Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích những bất cập liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, từ đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Abstract: The article focuses on analyzing the shortcomings related to the sanctioning of administrative violations in the land sector as stipulated in the Law on Handling of Administrative Violations and Decree No. 91/2019/ND-CP dated 19/11/ 2019 of the Government on sanctioning administrative violations in the land sector, from which, proposes some solutions to improve the law on this issue.
1. Đặt vấn đề
Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (Nghị quyết số 19-NQ/TW), chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai có chuyển biến tích cực; nhiều vi phạm liên quan đến chính sách, pháp luật về đất đai được xử lý nghiêm minh. Năng lực quản lý nhà nước về đất đai được nâng cao; hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý đất đai từng bước được kiện toàn.
Trong thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã ban hành những quy định về xử phạt trong lĩnh vực đất đai như: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính); Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ (Nghị định số 91/2019/NĐ-CP) góp phần tích cực trong phòng, chống vi phạm pháp luật, thiết lập trật tự trong quản lý và sử dụng đất đai. Tuy nhiên, công tác quản lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Một số nội dung của Nghị quyết số 19-NQ/TW chưa được thể chế hóa hoặc thể chế hóa chậm, chưa đầy đủ; Luật Xử lý vi phạm hành chính cùng một số văn bản pháp luật có liên quan chưa thực sự thống nhất, đồng bộ. Trong một số trường hợp, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng so với thực tiễn; việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn tồn tại những vướng mắc, cần được tháo gỡ như: Chưa có sự thống nhất giữa hình thức xử phạt trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP; về hình thức khắc phục hậu quả, đa số Ủy ban nhân dân các tỉnh chưa có bất cứ hướng dẫn nào quy định mức độ khắc phục hậu quả theo quy định của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP; trong cùng một hành vi vi phạm như hành vi lấn, chiếm đất lại được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau, không có sự thống nhất; định mức xử phạt dù đã có sự điều chỉnh nhưng vẫn tồn tại những vấn đề chưa thực sự hợp lý… Vì vậy, việc nghiên cứu, chỉ ra những “khoảng trống” trong quy định pháp luật nhằm hoàn thiện cơ chế xử phạt vi phạm hành chính hướng đến mục tiêu phòng, chống những hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai là rất cần thiết.
2. Thực trạng quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
2.1. Về hình thức xử phạt
Thứ nhất, khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định 05 hình thức xử phạt hành chính bao gồm: (i) Cảnh cáo; (ii) Phạt tiền; (iii) Tước quyển sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; (iv) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; (v) Trục xuất. Theo đó, Luật này cũng quy định nguyên tắc cho các nghị định xác định các hình thức xử phạt chính và bổ sung. Trong đó, hình thức cảnh cáo, phạt tiền luôn được quy định là hình thức xử phạt chính; các hình thức còn lại có thể được quy định là hình thức xử phạt chính hoặc quy định hình thức xử phạt bổ sung. Đối chiếu vấn đề với khoản 2 Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP cho thấy, cảnh cáo và phạt tiền thuộc hình thức xử phạt chính; hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: “a) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 06 tháng đến 09 tháng hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 09 tháng đến 12 tháng”. Qua đó, có thể thấy, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP không quy định những thể chế liên quan đến hình thức tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm hành chính, cũng như hình thức trục xuất. Chính việc bỏ lửng quy định như trên đã gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền[1]. Từ đó, thiết nghĩ Nghị định số 91/2019/NĐ-CP cần làm rõ hình thức tịch thu tang vật, phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm hành chính hay hình thức trục xuất sẽ thuộc nhóm hình thức xử phạt chính hay xử phạt bổ sung. Theo quan điểm của nhóm tác giả, cần quy định các hình thức xử phạt trên thuộc nhóm hình thức xử phạt bổ sung, theo nguyên tắc có thể tiến hành áp dụng một hay nhiều hình thức xử phạt bổ sung trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, điều này sẽ giúp cho các chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tránh được những lúng túng khi tiến hành xử phạt.
