Trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người đang có diễn biến hết sức phức tạp, tinh vi và mang tính chất xuyên quốc gia, trực tiếp đe dọa đến sự an toàn của con người trên nhiều phương diện, tước đoạt đi quyền tự do, quyền con người, gây mất ổn định trật tự và để lại hoang mang, nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Đáng chú ý, nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà hiện nay đã xuất hiện cả tình trạng mua bán đàn ông, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng...
Tại Việt Nam, tội phạm mua bán người đã từng được ghi nhận trong Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật). Theo đó, hành vi bán người được liệt vào tội Bất Mục - một trong các tội Thập ác (Thập ác là 10 trọng tội nguy hiểm nhất). Với hành vi bán người ít tuổi từ hàng cơ thân trở xuống thì có thể bị Tội giảo (thắt cổ) và nếu còn có thêm hành vi cướp của hoặc đồ vật thì có thể bị chém đầu (Điều 43, quyển IV), đối với hành vi bắt người đem bán làm nô tì cho người nước ngoài cũng bị tội chém. Như vậy, Tội mua bán người trong luật Hồng Đức được xem như là tội đặc biệt nghiêm trọng và hình phạt cao nhất phải chịu là chém bêu đầu (chỉ thấp hơn bậc lăng trì - tùng xẻo).
Ngày 27/6/1985, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thông qua Bộ luật Hình sự đầu tiên của nước ta, trong đó ghi nhận Tội mua bán phụ nữ (Điều 115) và xếp vào tội phạm nghiêm trọng mức hình phạt tối đa là 20 năm tù.
Trước thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi và tính nghiêm trọng ngày càng tăng thì những quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985 không đáp ứng được tính răn đe trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Bộ luật Hình sự năm 1999 ra đời đã điều chỉnh lại những thiếu sót trong Bộ luật Hình sự năm 1985. Bộ luật Hình sự năm 1999 có 2 điều luật quy định về tội phạm trực tiếp liên quan đến mua bán người đó là Tội mua bán phụ nữ tại Điều 119 và Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120) xếp vào loại tội đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, đối với Tội mua bán phụ nữ (Điều 119) thì khung hình phạt cao nhất là đến 20 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Đối với Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120) thì khung hình phạt cao nhất đến tù chung thân, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.
Mặc dù Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi 2009) đã bổ sung một số trường hợp để đáp ứng với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm như bổ sung hành vi mua bán người để lấy bộ phận cơ thể nạn nhân… nhưng trước yêu cầu hội nhập quốc tế phải nội luật hóa các cam kết mà Việt Nam là thành viên và xuất phát từ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn xét xử, cần thiết phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Bộ luật Hình sự năm 2015 ra đời đã có nhiều quy định mới, trong đó Tội mua bán người được ghi nhận tại Điều 150 như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
d) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Đối với từ 02 người đến 05 người;
g) Phạm tội 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
2. Hình phạt đối với Tội mua bán người
Mức hình phạt đối với tội phạm này được chia thành 4 khung như sau:
2.1. Khung một (khoản 1 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015): Có mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Được áp dụng đối với trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
So với Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định mức khởi điểm hình phạt tù từ hai năm, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã tăng mức khởi điểm hình phạt tù từ 05 năm. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng mô tả một cách rõ ràng hành vi khách quan nào của người phạm tội thì cấu thành tội phạm này. Trước đây, Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa có quy định hay mô tả về hành vi của Tội mua bán người mà hành vi mua bán người (bao gồm mua bán phụ nữ và trẻ em) có thể được hiểu là việc chuyển giao phụ nữ, trẻ em… từ một người hoặc một nhóm người sang một người hoặc một nhóm người khác vì mục đích tư lợi (tiền hoặc một lợi ích vật chất khác). Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định rất rõ ràng mua bán người được hiểu là hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện các hành vi trên…
Quy định này rất gần với quy định tại Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2000 (Nghị định thư Palermo): “Buôn bán người có nghĩa là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt hay lạm quyền lực hoặc hoàn cảnh dễ bị tổn thương, hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người để kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ít nhất, việc bóc lột mại dâm người khác hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hoặc dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hoặc những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy đi các bộ phận cơ thể”.
Như vậy, so với Bộ luật Hình sự năm 1999, quy định mới tại Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội mua bán người thể hiện sự tiến bộ rõ rệt, đã cụ thể hóa các dạng hành vi phạm tội tạo điều kiện cho việc đấu tranh phòng chống tội phạm trên thực tế.
2.2. Khung hai (khoản 2 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015): Mức hình phạt từ 08 năm đến 15 năm, khi phạm tội thuộc một các trường hợp sau:
(i) Có tổ chức
Cũng giống như trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội mua bán người có tổ chức là trường hợp nhiều người tham gia, trong đó có người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy có người trực tiếp thực hiện tội phạm, có người xúi giục, hoặc giúp sức, nhưng tất cả đều chung một mục đích là làm thế nào để mua được, bán được người. Mua bán người có tổ chức là trường hợp phạm tội nguy hiểm hơn trường hợp phạm tội không có tổ chức, vì phạm tội có tổ chức do có sự phân công, câu kết chặt chẽ giữa những người thực hiện tội phạm nên chúng dễ dàng thực hiện việc mua bán phụ nữ và cũng dễ dàng che giấu hành vi phạm tội của mình.
