Đạo luật GI bảo vệ lợi ích của người sản xuất thông qua việc thiết lập hệ thống bảo vệ chỉ dẫn địa lý, qua đó góp phần vào sự phát triển lành mạnh của ngành nông, lâm, ngư nghiệp và cũng để bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng. Theo Đạo luật GI, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần đáp ứng được điều kiện: Sản phẩm gắn với nguồn gốc địa lý và chất lượng, danh tiếng của sản phẩm do chính điều kiện địa lý quyết định.
1. Quy định của pháp luật Nhật Bản về bảo hộ chỉ dẫn địa lý
1.1. Theo pháp luật Nhật Bản
- Về điều kiện đăng ký chỉ dẫn địa lý: Chỉ dẫn địa lý là tên của sản phẩm mà chất lượng, danh tiếng và các đặc điểm khác đã được thiết lập về cơ bản là do nguồn gốc địa lý. Thuật ngữ “chỉ dẫn địa lý” được sử dụng trong Đạo luật GI có nghĩa là chỉ dẫn tên của các sản phẩm và thực phẩm nông, lâm, thủy sản cụ thể (Điều 2 (4)).
- Sản phẩm và thực phẩm nông, lâm, thủy sản là bất kỳ sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là thực phẩm thuộc các mặt hàng như: (i) Các sản phẩm được sản xuất tại một địa điểm, khu vực hoặc quốc gia cụ thể; (ii) Các sản phẩm có chất lượng, danh tiếng hoặc các đặc tính (characteristic) đã được thiết lập khác (sau đây được gọi đơn giản là “đặc tính”) về cơ bản được quy định liên quan đến nơi sản xuất sản phẩm (Điều 2 (2) Đạo luật GI).
- Về nộp đơn đăng ký bảo hộ: Đạo luật GI của Nhật Bản cho phép một nhóm các nhà sản xuất[1] gửi đơn lên Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản để đăng ký tên của một sản phẩm, chẳng hạn như một sản phẩm nông nghiệp, cùng với các tiêu chí như vùng sản xuất, chất lượng, phương thức sản xuất.
- Đạo luật GI quy định rất chi tiết sản phẩm được đăng ký bảo hộ GI phải bảo đảm “đặc điểm kỹ thuật” đối với các sản phẩm nông nghiệp, lâm sản và thủy sản và thực phẩm như: Nơi sản xuất, đặc tính, phương thức sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thực phẩm (Điều 7).
- Khi sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, phải gắn chỉ dẫn địa lý cụ thể liên quan đến sản phẩm nông, lâm, thủy sản và thực phẩm hoặc một chỉ dẫn tương tự đối với các sản phẩm nông nghiệp, lâm sản và thủy sản và thực phẩm được sản xuất hoặc chế biến bằng nông nghiệp trên bao bì sản phẩm (Điều 3 (4) Đạo luật GI).
Đạo luật GI bảo vệ chỉ dẫn địa lý như một quyền sở hữu trí tuệ bằng cách cho phép hiển thị tên được liên kết với vùng sản xuất (ví dụ: “Dưa Yubari” đối với các loại dưa trồng ở Yubari, Hokkaido) trên sản phẩm. Khi đăng ký, Chính phủ kiểm tra xem các đặc tính của sản phẩm có được quy định cho khu vực sản xuất, và ngay cả sau khi được đăng ký bảo hộ, sẽ vẫn tiếp tục xác nhận rằng các quy trình sản xuất tiếp tục đáp ứng các tiêu chí đã thiết lập.
Để chứng minh rằng sản phẩm là chính hãng đã đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhóm nhà sản xuất hiển thị dấu chỉ dẫn địa lý, cùng với chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm. Chỉ dẫn địa lý trái phép (bao gồm các dấu hiệu tương tự) phải tuân theo quy định của Chính phủ, bao gồm cả các hình phạt. Ví dụ, nhãn “Dưa Yubari” không được hiển thị trên dưa được sản xuất ở tỉnh khác. Hạn chế này cũng áp dụng ngay cả nếu nhãn ghi rõ khu vực sản xuất thực tế, ví dụ: “Quận XX sản xuất dưa Yubari.” Theo hệ thống, các sản phẩm đích thực đã nhận được con dấu phê duyệt của Chính phủ, nhằm mục đích bảo đảm chất lượng sản phẩm và phương thức sản xuất, được phân phối trên thị trường. Vì những sản phẩm đó có thể khác biệt với các sản phẩm tương tự khác, giá trị thị trường của các sản phẩm đã đăng ký GI có thể được mong đợi[2].
