Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả tập trung làm rõ cơ sở pháp lý về quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường vụ án giết người, đồng thời nêu lên thực trạng và đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện quan hệ phối hợp này trong thời gian tới.
Abstract: Within the scope of this article, the authors focus on clarifying the legal basis for the coordination relationship between the forces in the murder crime scene examination, and at the same time, raise the current situation and propose solutions to contribute to the improvement of this cooperation relationship in the near future.
Theo Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội của lực lượng Cảnh sát hình sự năm 2022, cả nước xảy ra 1.179 vụ án giết người (chiếm 2,97% tổng số vụ phạm tội về trật tự xã hội) và có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Công tác đấu tranh với loại tội phạm này rất được chú trọng, trong đó không thể không nhắc đến hoạt động khám nghiệm hiện trường. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động khám nghiệm hiện trường nói chung và quan hệ phối hợp giữa các lực lượng nói riêng khi tham gia khám nghiệm hiện trường vụ án giết người luôn là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi không ngừng nâng cao hiệu quả, nhất là khi diễn biến tình hình tội phạm giết người, các phương thức, thủ đoạn che dấu tội phạm, xóa dấu vết nhằm đánh lạc hướng điều tra của các đối tượng phạm tội ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp.
1. Nhận thức chung về quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường vụ án giết người
1.1. Khám nghiệm hiện trường vụ án giết người
Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) thì: “Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án”.
Theo Từ điển bách khoa Công an nhân dân thì: “Khám nghiệm hiện trường là hoạt động điều tra được thực hiện tại nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án…”.
Đối với hiện trường các vụ án giết người, đây là loại hiện trường phức tạp, tồn tại nhiều loại dấu vết khác nhau, thậm chí kết hợp nhiều loại hiện trường trong một vụ do các phương thức, thủ đoạn, hoạt động khác nhau để lại. Hiện trường vụ án giết người thường mang những đặc điểm như: Hiện trường tồn tại nhiều dấu vết sinh học, tập trung nhiều ở tử thi; các dấu vết, vật chứng xuất hiện và tồn tại ở hiện trường có người chết thường phản ánh động cơ, mục đích, tính chất và quá trình diễn biến của vụ việc; hiện trường có người chết thường có mùi hôi thối, thu hút đông người có mặt, dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh, phong tục, tập quán, sự tò mò của những người xung quanh; nhiều vụ án giết người có dấu vết xuất hiện tại nhiều địa điểm, khu vực khác nhau do đối tượng tìm cách phi tang chứng cứ, tạo hiện trường giả, che giấu tội phạm…
Trên cơ sở phân tích khái niệm khám nghiệm hiện trường và hiện trường vụ án giết người, có thể hiểu, khám nghiệm hiện trường vụ án giết người là hoạt động điều tra được tiến hành tại nơi xảy ra, nơi phát hiện các vụ án giết người nhằm phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản nghiên cứu, đánh giá dấu vết, vật chứng và các tình tiết có ý nghĩa với vụ án.
Có thể thấy, khám nghiệm hiện trường vụ án giết người là một hoạt động quan trọng không thể thiếu đối với công tác điều tra, khám phá tội phạm giết người, có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng, cụ thể:
- Khám nghiệm hiện trường vụ án giết người là một công đoạn quan trọng trong giai đoạn điều tra đối với vụ án giết người, được bắt đầu ngay sau khi có vụ việc xảy ra, có vai trò quan trọng trong việc thu thập các dấu vết, vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm.
- Trong nhiều vụ án giết người, đối tượng tìm cách để tiêu hủy chứng cứ, khai báo gian dối… gây khó khăn cho công tác điều tra, thông qua công tác khám nghiệm hiện trường với hệ thống dấu vết, vật chứng để lại, cơ quan chức năng có được cơ sở để xác định thủ phạm một cách chính xác và thuyết phục.
- Bằng việc khám nghiệm hiện trường với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà nhiều dấu vết không nhìn thấy bằng mắt thường có thể được nhận dạng, phát hiện, qua đó có thể giúp nhận định có hay không dấu hiệu tội phạm. Kết quả khám nghiệm hiện trường vụ án giết người đóng vai trò nhất định trong việc quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội danh giết người.
1.2. Quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường vụ án giết người
Cơ sở pháp lý của quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường vụ án giết người là những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và công dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và thực hiện các yêu cầu của cơ quan điều tra. Căn cứ xác định quan hệ phối hợp của các lực lượng trên cơ sở quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Ngoài ra, sự phối hợp này còn được thực hiện theo quy định của Ngành Công an về trách nhiệm của các lực lượng nghiệp vụ trong công tác điều tra tội phạm; các quy chế phối hợp được ký kết giữa Ngành Công an với các lực lượng khác về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Theo Đại từ điển Tiếng Việt do GS.TS. Nguyễn Như Ý chủ biên thì: “Quan hệ là sự gắn bó chặt chẽ, có tác động quan lại lẫn nhau. Phối hợp là cùng chung góp, cùng hành động ăn khớp để hỗ trợ cho nhau”.
