Tóm tắt: Quy định phạm vi chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng như việc đảm bảo sự cân bằng, hợp lý về lợi ích giữa các chủ thể trong quan hệ trách nhiệm sản phẩm. Bài viết sau đây sẽ góp phần làm rõ các quy định của pháp luật thế giới và pháp luật Việt Nam về phạm vi bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra.
Abstract: Provisions on liability scope of damage compensation may have great impact on interests of business organizations, individuals as well as ensure the balance, rationality of interests between subjects in product liability relationships. The paper may contribute to clearly making legal provisions in the world and in Vietnam on scope of damage compensation caused by defect products.
1. Quy định phạm vi bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra theo pháp luật của một số quốc gia trên thế giới
Trách nhiệm sản phẩm (TNSP) là một chế định pháp luật quan trọng ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển. Với quan niệm người tiêu dùng luôn ở vị trí yếu thế trong mối quan hệ với các chủ thể kinh doanh khi xảy ra rủi ro, thiệt hại trong quá trình sử dụng sản phẩm, các nhà lập pháp đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp khắc phục vấn đề này nhằm đảm bảo sự cân bằng hợp lý về lợi ích giữa người sử dụng, nhà sản xuất cũng như các chủ thể liên quan trong chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm cho thị trường, từ đó, dẫn đến sự ra đời của các quy định pháp luật về TNSP.
Theo nghĩa hẹp, có thể hiểu, TNSP là những hậu quả pháp lý bất lợi về vật chất mà tổ chức, cá nhân kinh doanh phải gánh chịu theo quy định của pháp luật do đã sản xuất, cung ứng các sản phẩm có khuyết tật cho xã hội. Những hậu quả pháp lý này phụ thuộc vào quy định trong pháp luật của mỗi quốc gia, nhưng thường bao gồm: (i) Trách nhiệm khắc phục khuyết tật của sản phẩm; (ii) Trách nhiệm thu hồi sản phẩm có khuyết tật; (iii) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) do sản phẩm có khuyết tật gây ra. Như vậy, nếu sản phẩm có khuyết tật đã gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng (NTD) thì nhà sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại xảy ra. Khi đó, vấn đề phạm vi chịu trách nhiệm BTTH được quy định như thế nào có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà sản xuất, kinh doanh, đến việc đảm bảo sự cân bằng hợp lý về lợi ích giữa các chủ thể trong quan hệ TNSP và cơ chế pháp lý được áp dụng để bảo vệ họ. Do đó, pháp luật về TNSP của các quốc gia luôn quy định rõ trong trường hợp sản phẩm có khuyết tật đã gây thiệt hại cho NTD thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với những loại thiệt hại nào.
Pháp luật của các quốc gia đều quy định TNSP chỉ áp dụng đối với các thiệt hại về tài sản và thiệt hại liên quan đến sức khỏe, tính mạng NTD, chứ không áp dụng đối với thiệt hại của chính sản phẩm có khuyết tật. Tuy nhiên, có quốc gia quy định phạm vi BTTH do sản phẩm có khuyết tật gây ra trong các đạo luật về TNSP hoặc bảo vệ quyền lợi NTD, có quốc gia quy định viện dẫn đến các quy định về BTTH của Bộ luật Dân sự; có quốc gia quy định thành nguyên tắc chung, có quốc gia quy định chi tiết, cụ thể các loại thiệt hại mà người bị thiệt hại có thể yêu cầu nhà sản xuất, kinh doanh bồi thường. Ở Hoa Kỳ, các quy định về TNSP xuất hiện đầu tiên trong “Restatement of The Law Second, Torts” năm 1965 do Viện Luật Hoa Kỳ biên soạn, sau đó là “Restatement of The Law Third, Torts: Products Liability” năm 1998. Trước đó, năm 1996, nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về TNSP ở tất cả các bang, Hoa Kỳ đã thông qua Luật chung về TNSP[1]. Trong đó, theo quy định tại Điều 101(6),(8),(12), thiệt hại được bồi thường do sản phẩm có khuyết tật gây ra bao gồm: “Thiệt hại kinh tế và thiệt hại phi kinh tế”. Trong đó, “thiệt hại kinh tế” là bất kỳ tổn thất tiền bạc nào nhằm khôi phục các thiệt hại xảy ra (bao gồm tổn thất về thu nhập hoặc những phụ cấp khác liên quan đến công việc, chi phí y tế, chi phí dịch vụ thay thế, chi phí do thiệt hại tính mạng, mất cơ hội kinh doanh hoặc công việc); “thiệt hại phi kinh tế” là những tổn thất không tính được thành tiền như sự đau đớn, đau khổ, khó chịu, phiền muộn về tinh thần, tình cảm, tổn thất về uy tín, danh dự, nhân phẩm… của người bị thiệt hại. Đáng chú ý, trong trường hợp có nhiều chủ thể cùng chịu trách nhiệm, Luật quy định: “Đối với các thiệt hại phi kinh tế, trách nhiệm của mỗi bị đơn được xác định cụ thể và không có sự liên đới. Mỗi bị đơn chỉ phải chịu trách nhiệm theo phần đối với những thiệt hại phi kinh tế theo tỷ lệ phần trăm trách nhiệm của mình đối với những thiệt hại xảy ra cho nguyên đơn mà bị đơn phải chịu trách nhiệm” (Điều 110).
