Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu và đánh giá các phương thức kiểm soát tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh năm 2018, từ đó, đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam về vấn đề này.
Abstract: The article researches and evaluates the methods of controlling economic concentration under the Competition Law of 2018, from there, proposes some solutions to contribute to the improvement of the provisions of Vietnam's Competition Law on this issue.
1. Đặt vấn đề
Trong nền kinh tế thị trường, hành vi tập trung kinh tế (TTKT) là hợp pháp theo quy định của pháp luật, bởi đó là quyền tự do kinh doanh của các chủ sở hữu doanh nghiệp khi họ quyết định thay đổi cơ cấu tổ chức doanh nghiệp của mình. Trong thời gian qua, làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam ngày càng gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt giá trị M&A đã đạt đỉnh vào năm 2017 với quy mô 10 tỷ USD. Tuy nhiên, đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu đã tác động rất lớn đến nền kinh tế thế giới nói chung, cũng như hoạt động TTKT nói riêng, hoạt động M&A tại Việt Nam đã giảm xuống chỉ còn 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, tính đến 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A đã tăng lên đáng kể và đạt 5,7 tỷ USD. Những số liệu này cho thấy, hoạt động TTKT tại Việt Nam đã và đang diễn ra tương đối sôi nổi.
Tập trung kinh tế với bản chất là quá trình tích tụ và tập trung tư bản, tạo ra các doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn và giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động; thúc đẩy sự tiến bộ về khoa học, kỹ thuật và công nghệ… Tuy nhiên, TTKT cũng có nguy cơ gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Bởi vì, việc một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và sức mạnh thị trường nếu mua lại hoặc kết hợp với doanh nghiệp khác để trở thành doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường, có khả năng lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền sau TTKT và thực hiện những hành vi gây hạn chế cạnh tranh, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, để bảo đảm TTKT không tạo ra cạnh tranh không lành mạnh và gây bất lợi đối với nền kinh tế, pháp luật đã đặt ra những quy định để kiểm soát hành vi này.
2. Các phương thức kiểm soát tập trung kinh tế
Theo Luật Cạnh tranh năm 2018, các phương thức kiểm soát TTKT được chia ra 03 mức độ như sau:
2.1. Tập trung kinh tế phải thông báo
Để kiểm soát tốt hành vi TTKT của các doanh nghiệp, pháp luật cạnh tranh Việt Nam đã sử dụng cơ chế tiền kiểm, tức là cơ quan quản lý cạnh tranh đưa ra “ngưỡng thông báo TTKT”, trường hợp các bên tham gia giao dịch chạm đến ngưỡng đó, thì phải làm thủ tục thông báo TTKT và cơ quan quản lý cạnh tranh thông qua việc thẩm định hồ sơ thông báo để xem xét liệu một hành vi TTKT có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể hay không. Như vậy, Luật Cạnh tranh năm 2018 không quy định tất cả các doanh nghiệp thực hiện TTKT đều phải nộp hồ sơ thông báo TTKT đến cơ quan quản lý cạnh tranh mà chỉ khi nào các doanh nghiệp thuộc ngưỡng thông báo theo quy định của pháp luật thì mới phải thực hiện thủ tục này.
Theo khoản 2 Điều 33 Luật Cạnh tranh năm 2018, ngưỡng thông báo TTKT được xác định dựa vào 04 tiêu chí sau:
Thứ nhất, về tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia TTKT:
Đây là tiêu chí đánh giá tổng tài sản của các doanh nghiệp tham gia TTKT, hay nói cách khác, đây là tiêu chí đánh giá dựa trên quy mô của doanh nghiệp. Nghị định số 35/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh (Nghị định số 35/2020/NĐ-CP) hướng dẫn về việc xác định các tiêu chí về ngưỡng thông báo TTKT. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế (trừ các doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều này), theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Cạnh tranh năm 2018, phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện tập trung kinh tế nếu thuộc trường hợp sau đây: “Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế”.
Quy định trên về tiêu chí tổng tài sản của các doanh nghiệp tham gia TTKT có thể được hiểu theo 03 cách: (i) Tiêu chí tổng tài sản được áp dụng với bất kỳ bên nào tham gia TTKT, tức là, chỉ cần một bên tham gia giao dịch chạm tới ngưỡng này thì tất cả các bên đều phải thực hiện nghĩa vụ thông báo TTKT; (ii) Tiêu chí tổng tài sản được áp dụng với từng bên tham gia TTKT, tức là, mỗi bên tham gia giao dịch đều phải chạm ngưỡng này thì mới phải thực hiện nghĩa vụ thông báo TTKT; (iii) Tiêu chí tổng tài sản được hiểu là tổng tài sản kết hợp tất cả các bên tham gia TTKT, tức là, tổng tài sản của tất cả các bên tham gia giao dịch chạm tới ngưỡng được quy định thì phải thực hiện nghĩa vụ thông báo TTKT.
Trên thực tế, cơ quan quản lý cạnh tranh đang áp dụng theo cách hiểu (i), tức là chỉ cần một bên tham gia TTKT có tài sản lớn hơn 3.000 tỷ đồng thì tất cả các bên tham gia TTKT đều phải nộp hồ sơ thông báo. Tuy nhiên, cách hiểu này có thể dẫn đến việc bỏ lọt một số trường hợp TTKT mà tài sản của mỗi bên đều dưới ngưỡng thông báo nhưng tổng tài sản kết hợp của họ lại lớn hơn 3.000 tỷ đồng và có khả năng gây hạn chế cạnh tranh đáng kể. Ví dụ:
Trường hợp 1: Doanh nghiệp A có tài sản là 2.900 tỷ đồng TTKT với doanh nghiệp B có tài sản là 2.950 tỷ đồng. Vậy, tổng tài sản của hai doanh nghiệp này là 5.850 tỷ nhưng tài sản của từng bên A và B lại nhỏ hơn 3.000 tỷ đồng.
Trường hợp 2: Doanh nghiệp C có tài sản là 50 tỷ TTKT với doanh nghiệp D có tài sản là 3.000 tỷ đồng. Vậy, tổng tài sản của hai doanh nghiệp này là 3.050 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy, việc TTKT của A và B trong trường hợp 1 có khả năng tác động tới thị trường lớn hơn nhiều so với việc TTKT của hai doanh nghiệp C và D trong trường hợp 2. Bởi vì, tổng tài sản của A và B lớn hơn gần gấp đôi so với tổng tài sản của C và D, mặc dù, tài sản riêng lẻ của A và B đều nhỏ hơn 3.000 tỷ đồng. Hơn nữa, do tài sản của C là rất nhỏ nên việc C biến mất trên thị trường sau khi TTKT với D cũng không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường và không làm tăng sức mạnh thị trường của D.
Do vậy, theo quan điểm của tác giả, nên xác định tiêu chí tổng tài sản là tổng tài sản kết hợp của tất cả các bên tham gia giao dịch, nếu chạm tới ngưỡng được quy định thì các bên phải làm thủ tục thông báo TTKT. Cách hiểu (iii) giúp đánh giá được ngưỡng thông báo TTKT dựa trên tiêu chí tổng tài sản một cách bao quát và chính xác nhất.
Ngoài ra, cách hiểu (ii) cũng không phù hợp với thực tiễn, bởi nếu xác định như vậy thì chỉ khi nào tổng tài sản của các doanh nghiệp tham gia TTKT đạt từ ít nhất 6.000 tỷ đồng trở lên các doanh nghiệp mới phải thực hiện thủ tục thông báo TTKT. Trong khi đó, 6.000 tỷ đồng là một con số lớn, nếu xác định như vậy sẽ bỏ sót nhiều trường hợp tổng tài sản của các doanh nghiệp tham gia TTKT nhỏ hơn 6.000 tỷ đồng (tức là tài sản của mỗi doanh nghiệp nhỏ hơn 3.000 tỷ đồng) nhưng vụ việc TTKT đó vẫn có khả năng gây tác động mạnh tới thị trường như trong ví dụ tại trường hợp 1 nêu trên.
Thứ hai, về tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia TTKT:
Việc sử dụng tiêu chí tổng doanh thu là một căn cứ để xác định ngưỡng thông báo TTKT là hoàn toàn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, vì doanh thu là yếu tố có thể phản ánh được quy mô của doanh nghiệp một cách chính xác nhất. Đồng thời, các doanh nghiệp tham gia TTKT cũng có thể dễ dàng cung cấp số liệu về doanh thu của mình. Có thể nói, việc sử dụng tiêu chí tổng doanh thu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam kiểm soát được những hành vi TTKT xuyên biên giới trong khi việc xác định thị phần trên thị trường liên quan tại Việt Nam đối với các bên là doanh nghiệp nước ngoài khá khó khăn.
Tương tự với tiêu chí tổng tài sản, quy định về tiêu chí tổng doanh thu cũng có thể được hiểu theo 03 cách: (i) Tiêu chí tổng doanh thu được áp dụng với bất kỳ bên nào tham gia TTKT, tức là, chỉ cần một bên tham gia giao dịch chạm tới ngưỡng này thì tất cả các bên đều phải thực hiện nghĩa vụ thông báo TTKT; (ii) Tiêu chí tổng doanh thu được áp dụng với từng bên tham gia TTKT, tức là, mỗi bên tham gia giao dịch đều phải chạm ngưỡng này thì mới phải thực hiện nghĩa vụ thông báo TTKT; (iii) Tiêu chí tổng doanh thu được hiểu là tổng doanh thu kết hợp tất cả các bên tham gia TTKT, tức là, tổng doanh thu của tất cả các bên tham gia giao dịch chạm tới ngưỡng được quy định thì phải thực hiện nghĩa vụ thông báo TTKT.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của pháp luật Liên minh châu Âu (cũng xác định ngưỡng thông báo TTKT là tổng doanh thu của các doanh nghiệp tham gia TTKT[1]) và cũng tương tự với cách giải thích nêu trên, tác giả cho rằng, nên xác định tiêu chí tổng doanh thu là tổng doanh thu của các doanh nghiệp tham gia TTKT.
Thứ ba, về giá trị giao dịch của TTKT:
Có thể nói, tiêu chí về giá trị giao dịch sẽ thể hiện sức mạnh của doanh nghiệp sau khi thực hiện giao dịch TTKT, nếu giá trị giao dịch TTKT lớn thì khả năng cao sẽ xuất hiện các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền và các doanh nghiệp này thường có xu hướng lạm dụng vị thế này để thực hiện các hành vi phản cạnh tranh nhằm củng cố sức mạnh của mình trên thị trường.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định hướng dẫn cụ thể cách tính giá trị giao dịch, điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi thực thi quy định về thông báo TTKT. Điều 13 Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định, nếu giá trị giao dịch của TTKT đạt từ 1.000 tỷ đồng trở lên, thì giao dịch đó sẽ phải được thông báo tới cơ quan quản lý cạnh tranh. Theo đó, không rõ liệu giá trị giao dịch này sẽ được xác định là tổng giá trị hợp đồng giữa các bên trong giao dịch hay khối lượng tài sản mà bên tiếp nhận nắm giữ trong bên bị tiếp nhận sau giao dịch hay có cách xác định nào khác?
Đồng thời, theo quan điểm của tác giả, việc pháp luật quy định giá trị giao dịch là tiêu chí riêng biệt để xác định ngưỡng thông báo TTKT là chưa hợp lý, vì giá trị giao dịch đôi khi không phản ánh chính xác khả năng gây hạn chế cạnh tranh của giao dịch. Bởi lẽ, trên thực tế có những giao dịch tuy có giá trị nhỏ nhưng lại tác động lớn tới thị trường do quy mô về vốn của thị trường liên quan nhỏ (ngành, lĩnh vực mới), ngược lại, cũng có nhiều trường hợp giá trị giao dịch lớn nhưng lại có tác động nhỏ do quy mô về vốn của thị trường liên quan quá lớn (thị trường vận tải hàng không).
Thứ tư, về thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia TTKT:
Trên thực tế, việc để các doanh nghiệp tự xác định thị phần làm căn cứ thông báo TTKT là khá khó khăn. Bởi vì, các doanh nghiệp chỉ có thể biết về doanh số của mình chứ không nắm được doanh số của các doanh nghiệp khác trên thị trường liên quan. Điều này có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp không xác định được hoặc xác định không chính xác thị phần kết hợp nên không làm thủ tục thông báo tới cơ quan quản lý cạnh tranh. Tuy nhiên, dù khó xác định nhưng không thể phủ nhận rằng, thị phần vẫn là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá và phản ánh chính xác nhất cấu trúc thị trường, tương quan sức mạnh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, việc xác định ngưỡng thị phần kết hợp chỉ được sử dụng trong các giao dịch TTKT theo chiều ngang (là TTKT diễn ra giữa các doanh nghiệp hoạt động trên cùng thị trường liên quan) bởi điểm d khoản 2 Điều 33 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định về ngưỡng thị phần kết hợp trên thị trường liên quan mà không phải là thị phần đối với từng thị trường riêng lẻ của TTKT theo chiều dọc (là TTKT diễn ra giữa các doanh nghiệp ở những cấp độ khác nhau của chuỗi sản xuất) hay TTKT hỗn hợp (là TTKT diễn ra giữa các doanh nghiệp không phải là đối thủ của nhau và cũng không có những mối quan hệ mua bán thực sự hoặc tiềm năng).
Như vậy, để kiểm soát tốt hành vi TTKT của các doanh nghiệp, pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quy định thủ tục thông báo TTKT trước khi thực hiện giao dịch. Đây là thủ tục để cơ quan quản lý cạnh tranh đánh giá giao dịch TTKT có bị cấm hay được phép thực hiện với những điều kiện nhất định. Trường hợp các doanh nghiệp tham gia TTKT không thuộc ngưỡng thông báo TTKT, nghĩa là giao dịch đó không nằm trong ngưỡng có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường thì hành vi TTKT đó được phép thực hiện mà không cần thực hiện thủ tục thông báo. Có thể thấy, nếu so sánh với Luật Cạnh tranh năm 2004, thì Luật Cạnh tranh năm 2018 đã có sự thay đổi khi quy định về ngưỡng thông báo TTKT. Theo đó, nếu Luật Cạnh tranh năm 2004 chỉ căn cứ duy nhất vào tiêu chí “định tính” là ngưỡng thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia TTKT để kiểm soát TTKT, thì Luật Cạnh tranh năm 2018 đã đưa ra ngưỡng thông báo theo tiêu chí “định lượng” dựa trên 04 tiêu chí chủ yếu đó là, tổng tài sản, tổng doanh thu, giá trị giao dịch và thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia TTKT. Đồng thời, những tiêu chí này còn được hướng dẫn chi tiết bằng những con số cụ thể tại Nghị định số 35/2020/NĐ-CP giúp cơ quan quản lý cạnh tranh và các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc thực thi các quy định này. Đồng thời, sự thay đổi đó của Luật Cạnh tranh năm 2018 sẽ giúp kiểm soát được tất cả các loại hình TTKT bao gồm: TTKT theo chiều ngang, TTKT theo chiều dọc và TTKT dạng hỗn hợp thay vì chỉ kiểm soát được loại hình TTKT theo chiều ngang như cách quy định trong Luật Cạnh tranh năm 2004.
Ngoài ra, nếu giao dịch TTKT thuộc ngưỡng phải thông báo theo quy định của pháp luật, thì các doanh nghiệp tham gia giao dịch phải chuẩn bị hồ sơ thông báo TTKT gồm các giấy tờ được liệt kê tại Điều 34 Luật Cạnh tranh năm 2018 và nộp tới Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Theo đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo TTKT đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải ra thông báo kết quả thẩm định sơ bộ việc TTKT về một trong 02 nội dung là: TTKT được thực hiện và TTKT phải thẩm định chính thức. Trường hợp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không thông báo kết quả thẩm định sơ bộ trong thời gian nêu trên thì TTKT được phép thực hiện. Có thể nói, quy định này gây áp lực khá lớn cho cơ quan quản lý cạnh tranh về mặt thời gian nhưng lại giúp bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp và hạn chế được những thiệt hại có thể phát sinh do quá trình thẩm định bị kéo dài. Sau khi kết thúc thẩm định sơ bộ, việc TTKT được cho phép thực hiện nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 35/2020/NĐ-CP, ngược lại, nếu việc TTKT không thuộc các trường hợp đó, thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiến hành thẩm định chính thức. Sau khi kết thúc thẩm định chính thức việc TTKT, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ ra quyết định về một trong ba nội dung: (i) TTKT được thực hiện; (ii) TTKT bị cấm quy định tại Điều 30 Luật Cạnh tranh năm 2018; (iii) TTKT có điều kiện theo quy định tại Điều 42 Luật Cạnh tranh năm 2018. Với cách quy định về nội dung thẩm định sơ bộ và thẩm định chính thức việc TTKT nêu trên cho thấy, pháp luật cạnh tranh Việt Nam đã có sự tương đồng với pháp luật cạnh tranh của nhiều nước trên thế giới.
Trong 06 tháng đầu năm 2022[2], đã có 62 hồ sơ thông báo TTKT gửi đến Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, xấp xỉ số hồ sơ thông báo TTKT trong cả năm 2020 và bằng 50% số hồ sơ trong năm 2021. Trong khi đó, theo báo cáo kết quả 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh 2004 của Việt Nam, từ năm 2005 đến năm 2015, chỉ có 28 vụ việc TTKT được thông báo chính thức đến cơ quan quản lý cạnh tranh. Qua số liệu thống kê này, có thể thấy, kể từ khi Luật Cạnh tranh năm 2018 được ban hành thay thế Luật Cạnh tranh năm 2004, quy định về thông báo TTKT đã được thực thi hiệu quả hơn. Có thể thấy, thời gian gần đây, các doanh nghiệp đã nắm tương đối rõ quy định về kiểm soát TTKT tại giai đoạn đầu tiên là giai đoạn thông báo và đã tuân thủ khá tốt nghĩa vụ này. Như vậy, lợi ích thông qua việc kiểm soát TTKT và mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp đối với Luật Cạnh tranh là khá cao, điều này đã giúp ích rất nhiều cho cơ quan quản lý cạnh tranh trong việc kiểm soát thị trường.
2.2. Tập trung kinh tế có điều kiện
Theo Điều 41 Luật Cạnh tranh năm 2018, sau khi kết thúc thẩm định chính thức việc TTKT, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định về một trong 03 nội dung sau: TTKT được thực hiện; TTKT có điều kiện quy định tại Điều 42 Luật Cạnh tranh; TTKT thuộc trường hợp bị cấm.
Theo đó, Điều 42 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định, TTKT có điều kiện là TTKT được thực hiện nhưng phải đáp ứng một hoặc một số điều kiện sau đây: (i) Chia, tách, bán lại một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp tham gia TTKT; (ii) Kiểm soát nội dung liên quan đến giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ hoặc các điều kiện giao dịch khác trong hợp đồng của doanh nghiệp hình thành sau TTKT; (iii) Biện pháp khác nhằm khắc phục khả năng tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường; (iv) Biện pháp khác nhằm tăng cường tác động tích cực của TTKT. Như vậy, theo quy định nêu trên, có thể thấy các nhà làm luật đã đưa ra hai dạng điều kiện, gồm:
- Điều kiện khắc phục về mặt cấu trúc: Chia, tách, bán lại một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp tham gia TTKT. Đây là biện pháp nhằm duy trì cấu trúc cạnh tranh trên thị trường, ngăn cản hình thành thị trường tập trung ở mức độ cao hoặc thị trường có các doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường.
- Điều kiện khắc phục về mặt hành vi, gồm: Kiểm soát về hành vi liên quan tới giá mua, giá bán hàng hoá, dịch vụ hoặc điều kiện giao dịch của doanh nghiệp hình thành sau TTKT; biện pháp nhằm khắc phục khả năng tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường; biện pháp khác nhằm tăng cường tác động tích cực của TTKT. Mục đích của các biện pháp này là nhằm kiểm soát các ứng xử của các doanh nghiệp, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, không gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc nâng cao tác động tích cực của việc TTKT giúp giảm thiểu tác động hạn chế cạnh tranh của cách đáng kể của việc TTKT đó.
2.3. Tập trung kinh tế bị cấm
So với Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã sửa đổi theo hướng hoàn toàn mới khi quy định về TTKT bị cấm. Theo đó, Luật Cạnh tranh năm 2018 không quy định cấm hành vi TTKT một cách cứng nhắc dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia TTKT chiếm trên 50% trên thị trường liên quan như trong Luật Cạnh tranh năm 2004, mà thay vào đó chỉ quy định cấm dựa trên bản chất gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của giao dịch TTKT. Cụ thể, Điều 30 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định TTKT bị cấm là: Doanh nghiệp thực hiện TTKT gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường liên quan. Đồng thời, cơ quan cạnh tranh sẽ căn cứ vào một hoặc một số yếu tố được quy định tại Điều 15 Nghị định số 35/2020/NĐ-CP như thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia TTKT, mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi TTKT… để đánh giá mức độ gây tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.
Với cách quy định như vậy, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã thể hiện điểm tiến bộ là luôn tôn trọng và cho phép các doanh nghiệp được quyền thực hiện hoạt động TTKT để phát triển doanh nghiệp. Nhà nước sẽ chỉ can thiệp nếu hành vi TTKT có nguy cơ gây tổn tại cho môi trường cạnh tranh.
3. Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát tập trung kinh tế
Nhằm góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam về các phương thức kiểm soát TTKT, tác giả đưa ra một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần có quy định hướng dẫn cụ thể cách hiểu về tiêu chí tổng tài sản và tiêu chí tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia TTKT để tránh gây nhầm lẫn cho các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý cạnh tranh trong việc xác định ngưỡng thông báo TTKT trên thực tế. Tác giả cho rằng, nên xác định 02 tiêu chí này là tổng tài sản và tổng doanh thu của các doanh nghiệp tham gia TTKT.
Thứ hai, cần có quy định hướng dẫn về cách tính giá trị giao dịch để bảo đảm thống nhất về mặt thực thi bởi sự không rõ ràng trong cách tính giá trị giao dịch này có thể dẫn đến sự mâu thuẫn trong việc áp dụng quy định trên thực tế.
Thứ ba, nên tham khảo mô hình chủ thể kết hợp với giá trị giao dịch được áp dụng tại Hoa Kỳ, theo đó, không nên quy định giá trị giao dịch là một tiêu chí riêng biệt, mà nên được sử dụng kết hợp với tiêu chí tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia TTKT, nói cách khác là tiêu chí quy mô của doanh nghiệp. Bởi vì, việc quy định như vậy sẽ đánh giá chính xác hơn về khả năng gây hạn chế cạnh tranh của giao dịch đối với thị trường.
ThS. Nguyễn Thị Việt Hà
Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Theo Quy định số 139/2004 của Cộng đồng châu Âu (EC) về kiểm soát tập trung kinh tế giữa các vụ mua lại.
[2]. Báo cáo hoạt động tập trung kinh tế 06 tháng đầu năm 2022, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 379), tháng 4/2023)