Abstract: Vietnamese civil law relies upon conditions as events in regulations on conditional civil transactions and conditional contracts in order to classify conditional civil transactions. This classification is, however, incomplete and inconsistent between regulations. Therefore, the author deeply analyzes conditional civil transactions which may arise in the practice.
Giao dịch dân sự có điều kiện xuất hiện từ rất sớm trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở nguyên tắc tự do ý chí và thiện chí, trung thực của các bên thì điều kiện này được các bên xác lập trong giao dịch sẽ ràng buộc trách nhiệm của các bên cao hơn.
1. Phân loại căn cứ vào khái niệm giao dịch dân sự
Khái niệm giao dịch dân sự được quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015. Giao dịch dân sự có điều kiện được phân loại thành hợp đồng dân sự có điều kiện và hành vi pháp lý đơn phương có điều kiện.
1.1. Hợp đồng dân sự có điều kiện
Hợp đồng dân sự có điều kiện trước năm 1995 được xác định là khế ước may rủi, là khế ước mà sự thể hiện và hậu quả tuỳ thuộc vào một sự kiện không chắc có xảy ra đến hay không[1]. Từ năm 2005 đến nay thì hợp đồng dân sự có điều kiện được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự. Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định[2]. Quy định này xác định hợp đồng dân sự có điều kiện là “hợp đồng có điều kiện”. Như vậy, hợp đồng có điều kiện bao gồm hợp đồng dân sự và các hợp đồng khác có thêm điều kiện trong hợp đồng. Tuy nhiên, quy định này cho thấy, các bên chỉ được quyền thỏa thuận “một sự kiện nhất định” và hạn chế quyền thỏa thuận của các bên. Theo tác giả Phạm Công Lạc thì: “Hợp đồng có điều kiện là những hợp đồng trong đó các bên thỏa thuận về một hoặc nhiều sự kiện là điều kiện mà khi sự kiện đó xảy ra hoặc không xảy ra thì hợp đồng được coi là phát sinh hay chấm dứt hiệu lực”[3]. Điều này có nghĩa là các bên có quyền thỏa thuận không chỉ một sự kiện mà có thể nhiều sự kiện. Do đó, hợp đồng có điều kiện được hiểu là giao dịch phụ thuộc vào điều kiện làm phát sinh, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên hoặc hành động của các bên. Cách hiểu này có sự tương đồng với pháp luật của một số quốc gia. Ví dụ như ở Nga, hợp đồng có điều kiện là một trong các giao dịch được quy định trong pháp luật của Nga, trong đó việc bắt đầu hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết được áp dụng phụ thuộc vào một sự kiện hoặc hành động của các bên ký hợp đồng, nhưng đôi khi cũng là của người thứ ba[4]. Hay theo Luật hợp đồng của Trung Quốc thì hợp đồng có điều kiện là việc đương sự có thể thỏa thuận điều kiện phụ thêm về hiệu lực của hợp đồng. Vì vậy, theo tác giả, không nên đưa ra giới hạn sự kiện được xác lập trong hợp đồng dân sự có điều kiện.
1.2. Hành vi pháp lý đơn phương có điều kiện
Hành vi đơn phương do ý chí độc nhất của một người mà có[5]. Hành vi pháp lý đơn phương được coi là một trong những căn cứ xác lập quyền dân sự nhưng lại chưa được quy định một cách cụ thể trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Thông thường, hành vi pháp lý đơn phương do một chủ thể thực hiện (ví dụ: Lập di chúc, từ chối việc hưởng di sản…), nhưng cũng có thể do nhiều chủ thể cùng thể hiện ý chí trong giao dịch đó (ví dụ hai cá nhân, hai tổ chức cùng tuyên bố hứa thưởng…). Trong nhiều trường hợp, hành vi pháp lý đơn phương chỉ phát sinh hậu quả pháp lý khi có những điều kiện nhất định do người xác lập giao dịch đưa ra cho người khác. Những người này phải đáp ứng được các điều kiện đó mới làm phát sinh nghĩa vụ của người xác lập giao dịch[6]. Hành vi pháp lý đơn phương có điều kiện chỉ phù hợp với di chúc và được gọi là di chúc có điều kiện. Do vậy, hành vi pháp lý đơn phương có điều kiện là phụ thuộc vào điều kiện do người xác lập đưa ra cho người khác nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của bên còn lại trong quan hệ. Nhưng bên còn lại của giao dịch có thể tham gia hoặc không tham gia giao dịch. Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan hoặc khách quan.