1.2. Theo thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản
- Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản được thể hiện trong Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
- Với mục tiêu thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cục Công nghiệp Thực phẩm (Nhật Bản) ký ngày 02/6/2017, Dự án Hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Nhật Bản thuộc Chương trình phát triển tài sản sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Dự án là một trong những thành tựu mà Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được trong việc triển khai mối quan hệ hợp tác song phương sâu rộng.
- Theo Dự án, thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột và vải thiều Lục Ngạn được chọn làm “đại sứ văn hóa đặc biệt” để quảng bá chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đến người tiêu dùng Nhật Bản.
Các sản phẩm này được lựa chọn để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản dựa trên các tiêu chí nhất định, bao gồm: Mức độ ưu tiên và cam kết giữa hai Chính phủ trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản; tiềm năng xuất khẩu và khả năng đáp ứng các rào cản kỹ thuật, đặc biệt là yêu cầu về an toàn thực phẩm của sản phẩm; sự sẵn sàng của hồ sơ phù hợp với yêu cầu của Nhật Bản; sự sẵn có của sản phẩm và sự hỗ trợ của chính quyền/doanh nghiệp/người dân địa phương đối với việc đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
- Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã tiến hành một số bước, bao gồm thu thập thông tin; sàng lọc sơ bộ sản phẩm và thăm quan tận nơi. Các chuyên gia sở hữu trí tuệ đã khảo sát quy mô sản xuất, năng suất, thị trường sản phẩm, giá bán trên thị trường trong nước và quốc tế; sự sẵn có của sản phẩm để xuất khẩu sang Nhật Bản; mong muốn của chính quyền địa phương/doanh nghiệp/người dân trong việc xin đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản; quy trình sản xuất do cơ quan có thẩm quyền quản lý và đặc biệt là thực hành sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vì yêu cầu nghiêm ngặt của Nhật Bản về an toàn thực phẩm. Với những kết quả đạt được, 03 sản phẩm nêu trên đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam lựa chọn để đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Dự án sẽ hỗ trợ các sản phẩm đó trong việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký để tuân thủ các quy định của Nhật Bản về bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Cùng với việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký, Dự án cũng hỗ trợ 03 sản phẩm đó trong việc hoàn thiện quy tắc quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn hóa quy trình kỹ thuật... Các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Dự án sẽ tư vấn, hướng dẫn nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của thị trường Nhật Bản. Dự án cũng sẽ cung cấp các nghiên cứu tại chỗ cho các chuyên gia Nhật Bản về các lĩnh vực địa lý sau khi đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý của sản phẩm được nộp tại Nhật Bản[3].
2. Cơ hội và thách thức đặt ra đối với sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản
2.1. Cơ hội
Nhật Bản là thị trường nhiều tiềm năng đối với nông sản của Việt Nam. Trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi hội tụ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm trong đó có nông sản sang Nhật Bản như: (i) Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản được triển khai đồng bộ từ năm 2010 đến nay với điểm mấu chốt quan trọng là việc giảm thuế mạnh mẽ các mặt hàng nông sản xuất khẩu vào Nhật Bản; (ii) Sự ưa chuộng nông sản nhiệt đới của thị trường Nhật Bản do sự khác biệt giữa các mùa vụ, chủng loại; (iii) Nhu cầu nhập khẩu nông sản của Nhật Bản gia tăng, việc Chính phủ Nhật Bản thông qua Đạo luật GI là một yếu tố thuận lợi gia tăng cho quá trình xuất khẩu các sản phẩm chỉ dẫn địa lý của Việt Nam vào Nhật Bản[4].
