Dựa trên những kết quả đạt được của công tác trợ giúp pháp lý trong thời gian qua có thể khẳng định, chính sách trợ giúp pháp lý và việc ra đời Luật Trợ giúp pháp lý là đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với chủ trương của Đảng, đạo lý của dân tộc và điều kiện thực tế của nước ta, không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác, mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đưa pháp luật đến với người dân, tạo lập thói quen và nếp sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Tuy nhiên, những năm gần đây, trước sự thay đổi kinh tế - xã hội của đất nước, sự phát triển của pháp luật nói chung và của dịch vụ pháp lý nói riêng, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý đã bộc lộ những bất cập, hạn chế như:
Thứ nhất, nhìn chung hoạt động trợ giúp pháp lý chưa bảo đảm đúng trọng tâm là cung cấp vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là trong lĩnh vực tham gia tố tụng, mà còn dàn trải theo nhiều hình thức trợ giúp pháp lý.
Thứ hai, hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước chưa phù hợp và hoạt động chưa hiệu quả so với yêu cầu thực tiễn. Việc thành lập một số chi nhánh theo chỉ tiêu của Chiến lược và Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây gọi là Trung tâm) và chi nhánh của Trung tâm chưa căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân và điều kiện cơ sở vật chất chưa được bảo đảm, thiếu trợ giúp viên pháp lý, do đó hiệu quả hoạt động còn thấp.
Thứ ba, trợ giúp viên pháp lý chưa thực sự chuyên nghiệp trong tham gia tố tụng. Số lượng vụ việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý còn thấp, cá biệt vẫn còn một số địa phương trợ giúp viên pháp lý chưa tham gia tố tụng.
Thứ tư, nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý còn nhiều bất cập. Một số địa phương bố trí cán bộ không có bằng cử nhân luật làm việc tại Trung tâm gây khó khăn trong việc tạo nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý. Hiện nay, sự phân bổ đội ngũ luật sư không đồng đều giữa các vùng, miền trên toàn quốc; chất lượng của đội ngũ luật sư còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.
Thứ năm, kinh phí bảo đảm cho công tác trợ giúp pháp lý còn hạn chế và phân bổ các khoản chi chưa hợp lý. Bên cạnh đó, nội dung chi của nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020 và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020 chưa có nội dung chi cho thực hiện vụ việc, mà chỉ chi cho các hoạt động hỗ trợ công tác trợ giúp pháp lý. Cơ chế phối hợp giữa cơ quan tư pháp và cơ quan tài chính ở địa phương trong quá trình triển khai chưa nhịp nhàng; việc kiểm tra, giám sát các hoạt động chỉ mang tính chất hậu kiểm, chưa kiểm soát được trong quá trình thực hiện.
Thứ sáu, công tác xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý còn chậm, việc huy động nguồn lực con người và nguồn lực tài chính chưa hiệu quả. Số lượng luật sư là cộng tác viên tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý của Nhà nước không nhiều, chưa thường xuyên, tích cực, nhiều luật sư mới hành nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm và năng lực tham gia tố tụng còn hạn chế.
Thứ bảy, công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý còn thiếu sự kết nối giữa trung ương và địa phương trong việc nắm bắt tình hình tổ chức, hoạt động trợ giúp pháp lý của Trung tâm. Mặt khác, chưa có cơ chế điều phối nguồn nhân lực từ địa phương này sang địa phương khác để thực hiện vụ việc kịp thời, hiệu quả.
Thứ tám, chất lượng và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý còn nhiều bất cập. Thực tế, chất lượng một số vụ việc tham gia tố tụng còn yếu kém. Hơn nữa, chưa có cơ chế hữu hiệu nhằm đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý gắn với việc cấp kinh phí một cách hiệu quả, khách quan, chính xác.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác trợ giúp pháp lý, ngày 01/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 (sau đây gọi là Đề án). Đề án lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển công tác trợ giúp pháp lý trong thời gian tới. Đề án đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp trong công tác trợ giúp pháp lý nhằm mang lại lợi ích cho Nhà nước, xã hội và trực tiếp là đối tượng được thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý.
Đề án đưa ra mục tiêu tổng quát là đổi mới công tác trợ giúp pháp lý theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp cho đặc thù từng vùng, miền, khu vực, tiến tới sau năm 2025 người thực hiện trợ giúp pháp lý là luật sư hành nghề, bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, chất lượng tương đương với dịch vụ mà luật sư cung cấp trên thị trường; chuyển các Trung tâm theo hướng từ việc chủ yếu cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý như hiện nay thành cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của Nhà nước.
Bên cạnh những mục tiêu tổng quát mang tính chất định hướng chung cho công tác trợ giúp pháp lý trong thời gian tới, Đề án cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như:
- Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực:
+ Về hoạt động trợ giúp pháp lý: Tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng. Trung tâm chỉ thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý.
+ Về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý của Nhà nước trên cơ sở sắp xếp tổ chức các Trung tâm theo hướng tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế, giảm bớt chi phí bộ máy hành chính, tập trung nguồn lực cho việc nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, tăng cường hiệu quả quản lý, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu trợ giúp pháp lý, nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý của từng địa phương và huy động các tổ chức xã hội tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý; không thành lập mới chi nhánh của Trung tâm, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; thực hiện rà soát chi nhánh, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý để có giải pháp sáp nhập, giải thể.
Đề án đưa ra nhiệm vụ của Sở Tư pháp là đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng Đề án sắp xếp vị trí, việc làm của các công chức, viên chức trong Trung tâm cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong từng giai đoạn, bảo đảm Trung tâm có 02 thành phần gồm: Bộ phận trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý là các trợ giúp viên pháp lý và bộ phận quản lý nghiệp vụ, tạo tiền đề để chuyển các Trung tâm thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý ở giai đoạn sau.
Đề án cũng đã đưa ra phương án xử lý số biên chế dôi dư như tăng cường cho đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính của Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp cấp huyện, cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, bảo đảm tổng số biên chế của các Trung tâm trong toàn quốc giảm 15% so với giai đoạn trước khi thực hiện Đề án.
+ Về xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý: Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện nhằm thu hút đội ngũ luật sư có kinh nghiệm, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp thực hiện trợ giúp pháp lý như tăng mức bồi dưỡng theo vụ việc tố tụng cho luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Nhà nước; công bố rộng rãi danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức hành nghề luật sư được Nhà nước ký hợp đồng cung cấp dịch vụ công để người được trợ giúp pháp lý lựa chọn khi có nhu cầu.
+ Về nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý: Thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng với các hình thức phù hợp theo hướng chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tranh tụng cho trợ giúp viên pháp lý và đào tạo bồi dưỡng cho một số chuyên viên thành trợ giúp viên pháp lý theo yêu cầu của các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đội ngũ luật sư trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu trợ giúp pháp lý. Tăng mức bồi dưỡng vụ việc tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý bằng 40% mức chi trả tiền bồi dưỡng theo vụ việc đối với các luật sư. Đồng thời, xây dựng cơ chế chuyển đổi các trợ giúp viên pháp lý đã tham gia tố tụng đạt chỉ tiêu vụ việc được giao hàng năm và bảo đảm chất lượng thành luật sư (nếu có nguyện vọng) không phải qua đào tạo nghề luật sư và tập sự hành nghề luật sư, các luật sư này sẽ được Nhà nước ưu tiên ký hợp đồng để thực hiện trợ giúp pháp lý.
+ Về mô hình quản lý trợ giúp pháp lý: Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý ở trung ương để thực hiện điều phối cho công tác trợ giúp pháp lý. Bộ Tư pháp (cụ thể là Cục Trợ giúp pháp lý) thực hiện hỗ trợ, điều phối nguồn lực đối với các vụ việc trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực tố tụng.
+ Về quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý: Ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng cơ sở dữ liệu để thực hiện quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; ban hành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý và tiêu chí thi đua xếp hạng cho các Trung tâm, trợ giúp viên pháp lý; tăng cường việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra; thực hiện chi thẩm định vụ việc và chi đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng.
+ Về kinh phí: Ở Trung ương, bảo đảm nguồn ngân sách hằng năm và kinh phí theo các chính sách về trợ giúp pháp lý để chi cho các hoạt động, nhiệm vụ trong Đề án. Ở địa phương, ngoài nguồn được hỗ trợ từ trung ương, ngân sách địa phương có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho Trung tâm (trong đó, chi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý ít nhất bằng 50% tổng kinh phí nghiệp vụ trợ giúp pháp lý do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp hàng năm).
+ Về xây dựng, hoàn thiện thể chế về trợ giúp pháp lý: Nghiên cứu, xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
- Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của giai đoạn từ khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực đến năm 2025:
+ Về hoạt động, đối tượng được trợ giúp pháp lý: Thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính; cung cấp dịch vụ đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn pháp luật tiền tố tụng; mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý.
+ Về mô hình, tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước: Tiếp tục duy trì Trung tâm ở các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn như giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực, tăng cường năng lực cho các trợ giúp viên pháp lý, đồng thời có lộ trình chuyển Trung tâm thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, dịch vụ trợ giúp pháp lý vào năm 2025.
+ Về người thực hiện trợ giúp pháp lý: Trước năm 2025, người thực hiện trợ giúp pháp lý là trợ giúp viên pháp lý và luật sư. Nhà nước ký hợp đồng dài hạn với luật sư (luật sư công thực hiện trợ giúp pháp lý) hoặc hợp đồng vụ việc với luật sư hành nghề cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý. Sau năm 2025, người thực hiện trợ giúp pháp lý là luật sư.
Từ sau năm 2025, thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), xã hội hóa hoàn toàn công tác trợ giúp pháp lý, Nhà nước chỉ giữ vai trò quản lý, điều phối nguồn lực bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, có chất lượng.
Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp