Luật Doanh nghiệp năm 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 chính thức có hiệu lực ngày 01/01/2021, đã bổ sung và sửa đổi nhiều nội dung quan trọng góp phần tạo lập cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế. Trong đó, sửa đổi vấn đề về quản trị doanh nghiệp như vai trò, trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của các cổ đông, thời hạn góp vốn bằng tài sản, cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp… nhằm tạo lập hành lang pháp lý ngày càng thông thoáng hơn đối với các nhà đầu tư trong giai đoạn gia nhập thị trường nói riêng cũng như quá trình kinh doanh, đầu tư nói chung, hướng tới mục đích cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch và hiệu quả.
1. Quản trị doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020
Những thay đổi của khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường mức độ bảo vệ quyền cổ đông, tạo môi trường kinh doanh an toàn, thúc đẩy và huy động vốn đầu tư. Theo đó, một số nội dung được sửa đổi, bổ sung bao gồm: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, thời hạn góp vốn bằng tài sản, cơ cấu tổ chức quản lý công ty.
1.1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Thứ nhất, theo khoản 1 Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2015, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm: Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ, người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật, người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 12). Như vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bổ sung cụm từ “người yêu cầu giải quyết việc dân sự”, do đó, người đại diện theo pháp luật sẽ có thêm vai trò đại diện cho doanh nghiệp yêu cầu giải quyết việc dân sự. Quy định này đã phù hợp, đồng bộ với quy định về vai trò người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp khi tham gia tố tụng trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Thứ hai, về số lượng người đại diện cũng như quyền và nghĩa vụ của người đại diện của doanh nghiệp: Khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật, thì điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong điều lệ công ty, thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật dân sự và quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy, điểm mới này của Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bảo đảm tính minh bạch trong việc xác định trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ngay cả khi quyền và nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được điều lệ công ty quy định rõ.
Thứ ba, về việc cử người đại diện theo pháp luật: Khoản 5 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, đối với doanh nghiệp chỉ còn một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không có ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hoặc chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.
Như vậy, so với Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ trường hợp cử người đại diện đối với người đại diện theo pháp luật bị kết án tù, đồng thời, bổ sung các trường hợp cử người đại diện khi người đại diện theo pháp luật đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Việc thay đổi, bổ sung các nội dung nói trên bảo đảm bao quát được các trường hợp cần cử người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho chủ sở hữu, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị doanh nghiệp trong áp dụng pháp luật.
Thứ tư, về trường hợp đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật: Khoản 6 Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty. So với Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ hai trường hợp là một trong hai thành viên của công ty bị kết án tù và bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác. Đồng thời, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng bổ sung các trường hợp thành viên còn lại của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty nếu một trong hai thành viên rơi vào các trường hợp như quy định tại khoản 6 Điều 12. Các nội dung sửa đổi này đã khắc phục được hạn chế liên quan đến người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, tránh được các rủi ro pháp lý cho các bên trong quan hệ giao dịch.
1.2. Thời hạn góp vốn bằng tài sản
Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về thời hạn góp vốn khi thành lập công ty, bổ sung thời hạn góp vốn sẽ không bao gồm thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Điều 47, Điều 75 và Điều 113 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Quy định này là phù hợp, bảo đảm quyền góp vốn của các thành viên. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn về giới hạn của thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản trong nghị định hướng dẫn để bảo đảm sự thống nhất, minh bạch.
1.3. Cơ cấu tổ chức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn
- Quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông trong công ty cổ phần
Nhằm khắc phục hạn chế của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung một số vấn đề như sau:
+ Mở rộng phạm vi, quyền của đối tượng cổ đông, nhóm cổ đông nhỏ: Cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ công ty có các quyền nhất định về thông tin như xem xét, tra cứu, trích lục một số tài liệu của công ty; có quyền yêu cầu triệu tập cuộc họp cổ đông để đánh giá các hành động của Hội đồng quản trị hoặc những người quản lý khác của công ty; có quyền yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết (khoản 2 Điều 115). Quy định mới về quyền của cổ đông nắm giữ từ 05% có quyền biểu quyết thay vì 10% như trước đây và bãi bỏ điều kiện sở hữu cổ phần phải trong thời hạn liên tục 06 tháng được đánh giá là phù hợp với quy định về cổ đông lớn trong Luật Chứng khoán năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021), theo đó, cổ đông lớn được định nghĩa là cổ đông sở hữu từ 05% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một tổ chức phát hành (khoản 18 Điều 4). Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế như hiện nay và số lượng các công ty cổ phần có vốn hóa lớn, tỷ lệ nắm giữ 05% cổ phần biểu quyết của cổ đông tại bất cứ thời điểm nào mà không cần thời hạn nhất định (06 tháng liên tục) để có thể thực thi các quyền như trên là phù hợp và sát với thực tế.