Cùng với Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu đã quan tâm đến việc điều chỉnh trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm của mình từ khá sớm, đồng thời ký kết, ban hành nhiều văn bản về vấn đề này. Trong đó, Chỉ thị 85/374/EEC về TNSP[2] là văn bản pháp luật quan trọng nhất, nó tạo ra một quan niệm, nhận thức mới về TNSP. Chỉ thị này sau đó được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Chỉ thị 1999/34/EC với những nội dung mới, tiến bộ hơn. Theo Điều 9 Chỉ thị 85/374/EEC, thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra bao gồm: “(i) Thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe; (ii) Thiệt hại về các vật phẩm, tài sản khác ngoài sản phẩm có khuyết tật, với ngưỡng thấp hơn 500 ECU[3] và tài sản đó là loại bình thường dùng cho sử dụng hoặc tiêu dùng cá nhân và được sử dụng chủ yếu bởi người bị thiệt hại vì mục đích sử dụng hoặc tiêu dùng của riêng người đó” và “Các thiệt hại này không ảnh hưởng đến quy định về thiệt hại phi vật chất (thiệt hại tinh thần) trong pháp luật của các quốc gia thành viên”.
Có thể thấy, khác với pháp luật Hoa Kỳ, phạm vi BTTH do sản phẩm có khuyết tật gây ra theo pháp luật của Liên minh châu Âu không bao gồm các thiệt hại phi vật chất. Tuy nhiên, đối với loại thiệt hại này, Chỉ thị 85/374/EEC đã xây dựng một quy định mở, từ đó tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên có thể nội luật hóa Chỉ thị phù hợp với những điểm đặc thù của mình. Do đó, khi đánh giá về Chỉ thị, đã có ý kiến cho rằng: “Các quy định của Liên minh châu Âu về TNSP được ban hành mang tính mềm dẻo, có khả năng xác định những định hướng cho các nước thành viên trong quá trình xây dựng pháp luật quốc gia mình. Chính ưu điểm này đã làm cho hệ thống pháp luật của EU trở thành một hình mẫu đáng chú ý trong việc điều chỉnh quan hệ TNSP”[4]. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 14 thì Chỉ thị 85/374/EEC: “Không áp dụng đối với các thương tích và thiệt hại phát sinh từ tai nạn hạt nhân (những trường hợp này được giải quyết theo Công ước quốc tế của các quốc gia thành viên)”. Ngoài ra, Chỉ thị còn đưa ra các quy định giới hạn về thiệt hại xảy ra, theo đó: “Chỉ áp dụng với những thiệt hại về tài sản từ 500 ECU trở lên và không quy định hạn mức cao nhất; đối với các thiệt hại về tính mạng và sức khỏe do các sản phẩm giống nhau với cùng khuyết tật gây ra, các nước thành viên có thể quy định giới hạn tổng số tiền mà nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm nhưng không được ít hơn 70 triệu ECU”. Như vậy, Chỉ thị chỉ áp dụng đối với những tài sản bị thiệt hại có giá trị từ 500 EURO trở lên, đối với những tài sản có giá trị thấp hơn thì phải thỏa mãn những điều kiện theo quy định của Chỉ thị thì mới thuộc phạm vi được bồi thường.