2. Phân loại dựa vào sự kiện được xác lập trong giao dịch dân sự có điều kiện
Bộ luật Dân sự năm 2015 xác nhận có điều kiện phát sinh và điều kiện huỷ bỏ. Nhưng hai điều kiện này chưa được làm rõ và nhiều nhà nghiên cứu còn bày tỏ quan điểm khác nhau với cách phân loại này.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, tồn tại ba loại giao dịch dân sự có điều kiện, đó là: Giao dịch dân sự có điều kiện phát sinh, giao dịch dân sự có điều kiện thay đổi, giao dịch dân sự có điều kiện chấm dứt[7].
Quan điểm thứ hai cho rằng, giao dịch dân sự có điều kiện gồm: Giao dịch dân sự có điều kiện phát sinh, giao dịch dân sự có điều kiện thực hiện và giao dịch dân sự có điều kiện hủy bỏ[8].
Tác giả ủng hộ cách phân loại thứ hai bởi những lý do sau: Thứ nhất, cách sử dụng thuật ngữ có sự thống nhất giữa “phát sinh” và “hủy bỏ”. Thứ hai, điều kiện thay đổi được hiểu như thế nào thì trong quan điểm thứ nhất chưa làm rõ. Theo tác giả, với điều kiện thay đổi có thể hiểu là điều kiện được xác lập trong giao dịch dân sự có điều kiện là một điều kiện sẽ có sự thay đổi so với ý chí của các bên trong quá trình xác lập. Vì vậy, khi điều kiện thay đổi xảy ra thì điều kiện theo ý chí của các bên không thỏa mãn và như vậy giao dịch dân sự có điều kiện không tồn tại. Đồng nghĩa với việc xác định điều kiện thay đổi sẽ tương đương với điều kiện hủy bỏ giao dịch dân sự có điều kiện.
2.1. Giao dịch dân sự có điều kiện phát sinh
Giao dịch dân sự có điều kiện phát sinh hay còn gọi là điều kiện đình chỉ. Điều kiện đình chỉ được hiểu là khi mà chưa chắc chắn là biến cố xảy ra, người ta nói là điều kiện chưa thực hiện[9]. Hay điều kiện đình chỉ còn được hiểu là điều kiện kèm theo sự thi hành nghĩa vụ và sự tồn tại của nghĩa vụ, đó là điều kiện đình chỉ. Ví dụ: A sẽ mua con ngựa của B nếu nó thắng một cuộc đua nào đó[10]. Với cách giải thích theo quan điểm trên, ta thấy rằng, điều kiện phát sinh dựa vào một sự kiện chưa chắc chắn và chưa thực hiện tại thời điểm xác lập giao dịch dân sự có điều kiện. Nghĩa là hiệu lực của giao dịch dân sự có điều kiện chưa phát sinh và việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên trong giao dịch chưa thể thực hiện được bởi còn phụ thuộc vào điều kiện phát sinh được thỏa thuận trong giao dịch dân sự có điều kiện. Chỉ khi nào điều kiện phát sinh này xảy ra thì giao dịch mới phát sinh và quyền, nghĩa vụ của các bên sẽ bắt đầu được thực hiện. Ngược lại nếu điều kiện phát sinh không đạt được thì coi như giao dịch chưa xảy ra.