Ở một khía cạnh khác, để bảo đảm được mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm chỉ dẫn địa lý của Việt Nam vào Nhật Bản, các sản phẩm của Việt Nam cần đáp ứng được các tiêu chuẩn bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe của thị trường Nhật Bản cũng như cần phân tích, đánh giá các quy định pháp luật về quảng cáo, tiếp thị và bán sản phẩm hàng hóa tại Nhật Bản.
Trường hợp vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), thanh long Bình Thuận là một minh chứng điển hình. Giống như một “tấm giấy thông hành”, nhờ chỉ dẫn địa lý, quả vải, quả thanh long đã “thâm nhập” được vào nhiều thị trường khó tính như: Australia, Pháp, Mỹ, Nhật Bản… Việc quả vải thiều Bắc Giang - sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, tiếp đến là thanh long Bình Thuận đã đánh dấu bước tiến lớn, thiết lập một thành tựu mới trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, mang lại những cơ hội cho sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam như:
Thứ nhất, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa vải thiều, thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.
Thứ hai, việc Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận cho thấy nền nông nghiệp Việt đã chuyển mình; khẳng định doanh nghiệp và người dân Việt Nam có đủ năng lực, sẵn sàng sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng được điều kiện và tiêu chuẩn của những quốc gia khó tính nhất thế giới.
Thứ ba, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản đang là một hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi, nâng cao giá trị hàng hoá trong nước, đem lại nhiều lợi ích kinh tế, tạo cơ hội xúc tiến xuất khẩu cho các nông sản, đặc sản ra thị trường nước ngoài làm tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ tư, bản thân doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất và người dân cần thiết phải liên tục cải tiến sản phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, có như thế mới giữ vững được danh tiếng của sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Thứ năm, sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, diện tích trồng vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận đã được mở rộng. Năm 2020, tổng diện tích trồng vải của toàn huyện Lục Ngạn là 15.290 héc ta, trong đó có hơn 11.700 héc ta trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Năm 2021, diện tích trồng vải thiều của huyện tăng thêm 160 héc ta (đạt hơn 15.400 héc ta), trong đó diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP là hơn 12.700 héc ta[5]. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng đối với người dân trồng vải.
2.2. Thách thức
- Các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành của địa phương có sản phẩm được bảo hộ. Đó là, hằng năm phải đánh giá nội bộ chất lượng sản phẩm theo tiêu chí chỉ dẫn địa lý được bảo hộ và cập nhật thường xuyên lên hệ thống để các đối tác thu mua sản phẩm nắm được.
- Để có các chỉ tiêu tốt, phải có sản phẩm tốt và điểm quan trọng nhất vẫn là người dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất để tạo ra sản phẩm vừa có mã đẹp mà chất lượng vẫn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Như vậy, trách nhiệm của người sản xuất phải được nâng cao, từ đó quyết định đến chất lượng sản phẩm, yếu tố cốt lõi để phát huy giá trị sau bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
- Quá trình đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận ở Nhật Bản là một trong số những trường hợp thực tế cho thấy, việc thiếu nghiên cứu khoa học đã ảnh hưởng tới cơ hội phát triển vải thiều nói riêng và các loại nông sản nói chung như thế nào. Trên thực tế, người tiêu dùng đánh giá nông sản này, nông sản kia của Việt Nam ngon hơn, hoặc thậm chí ngon nhất so với các nước trong khu vực. Nhưng không có căn cứ chứng minh cho nhận định trên nếu không có kết quả nghiên cứu định lượng để chứng minh thì chỉ là đánh giá cảm tính từ người tiêu dùng. Như vậy, chúng ta thiếu hệ thống áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản phẩm thông qua các kết quả nghiên cứu, phân tích, đánh giá sản phẩm từ sự thay đổi các thành phần chất dinh dưỡng theo thời điểm sinh trưởng, thời điểm thu hoạch, các hoạt chất trong quả... Việc hiểu rõ bản chất khoa học của cây vải là nền tảng quan trọng để tìm ra phương pháp bảo quản, cách chế biến sâu hoặc những phương thức khác giúp gia tăng giá trị cho vải thiều. Bởi vậy, nếu không đầu tư nghiên cứu thì rất khó áp dụng được cho những sản phẩm tiếp theo muốn vươn ra thị trường quốc tế.