Thứ hai, tại điểm e khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về nguyên tắc phạt tiền: “Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân”. Thể chế hóa điều này, các văn bản liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính đều thống nhất mức xử phạt của tổ chức sẽ gấp đôi so với cá nhân. Một số quan điểm cho rằng, pháp luật đặt ra nguyên tắc định lượng mức phạt tiền giữa cá nhân và tổ chức như trên là chưa hợp lý, bởi suy cho cùng, việc tiến hành xử phạt chưa phù hợp với cơ sở lý luận “mức xử phạt phải tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi” vì dựa vào yếu tố chủ thể đó là cá nhân hay tổ chức[2]. Bên cạnh đó, khi đối chiếu vấn đề với khoản 5 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về các hành vi lấn đất tại khu vực đô thị sẽ định lượng mức xử phạt gấp 02 lần so với hành vi lấn đất tại khu vực nông thôn, điều này cũng trái với nguyên tắc xử phạt được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ở một giác độ khác, điểm đ khoản 4 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định mức phạt cao nhất với hành vi lấn đất tại khu vực nông thôn là 500 triệu đồng, hành vi lấn đất tại khu vực đô thị sẽ tăng gấp đôi nhưng không quá 500 triệu đồng. Điều này cho thấy, trong một số trường hợp nhất định, mức xử phạt giữa hành vi lấn đất khu vực nông thôn và thành thị là đồng nhất. Vì vậy, hình thức xử phạt tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP vẫn chưa có sự thống nhất[3]. Do đó, nên cân nhắc sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP theo hướng bãi bỏ nguyên tắc áp dụng định mức xử phạt tiền dựa trên chủ thể có hành vi vi phạm. Nói cách khác, việc tiến hành xử phạt với các vi phạm trong lĩnh vực đất đai sẽ không theo nguyên tắc tổ chức định mức phạt tiền gấp 02 lần so với cá nhân trong cùng một hành vi vi phạm, theo đó, định mức xử phạt phải dựa trên nguyên tắc mức độ của hành vi vi phạm. Điều này sẽ bảo đảm công bằng, mang tính răn đe với từng hành vi vi phạm.
Thứ ba, một trong những biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực đất đai là khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trên cơ sở điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế ở địa phương sẽ quy định cơ chế yêu cầu chủ thể vi phạm tiến hành khôi phục lại tình trạng của đất so với trước khi vi phạm. Tuy nhiên, thực tế áp dụng tại Ủy ban nhân dân đa số vẫn còn bỏ ngỏ vấn đề này, khi các tỉnh, thành phố hầu như chưa có bất cứ hướng dẫn nào quy định mức độ khắc phục hậu quả theo quy định của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP. Như vậy, nếu phát sinh vấn đề cần khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất so với hình thức trước khi vi phạm sẽ xử lý ra sao theo đúng quy định pháp luật, khi mà pháp luật vẫn chưa có những điều khoản quy định rõ ràng. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp, đất nông nghiệp hoặc đất trồng cây lâu năm bị chuyển đổi sai mục đích, trái với quy định pháp luật nhằm sử dụng cho các mục đích như đổi canh tác, xây dựng trái phép nhà ở, công trình kiến trúc…, dẫn đến đặc tính của đất đã bị thay đổi về cấu trúc. Vấn đề đặt ra là, nếu có phá dỡ công trình thì việc khôi phục tình trạng như ban đầu sẽ thiếu tính khả thi trong mọi trường hợp nếu vi phạm xảy ra. Vì vậy, cần thiết phải ban hành hướng dẫn cụ thể nhằm giúp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai xây dựng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Điều này hướng đến bảo đảm sự thống nhất giữa các địa phương trong khi xây dựng và áp dụng các quy định này. Từ đó, cũng cần đặt ra cơ chế bồi thường thiệt hại khi thay đổi tính chất của đất, hủy hoại đất, thay vì phải chờ sự hướng dẫn cụ thể của từng địa phương.
2.2. Về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi lấn, chiếm đất
Thứ nhất, hiện nay, quy định liên quan đến hành vi lấn, chiếm đất nằm tản mát tại nhiều văn bản khác nhau. Ví dụ: Hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, đất rừng… được điều chỉnh bởi Nghị định số 91/2019/NĐ-CP; các hành vi lấn, chiếm xây dựng công trình trên đất cây xanh, lấn chiếm các phần thuộc sở hữu chung hoặc các phần sở hữu riêng của các chủ sở hữu khác được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 66, điểm e khoản 3 Điều 53 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; hành vi lấn đất hàng không, sân bay được quy định tại Nghị định số 162/2018/NĐ-CP ngày 30/11/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng... Có thể thấy, quy định liên quan đến hành vi lấn, chiếm đất nằm tản mát tại nhiều văn bản khác nhau sẽ gây khó khăn nhất định trong việc xem xét, xử lý với các hành vi cùng vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Vì vậy, về bản chất, với mỗi hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai cần được quy định tập trung tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, điều này sẽ giúp đơn giản hóa trong việc áp dụng, tránh những chồng chéo giữa các văn bản trong cùng một hành vi vi phạm.