2.1. Giao dịch dân sự có điều kiện thực hiện
Khi điều kiện thực hiện chưa xảy ra, hợp đồng có giá trị pháp lý và ràng buộc các bên như hợp đồng thông thường nhưng bên phải thực hiện không phải (chưa phải) thực hiện. Do đó, chưa thể làm phát sinh hệ quả của việc vi phạm thực hiện hợp đồng[11]. Với điều kiện thực hiện này cần phân biệt với điều kiện là công việc phải thực hiện. Nếu với điều kiện là công việc phải thực hiện thì công việc này luôn gắn liền với các bên trong giao dịch, cụ thể là bên thụ hưởng phải làm công việc mà bên có quyền yêu cầu. Còn với điều kiện thực hiện thì có thể hiểu rằng việc thực hiện này sẽ do bên thứ ba thực hiện. Giả sử như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi rằng nếu bên A làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ nhận được số tiền còn lại. Vậy việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bên A là điều kiện bên A cần thực hiện và để thực hiện sẽ căn cứ vào cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xem xét. Nếu rơi vào trường hợp đất vườn thì không thể xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở được. Và do đó, điều kiện thực hiện này không thoả mãn và coi như giao dịch dân sự có điều kiện thực hiện không tồn tại.
2.2. Giao dịch dân sự có điều kiện hủy bỏ
Điều kiện hủy bỏ có nhiều tên gọi khác nhau như điều kiện giải tiêu, điều kiện chấm dứt. Và cũng có nhiều cách giải thích khác nhau về điều kiện này. Điều kiện hủy bỏ hay còn được gọi là điều kiện giải tiêu. Điều kiện này được hiểu là các đương sự thỏa thuận là hành vi pháp lý sẽ mất hiệu lực nếu biến cố dự liệu xảy ra... Ví dụ: Một công chức mua một ngôi nhà để ở với điều kiện giải tiêu nếu bị đuổi đi nơi khác[12]. Một điều kiện khác lại hủy bỏ nghĩa vụ đã được hình thành, đó là điều kiện hủy bỏ. Ví dụ: A mua con ngựa của B, nhưng việc mua bán sẽ bị hủy bỏ nếu nó không thắng một cuộc đua nào[13]. Hay giao dịch dân sự có điều kiện hủy bỏ là khi điều kiện này xảy ra thì giao dịch đang tồn tại hợp pháp coi như không còn tồn tại nữa do bị triệt tiêu. Do đó, hợp đồng bị hủy bỏ nên áp dụng cơ chế của hợp đồng bị hủy bỏ. Trên thực tế, việc xác định bản chất của điều kiện lại không đơn giản[14]. Vì vậy, giao dịch dân sự có điều kiện hủy bỏ là trường hợp ngược lại của giao dịch dân sự có điều kiện phát sinh. Có nghĩa là giao dịch dân sự có điều kiện đã phát sinh hiệu lực và các bên thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch đó theo thời hạn đã được xác định. Tuy nhiên, nếu điều kiện hủy bỏ được xác định trong giao dịch xảy ra thì hợp đồng đang được thực hiện sẽ bị chấm dứt và quyền, nghĩa vụ của các bên sẽ bị xoá bỏ.
3. Phân loại dựa vào đối tượng là công việc - điều kiện của giao dịch dân sự có điều kiện
Điều 281 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ về nghĩa vụ phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc nhất định. Trên cơ sở điều luật trên, tác giả nhận thấy, giao dịch dân sự có điều kiện có thể phân loại thành giao dịch dân sự có công việc phải thực hiện và giao dịch dân sự có công việc không được thực hiện.
