức năng sở hữu cơ bản: (iii) Đối xử bình đẳng với cổ đông; (iv) Vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị công ty; (v) Công bố thông tin và tính minh bạch và (vi) Trách nhiệm của Hội đồng quản trị[3].
2. Những nguyên tắc cơ bản trong quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn
2.1. Những nguyên tắc mang tính bắt buộc
Những nguyên tắc này chỉ ra rằng, các quy định pháp lý và quản lý tác động tới thông lệ quản trị công ty cần phù hợp với quy định của pháp luật và có khả năng cưỡng chế thực thi. Việc phân định trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nội bộ công ty phải được quy định rõ ràng và đảm bảo phục vụ lợi ích của thành viên, của công ty và các chủ thể khác. Đồng thời, các cơ quan giám sát, kiểm soát và những người thực thi phải liêm chính, có đủ thẩm quyền và nguồn lực để hoàn thành chức năng của mình một cách chuyên nghiệp và khách quan. Hơn nữa, các quyết định của những cơ quan này phải kịp thời, minh bạch và được giải thích đầy đủ[4]. Những nguyên tắc mang tính bắt buộc trong quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên chủ yếu bao gồm:
- Nguyên tắc bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất thực hiện quyền của thành viên công ty. Các quyền cơ bản của thành viên được ghi nhận và đảm bảo trên các lĩnh vực khác nhau liên quan đến sự ra đời, hoạt động cũng như rút lui khỏi thị trường của công ty. Các quyền của thành viên bao gồm quyền được: (i) Quyền được tham gia thành lập công ty; (ii) Quyền sở hữu, chuyển nhượng và lợi nhuận; (iii) Quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; (iv) Quyền trong việc tham gia các cơ quan quản lý nội bộ công ty; (iii) Quyền tiếp cận các thông tin liên quan và quan trọng về công ty một cách kịp thời và thường xuyên… Nội dung của nguyên tắc này chỉ ra rằng, việc tham gia thành lập, quản lý công ty là một trong những quyền tự do kinh doanh của thành viên. Quyền đó được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, trong điều lệ công ty và trong giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp. Những quyền đó của thành viên không chỉ được quy định trong văn bản pháp luật, trong văn bản nội bộ công ty mà cần phải đảm bảo có một cơ chế bắt buộc thực hiện trong thực tiễn. Khi các thành viên công ty đáp ứng đầy đủ các điều kiện và mong muốn tham gia kinh doanh thì không một tổ chức, cá nhân nào được hành động cản trở hoặc gây phương hại đến quyền của thành viên công ty.
- Nguyên tắc đối xử bình đằng giữa các thành viên công ty, thành viên công ty là nhà đầu tư nước ngoài. Mọi thành viên có cùng tỷ lệ vốn góp vào công ty đều có quyền như nhau. Công ty TNHH hai thành viên trở lên là một loại hình công ty có tính chất đối vốn. Quyền lực, lợi nhuận hay rủi ro của thành viên chủ yếu được xác lập trên nền tảng của tỷ lệ góp vốn vào công ty. Nhà đầu tư trước khi mua cần được cung cấp thông tin đầy đủ về các quyền gắn liền với việc tham gia thành lập hay huy động vốn trong quá trình công ty hoạt động. Bất cứ thay đổi nào về quyền biểu quyết hay tham gia phải được sự thông qua của các thành viên sở hữu phần vốn góp bị ảnh hưởng bất lợi bởi sự thay đổi đó. Trong khuôn khổ quản trị công ty TNHH cần đảm bảo rằng: Các thành viên có tỷ lệ vốn góp nhỏ hoặc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia phải được bảo vệ khỏi các hành động lạm dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi hoặc vì lợi ích của các thành viên có tỷ lệ vốn góp lớn trong công ty, nắm quyền kiểm soát công ty.
- Nguyên tắc trong việc xác định cơ cấu tổ chức, quản lý công ty. Quyền tự do kinh doanh - một trong những quyền cơ bản của quyền con người đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013. Theo tinh thần đó, nhà đầu tư có quyền được chủ động khi lựa chọn mô hình kinh doanh hay hệ thống cơ cấu tổ chức quản lý công ty để đảm bảo rằng việc quản trị công ty đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện quyền “lựa chọn” để xây dựng một mô hình tổ chức, quản lý công ty ở một phương diện nào đó không phải xuất phát từ quyết định của nhà đầu tư mà vẫn mang nguyên tắc cứng nhắc. Ví dụ, cơ cấu tổ chức, quản lý công ty TNHH hai thành viên trở lên bắt buộc phải có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, đối với công ty TNHH có từ 11 thành viên trở lên bắt buộc phải thành lập Ban Kiểm soát[5]. Phải chăng nguyên tắc này trong quản trị công ty TNHH có thể đã làm hạn chế quyền tự do kinh doanh, quyền tự do lựa chọn cơ cấu tổ chức, quản lý của nhà đầu tư?
- Nguyên tắc về trách nhiệm của Hội đồng thành viên, thành viên hội đồng và các cơ quan trong tổ chức, quản lý công ty. Hội đồng thành viên, thành viên hội đồng, Chủ tịch công ty, Giám đốc hay Kiểm soát viên phải tuân thủ pháp luật, điều lệ công ty, quyết định của chủ sở hữu công ty trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao. Thành viên Hội đồng thành viên phải làm việc với thông tin đầy đủ, tin cậy, siêng năng, cẩn trọng và vì lợi ích cao nhất của công ty và thành viên. Khi quyết định của Hội đồng thành viên hay các chức danh quản lý công ty có thể ảnh hưởng tới các thành viên khác nhau theo các cách khác nhau thì Hội đồng thành viên phải đối xử bình đẳng với mọi hành viên. Hội đồng thành viên phải áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức cao, phải quan tâm tới lợi ích của thành viên. Hội đồng thành viên và những người quản lý công ty phải thực hiện đầy đủ, trung thành và mẫn cán các quyền, nghĩa vụ theo quy định của điều lệ công ty và quy định của pháp luật, không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
- Nguyên tắc tuân thủ đạo đức trong kinh doanh trong khuôn khổ quản trị công ty. Với bản chất pháp lý là một pháp nhân thương mại, mục tiêu cơ bản nhất mà công ty TNHH hướng tới đó là kinh doanh, là lợi nhuận. Tuy nhiên, trong định hướng xây dựng, phát triển bền vững của công ty không phải được thực hiện bằng mọi giá kể cả thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật hay xâm phạm về đạo đức kinh doanh... Vì vậy, một nền quản trị tốt, minh bạch và hiệu quả của công ty TNHH cần đảm bảo các yêu cầu về đạo đức trong kinh doanh. Hiện nay, đối với các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, pháp nhân không chỉ bị áp dụng bởi các chế tài hành chính mà còn có thể bị áp dụng các chế tài về hình sự[6].
2.2. Những nguyên tắc mang tính tùy nghi
Ngoài những nguyên tắc mang tính bắt buộc trong quản trị công ty, thì tùy thuộc vào những điều kiện, môi trường hay sự thay đổi mà các nguyên tắc mang tính tùy nghi được áp dụng trong quản trị công ty TNHH. Việc áp dụng các nguyên tắc này hướng tới lợi ích của công ty, của chủ sở hữu và thành viên công ty. Những nguyên tắc tùy nghi trong quản trị công ty TNHH gồm:
- Nguyên tắc lựa chọn mô hình tổ chức, quản lý công ty. Trong khuôn khổ quản trị công ty TNHH thì việc lựa chọn cơ cấu tổ chức, quản lý công ty ở một góc nhìn nào đó đã thể hiện quyền tự do định đoạt của chủ sở hữu công ty. Có lẽ đây là việc ghi nhận quyền sở hữu tài sản trong công ty của chủ sở hữu, trong đó quan trọng nhất là quyền định đoạt tài sản công ty mà một trong những hình thức thực hiện thông qua lựa chọn cơ cấu tổ chức, quản lý công ty. Đặc biệt, đối với loại hình công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình: Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên hoặc Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên[7].
