1. Vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Có thể nói rằng, Viện kiểm sát nhân dân là một thiết chế đặc biệt trong bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân là một dạng hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước độc lập, được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc đặc thù cho phép nó thực hiện chức năng kiểm sát hiệu quả. Hoạt động của Viện kiểm sát không trực tiếp can thiệp vào quá trình tổ chức và hoạt động trong quá trình thực hiện chức năng của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước, mà nó thực hiện hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của một số cơ quan trong bộ máy nhà nước (như: Cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra; Tòa án; cơ quan thi hành án…) nhằm bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và hoạt động thi hành các bản án, quyết định của Tòa án đúng pháp luật, bảo đảm giữ vững nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, phòng chống oan sai, không bỏ lọt tội phạm và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Nhằm khẳng định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục ghi nhận, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp (khoản 1 Điều 107). Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (khoản 3 Điều 107 Hiến pháp năm 2013).
Trải qua các kỳ đại hội của Đảng và được ghi nhận trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước ta, đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”.
Viện kiểm sát nhân dân có một vị trí quan trọng và vai trò không thể thiếu trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó, quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Cùng với Tòa án nhân dân và các hệ thống cơ quan khác, Viện kiểm sát nhân dân là một cơ quan thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước, thể hiện qua một số điểm như: (i) Viện kiểm sát nhân dân hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào các cơ quan khác trong thực hiện chức năng kiểm sát, truy tố, kiểm tra hành vi vi phạm pháp luật. Điều này bảo đảm tính minh bạch, chính trực và công bằng trong quá trình hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. (ii) Viện kiểm sát nhân dân chịu trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung của Nhà nước và lợi ích hợp pháp của công dân. Qua việc kiểm sát, truy tố và kiểm tra hành vi vi phạm pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân giúp duy trì trật tự an toàn xã hội và bảo vệ quyền lợi của người dân. (iii) Viện kiểm sát nhân dân giám sát và thẩm định hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính hợp pháp và đúng pháp luật trong quá trình thực hiện chức năng của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính công bằng, minh bạch và hiệu quả của hệ thống tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân có một số vai trò chủ yếu như: (i) Thực hiện chức năng truy tố và kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. (ii) Bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; bảo đảm pháp luật được áp dụng công bằng đối với tất cả công dân, không phân biệt giai cấp, tôn giáo hay dân tộc; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. (iii) Thực hiện công tác giám sát, đánh giá hoạt động của các cơ quan chức năng để bảo đảm tính công bằng, minh bạch và hiệu quả trong thi hành pháp luật. (iv) Tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật; hỗ trợ công tác giáo dục và nâng cao nhận thức về pháp luật trong cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình. (v) Tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi những tiến bộ trong pháp luật và cách thức giải quyết các vấn đề phức tạp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong thời gian qua, Ngành Kiểm sát nhân dân đã đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác nhằm tổ chức thực hiện tốt hơn hai chức năng: Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tập trung đổi mới sâu rộng về tổ chức, bộ máy, cán bộ và phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành Kiểm sát nhân dân, góp phần thiết thực đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ Nhà nước, chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.
Trong lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; tăng cường phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện và xử lý nghiêm các loại tội phạm, đưa ra truy tố nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; việc phê chuẩn bắt, tạm giữ, tạm giam, việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tiến hành chặt chẽ, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm dân chủ hơn; hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan, sai. Hoạt động điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát được chú trọng. Lĩnh vực kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các việc khác được thực hiện chặt chẽ. Ngành Kiểm sát đã có nhiều biện pháp tăng cường kiểm sát thi hành các bản án, quyết định của Tòa án; phối hợp cùng cơ quan thi hành án khắc phục tình trạng các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành; đồng thời, có nhiều đổi mới trong giải quyết các đơn, thư thuộc thẩm quyền; phối hợp giải quyết nhiều đơn, thư khiếu nại phức tạp, kéo dài trong các cơ quan tư pháp. Phối hợp nghiên cứu, xây dựng các đề án, dự án luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật theo đúng lộ trình cải cách tư pháp, bảo đảm chất lượng, góp phần hoàn thiện thể chế và hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước nói chung, bộ máy cơ quan tư pháp nói riêng trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…
2. Một số giải pháp nâng cao vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Để tiếp tục phát huy vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trước yêu cầu đổi mới đất nước, đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII (Nghị quyết số 27/NQ-TW), cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tập trung thực hiện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động của các cơ quan tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Viện kiểm sát nhân dân trong tham gia tố tụng tư pháp.
Hai là, phát huy hơn nữa vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước. Theo đó, cần quy định rõ hơn về thẩm quyền, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và tăng cường tính độc lập của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động tư pháp (trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp). Điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết số 27/NQ-TW: “Hoàn thiện thể chế để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử phù hợp với nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Nghiên cứu khôi phục quy định về chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân đã từng được hiến định trong Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992; nhưng đến Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001 và Hiến pháp năm 2013 thì Viện kiểm sát nhân dân chỉ còn hai chức năng là thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp. Để nâng cao chất lượng kiểm soát quyền lực nhà nước, tránh lạm quyền, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cần xem xét xác lập lại chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân.
Ba là, Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vi phạm pháp luật hình sự; kiểm sát tốt hoạt động tư pháp, bảo vệ công lý, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể pháp luật, bảo đảm thực hiện pháp luật một cách thống nhất, trật tự và nghiêm minh; duy trì tính độc lập và tin cậy trong công tác kiểm sát, bảo đảm mọi quyết định của Viện kiểm sát nhân dân đều căn cứ vào pháp luật và được thực hiện một cách minh bạch, công bằng.
Bốn là, Viện kiểm sát nhân dân các cấp và các kiểm sát viên cần tăng cường tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như: Nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành, Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên. Viện trưởng các Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa; nguyên tắc công khai trong mọi hoạt động, trừ những trường hợp phải bảo vệ bí mật nghề nghiệp do pháp luật quy định; nguyên tắc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ bảo vệ pháp luật.
Năm là, Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần tích cực thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn 2021 - 2030, hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ của Ngành Kiểm sát trong lộ trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Bộ Chính trị, các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các nghị quyết về nhiệm vụ hằng năm của Quốc hội. Đồng thời, các chủ trương, kế hoạch công tác của toàn Ngành Kiểm sát và mỗi Viện kiểm sát nhân dân phải bám sát, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước cũng như của từng địa phương, đơn vị; chủ động tham mưu cho cấp ủy về những vấn đề phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, tạo môi trường thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Nguyễn Xuân Tùng
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 392), tháng 11/2023)