3.1. Giao dịch dân sự có điều kiện là công việc phải thực hiện
Giao dịch dân sự có điều kiện là công việc phải thực hiện nghĩa là trong giao dịch có quy định về một công việc mà bên thụ hưởng phải làm thì bên có quyền sẽ trao lợi ích. Thông thường, những giao dịch dân sự có điều kiện là công việc phải thực hiện thường được ghi nhận trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất như làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ hoàn tất thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hoặc trong chúc thư thì thường người lập di chúc để lại điều kiện như chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng yêu cầu người hưởng di sản phải chăm lo, chăm sóc cho một ai đó hoặc cải tạo vườn ao... Tuy nhiên, công việc được thực hiện cũng cần phải xem xét phù hợp chứ không nên chỉ dựa vào quyền tự do ý chí của bên có quyền. Bởi có thể công việc được đưa ra vượt quá khả năng của bên thụ hưởng. Ví dụ như cho hưởng 10 triệu nhưng phải trả nợ 20 triệu thì điều kiện này đưa ra không đảm bảo lợi ích cho bên thụ hưởng. Vì vậy, trường hợp điều kiện là một công việc phải thực hiện thì công việc phải khả thi (tức có thể thực hiện được), nằm trong khả năng của người thụ hưởng và không ảnh hưởng tới lợi ích của người thụ hưởng.
3.2. Giao dịch dân sự có điều kiện là công việc không được thực hiện
Giao dịch dân sự có điều kiện là công việc không được thực hiện nghĩa là trong giao dịch có quy định về việc không được thực hiện một công việc và bên có quyền trao lợi ích cho bên thụ hưởng nếu bên thụ hưởng không làm việc đó. Giả sử như chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không được bán, bán ô tô nhưng không được đi cầm cố, thế chấp. Đối với điều kiện là công việc không được thực hiện sẽ căn cứ vào việc không hành động của bên thụ hưởng trong thời gian được hưởng tài sản. Ví dụ, B chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất cho A với điều kiện A không được làm hàng rào quanh nhà. Trong trường hợp A không hành động làm hàng rào thì A sẽ được quyền sử dụng mảnh đất đó. Chỉ khi A hành động làm hàng rào thì quyền sử dụng mảnh đất trên sẽ chấm dứt. Nhưng để xem xét hành vi không hành động của bên thụ hưởng còn cần dựa trên cơ sở có người làm chứng hoặc có chứng cứ chứng minh. Đối với trường hợp này thì giới hạn của điều kiện là công việc không được thực hiện không cần đặt ra, bởi việc này phụ thuộc vào quyền lựa chọn của bên thụ hưởng.
4. Phân loại dựa vào thời điểm xảy ra điều kiện trong giao dịch dân sự có điều kiện
Đối với cách phân loại này để xác định trực tiếp trong văn bản pháp luật sẽ rất khó. Thông qua khoản 1 Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho”. Cách phân loại này không chỉ áp dụng cho tặng cho tài sản như quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Bởi với cách phân loại này thì trong những hợp đồng thương mại cũng thường được quy định như hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng góp vốn. Do đó, theo tác giả cần bổ sung phân loại dựa vào thời điểm điều kiện xảy ra trong giao dịch dân sự có điều kiện.
4.1. Giao dịch dân sự có điều kiện xảy ra trước
Đối với giao dịch dân sự có điều kiện xảy ra trước được hiểu là phải thực hiện nghĩa vụ trước khi chuyển giao quyền. Theo Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan quy định: “Một hành vi pháp lý có điều kiện xảy ra trước có hiệu lực khi điều kiện đó được hoàn hành”[15]. Nếu bên có nghĩa vụ đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên có quyền không giao tài sản thì phải thanh toán nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ đã thực hiện. Vì vậy, với giao dịch dân sự có điều kiện xảy ra trước sẽ làm cho giao dịch này chưa phát sinh hiệu lực. Trường hợp bên có nghĩa vụ đã hoàn thành điều kiện thì bên có quyền không bắt buộc phải chuyển giao tài sản mà thay vào đó có thể thanh toán nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ đã thực hiện.