Theo GS.TS. Nguyễn Huy Thuật, tác giả của Giáo trình Lý luận và phương pháp luận của khoa học điều tra hình sự, về mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát điều tra với các lực lượng khác trong hoạt động điều tra thì: “Sự phối hợp là hoạt động thỏa thuận về mục đích và nhiệm vụ, lực lượng, biện pháp, phương tiện, thời gian và địa điểm tiến hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan Cảnh sát điều tra với các lực lượng nghiệp vụ khác để thực hiện những thỏa thuận đó trong quá trình điều tra nhằm làm rõ sự thật của vụ án theo yêu cầu của pháp luật”.
Như vậy, qua các quan điểm nêu trên cho thấy, các tác giả đều cơ bản thống nhất với nhau về bản chất của sự phối hợp đó chính là sự thống nhất, sự thỏa thuận có mục đích trong việc sử dụng lực lượng, biện pháp, phương tiện, biện pháp nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao theo yêu cầu, nhiệm vụ hoạt động điều tra đặt ra. Các hình thức phối hợp có thể được biểu hiện khác nhau nhưng hành động của các lực lượng phải thống nhất, thông qua việc phối hợp mà tạo nên sức mạnh của mỗi lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ nhằm đạt mục đích đề ra. Chính vì vậy, có thể hiểu, thực chất phối hợp là sự liên kết, hợp tác của các bộ phận, cá nhân, cơ quan, tổ chức cụ thể trong những hoạt động cụ thể theo những nguyên tắc nhất định. Trong đó, các lực lượng tham gia phối hợp có tính độc lập tương đối về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và không quy định về nghĩa vụ và quyền lợi giữa các bên.
Từ những lý luận chung trên đây, có thể đưa ra khái niệm quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường vụ án giết người như sau: “Quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường vụ án giết người là hoạt động thỏa thuận thống nhất về mục đích và nhiệm vụ, lực lượng, biện pháp và phương tiện, thời gian và địa điểm tiến hành, sự chỉ đạo giữa các lực lượng và thực hiện những thỏa thuận đó trong quá trình khám nghiệm hiện trường vụ án giết người”.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thẩm quyền và trình tự, thủ tục khám nghiệm vụ án hình sự nói chung. Hoạt động này có thể được thực hiện trước hoặc sau khi khởi tố vụ án hình sự. Bởi lẽ, rất nhiều trường hợp cần khám nghiệm hiện trường để lấy được thông tin, trên cơ sở đó, cơ quan có thẩm quyền mới ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Cụ thể: Thành phần tham gia hoạt động khám nghiệm hiện trường bao gồm điều tra viên chủ trì cuộc khám nghiệm, kiểm sát viên và người chứng kiến. Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử kiểm sát viên kiểm sát, khám nghiệm hiện trường. Khi khám nghiệm hiện trường cũng phải có người chứng kiến. Tùy từng trường hợp, khi cần thiết có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm. Khi khám nghiệm hiện trường, các lực lượng tham gia khám nghiệm hiện trường tiến hành các hoạt động như: Chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình; xem xét tại chỗ và thu lượm dấu vết của tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án. Các hoạt động này có sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật. Quá trình khám nghiệm hiện trường và kết quả khám nghiệm hiện trường phải được thể hiện trong biên bản khám nghiệm hiện trường. Biên bản khám nghiệm hiện trường là nguồn chứng cứ và phải được lập theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong trường hợp không thể xem xét ngay được thì tài liệu, đồ vật thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.
2. Thực trạng và một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường vụ án giết người
2.1. Thực trạng quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường vụ án giết người
Trong những năm qua, lực lượng khám nghiệm hiện trường đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả rất đáng tự hào trong công tác khám nghiệm hiện trường các vụ án giết người. Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát, tội phạm giết người trong giai đoạn từ 2018 - 2022, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng hơn 1.100 vụ trên địa bàn cả nước. Trong đó, có nhiều vụ trọng án được dư luận cả nước quan tâm và theo dõi, do thực hiện hiệu quả việc khám nghiệm hiện trường nên đã góp phần làm rõ các tình tiết vụ án, tìm ra thủ phạm một cách nhanh chóng, chính xác.
Kết quả nghiên cứu công tác khám nghiệm hiện trường vụ án giết người xảy ra trên địa bàn cả nước thời gian qua cho thấy, về cơ bản, các lực lượng chức năng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục; bảo đảm các nguyên tắc trong khám nghiệm hiện trường. Các lực lượng đã chú trọng công tác tổ chức khám nghiệm hiện trường từ khâu nhận tin báo, xử lý tin báo; chuẩn bị lực lượng, phương tiện đến hiện trường; tiến hành khám nghiệm đến khi kết thúc khám nghiệm.
Mặc dù khám nghiệm hiện trường là hoạt động cơ bản và quan trọng của hoạt động điều tra tại hiện trường đối với các vụ án giết người, quyết định đến kết quả của quá trình điều tra tiếp theo của vụ án, tuy nhiên, quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong hoạt động khám nghiệm hiện trường, bên cạnh những kết quả đạt được, trong một số trường hợp vẫn còn một số hạn chế như:
- Lực lượng khám nghiệm hiện trường đến chậm nên không thu thập hết được những thông tin cần thiết để xác định thủ phạm. Mặt khác, lực lượng khám nghiệm hiện trường chuyên trách tại công an các địa phương trong cả nước còn hạn chế về số lượng. Không ít công an cấp quận, huyện, thị xã hiện tại không có cán bộ kỹ thuật hình sự chuyên trách công tác khám nghiệm hiện trường, mà lực lượng khám nghiệm hiện trường đều do cán bộ điều tra kiêm nhiệm của Đội điều tra tổng hợp hoặc Đội điều tra án về trật tự, an toàn xã hội và số được bổ nhiệm chức danh điều tra viên còn ít.
- Quan hệ phối hợp chưa chặt chẽ, còn để xảy ra thiếu sót trong quá trình khám nghiệm hiện trường vụ án giết người như: Khám nghiệm sơ sài, nhất là những vụ tử thi bị thối rữa, phân hủy… hay sự hạn chế trong việc mở rộng hiện trường, đôi lúc chưa phân biệt được khu vực khám nghiệm là hiện trường giết nạn nhân hay là nơi giấu xác nạn nhân.
- Năng lực chủ trì khám nghiệm của một số điều tra viên còn chưa cao, chưa có nhiều kinh nghiệm, trình độ của cán bộ kỹ thuật hình sự tại địa phương còn hạn chế. Điều tra viên chủ trì và cán bộ kỹ thuật hình sự, bác sỹ pháp y còn để xảy ra tình trạng “việc ai người đó làm”, không cung cấp những thông tin “nóng” cần thiết của vụ án cho nhau nên tính phối hợp chưa cao, chưa hiệu quả.
- Một bộ phận cán bộ các lực lượng tham gia khám nghiệm hiện trường vụ án giết người còn chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình, cho rằng nhiệm vụ chính thuộc về cơ quan điều tra nên thiếu tính chủ động, tích cực.
- Sự thiếu chặt chẽ trong quá trình kiểm sát của kiểm sát viên đối với hoạt động của điều tra viên, giám định viên và những người tham gia khám nghiệm nên để xảy ra những thiếu sót như: Thu thập dấu vết, vật chứng không đầy đủ, vẽ sơ đồ hiện trường không chính xác, không lấy mẫu vật (máu, phủ, tạng…) để trưng cầu giám định; không niêm phong vật chứng, dấu vết dẫn đến gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án giết người.
2.2. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường vụ án giết người
Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường vụ án giết người theo quy định pháp luật.
Công tác khám nghiệm hiện trường vụ án giết người được thực hiện bởi sự phối hợp giữa các lực lượng như: Lực lượng điều tra các cấp trong từng tình huống cụ thể; giữa lực lượng điều tra với cán bộ kỹ thuật hình sự, bác sỹ pháp y và các lực lượng nghiệp vụ khác phải bảo đảm dựa trên cơ sở các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 cũng như các văn bản pháp lý có liên quan. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về mối quan hệ phối hợp cũng như vai trò, nhiệm vụ của từng lực lượng tham gia khám nghiệm hiện trường vụ án giết người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Yêu cầu này sẽ giúp các lực lượng hiểu rõ được vai trò, vị trí và ý nghĩa công tác chuyên môn của mình, đóng góp vào hiệu quả công tác khám nghiệm hiện trường vụ án giết người.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp, các quy định về quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường vụ án giết người.
Trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành, bên cạnh nội dung về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiến hành đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 cũng như các văn bản pháp lý có liên quan, thời gian tới, cần tiếp tục tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, đặc biệt là các vấn đề về cơ chế phối hợp, các quy định về quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường vụ án giết người. Các địa phương cần chủ động ban hành và thực hiện các quy chế phối hợp trong khám nghiệm hiện trường đối với các vụ án giết người giữa các lực lượng tham gia phù hợp với đặc điểm, tình hình và yêu cầu công tác. Ngoài ra, cần quan tâm hơn đến các chính sách, chế độ bồi dưỡng cụ thể, rõ ràng đối với các lực lượng khi tham gia khám nghiệm hiện trường vụ án giết người trên địa bàn. Mặt khác, cần ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể các nội dung công việc của từng lực lượng khi phối hợp thực hiện khám nghiệm hiện trường vụ án giết người, tránh thực hiện mang tính hình thức hoặc coi đây là nhiệm vụ chính của cơ quan điều tra.
Ba là, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực công tác của các lực lượng nhằm thực hiện tốt hơn công tác khám nghiệm hiện trường vụ án giết người.
Chú trọng quán triệt, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phù hợp cho từng lực lượng tham gia khám nghiệm hiện trường nhằm triển khai phối hợp nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, kiện toàn đội ngũ điều tra viên, cán bộ kỹ thuật hình sự chuyên trách, chuyên sâu, bố trí đúng chuyên ngành được đào tạo; ban hành các quy trình công tác và quy chể phối hợp giữa các lực lượng điều tra viên, trinh sát viên, cán bộ kỹ thuật hình sự, bác sỹ pháp y…; bảo đảm lực lượng chuyên trách thực hiện khám nghiệm các vụ án giết người; quan tâm, đãi ngộ đối với lực lượng công tác; làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ có ý thức làm việc khách quan, chính xác, toàn diện và tỷ mỷ.
Bốn là, thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong khám nghiệm hiện trường vụ án giết người.
Việc tiến hành sơ kết, tổng kết, nhận xét, rút kinh nghiệm trong khám nghiệm hiện trường vụ án giết người nói chung cũng như hiệu quả của quan hệ phối hợp giữa các lực lượng khi thực hiện công tác này nói riêng là yêu cầu không thể thiếu. Cụ thể:
- Tiến hành sơ kết, tổng kết thường xuyên để đánh giá về kết quả khám nghiệm hiện trường của các lực lượng trong vụ án giết người. Trên cơ sở đó, đề ra những biện pháp tổ chức hoạt động điều tra và tham mưu cho các cấp chính quyền, các tổ chức cá nhân thực hiện tốt hơn công tác này.
- Đánh giá nghiêm túc các biện pháp mà lực lượng chức năng đã áp dụng trong khám nghiệm hiện trường các vụ án giết người trên các mặt: Những kết quả đạt được, hiệu quả của các biện pháp đã tiến hành, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của việc áp dụng các biện pháp trong từng tình huống cụ thể. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ huy; áp dụng các biện pháp khám nghiệm hiện trường; quan hệ phối hợp giữa các lực lượng nghiệp vụ. Đồng thời, kiến nghị với các nhà làm luật, cơ quan hữu quan khác nghiên cứu quy định mới hoặc bổ sung, sửa đổi những quy định không còn phù hợp để đáp ứng hơn nữa yêu cầu thực tiễn.
- Khen thưởng, động viên kịp thời các lực lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như: Nhanh chóng, khẩn trương trong thực hiện các hoạt động khám nghiệm hiện trường vụ án giết người xảy ra trên địa bàn; đồng thời, quán triệt, nhắc nhở các cán bộ có tư tưởng trông chờ vào sự giúp đỡ của lực lượng khác, rụt rè, không chủ động, sáng tạo trong việc tiến hành nhiệm vụ. Chế độ, chính sách động viên, khen thưởng kịp thời cũng là giải pháp nâng cao hiệu quả thúc đẩy từ bên trong đối với thái độ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ trong phối hợp giữa các lực lượng thực hiện tốt công tác khám nghiệm hiện trường vụ án giết người.
Khám nghiệm hiện trường vụ án giết người đóng vai trò quan trọng đối với toàn bộ quá trình điều tra, khám phá vụ án giết người nói riêng cũng như đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung. Để công tác này đạt hiệu quả cao, đòi hỏi có sự phối hợp của các lực lượng chức năng một cách nhịp nhàng, vận dụng nhiều phương tiện và sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp phù hợp. Đây là vấn đề khá phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, vì vậy, cần tiếp tục có sự góp ý của các nhà nghiên cứu và chuyên gia để hoàn thiện vấn đề này trong thời gian tới.
PGS.TS. Bùi Thanh Trung
ThS. Vũ Thị Hồng Phương
Đại học Cảnh sát nhân dân
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 377), tháng 3/2023)