- Nguyên tắc lựa chọn người đại diện theo pháp luật của công ty. Việc đảm bảo chủ động cho nhà đầu tư trong quản trị công ty về phương diện người đại diện theo pháp luật của công ty có sự đổi mới trong quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 so với Luật Doanh nghiệp năm 2005. Ở đó, công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có hơn một người đại diện theo pháp luật. Quy định này cho phép công ty có thể chủ động hơn trong tổ chức, quản lý công ty cũng như mở rộng lĩnh vực kinh doanh hay thị phần, thị trường. Tuy nhiên, việc phân công thực hiện các quyền và nghĩa vụ giữa những người đại diện theo pháp luật của công ty cần đảm bảo sự minh bạch, cụ thể, hạn chế tối đa những tổn thất từ sự phân quyền này trong công ty. Mặt khác, thực tế chứng minh rằng, có thể điều lệ công ty không quy định và xác định người đại diện theo pháp luật công ty thì bản thân công ty có thể vận dụng nguyên tắc tùy nghi khi quyết định ai là người đại diện. Đối với công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu thì trong trường hợp điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty[8]. Như vậy, quy định này mang tính chất “mở” cho công ty trong việc lựa chọn người đại diện theo pháp luật của công ty.
- Nguyên tắc lựa chọn số lượng thành viên Hội đồng thành viên, cơ chế bổ nhiệm hoặc bầu thành viên Hội đồng thành viên. Vấn đề được đưa ra ở đây cho thấy, về cơ bản luật chỉ xác định khung pháp lý chung về số lượng thành viên Hội đồng thành viên mà không quy định “cứng” số lượng cụ thể. Quy định đó đảm bảo rằng, tùy thuộc vào khả năng, phạm vi kinh doanh hoặc ý chí của chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ quyết định số lược thành viên hội đồng thành viên mà họ cho là phù hợp và tối ưu. Đối với công ty TNHH một thành viên do tổ chức là chủ sở hữu thì thành viên Hội đồng thành viên do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm, miễn nhiệm gồm từ 03 đến 07 thành viên với nhiệm kỳ không quá 05 năm. Hội đồng thành viên nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của giám đốc hoặc tổng giám đốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan[9].
3. Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của một mô hình quản trị công ty nói chung, công ty TNHH nói riêng, cần tập trung giải quyết những vấn đề mang tính nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, quản trị công ty TNHH phải gắn với phương hướng, mục đích hoạt động của doanh nghiệp. Phương hướng và mục đích của doanh nghiệp sẽ chi phối cơ cấu doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp mà mục tiêu, phương hướng của nó có quy mô lớn thì cơ cấu của doanh nghiệp cũng phải có quy mô tương ứng. Vì vậy, đối với công ty TNHH tùy thuộc vào quy mô, lĩnh vực ngành nghề kinh doanh cần thiết kế một mô hình quản trị phù hợp. Tuy nhiên, mô hình quản trị của bất kỳ một công ty TNHH nào cũng phải được xác lập trên nền tảng phương hướng, mục tiêu trước mắt hay lâu dài.
Thứ hai, chuyên môn hóa, cân đối và sự hợp tác. Theo quan điểm của Chestger Barnard (1886 – 1961) trong tác phẩm “Các chức năng của nhà quản trị” năm 1938 thì một hệ thống hợp tác của nhiều người trong một công ty với ba yếu tố cơ bản: (i) Sự sẵn sàng hợp tác; (ii) Có mục tiêu chung; (iii) Có sự thông đạt. Nếu thiếu một trong ba yếu tố này, tổ chức sẽ tan vỡ[10]. Nguyên tắc chuyên môn hóa, cân đối và sự hợp tác đòi hỏi cơ cấu tổ chức quản trị phải được phân công phân nhiệm các phân hệ chuyên ngành, với những con người được đào luyện tương ứng và có đủ quyền hạn. Chuyên môn hóa, cân đối và sự hợp tác là một nội dung hết sức quan trọng trong quản trị công ty. Vấn đề mang tính nguyên tắc này đòi hỏi cơ cấu tổ chức quản trị công ty TNHH phải thu được kết quả hoạt động cao nhất so với chi phí mà công ty đã bỏ ra, đồng thời bảo đảm hiệu lực hoạt động của các phân hệ và tác động điều khiển của các bộ phận quản lý. Để bảo đảm cho nguyên tắc này được thực hiện, cần tuân thủ các yêu cầu sau: (i) Cơ cấu tổ chức quản trị là cơ cấu hợp lý nhằm đảm bảo chi phí cho các hoạt động là nhỏ nhất, mà kết quả thu lại của doanh nghiệp là lớn nhất trong khả năng có thể (tức là đảm bảo tính hiệu quả của doanh nghiệp); (ii) Cơ cấu tổ chức phải tạo được môi trường văn hóa xung quanh nhiệm vụ của các phân hệ; làm cho mỗi phân hệ hiểu rõ vị trí, giá trị của các hoạt động mà mình tham dự là nhằm tạo lợi thế, thuận lợi cho các phân hệ có liên quan trực tiếp với mình và (iii) Cơ cấu tổ chức phải đảm bảo cho thủ lĩnh các phân hệ có quy mô (của phân hệ) được giao quản trị là hợp lý, tương ứng với khả năng kiểm soát, điều hành của họ.
Thứ ba, linh hoạt và thích nghi với môi trường. Nguyên tắc này đòi hỏi việc hình thành cơ cấu tổ chức phải đảm bảo cho mỗi phân hệ một mức độ tự do sáng tạo tương xứng để mọi thủ lĩnh các cấp phân hệ bên dưới phát triển được tài năng, chuẩn bị cho việc thay thế vị trí của lãnh đạo cấp trên khi cần thiết. Tính linh hoạt và thích nghi đảm bảo rằng, khuôn khổ quản trị công ty, công ty trách nhiệm hữu hạn cần được phát triển dựa trên quan điểm về tác động của nó đối với hiệu quả kinh tế nói chung, tính toàn vẹn của thị trường và các cơ chế khuyến khích mà khuôn khổ này tạo ra cho các bên tham gia thị trường và sự thúc đẩy thị trường minh bạch và hiệu quả.
Có thể nói, ở nước ta hiện nay, các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về các loại hình công ty và vấn đề quản trị công ty đã góp phần tạo điều kiện cho công ty hoạt động và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để hướng tới xây dựng một nền quản trị công ty đủ mạnh trên cơ sở tuân thủ các thiết chế pháp lý và nguyên tắc quản trị, thì việc nhận diện và nâng cao hiệu quả áp dụng các nguyên tắc trong quản trị công ty góp phần xây dựng một nền quản trị công ty minh bạch, hữu hiệu trong điều kiện hội nhập quốc tế và đảm bảo quyền tự do kinh doanh là một vấn đề hết sức cần thiết hiện nay.
Tống Hoàng Hà
Tài liệu tham khảo:
[1]. PGS.TS. Ngô Kim Thanh (chủ biên) (2012), “Giáo trình Quản trị doanh nghiệp”, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, tr. 29, 30.
[2]. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Châu Âu.
[3]. OECD, OECD priciples of Corporate Governance - 2004 Edition, Trang 7.
[4]. Xem thêm: Các nguyên tắc quản trị của OECD, năm 2004.
[5]. Điều 55 Luật Doanh nghiêp năm 2014.
[6]. Xem thêm các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245 và 246 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
[7]. Khoản 1 Điều 78 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[8]. Khoản 2 Điều 78 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[9]. Khoản 1 Điều 79 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[10]. Xem thêm: PGS.TS. Ngô Kim Thanh (chủ biên) (2012) “Giáo trình quản trị doanh nghiệp”, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, tr. 30-31.
[1]. PGS.TS. Ngô Kim Thanh (chủ biên) (2012), “Giáo trình Quản trị doanh nghiệp”, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, tr. 29, 30.
[2]. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Châu Âu.
[3]. OECD, OECD priciples of Corporate Governance - 2004 Edition, Trang 7.
[4]. Xem thêm: Các nguyên tắc quản trị của OECD, năm 2004.
[5]. Điều 55 Luật Doanh nghiêp năm 2014.
[6]. Xem thêm các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245 và 246 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
[7]. Khoản 1 Điều 78 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[8]. Khoản 2 Điều 78 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[9]. Khoản 1 Điều 79 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[10]. Xem thêm: PGS.TS. Ngô Kim Thanh (chủ biên) (2012) “Giáo trình quản trị doanh nghiệp”, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, tr. 30-31.