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã mở rộng quyền tiếp cận thông tin và tăng khả năng giám sát của các cổ đông đối với các giao dịch cần được giám sát như giao dịch với người có liên quan nhằm hạn chế việc thất thoát tài sản, gây thiệt hại cho công ty. Luật cũng loại trừ quyền tiếp cận thông tin đối với các tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty.
+ Đối với quyền khởi kiện của cổ đông nắm giữ 01% cổ phần: Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bổ sung cho cổ đông, nhóm cổ đông có quyền khởi kiện, quyền xem xét, tra cứu, trích lục thông tin cần thiết theo quyết định của Tòa án, trọng tài trước hoặc trong quá trình khởi kiện, đồng thời, bỏ yêu cầu thời hạn nắm giữ liên tục trong 06 tháng của các cổ đông nắm giữ ít nhất 01% cổ phần để các cổ đông này có thể thực thi quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện người quản lý công ty liên quan đến các quyết định, hành động trong quá trình điều hành doanh nghiệp (khoản 1 Điều 166); bổ sung khái niệm “trách nhiệm liên đới” của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc liên quan đến quyền khởi kiện của các cổ đông nắm giữ 01% cổ phần trở lên, ghi rõ nội dung yêu cầu của cổ đông khi khởi kiện là yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác. Định nghĩa về “người khác” trong quy định này cũng cần phải được hướng dẫn cụ thể trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2020 để bảo đảm việc thực thi quyền của cổ đông được đầy đủ và chính xác.
Như vậy, với việc mở rộng quyền của cổ đông, nhóm cổ đông nhỏ trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 được xem là sự tiệm cận dần đến chuẩn mực theo thông lệ phổ biến trong khu vực và quốc tế, vì theo pháp luật Liên minh Châu Âu, các quốc gia thành viên khi quy định các quyền của cổ đông, nhóm cổ đông đối với quyền bổ sung chương trình nghị sự của cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và quyền đề xuất dự thảo nghị quyết về các vấn đề nghị sự phải nắm giữ một lượng cổ phiếu tối thiểu với mức không vượt quá 05% vốn điều lệ của công ty[1]. Bên cạnh việc kế thừa quy định về nghĩa vụ của cổ đông phổ thông tại Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 bổ sung một số nội dung như: Bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại điều lệ công ty và pháp luật; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác (Điều 119).
- Quyền lựa chọn mô hình tổ chức quản lý và hoạt động của công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế
+ Đối với mô hình tổ chức và hoạt động có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định phải có Ủy ban kiểm toán thuộc Ban kiểm soát thay vì Ban kiểm toán nội bộ thuộc Ban kiểm soát như Luật Doanh nghiệp năm 2014, đồng thời bổ sung quy định chi tiết về địa vị pháp lý, cơ cấu, điều kiện thành viên, thể thức thông qua quyết định cũng như quyền và nghĩa vụ của Ủy ban kiểm toán (Điều 161). Như vậy, Ủy ban kiểm toán sẽ không còn là thực thể mơ hồ và tùy nghi như Ban kiểm toán nội bộ, mà nó là một bộ phận tồn tại trong công ty phù hợp với thông lệ quốc tế.
+ Quyền của Đại hội đồng cổ đông còn được bổ sung về: (i) Quyền quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; (ii) Phê duyệt quy chế quản trị nội bộ, quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; (iii) Phê duyệt danh sách ban kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết (khoản 2 Điều 138 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Quy định này đã phân định rõ ràng thẩm quyền thuộc về Đại hội đồng cổ đông, khắc phục tình trạng Ban kiểm soát “vừa đá bóng vừa thổi còi” như tự ban hành quy chế hoạt động của mình hoặc quy chế hoạt động của Ban kiểm soát như Luật Doanh nghiệp năm 2014.
- Cơ cấu tổ chức, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ quy định về việc bắt buộc thành lập Ban kiểm soát, trừ trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này phải thành lập Ban kiểm soát (Điều 54). Quy định này phù hợp với thực tiễn cũng như loại bỏ được các vấn đề cứng nhắc và không hiệu quả trong hoạt động của Ban kiểm soát cũng như không bảo đảm được tính độc lập khi đưa ra các ý kiến, duy trì Ban kiểm soát gây ra sự lãng phí về tài chính do các công ty phải trả thù lao cho các thành viên trong Ban kiểm soát[2]. Hiện nay trên thế giới, nhất là các nước châu Âu, hầu hết các doanh nghiệp đều không có Ban kiểm soát trong công ty. Theo đó, các doanh nghiệp có quyền tự quyết lựa chọn phương án Ban kiểm soát hoặc có thể thành lập Ban kiểm toán nội bộ, điều này sẽ nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động quản trị của doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch và giúp giảm thiểu những rủi ro, thất thoát do gian lận[3].
2. Một số vấn đề lưu ý cho các doanh nghiệp khi thực thi Luật Doanh nghiệp năm 2020
Luật Doanh nghiệp năm 2020 với những thay đổi quan trọng đã tạo lập cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới[4]. Các vấn đề pháp lý liên quan đến quản trị doanh nghiệp như quyền và nghĩa vụ của cổ đông trong công ty cổ phần, vấn đề người đại diện doanh nghiệp, các quyền quan trọng như tiếp cận thông tin, giám sát sự minh bạch, đề cử người vào các chức danh quản lý trong hoạt động điều hành doanh nghiệp cũng như quyền khởi kiện bảo vệ lợi ích hợp pháp bị xâm phạm của cổ đông phải được công nhận và thực thi kể từ thời điểm cổ đông hoàn tất các thủ tục luật định về góp vốn, mua cổ phần và chính thức được ghi nhận là cổ đông của công ty… được đánh giá là tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của thị trường, bảo đảm quyền của chủ sở hữu vốn khi đầu tư vào các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để các nội dung của Luật Doanh nghiệp năm 2020 đi vào thực tiễn đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định trong các luật liên quan để đồng bộ với Luật Doanh nghiệp năm 2020, đồng thời ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.
Trong bối cảnh Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực cùng với hệ thống các luật chuyên ngành khác, các doanh nghiệp cần sớm chuẩn bị hệ thống tăng cường tính nhận diện của doanh nghiệp và người đại diện, có cách thức công khai chữ ký, con dấu (nếu có) phù hợp để tự bảo vệ quyền lợi của công ty nói riêng và các tổ chức, cá nhân khác. Với những nội dung được sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 có liên quan đến các quy định trong điều lệ công ty như quyền và nghĩa vụ của cổ đông, nhóm cổ đông; người đại diện theo pháp luật; cơ cấu tổ chức, quản lý công ty... để bảo đảm nội dung trong điều lệ công ty phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành cũng như tránh xảy ra mâu thuẫn trong việc áp dụng quy định khi quản trị, điều hành thì doanh nghiệp nên thực hiện sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty theo quy định pháp luật hiện hành. Luật Doanh nghiệp năm 2020 không quy định những trường hợp doanh nghiệp phải sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty mà việc sửa đổi này sẽ do Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần sẽ quyết định thể thức sửa đổi, bổ sung được thực hiện theo quy định chi tiết tại điều lệ công ty.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là đối với 02 FTA thế hệ mới - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), bên cạnh những mặt tích cực như thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn lớn từ nhiều nước phát triển đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế từ sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm thô sơ là chủ yếu và thủ công sẽ được nâng lên giai đoạn chế biến công nghệ cao, chế biến tinh với giá trị gia tăng cao hơn, xóa bỏ phần lớn thuế quan về hàng hóa giữa Việt Nam với các nước, mang lại cơ hội cạnh tranh về giá cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với các đối thủ (chủ yếu ở các nước châu Á) trên thị trường thế giới. Bên cạnh những thuận lợi mà các FTA mang lại, thì khó khăn lớn từ các FTA đó chính là tăng sức ép cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia, khu vực và toàn cầu. Các FTA thế hệ mới cũng đòi hỏi các thành viên phải thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, văn hóa của nước mình để thực hiện minh bạch chính sách; cải cách hành chính; cải cách tư pháp; xử lý mối quan hệ giữa thương mại quốc tế với những vấn đề vốn được coi là phi thương mại - các giá trị xã hội như: Thương mại và quyền con người, bảo vệ người lao động trong thương mại quốc tế, thương mại và môi trường, thương mại và văn hóa, thương mại và an ninh, bảo đảm an toàn thực phẩm, thương mại, phát triển bền vững và quản trị tốt, quyền của nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư.
Những sửa đổi quan trọng trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc thành lập, quá trình gia nhập thị trường và nhất là trong quản trị doanh nghiệp. Đây là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong việc tận dụng các cơ chế có lợi hơn từ khung pháp lý, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng quản lý lãnh đạo, tạo ra sức mạnh cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn ra thế giới, đồng thời, cũng tạo ra sức bật cho cả nền kinh tế Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
Khoa Kinh tế - Luật, Đại học Thương mại
[2]. Https://cafef.vn/vi-sao-xu-huong-loai-bo-ban-kiem-soat-dang-ngay-cang-no-ro-20190416150346688.chn, truy cập ngày 08/3/2021.
[3]. Hiếu Nguyễn, https://s.cafef.vn/lcg-275934/bo-ban-kiem-soat-co-the-giam-toi-thieu-5-doanh-thu-that-thoat-tai-sao-nhieu-doanh-nghiep-van-chua-lam.chn, truy cập ngày 01/3/2021.
[4]. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, năm 2019, Việt Nam đứng thứ 89/190 quốc gia, trong khi năm 2018 ở thứ hạng 81, còn năm 2017 xếp hạng 87.