4.2. Giao dịch dân sự có điều kiện xảy ra sau
Ngược lại với điều kiện xảy ra trước thì điều kiện xảy ra sau nghĩa là các bên đã đưa ra những sự kiện có khả năng xảy ra trong tương lai gần và các bên chuyển giao quyền cho nhau trước khi sự kiện đó xảy ra. Theo Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan quy định: “Một hành vi pháp lý có điều kiện xảy ra sau sẽ hết hiệu lực khi điều kiện đó được hoàn thành”[16]. Giả sử như A bán cho B một xe máy với điều kiện rằng sau khi nhận, B sử dụng và không được bán xe máy. Để nhận được tài sản thì bên có nghĩa vụ phải hoàn thành điều kiện, do đó, nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện điều kiện đồng nghĩa với việc họ không được nhận tài sản và phải trả lại cho bên có quyền.
5. Kết luận
Dựa trên những cách xác định và phân loại giao dịch dân sự có điều kiện nêu trên, tác giả thấy rằng, Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa có quy định thống nhất điều kiện được xác lập trong giao dịch dân sự có điều kiện. Thứ nhất, chưa có quy định hành vi pháp lý đơn phương có điều kiện (như di chúc có điều kiện) trong khái niệm giao dịch dân sự có điều kiện. Thứ hai, chưa quy định thống nhất giữa các điều kiện phát sinh, hủy bỏ trong giao dịch dân sự có điều kiện (quy định chung) với điều kiện phát sinh, thay đổi, chấm dứt trong hợp đồng có điều kiện (quy định riêng biệt). Vì vậy, dựa trên cách phân loại các điều kiện được xác lập trong giao dịch dân sự có điều kiện, tác giả đưa ra một số định hướng với giao dịch dân sự có điều kiện như sau:
Một là, giao dịch dân sự có điều kiện được hiểu là việc bắt đầu hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết được áp dụng phụ thuộc vào một sự kiện hoặc hành động của các bên ký hợp đồng, nhưng đôi khi cũng là của người thứ ba.
Hai là, các bên có quyền đưa ra một hoặc nhiều điều kiện trong giao dịch dân sự có điều kiện.
Bà là, điều kiện được xác định trong giao dịch dân sự có điều kiện là điều kiện hợp pháp hoặc điều kiện không trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội. Trường hợp trái pháp luật hoặc trái trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội thì giao dịch dân sự có điều kiện bị vô hiệu.
Bốn là, quy định cụ thể, rõ ràng và sử dụng thống nhất điều kiện phát sinh, điều kiện thực hiện và điều kiện hủy bỏ trong giao dịch dân sự có điều kiện.
Đại học Thương mại Hà Nội
[1]. Điều thứ 658, Dân Luật Sài Gòn năm 1973.
[2]. Khoản 6 Điều 402 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3]. ThS. Phạm Công Lạc, Về điều kiện trong các hợp đồng có điều kiện, Tạp chí Luật học, số 01/1995, trang 29 - 32.
[4]. Vladimir Orlov, Introduction to Business Law in Russia, năm 2011.
[5]. TS. Nguyễn Quang Quỳnh, Dân luật, quyển 1, năm 1967, trang 118.
[6]. PGS.TS. Hoàng Thế Liên, Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2005, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, năm 2008, trang 282.
[7]. ThS. Phạm Công Lạc, Góp ý dự thảo Bộ luật dân sự về giao dịch dân sự có điều kiện, Tạp chí Luật học, số 02/1995, trang 52 - 53.
[8]. PGS.TS. Đỗ Văn Đại, Sách chuyên khảo: Luật hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2010.
[9]. TS. Nguyễn Quang Quỳnh, tlđd, trang 125.
[10]. TS. Nguyễn Mạnh Bách, Pháp luật về hợp đồng, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, năm 1995, trang 148 - 149.
[11]. PGS.TS. Đỗ Văn Đại, tlđd.
[12]. TS. Nguyễn Quang Quỳnh, tlđd, trang 125.
[13]. TS. Nguyễn Mạnh Bách, tlđd, trang 148 - 149.
[14]. PGS.TS. Đỗ Văn Đại, tlđd.
[15]. Điều 145 Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan.
[16]. Điều 145 Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan.