1. Giới thiệu chung
Các văn bản được nhắc đến ở đây gồm Luật Đầu tư nước ngoài 1987, Pháp lệnh Chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam 1988, Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp 1989 và Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả 1994. Tuy nhiên, tiến trình hội nhập quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hoàn toàn có thể được tính từ năm 1995 với ba lý do chính. Thứ nhất, như đã được đề cập đến phần nào ở trên, chỉ vài ngày sau khi WTO chính thức đi vào hoạt động (01/01/1995), Việt Nam đã chính thức gửi yêu cầu gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này (04/01/1995), qua đó cam kết thi hành các hiệp định thương mại đa phương của WTO, bao gồm Hiệp định TRIPs. Thứ hai, chỉ gần 10 tháng sau ngày yêu cầu gia nhập WTO được chính thức gửi đi (04/01/1995), Việt Nam đã lần đầu tiên ban hành Bộ luật Dân sự (28/10/1995) trong đó quy định về quyền sở hữu trí tuệ tại Phần thứ sáu được thừa nhận có sự tham chiếu nhất định đến các tiêu chuẩn ghi nhận tại Hiệp định TRIPs. Thứ ba, việc sử dụng thuật ngữ “quyền sở hữu trí tuệ” và quy định về quyền này tại Bộ luật Dân sự nhấn mạnh ý nghĩa đây là một “quyền dân sự”, điều này phù hợp với công bố nêu tại Đoạn thứ tư tuyên bố mở đầu (Introductory Statement) của Hiệp định TRIPs, theo đó các thành viên xác nhận quyền sở hữu trí tuệ là loại quyền tư (private rights).
Trong số các công ước và hiệp định quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ, Hiệp định TRIPs thường được xem là hiệp định toàn diện, có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt[2]. Lý do trước hết là Hiệp định TRIPs được cấu trúc trên cả hai phương diện pháp luật nội dung (substantive law) và pháp luật hình thức hay thủ tục (procedural law) trong khi các công ước và hiệp định liên quan khác hầu như luôn chỉ được cấu trúc trên phương diện pháp luật nội dung. Điều này có nghĩa là nghĩa vụ thi hành Hiệp định TRIPs theo tư cách thành viên WTO tác động đến hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ ở tất cả các thành viên không chỉ trên phương diện pháp luật nội dung về các loại quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ, mà còn trên phương diện pháp luật thủ tục nhằm thực thi các quyền được bảo hộ theo các tiêu chuẩn tối thiểu đề ra bởi chính Hiệp định.
Trên phương diện pháp luật nội dung, Hiệp định TRIPs có phạm vi tác động rộng nhất so với tất cả các công ước hay hiệp định cùng loại, bao hàm tới bảy loại quyền tài sản trí tuệ với bốn thành tố chính của mỗi loại về đối tượng bảo hộ, các quyền được bảo hộ, ngoại lệ của hành vi xâm phạm quyền và thời hạn bảo hộ. Phù hợp với Điều 1:2 giải thích thuật ngữ “sở hữu trí tuệ” theo cách dẫn chiếu đến tất cả các phạm trù sở hữu trí tuệ thuộc đối tượng được quy định tại các Mục từ 1 đến 7 của Phần II[3], các quyền sở hữu trí tuệ quy định tại Hiệp định TRIPs gồm bản quyền và quyền liên quan (copyright and related rights), nhãn hiệu thương mại (trademarks), chỉ dẫn địa lý (geographical indications), kiểu dáng công nghiệp (industrial designs), sáng chế (patents) (bao gồm giống cây trồng), thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (layout-designs [topographies] of integrated circuits) và bí mật kinh doanh (undisclosed information). Bên cạnh các điều khoản riêng quy định về từng loại quyền sở hữu trí tuệ này, Hiệp định TRIPs còn dẫn hóa nhiều nội dung của bốn công ước, hiệp định khác thuộc thẩm quyền quản lý của WIPO (trừ Công ước Rome đồng quản lý bởi WIPO và hai tổ chức thuộc Liên Hợp quốc là Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục [UNESCO] và Tổ chức Lao động quốc tế [ILO]). Chúng gồm Công ước Paris về sở hữu công nghiệp, Công ước Berne về bản quyền, Công ước Rome về quyền liên quan và Hiệp định Washington về mạch tích hợp bán dẫn[4]. Tính chất “cộng” này của Hiệp định TRIPs (Paris-plus, Berne-plus, Rome-plus, Washington-plus) đặc biệt có ý nghĩa trong trường hợp của Hiệp định Washington bởi cho đến nay Hiệp định Washington chưa bao giờ phát sinh hiệu lực giữa các bên tham gia ký kết.
Trên phương diện pháp luật thủ tục, trong khi thực thi quyền thường được xem là vấn đề khó khăn, nan giải nhất trong một hệ thống quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ[5], cấu trúc toàn văn chia làm 07 phần có tổng số 73 điều luật của Hiệp định TRIPs được thiết kế bao gồm một phần quan trọng (Phần III) hàm chứa tới 21 điều luật (các Điều 41 - 61) quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Ở đây, thành viên được yêu cầu đảm bảo thi hành các tiêu chuẩn tối thiểu về thực thi quyền sở hữu trí tuệ thông qua bốn thủ tục hay biện pháp là dân sự, hành chính, hình sự và kiểm soát biên giới đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thực hiện bởi cơ quan hải quan. Song song với yêu cầu áp dụng các biện pháp tạm thời quy định riêng tại Điều 50, các yêu cầu thực thi quyền sở hữu trí tuệ khác trong Hiệp định TRIPs được thiết kế gồm yêu cầu tổng quát áp dụng cho tất cả các thủ tục và biện pháp thể hiện tại Điều 41 và yêu cầu riêng cho từng nhóm thủ tục dân sự và hành chính thể hiện tại các Điều 42 - Điều 49, biện pháp kiểm soát biên giới thể hiện tại các Điều 51 - Điều 60 và thủ tục hình sự thể hiện tại Điều 61.
Một đặc điểm quan trọng khác của Hiệp định TRIPs liên quan đến việc giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ giữa các thành viên trong khuôn khổ hoạt động của WTO được yêu cầu phải đảm bảo tuân thủ quy định của một trong các hiệp định đính kèm với Hiệp định thành lập WTO là Hiệp định về quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp (DSU). Một cách cụ thể hơn, Điều 64:1 Hiệp định TRIPs tuyên bố quy định tại Điều XXII và Điều XXIII của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994), như được chi tiết hóa và vận dụng trong DSU, phải được áp dụng cho quá trình tham vấn và giải quyết tranh chấp giữa các thành viên về nội dung của Hiệp định TRIPs, trừ khi chính Hiệp định TRIPs có điều khoản quy định khác[6]. Tính đến ngày 10/11/2015 có 500 vụ tranh chấp giữa các thành viên sau 20 năm hoạt động của WTO[7], nhưng hơn năm năm về trước, tính đến ngày 01/01/2010 - sau tròn 15 năm hoạt động của WTO có 27 trong tổng số 402 vụ tranh chấp giữa các thành viên liên quan đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo các tiêu chuẩn đề ra bởi Hiệp định TRIPs (chiếm 6.7%)[8].
2. Khái quát các giai đoạn của tiến trình thi hành Hiệp định TRIPs ở Việt Nam
Như đã được nhắc đến phần nào ở trên, quy định về quyền sở hữu trí tuệ tại Phần thứ sáu Bộ luật Dân sự 1995 là lát cắt quan trọng đầu tiên trong toàn bộ tiến trình thi hành Hiệp định TRIPs ở Việt Nam. Trong thực tế, kế hoạch xây dựng Bộ luật Dân sự đã được khởi động 15 năm trước đó thông qua việc Ủy ban soạn thảo Bộ luật Dân sự được thành lập năm 1980 gồm đại diện của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện của một số bộ, ngành có liên quan khác[9]. Bên cạnh những khó khăn khác để Bộ luật Dân sự khó có thể được ban hành sớm hơn, ví dụ, mâu thuẫn giữa tính chất bình đẳng, tự nguyện của quan hệ dân sự với tính chất mệnh lệnh, hành chính trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, việc Bộ luật Dân sự được ban hành chỉ gần 10 tháng sau khi yêu cầu gia nhập WTO được Chính phủ Việt Nam chính thức gửi đi, thông qua đó chúng ta cam kết thi hành các hiệp định thương mại đa phương của WTO, bao gồm Hiệp định TRIPs, đã chứng minh rằng Bộ luật Dân sự là cột mốc quan trọng, là thời điểm khởi đầu của toàn bộ tiến trình thi hành Hiệp định TRIPs ở Việt Nam.
Căn cứ vào đặc điểm của sự phân khúc có thể phân biệt tiến trình thi hành Hiệp định TRIPs ở Việt Nam thành ba giai đoạn. Giai đoạn một 1995 - 1998 mang tính khởi động hay thi hành tạm thời, mở đầu năm 1995 theo sự ra đời của Bộ luật Dân sự và kết thúc năm 1998 tương ứng với thời điểm diễn ra vòng đàm phán đa phương đầu tiên giữa Ban Công tác WTO về việc gia nhập của Việt Nam (Working Party on the Accesion to the WTO of Vietnam) và Phái đoàn Việt Nam về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam theo tiêu chuẩn ghi nhận tại Hiệp định TRIPs. Giai đoạn hai 1999 - 2004 mang tính thi hành chưa đầy đủ, hay chuyển tiếp, với các khiếm khuyết, hay sự chưa tương tích giữa quy định pháp luật quốc gia và yêu cầu quốc tế ở giai đoạn một được khẩn trương san bằng, chủ yếu thông qua việc Chính phủ ban hành các nghị định quy định về các vấn đề có liên quan hay được yêu cầu. Giai đoạn ba từ năm 2005 trở về sau mang tính thi hành đầy đủ, khắc dấu với việc Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, sửa đổi và bổ sung ngày 19/06/2009, tiếp sau là một hệ thống lớn các văn bản hướng dẫn thi hành.
2.1. Giai đoạn thi hành tạm thời Hiệp định TRIPs (1995 - 1998)
Toàn bộ quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong lịch sử đất nước đều cho thấy Việt Nam không phải là một quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt khi việc bảo hộ được xác lập trên cơ sở các tiêu chuẩn của Hiệp định TRIPs. Tại Giác thư về chế độ thương mại nước ngoài ở Việt Nam (Memorandum on the Foreign Trade Regime) trình bày năm 1996 trước Ban Công tác WTO về việc gia nhập của Việt Nam, hệ thống văn bản pháp luật sở hữu trí tuệ quốc gia được viện dẫn gồm quy định về quyền sở hữu trí tuệ tại Phần thứ VI Bộ luật Dân sự năm 1995 và một số văn bản được ban hành trước đó như Bộ luật Hình sự năm 1985, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 1995 và Pháp lệnh Hải quan năm 1990[10]. Hơn hai năm sau, tại một thuyết trình của Phái đoàn Việt Nam thực hiện trong năm 1998, hệ thống văn bản pháp luật sở hữu trí tuệ quốc gia được trình bày đã bao gồm không chỉ Phần thứ VI Bộ luật Dân sự năm 1995 mà còn nhiều văn bản hướng dẫn thi hành quy định về sở hữu trí tuệ tại Phần thứ VI Bộ luật Dân sự[11].
Như vậy, khoảng thời gian 1995 - 1998 có thể được xem như cần và đủ cho giai đoạn thi hành tạm thời Hiệp định TRIPs ở Việt Nam, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Tính chất của quy định pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trong giai đoạn này, theo nhận xét của chính phái đoàn Việt Nam trong “Kế hoạch hành động thi hành Hiệp định TRIPs”, là thể hiện rất nhiều bất cập so với các yêu cầu của Hiệp định TRIPs[12]. Cũng vậy, tại một báo cáo thực hiện khá công phu bởi Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường dưới sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam khi đó được đánh giá một cách rất khách quan là “chưa tương thích và chưa hiệu quả, còn tồn tại một khoảng cách xa so với yêu cầu của Hiệp định TRIPs”[13]. Hầu hết các bất cập và chưa tương thích này được khắc phục nhanh chóng ở giai đoạn hai 1999 - 2004 trong tiến trình thi hành Hiệp định TRIPs ở Việt Nam, chủ yếu thông qua việc Chính phủ xây dựng và ban hành nhiều nghị định với ghi nhận tương ứng về các vấn đề được yêu cầu.
2.2. Giai đoạn thi hành chưa đầy đủ Hiệp định TRIPs (1999 - 2004)
Trong giai đoạn 1999 - 2004, hầu hết các điểm chưa tương thích trong hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ quốc gia so với yêu cầu của Hiệp định TRIPs đều được Việt Nam nhanh chóng san bằng, cơ bản thông qua việc ban hành các nghị định của Chính phủ, bên cạnh một số đạo luật của Quốc hội và thông tư của các bộ hữu quan[14].
Đầu tiên, “khoảng trống” bảo hộ bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và một số nội dung khác liên quan đến các yêu cầu chủ yếu nêu tại các Điều 22 - 23, 39 Hiệp định TRIPs và các Điều 8, 10bis Công ước Paris được đảm bảo thi hành tại Việt Nam thông qua quy định tại Nghị định số 54/2000/CP-CP ngày 03/10/2000 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp. Tương tự, yêu cầu bảo hộ giống cây trồng mới thể hiện tại Điều 27:3(b) Hiệp định TRIPs được đáp ứng thông qua Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20/04/2001 và yêu cầu bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn nêu tại các Điều 35-38 Hiệp định TRIPs, bao gồm các điều khoản dẫn nhập từ Hiệp định Washington, được đảm bảo thông qua Nghị định số 42/2003/NĐ-CP ngày 02/05/2003. Trước đó, Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Dân sự về quyền sở hữu công nghiệp được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 01/2001/NĐ-CP ngày 01/01/2001 với các bất cập trong bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng được khắc phục kịp thời bên cạnh nhiều sửa đổi, bổ sung khác[15].
Trong giai đoạn 1999-2004 này, công tác pháp lý giành được quan tâm đặc biệt của Quốc hội và Chính phủ liên quan đến việc xây dựng và ban hành văn bản pháp luật quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ thông qua các thủ tục hay biện pháp dân sự, hành chính, hình sự và biên giới nhằm đáp ứng các yêu cầu nêu tại các Điều 41-61 Hiệp định TRIPs.
Nhằm thi hành yêu cầu của Hiệp định TRIPs về thực thi quyền sở hữu trí tuệ thông qua thủ tục hay biện pháp hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 06/03/1999 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26/06/2001 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin, bao gồm vi phạm quyền tác giả. Về thủ tục dân sự áp dụng cho các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, trước khi Bộ luật Tố tụng dân sự được Quốc hội thông qua ngày 15/06/2004 với đầy đủ quy định về thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp dân sự nói chung, tranh chấp sở hữu trí tuệ nói riêng, Thông tư liên tịch số 01/2001/TANDTC-VKSNDTC-BVHTT đã được ban hành ngày 05/12/2001 hướng dẫn một số thủ tục áp dụng trong việc xét xử các tranh chấp về quyền tác giả ở tòa án[16]. Liên quan đến biện pháp kiểm soát biên giới đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm hay bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Quốc hội đã thông qua Luật Hải quan ngày 29/06/2001 trong đó các Điều 57, 58, 59 xác định nguyên tắc chung cho việc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - xây dựng phù hợp với yêu cầu nêu tại các Điều 51-60 Hiệp định TRIPs. Liên quan đến yêu cầu thực thi quyền sở hữu trí tuệ thông qua thủ tục hình sự, Bộ luật Hình sự 1985 bao hàm Điều 167 quy định về tội làm hàng giả, tội buôn bán hàng giả với mức hình phạt nặng nhất lên tới tử hình từng được thành viên Ban Công tác WTO về việc gia nhập của Việt Nam đề nghị giảm thiểu cho phù hợp[17] đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung ngày 21/12/1999 theo hướng bám sát nội dung yêu cầu thể hiện tại Điều 61 Hiệp định TRIPs, ở đó Điều 131 quy định về tội xâm phạm quyền tác giả và Điều 171 quy định về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đều có hình phạt nặng nhất lên đến 03 năm tù giam.
2.3. Giai đoạn thi hành đầy đủ Hiệp định TRIPs (từ 2005 đến nay)
Tương ứng với các giai đoạn của tiến trình thi hành Hiệp định TRIPs ở Việt Nam, chúng ta có Bộ luật Dân sự 1995 khắc dấu ở giai đoạn một 1995 - 1998 mang tính thi hành tạm thời, các Nghị định của Chính phủ tạo ấn tượng ở giai đoạn hai 1999 - 2004 mang tính chuyển tiếp và ở giai đoạn ba mang tính thi hành đầy đủ kể từ 2005 trở về sau cột mốc quan trọng nhất, bao trùm toàn bộ tiến trình thi hành Hiệp định TRIPs ở Việt Nam gắn với việc Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005.
Bên cạnh việc đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đưa ra bởi Hiệp định TRIPs, Luật Sở hữu trí tuệ ra đời đồng thời khắc phục điểm chưa tương thích kéo dài hầu như trong suốt quá trình thực thi Hiệp định TRIPs ở Việt Nam liên quan đến yêu cầu nêu tại Điều 34 Hiệp định TRIPs. Kèm theo các tình huống được xác định, nội dung cơ bản của Điều luật này yêu cầu thành viên quy định nghĩa vụ chứng minh (the burden of proof) trong một vụ kiện xâm phạm độc quyền đối với một sáng chế có đối tượng là quy trình sản xuất một sản phẩm (a patented process) thuộc về bị đơn ở một quốc gia nơi thủ tục tố tụng quy định nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh cho các yêu cầu của mình như Việt Nam. Cho tới khi quy định tại Điều 203:4 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam đáp ứng yêu cầu vừa nêu, đây là câu hỏi được đưa ra liên tục và kéo dài nhất trong toàn bộ các vấn đề cần được giải đáp bởi Phái đoàn Việt Nam trong quan hệ giữa quy định pháp luật quốc gia và yêu cầu quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, diễn ra trên cơ sở các bàn đàm phán đa phương giữa Ban Công tác WTO về việc gia nhập của Việt Nam và Phái đoàn Việt Nam, khởi đầu từ Giác thư về chế độ thương mại nước ngoài trình bày năm 1996[18].
Ở một quốc gia còn nhiều xa lạ với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt theo tiêu chuẩn của Hiệp định TRIPs như Việt Nam, việc soạn thảo một văn bản pháp luật như Luật Sở hữu trí tuệ đòi hỏi sự đầu tư lớn về công sức, trí tuệ, thời gian và tài chính. Qua nhiều dự thảo chính thức trình Quốc hội và rất nhiều dự thảo không chính thức thực hiện xung quanh trách nhiệm chính thuộc về Bộ Khoa học Công nghệ kết hợp với trách nhiệm của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005. Cùng với các quy định mang tính định hướng tại Phần thứ VI Bộ luật Dân sự 14/06/2005, Luật Sở hữu trí tuệ ra đời đã đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, hay giai đoạn trưởng thành, của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam[19], Từ chỗ gần như hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực pháp lý này[20] cùng với tư cách thành viên WTO của Việt Nam bên cạnh hơn 150 quốc gia hay vùng lãnh thổ hải quan khác, bao gồm các quốc gia có trình độ phát triển cao nhất, chúng ta đã có một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về chúng, được xây dựng phù hợp với các tiêu chuẩn ghi nhận tại Hiệp định TRIPs trong quan hệ với nhiều công ước, hiệp định quốc tế có liên quan khác.
Kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành (29/11/2005) cho đến thời điểm phát sinh hiệu lực pháp luật (01/07/2006) Việt Nam tiếp tục thực hiện đúng các lộ trình cam kết của mình trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, ghi nhận tại Báo cáo của Ban Công tác WTO về việc gia nhập của Việt Nam hoàn thành vào cuối năm 2006[21]. Trên cơ sở đó, nhiều điều khoản trong tổng số 222 điều luật của Luật Sở hữu trí tuệ có cấu trúc chia thành 6 phần, 18 chương, 29 mục đã nhanh chóng được hướng dẫn thi hành. Tính từ ngày ban hành cho đến ngày Việt Nam có tư cách thành viên đầy đủ và chính thức ở WTO (11/01/2007), chúng ta có khoảng 10 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ[22]. Cho đến nay, một số lượng đồ sộ các văn bản hướng dẫn thi hành khác tiếp tục tiếp tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhằm đảm bảo sự tương thích giữa văn bản hướng dẫn thi hành với các điều khoản đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010[23].
Khoa Pháp luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội
- Bộ luật Dân sự năm 1995 (Phần thứ sáu);
- Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Dân sự về sở hữu công nghiệp;
- Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Dân sự về quyền tác giả;
- Thông tư số 3055/TT-SHCN ngày 31/12/1996 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996;
- Thông tư số 23/TT-TCT ngày 09/05/1997 hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý phí, lệ phí sở hữu công nghiệp; và
- Thông tư số 166/1998/TT-BTC ngày 19/12/1998 hướng dẫn chế độ thu lệ phí đăng ký bản quyền tác giả.
- Bộ luật Tố tụng dân sự 15/06/2004;
- Bộ luật Hình sự (sửa đổi) 21/12/1999;
- Luật Hải quan 29/06/2001;
- Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 06/03/1999 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;
- Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 03/10/2000 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp;
- Nghị định số 01/2001/NĐ-CP ngày 01/01/2001 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996;
- Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20/04/2001 về bảo hộ giống cây trồng mới;
- Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26/06/2001 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin (bao gồm vi phạm quyền tác giả);
- Thông tư liên tịch số 01/2001/TANDTC-VKSNDTC-BVHTT ngày 05/12/2001 hướng dẫn một số thủ tục áp dụng trong việc xét xử tranh chấp dân sự về quyền tác giả tại Tòa án;
- Thông tư số 119/2001/TT-BNN ngày 21/12/2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 13/2001/NĐ-CP ngày 20/04/2001;
- Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan (bao gồm thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ);
- Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11/06/2002 về chế độ nhuận bút;
- Thông tư số 92/2002/TT-BTC ngày 18/10/2002 quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí thẩm định, cung cấp thông tin, dịch vụ và lệ phí đăng ký, cấp, công bố, duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới;
- Nghị định số 42/2003/NĐ-CP ngày 02/05/2003 về bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;
- Thông tư liên tịch số 58/2003/TTLT-BVHTT-BTC ngày 17/10/2003 hướng dẫn bảo hộ quyền tác giả tại cơ quan hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Thông tư số 29/2003/TT-BKHCN ngày 05/11/2003 hướng dẫn thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp;
- Thông tư liên tịch 129/2004/TTLT/BTC-BKHCN ngày 29/12/2004 hướng dẫn thi hành các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu công nghiệp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; và
- Thông tư số 132/TT-BTC ngày 30/12/2004 hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
- Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/09/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan.
- Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền sở hữu công nghiệp.
- Nghị định số 104/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng.
- Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
- Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
- Quyết định số 69/2006/QĐ-BNN ngày 13/09/2006 ban hành quy định bảo mật dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm.
- Quyết định số 30/2006/QĐ-BYT ngày 30/09/2006 hướng dẫn thi hành việc bảo mật dữ liệu của sản phẩm thuốc chữa bệnh nộp tại cơ quan y tế có thẩm quyền trước khi được lưu hành trên thị trường.