Thứ hai, biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại đất đã lấn, chiếm vô hình trung đã vô hiệu hóa thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã[4]. Lý giải cho điều này, tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại nông thôn với diện tích dưới 0,05 ha, ngoài hình thức phạt tiền sẽ phải áp dụng hình thức khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm, đồng thời trả lại đất đã lấn, chiếm. Đối chiếu với khoản 1 Điều 38 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ có thẩm quyền tiến hành phạt tiền. Tuy nhiên, với hai hình thức khắc phục hậu quả, pháp luật chỉ cho phép Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, mà không hàm chứa thẩm quyền buộc trả lại đất đã lấn, chiếm. Đồng nghĩa với việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không thể tiến hành xử phạt, buộc phải chuyển vụ việc đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp tiến hành xử phạt. Qua đó, thiết nghĩ, pháp luật cần điều chỉnh trao thẩm quyền đầy đủ cho Ủy ban nhân dân cấp xã trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, điều này góp phần tháo gỡ những khó khăn khi áp dụng trên thực tế hiện nay.
Thứ ba, mặc dù pháp luật đã có những khái niệm khác nhau về hành vi lấn đất và chiếm đất. Tuy nhiên, định mức xử phạt giữa hai hành vi này gần như đồng nhất, không có sự khác biệt. Theo quan điểm của nhóm tác giả, điều này cần thiết phải có sự sửa đổi, bởi hành vi lấn đất là thực hiện việc mở rộng diện tích đang có mà chưa được pháp luật cho phép, ở chiều ngược lại, hành vi chiếm đất sẽ có tính nguy hiểm cho xã hội, bởi hành vi này công nhiên chiếm một diện tích đất không thuộc quyền sở hữu, sử dụng vào mục đích trục lợi cá nhân. Về tính chất, hành vi chiếm đất cần có định mức xử phạt cao hơn so với hành vi lấn đất là điều cần được cân nhắc sửa đổi[5].
2.3. Về định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai
Phạt tiền trong xử phạt với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai là hình thức xử phạt phổ biến. Theo đó, đòi hỏi mức phạt phải thích đáng với hành vi vi phạm, bảo đảm tính răn đe do hậu quả của vi phạm hành chính gây ra. Xoay quanh định mức xử phạt trong lĩnh vực đất đai, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP vẫn tồn tại những “khoảng trống” cần được tháo gỡ như:
Thứ nhất, quy định mức phạt đầu tiên cho khung diện tích vi phạm quá lớn (chuyển mục đích đất sản xuất nông nghiệp dưới 5.000 m2, chuyển mục đích đất rừng dưới 50.000 m2), đối chiếu với thực tế nhận thấy chưa tương thích, bởi thửa đất của hộ gia đình, cá nhân ở nước ta tồn tại rất nhiều thửa đất có diện tích nhỏ với diện tích dưới 500 m2, điều này dẫn đến sự chưa công bằng giữa các chủ thể vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, khi một số hành vi gây hậu quả nhiều hơn nhưng mức phạt lại tương đồng với hành vi có tác động nhỏ hơn. Đơn cử: Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép 400 m2 đất trồng lúa sang mục đích khác, căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, chủ thể có hành vi vi phạm sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Tuy nhiên, nếu người vi phạm có hành vi chuyển đổi mục đích 5.000 m2 đất nông nghiệp sang mục đích trồng cây lâu năm, mức phạt cũng tương đồng cùng hành vi chuyển đổi 400 m2 là chưa hợp lý. Điều này sẽ gây tâm lý chủ quan cho người có hành vi vi phạm, chủ thể có thể sẽ chuyển đổi diện tích đất lớn hơn dự tính ban đầu. Vì vậy, theo nhóm tác giả, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP cần hiệu chỉnh theo hướng, với các hành vi như lấn, chiếm đất, hủy hoại đất…, Nhà nước sẽ đưa ra một mức phạt cụ thể; sau đó, lấy định mức này nhân với phần diện tích đất vi phạm cụ thể trên thực tế, điều này sẽ tạo sự đồng thuận cao hơn, tránh tình trạng có sự so sánh giữa các chủ thể cùng có hành vi vi phạm, gây bất ổn xã hội kéo dài.
Thứ hai, quy định mức phạt cao nhất cho mỗi hành vi bị giới hạn ở một mức diện tích nhất định (03 ha, 05 ha hoặc 10 ha) thiết nghĩ là chưa phù hợp với tình hình thực tế, khi tồn tại rất nhiều tổ chức có diện tích đất rất lớn, đó có thể là vài chục hoặc vài trăm ha. Trong xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền là hình thức xử phạt được áp dụng phổ biến nhất. Mức phạt tiền cao hay thấp tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Từ đó, nếu xử mức phạt tiền chưa đủ tính răn đe sẽ khiến hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai có thể tái diễn[6]. Vì vậy, nên cân nhắc sửa đổi các quy định có liên quan đến mức phạt cao nhất cho mỗi hành vi không bị giới hạn ở một diện tích nhất định, thay vào đó, với hành vi vi phạm với đất đai càng lớn, mức xử phạt cần mang tính răn đe.
Thứ ba, pháp luật cần có sự thống nhất liên quan đến quy ước xác định định mức xử phạt với mỗi hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Bởi, căn cứ trên cơ sở Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, việc xác định định mức xử phạt sẽ căn cứ dựa trên đơn vị (ha) với các hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, hoặc lấn, chiếm đất. Khi đó, tại điểm d khoản 7 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, với những hành vi xây dựng công trình lấn, chiếm vào hành lang bảo vệ, tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP chỉ quy định mức xử phạt nhưng chưa cụ thể hóa diện tích đất lấn, chiếm với mỗi hành vi vi phạm. Vì vậy, cần có sự thống nhất trong quy định với mỗi hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, hướng đến đồng nhất trong quy ước tính toán cần đưa ra diện tích đất vi phạm mà cụ thể hóa mức phạt với mỗi hành vi[7].
3. Kết luận
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trong những năm qua đã có những bước chuyển biến đáng ghi nhận, từng bước kiện toàn cơ chế này nhằm phù hợp với những thay đổi không ngừng của đời sống xã hội. Theo đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP đã có những điểm mới như: Hành vi tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở bị phạt tiền đến 01 tỷ đồng; bổ sung hình thức phạt tiền đối với hành vi bỏ hoang đất; quy định rõ hành vi hủy hoại đất; bổ sung nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó, chủ yếu gồm 03 biện pháp là buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc trả lại diện tích đất đã nhận… Bên cạnh những điểm mới vừa được bổ sung của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đòi hỏi nhà làm luật cần tiếp tục nghiên cứu liên quan đến các vấn đề như: Đồng nhất các hình thức xử phạt vi phạm hành chính giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP; xóa bỏ quy định hành vi lấn đất tại khu vực đô thị sẽ định lượng mức xử phạt gấp 02 lần so với hành vi lấn đất tại khu vực nông thôn vì trái với nguyên tắc xử phạt được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường cần ban hành hướng dẫn cụ thể nhằm giúp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai xây dựng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm…, điều này sẽ góp phần áp dụng thống nhất tại các địa phương, tránh tình trạng so sánh giữa những chủ thể cùng có hành vi vi phạm, gây bất ổn xã hội kéo dài... nhằm xây dựng các nguyên tắc thực sự khách quan, khoa học và tạo sự thống nhất, đồng bộ của pháp luật thì các nguyên tắc mới phát huy được hết vai trò tích cực trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai giai đoạn hiện nay[8].
TS. Trần Lê Đăng Phương
Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
ThS. Nguyễn Thành Phương
Khoa Luật, Trường Đại học Nam Cần Thơ
[1]. Bùi Trung Tuyến, Lưu Trần Phương Thảo, Hoàn thiện pháp lý về Luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, Tạp chí Quản lý Nhà nước, số 319 (8/2022), tr. 57.
[2]. Bùi Trung Tuyến, Lưu Trần Phương Thảo, Hoàn thiện pháp lý về Luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 319 (8/2022), tr. 56.
[3]. Trần Thanh Khỏe, Nguyễn Thành Phương, Hoàn thiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn đất, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 13 (kỳ 1 tháng 7/2012), tr. 45.
[4]. Cao Vũ Minh, Nguyễn Nhật Khanh, Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, Nxb. Thanh Niên, năm 2020, tr. 69.
[5]. Trần Thanh Khỏe, Nguyễn Thành Phương, Hoàn thiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn đất, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 13 (kỳ 1 tháng 7/2021), tr. 45.
[6]. Thanh Nga, “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: Chưa đủ sức răn đe”, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phapluat/xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-linhvuc-dat-dai-chua-du-suc-ran-de-318528.html, truy cập ngày 03/4/2022.
[7]. Nguyễn Thành Phương, Hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nhìn từ Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 6, Số 6 (2020), tr. 666, 667.
[8]. Nguyễn Thành Phương, Hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nhìn từ Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 6, Số 6 (2020), tr. 666, 667.