Ở châu Á, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ban hành đạo luật riêng về TNSP năm 1994. Đáng chú ý, Luật Trách nhiệm sản phẩm của Nhật Bản[5] không có quy định cụ thể về các loại thiệt hại được bồi thường do sản phẩm có khuyết tật gây ra, tuy nhiên, Điều 6 Luật này xác định: “Trong trường hợp Luật không quy định thì trách nhiệm của nhà sản xuất và các chủ thể khác về các thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự”. Đây cũng là nội dung được quy định tại Điều 8 Luật Trách nhiệm sản phẩm của Hàn Quốc năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2013)[6]. Như vậy, trong hệ thống pháp luật Nhật Bản và Hàn Quốc, Luật Trách nhiệm sản phẩm đóng vai trò là luật chuyên ngành, còn Bộ luật Dân sự là luật chung khi điều chỉnh các vấn đề về TNSP. Luật Trách nhiệm sản phẩm trực tiếp điều chỉnh trách nhiệm của nhà sản xuất và các chủ thể khác đối với thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra. Trong trường hợp Luật này không quy định thì TNSP sẽ được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật Dân sự. Do đó, các loại thiệt hại được bồi thường do sản phẩm có khuyết tật gây ra sẽ được điều chỉnh theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Trong khu vực Đông Nam Á, các quy định đặc thù về TNSP mới được ban hành trong những năm gần đây. Trong đó, Philippines được coi là quốc gia đầu tiên ban hành các quy định về TNSP trong Luật về Người tiêu dùng năm 1992[7]. Tuy nhiên, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, Luật này không quy định cụ thể các loại thiệt hại được bồi thường do sản phẩm có khuyết tật gây ra. Khác với các đạo luật trên thường quy định phạm vi thiệt hại được bồi thường do sản phẩm có khuyết tật gây ra bằng phương pháp liệt kê, Luật Bảo vệ người tiêu dùng Malaysia năm 1999[8] lại quy định nội dung này bằng phương pháp loại trừ. Theo đó: “Các thiệt hại thuộc phạm vi phải chịu trách nhiệm do khuyết tật của sản phẩm gây ra không bao gồm: (i) Thiệt hại đối với chính sản phẩm có khuyết tật; (ii) Thiệt hại đối với bất kỳ tài sản nào tại thời điểm bị mất mát hoặc hư hỏng không phải là tài sản thường được sử dụng cho mục đích cá nhân, nghề nghiệp hoặc tiêu dùng; và dự định của người bị thiệt hại không phải cho mục đích sử dụng, nghề nghiệp hoặc tiêu dùng cá nhân của mình” (Điều 69).
Qua các quy định trên, có thể nhận thấy, bên cạnh thiệt hại về tài sản, pháp luật về TNSP của hầu hết các quốc gia chỉ quy định các thiệt hại về vật chất do sản phẩm có khuyết tật xâm hại đến tính mạng, sức khỏe người sử dụng hoặc người thứ ba, trong khi đó Luật Trách nhiệm đối với sản phẩm không an toàn Thái Lan năm 2008[9] quy định cả các thiệt hại về tinh thần. Cụ thể, Điều 11 quy định: “BTTH về tinh thần đối với người bị tổn thương về thân thể hoặc sức khỏe và trong trường hợp người đó chết thì chồng, vợ, cha mẹ hoặc người thừa kế của họ có quyền nhận BTTH về tinh thần”.
2. Thực trạng quy định về phạm vi bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra theo pháp luật Việt Nam và một số kiến nghị
Theo quy định tại Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm BTTH trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD...”. Có thể thấy, tương tự như pháp luật về TNSP của các quốc gia, khu vực trên thế giới, phạm vi BTTH do hàng hóa có khuyết tật gây ra theo pháp luật Việt Nam cũng bao gồm các thiệt hại liên quan đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của NTD. Vậy phạm vi này có bao gồm các thiệt hại xảy ra với chính hàng hóa có khuyết tật đó hay không, vấn đề này chưa được quy định rõ. Ngoài ra, khoản 3 Điều này quy định: “Việc BTTH được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự”. Như vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không quy định trực tiếp những thiệt hại mà NTD có thể yêu cầu chủ thể kinh doanh hàng hóa có khuyết tật phải bồi thường mà viện dẫn đến các quy định của pháp luật dân sự. Qua đó, có thể thấy, Bộ luật Dân sự được coi là đạo luật chung, còn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là luật chuyên ngành điều chỉnh các quan hệ xã hội về BTTH do hàng hóa có khuyết tật gây ra. Theo nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, nếu luật chuyên ngành có quy định thì áp dụng quy định đó, trường hợp luật chuyên ngành không có quy định thì áp dụng các quy định của luật chung. Tuy nhiên, ở đây, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng không xác định cụ thể là viện dẫn đến các quy định của Bộ luật Dân sự mà chỉ quy định chung chung là “theo quy định của pháp luật dân sự”.
Trong phần trách nhiệm dân sự, khi quy định về thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ, theo Điều 361 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần”. Trong đó, “thiệt hại về vật chất” là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; “thiệt hại về tinh thần” là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của chủ thể. Tuy nhiên, trong phần trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, để xác định thiệt hại, Bộ luật Dân sự lại quy định có bốn loại thiệt hại, đó là: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm và thiệt hại do danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm phạm (từ Điều 589 đến Điều 592). Đối với các trường hợp thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm, ngoài việc bồi thường các thiệt hại tính được bằng tiền (như chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; thu nhập thực tế bị mất; chi phí cho việc mai táng; chi phí hợp lý để hạn chế và khắc phục thiệt hại...), người chịu trách nhiệm còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu.