- Hiện nay, khá ít nông sản Việt được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, chúng ta nên quan tâm hơn đến các sản phẩm nông sản Việt Nam.
- Trong quá trình xây dựng những bộ chỉ tiêu liên quan đến đánh giá về điều kiện tự nhiên của vùng trồng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), hoặc vùng trồng thanh long Bình Thuận đều đề cập đến các chỉ tiêu của sản phẩm. Ví dụ như quả vải thiều liên quan đến tổng lượng đường, tính chất hình thái của quả vải và nhiều vấn đề khác, Nhật Bản đòi hỏi sự phân tích, đánh giá chính xác. Những sự phân tích đó không chỉ dừng lại ở bản thân quả vải thiều Lục Ngạn mà còn phải đánh giá so với những sản phẩm tương tự ở những vùng khác nhau. Dẫn đến khó khăn là làm sao chứng minh được tính chất, chất lượng đặc thù của bản thân sản phẩm đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Nội dung này sẽ gắn với yếu tố địa lý tự nhiên liên quan đến độ dốc, lượng mưa, thổ nhưỡng và nhiều yếu tố khác. Một yếu tố khác nữa là về con người liên quan đến kỹ năng, quy trình sản xuất truyền thống đối với các sản phẩm. Vì vậy, quy trình đăng ký chỉ dẫn địa lý phải làm rõ được mối quan hệ của các yếu tố tự nhiên và con người đó gắn với sản phẩm, chỉ rõ được các yếu tố đó tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý như thế nào.
Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài rất quan trọng, bảo đảm cho sự phát triển của sản phẩm Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Trên thực tế nếu không đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài thì sản phẩm của chúng ta khi xuất khẩu sẽ bị ngăn cản bởi hàng rào kỹ thuật. Đây là vấn đề cần phải quan tâm trong thời gian tới, theo đó, cần hướng dẫn, giúp các địa phương, làng nghề có đặc sản tiến hành thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ ở các nước có thị trường xuất khẩu mạnh.
3. Một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Thứ nhất, về phía cơ quan nhà nước: Cần thành lập và đưa vào hoạt động các tổ chức hỗ trợ phát triển tại địa phương nhằm chủ động và nâng cao hiệu quả công tác tư vấn về việc chăm sóc sản phẩm sau thu hoạch. Cơ quan chức năng phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng giá trị thu nhập từ các sản phẩm được bảo hộ, để làm được điều này cần có sự đồng thuận và quan tâm đặc biệt của cơ quan chức năng, nhà khoa học, doanh nghiệp, người sản xuất. Đồng thời, tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc sản phẩm được bảo hộ nhằm tăng số hộ được cấp chứng nhận; đẩy mạnh việc dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm đúng tiêu chuẩn sản phẩm. Tư vấn, tuyên truyền cho người dân ý thức được tầm quan trọng của sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, đồng thời tổ chức tập huấn tuyên trền về quy trình canh tác, sản xuất, chăm sóc để sản phẩm bảo đảm chất lượng đặc thù của sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Thứ hai, các cơ quan nhà nước tại địa phương cần có chiến lược hỗ trợ và có chiến lược áp dụng quy trình khoa học công nghệ phục vào bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Thứ ba, để triển khai hiệu quả công tác bảo hộ chỉ dẫn địa lý, các địa phương cần chú trọng xây dựng kế hoạch nhằm thúc đẩy thị trường, đưa chỉ dẫn địa lý trở thành một dấu hiệu người tiêu dùng lựa chọn; tuyên truyền để người dân hiểu rõ giá trị của chỉ dẫn địa lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường, xử lý các hành vi xâm phạm về chỉ dẫn địa lý.
Thứ tư, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải đáp ứng các điều kiện quy định, từ đó duy trì danh tiếng, uy tín của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, bảo đảm người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm được bảo đảm về chất lượng và nguồn gốc địa lý đúng như quy định./.
Trường Đại học Luật, Đại học Huế