Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật và Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự. Dựa trên việc tổng hợp, phân tích các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến lĩnh vực khiến nại trong thi hành án dân sự, tác giả tập trung làm rõ một số luận điểm cơ bản sau: Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại; Thời hiệu khiếu nại; Thẩm quyền giải quyết khiếu nại; Thụ lý và thời hạn giải quyết khiếu nại; Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; Rút khiếu nại, giải quyết khiếu nại khi có yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án; Cơ chế giảm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự.
Vấn đề khiếu nại trong thi hành án dân sự được quy định từ rất sớm trong các văn bản pháp luật như: Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989 (Điều 38), Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 (Điều 44), Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 (từ Điều 59 đến Điều 62), Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 (sau đây gọi là Luật Thi hành án dân sự) đã dành Mục 1 Chương VI gồm 13 điều (từ Điều 140 đến Điều 152) quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự.
Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự đã quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại; đối tượng bị khiếu nại; thời hiệu khiếu nại; thẩm quyền giải quyết khiếu nại và trình tự, thủ tục giải quyết đơn khiếu nại trong thi hành án dân sự như sau:
1. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại
Về quyền, Luật Thi hành án dân sự cho phép nhiều chủ thể thực hiện khiếu nại, bao gồm đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong đó, đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án. Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành. Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự. Nếu như trước đây người khiếu nại chỉ được khiếu nại về hành vi trái pháp luật của chấp hành viên1, thì nay những người này được quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (khoản 1 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự).
Người khiếu nại có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại, nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại; được nhận quyết định giải quyết khiếu nại; được biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại; đưa ra bằng chứng về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về bằng chứng đó; được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm và được bồi thường thiệt hại, nếu có; được quyền rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại2. Người khiếu nại có quyền khiếu nại tiếp nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo Điều 152 và Điều 153 Luật Thi hành án dân sự.
Về nghĩa vụ, các Pháp lệnh Thi hành án dân sự trước đây không quy định nghĩa vụ của người khiếu nại, khi Luật Thi hành án dân sự được ban hành đã quy định cụ thể người khiếu nại có nghĩa vụ như: Khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết; trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó; chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành và quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tại điểm b khoản 4 và điểm b khoản 7 Điều 142 Luật Thi hành án dân sự (Điều 143).
2. Thời hiệu khiếu nại
Quy định về thời hiệu khiếu nại cũng ngày càng cụ thể, nếu như Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 không quy định về thời hiệu khiếu nại, thì Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 quy định thời hạn khiếu nại là chín mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi trái pháp luật của thủ trưởng cơ quan thi hành án, chấp hành viên (Điều 59). Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự quy định cụ thể thời hiệu khiếu nại đối với từng quyết định, hành vi của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên. Để thi hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hay trọng tài thương mại đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên phải ra các quyết định và thực hiện nhiều hành vi về thi hành án. Tương ứng với mỗi quyết định, hành vi ở các thời điểm khác nhau của quá trình thi hành án, thì thời hiệu khiếu nại đối với các hành vi này cũng khác nhau (từ 3 ngày đến 30 ngày)3. Hết thời hiệu khiếu nại, người khiếu nại mới có đơn khiếu nại, thì không được thụ lý giải quyết (khoản 4 Điều 141 Luật Thi hành án dân sự).
3. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Trước đây, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989 quy định chánh án Tòa án ra quyết định thi hành án về hành vi trái pháp luật của chấp hành viên, đến Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 và Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 quy định người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã hoàn thiện quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, cụ thể: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu, thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của người bị khiếu nại thuộc quyền quản lý của mình4. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại quyết định, hành vi của phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên; thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh giải quyết đối với khiếu nại quyết định hành vi của phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên5. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành. Theo khoản 4 Điều 38 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, thì quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành được xem xét lại trong các trường hợp sau đây: (i) Quyết định, hành vi bị khiếu nại là trái pháp luật nhưng quyết định giải quyết khiếu nại cho rằng quyết định, hành vi đó là đúng pháp luật; (ii) Việc giải quyết khiếu nại đã vi phạm quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết khiếu nại về thi hành án; (iii) Có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản kết quả giải quyết khiếu nại. Đây là quy định mang tính đặc thù của ngành thi hành án.
4. Thụ lý và thời hạn giải quyết khiếu nại
Nếu như trước đây, các Pháp lệnh Thi hành án dân sự chưa quy định cụ thể về việc thụ lý và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với từng loại quyết định, hành vi của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án, thì hiện nay vấn đề này đã được quy định cụ thể tại Điều 148 Luật Thi hành án dân sự, theo đó, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 141 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết. Trường hợp người có thẩm quyền không thụ lý đơn khiếu nại để giải quyết thì phải thông báo và nêu rõ lý do.
Đối với các quyết định, hành vi khác nhau thì thời hạn giải quyết khiếu nại cũng khác nhau, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là từ 15 ngày đến 30 ngày, lần hai là từ 30 ngày đến 45 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Đối với quyết định về áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản và áp dụng biện pháp bảo đảm khác, thì thời hạn giải quyết khiếu nại là 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại đối với những trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, đường xá xa xôi, đi lại khó khăn, vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại6.
5. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại
Trước đây, các Pháp lệnh Thi hành án dân sự chưa quy định hoặc có quy định nhưng không cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, hiện nay Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định cụ thể thủ tục giải quyết khiếu nại như sau:
Thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu: Sau khi xem xét thấy khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải vào sổ thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, xác minh, trường hợp cần thiết có thể trưng cầu giám định hoặc tổ chức đối thoại để làm rõ nội dung khiếu nại, sau đó phải ra quyết định giải quyết khiếu nại (Điều 150 Luật Thi hành án dân sự).
Thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai: Ngoài việc thực hiện các thủ tục như lần một, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền yêu cầu người giải quyết khiếu nại lần đầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và những bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để giải quyết khiếu nại (Điều 152 Luật Thi hành án dân sự).
Trường hợp nội dung đơn khiếu nại, báo cáo giải trình của người bị khiếu nại và hồ sơ, tài liệu có liên quan đã rõ ràng, có đủ căn cứ, cơ sở pháp lý để kết luận, giải quyết thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ra ngay quyết định giải quyết khiếu nại (khoản 5 Điều 9 Thông tư số 02/2016/TT-BTP). Trường hợp khiếu nại được giải quyết mà đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại nhưng không đưa ra bằng chứng mới thì người giải quyết khiếu nại lưu đơn khiếu nại và thông báo để đương sự biết (Điều 38 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự).
Quy trình giải quyết khiếu nại được thực hiện theo Thông tư số 02/2016/TT-BTP (từ Điều 8 đến Điều 14) như sau:
Bước 1: Sau khi tiến hành xử lý đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thụ lý đơn khiếu nại, yêu cầu báo cáo, giải trình, cung cấp hồ sơ, tài liệu. Trường hợp cần xác minh, đối thoại trực tiếp tại địa phương hoặc tại các cơ quan, tổ chức có liên quan để giải quyết khiếu nại thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra quyết định thành lập đoàn xác minh, đối thoại. Trường hợp vụ việc có tính chất phức tạp, vướng mắc về pháp luật, quan điểm giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có thể tổ chức cuộc họp, trao đổi ý kiến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của cấp trên trực tiếp; trưng cầu giám định hoặc tiến hành các biện pháp cần thiết khác.
Bước 2: Sau khi nhận được kết quả xác minh, đối thoại hoặc kết quả trưng cầu giám định (nếu có), người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại (Điều 13). Sau khi quyết định giải quyết khiếu nại được ban hành, cơ quan thi hành án dân sự phát hành, công khai, đôn đốc, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện kết quả giải quyết khiếu nại (Điều 14).
6. Rút khiếu nại, giải quyết khiếu nại khi có yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án
Lần đầu tiên pháp luật về khiếu nại trong thi hành án dân sự được quy định tại Điều 10 Thông tư số 02/2016/TT-BTP, cụ thể:
- Trường hợp người khiếu nại rút một phần hoặc toàn bộ khiếu nại, thì người có thẩm quyền giải quyết ra thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại đối với nội dung khiếu nại đã rút và thông báo cho người khiếu nại biết. Việc rút khiếu nại phải được thể hiện bằng văn bản, việc giải quyết khiếu nại kết thúc khi có thông báo đình chỉ.
- Trường hợp có văn bản yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền thì tiếp tục giải quyết khiếu nại nếu khiếu nại không ảnh hưởng đến nội dung bản án, quyết định của Tòa án.
7. Cơ chế giám sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự
Trước đây, các Pháp lệnh Thi hành án dân sự chưa quy định cơ chế giám sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự, hiện nay Luật Thi hành án dân sự quy định cụ thể vấn đề này tại Điều 159. Theo đó, các hoạt động của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự đều được giám sát bởi Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và cấp trên, cụ thể: Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị đối với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại có căn cứ, đúng pháp luật.
Có thể thấy, hiện nay pháp luật về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực thi hành án dân sự đã góp phần đảm bảo tính minh bạch của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, đảm bảo quá trình thi hành án được cơ quan Viện kiểm sát nhân dân giám sát kịp thời, ngăn chặn, chấn chỉnh và khắc phục những hành vi vi phạm pháp luật của chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến công tác thi hành án dân sự nói chung và công tác giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự nói riêng.
Nguyễn Thị Thu Hằng
Tổng cục Thi hành án dân sự
Tài liệu tham khảo:
1. Điều 38 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989 quy định: Người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến việc thi hành án có quyền khiếu nại, tố cáo với Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án về hành vi trái pháp luật của chấp hành viên.
2. Điều 143 Luật Thi hành án dân sự quy định người khiếu nại có các quyền sau đây:
a) Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại;
b) Nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại;
c) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
d) Được biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại; đưa ra bằng chứng về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về bằng chứng đó;
đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm và được bồi thường thiệt hại, nếu có;
e) Được khiếu nại tiếp nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;
g) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại.
3. Khoản 2 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự quy định thời hiệu khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên như sau:
a) Đối với quyết định, hành vi về thi hành án trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;
b) Đối với quyết định về áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định; đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp bảo đảm khác là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;
c) Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;
d) Đối với quyết định, hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó.
Trường hợp do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn khiếu nại. Lần khiếu nại tiếp theo, thời hiệu là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền.
4. Điều 142 Luật Thi hành án dân sự quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án:
1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của chấp hành viên thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện.
2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh giải quyết đối với các khiếu nại sau đây:
a) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của chấp hành viên thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;
b) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện;
c) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.
3. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giải quyết đối với các khiếu nại sau đây:
a) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;
b) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.
4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết các khiếu nại sau đây:
a) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành;
b) Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
5. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của Chấp hành viên cơ quan thi hành án cấp quân khu.
6. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng giải quyết các khiếu nại sau đây:
a) Khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu;
b) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành.
7. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết các khiếu nại sau đây:
a) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành;
b) Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng được quy định tại điểm b khoản 6 Điều này.
5. Điều 7 Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự.
6. Điều 146 Luật Thi hành án dân sự quy định thời hạn giải quyết khiếu nại:
1. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, lần hai là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.
2. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại là 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.
3. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 30 ngày, lần hai là 45 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.
Trường hợp cần thiết, đối với những vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.
4. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, lần hai là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.
5. Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.