Bên cạnh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Bộ luật Dân sự, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 cũng có quy định về các thiệt hại phải bồi thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng tại Điều 60, bao gồm: Thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại; thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người; thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. Theo đó, đối với hàng hóa không bảo đảm chất lượng thì thiệt hại được bồi thường bao gồm cả giá trị hàng hóa, tài sản bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại. Vậy, hàng hóa có khuyết tật có phải là hàng hóa không bảo đảm chất lượng và chịu sự điều chỉnh của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa hay không, vấn đề này chưa được quy định rõ.
Qua các quy định trên, có thể nhận thấy, pháp luật Việt Nam hiện hành về phạm vi BTTH do sản phẩm có khuyết tật gây ra vẫn còn những điểm hạn chế, bất cập:
(i) Các vấn đề về phạm vi BTTH do sản phẩm có khuyết tật gây ra được quy định chồng chéo, không rõ ràng, thậm chí mâu thuẫn trong các văn bản pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
(ii) Mối quan hệ giữa các văn bản pháp luật liên quan đến phạm vi BTTH do sản phẩm có khuyết tật gây ra chưa được xác định cụ thể, đặc biệt là vai trò, vị trí của từng văn bản trong điều chỉnh trách nhiệm BTTH do sản phẩm có khuyết tật gây ra.
(iii) Khi hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại cho NTD thì áp dụng Bộ luật Dân sự hay Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa để xác định các thiệt hại xảy ra, nếu áp dụng Bộ luật Dân sự thì theo các quy định về thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hay các quy định về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng.
(iv) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm BTTH trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD, vậy thiệt hại xảy ra có bao gồm thiệt hại của chính hàng hóa có khuyết tật không; trường hợp hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm NTD thì giải quyết như thế nào, có thể áp dụng Bộ luật Dân sự với tư cách là luật chung được hay không.
Trong thời gian tới, để hoàn thiện các quy định pháp luật về phạm vi BTTH do sản phẩm có khuyết tật gây ra, theo tác giả, cần tập trung giải quyết các vấn đề sau:
Một là, cần khẩn trương tiến hành rà soát các quy định pháp luật có liên quan đến phạm vi BTTH do sản phẩm có khuyết tật gây ra để hệ thống lại, loại bỏ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cụ thể hóa các vấn đề chưa có quy định hoặc chưa được quy định rõ ràng.
Hai là, xác định các văn bản pháp luật cần quy định những nội dung liên quan đến phạm vi BTTH do sản phẩm có khuyết tật gây ra cũng như mức độ thể hiện trong từng văn bản. Trong đó, cần xác định rõ Bộ luật Dân sự là luật chung, còn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là luật chuyên ngành khi điều chỉnh tất cả các vấn đề về trách nhiệm BTTH do sản phẩm có khuyết tật gây ra nói chung và phạm vi BTTH do sản phẩm có khuyết tật gây ra nói riêng.
Ba là, cần quy định cụ thể các thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra mà NTD có thể yêu cầu chủ thể kinh doanh phải bồi thường ngay trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, trong đó xác định rõ các vấn đề: Thiệt hại được bồi thường không bao gồm các thiệt hại xảy ra với chính hàng hóa có khuyết tật; thiệt hại được bồi thường là thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của NTD do hàng hóa có khuyết tật gây ra, các thiệt hại này được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự về BTTH ngoài hợp đồng.
Đại học An ninh nhân dân
[1]. The Product Liability Legal Reform Act of 1996 of United States, xem tại https://www.congress.gov/bill/104th-congress/house-bill/956.
[2]. “Council Directive 85/374/EEC of 25 July 1985 on the approximation of the laws, regulations and administrative provisions of the Member States concerning liability for defective products”, Official Journal of The European Comunities, (No L 210/29), xem tại http://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri= CELEX:31985L03 74&from=en.
[3]. Đơn vị tiền tệ châu Âu, từ ngày 01/01/1999 được gọi là EURO.
[4]. Lê Hồng Hạnh (2013), Chế định trách nhiệm sản phẩm trong pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr. 132-133.
[5]. The Product Liability Act (Act No.85, 1994) of Japan, xem tại http://www.consumer.go.jp/english/pla/.
[6]. The Product Liability Act of Korea (2000, 2013), xem tại http://elaw.klri.re.kr/eng_mobile/ viewer.do?hseq=294 69&type=new&key=.
[7]. The Consumer Act of The Philippines 1992 (Act No.7394), xem tại https://www.wipo.int/edocs/ lexdocs/laws/en/ph/ph060en.pdf.
[8]. Consumer Protection Act 1999 (As at 1 September 2016) of Malaysia, http://www.agc.gov.my/agcportal/ uploads/files/Publications/LOM/EN/Act%20599%20-%2029.08.2016.pdf.
[9]. The Product Liability Act B.E. 2551 (2008) of Thailand, xem tại https://aseanconsumer.org/file/post_image/Product%20Liability%20Act%202008.pdf.