(ii) Vì động cơ đê hèn
Trước đây, ở tội Mua bán phụ nữ theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa ghi nhận điều này mà chỉ được ghi nhận ở Tội mua bán, đánh tráo chiếm đoạt trẻ em (khoản 2 Điều 120). Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung tình tiết này tại khoản 2 Điều 150. Động cơ đê hèn được hiểu là người phạm tội thực hiện tội phạm với động cơ rất xấu xa, thấp hèn, đáng khinh bỉ, không kể gì đến danh dự, nhân phẩm, tư cách của một con người. Động cơ của bị cáo thúc đẩy bởi những động lực mang tính chất hèn nhát, bội bạc, phản trắc cao, ích kỉ, không có tính người.
(iii) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này
Điều luật quy định: Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp có tổ chức hoặc vì động cơ đê hèn. Trên thực tế, hành vi mua bán người có thể làm cho nạn nhân bị tổn thương cơ thể hoặc bị rối loạn tâm thần, quy định mới của điều luật đã bảo vệ tốt đối với hơn nạn nhân bị những đối tượng xấu mua bán. Đây là điểm mới được bổ sung so với Bộ luật Hình sự năm 1999.
(iv) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trước đây tại điểm đ khoản 2 Điều 120 Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ nêu trường hợp: Để đưa ra nước ngoài. Bộ luật Hình sự năm 2015 có nêu cụ thể hơn so với Bộ luật Hình sự năm 1999 là: Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, ngoài hành vi đưa nạn nhân ra khỏi biên giới còn xuất hiện một trường hợp nữa đó là: Có ý định đưa nạn nhân ra khỏi biên giới, mức độ nguy hiểm của hai hành vi này là gần như bằng nhau, có ý định đưa nạn nhân ra khỏi biên giới là trường hợp phạm tội chưa đạt ở tình tiết này. Theo tác giả, điều luật nên quy định thêm trường hợp: “Có ý định đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.
(v) Đối với từ 02 người đến 05 người
Trước đây, điểm đ khoản 2 Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “Mua bán nhiều người” mà không quy định cụ thể là bao nhiêu người, quy định này rõ ràng là bất cập khi định khung hình phạt người phạm tội mua hoặc bán được 02 người so với trường hợp người mua hoặc bán hàng chục người mà chỉ chịu một khung hình phạt như nhau thì chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Do vậy, theo tác giả đây là điểm sửa đổi hợp lý của Bộ luật Hình sự năm 2015 so với Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tuy nhiên cần lưu ý, đây là trường hợp có từ 02 người đến 05 người bị người phạm tội mua bán, trong đó có thể có người bị đưa ra khỏi biên giới, có người không bị đưa ra khỏi biên giới hoặc tất cả bị đưa ra khỏi biên giới. Nếu có người bị đưa ra khỏi biên giới thì người phạm tội phạm hai tình tiết định khung quy định tại điểm đ (đối với 02 người đến 05 người) và điểm d (đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015.
(vi) Phạm tội 02 lần trở lên
Đây thực chất là việc mua bán nhiều lần, là trường hợp người phạm tội nhiều lần thực hiện hành vi mua bán người và mỗi lần hành vi mua bán đã cấu thành Tội mua bán người. Mua bán từ hai lần trở lên, có thể mỗi lần mua bán một người, nhưng cũng có thể trong các lần mua bán đó có lần mua bán nhiều người, nếu có lần mua bán nhiều người thì người phạm tội ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm đ khoản 2 (đối với 02 người đến 05 người) hoặc điểm đ khoản 3 (đối với 06 người trở lên) Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp, chỉ có một người bị bán hoặc bị mua nhưng người phạm tội đã mua bán nhiều lần (từ hai lần trở lên) đối với cùng một người thì cũng bị coi là phạm tội từ hai lần trở lên.
2.3. Khung ba (khoản 3 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015), mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm được coi là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, khi phạm tội thuộc một các trường hợp sau:
(i) Có tính chất chuyên nghiệp
Phạm tội mua bán người có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc mua bán là nguồn sống chính cho mình. Người phạm tội đã lấy việc phạm tội là nguồn thu nhập chính của bản thân, “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung tăng nặng của một số tội phạm, trong đó có Tội mua bán người. Việc nhà làm luật coi trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết tăng nặng là yếu tố định khung hình phạt là một yêu cầu cần thiết do thực tiễn xét xử đặt ra. Khi áp dụng tình tiết này, cần lưu ý rằng khái niệm chuyên nghiệp được hiểu ở đây không đồng nghĩa với khái niệm nghề nghiệp, vì không thể coi phạm tội là một nghề kiếm sống, tính chất chuyên nghiệp của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ tội phạm đó được lặp đi, lặp lại nhiều lần mà người phạm tội coi việc phạm tội đó là phương tiện kiếm sống. Ví dụ: A là một kẻ sống lang thang không nghề nghiệp thường xuyên lên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook… để tán tỉnh yêu đương nhiều cô gái nhẹ dạ cả tin, rủ đi chơi ở chợ cửa khẩu, hoặc khu vực biên giới rồi mang bán sang Trung Quốc lấy tiền tiêu xài. Tuy nhiên, không phải hành vi phạm tội nào cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần đều coi là có tính chất chuyên nghiệp, mà chỉ những hành vi mà người phạm tội coi đó là phương tiện kiếm sống thì mới là có tính chất chuyên nghiệp. Tại mục 5.1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự có hướng dẫn về tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích;
- Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
(ii) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân
So với điểm sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 119 của Bộ luật Hình sự năm 1999: “Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”, quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, chữ “đã” thể hiện tính chất, mức độ của hành vi đã hoàn thành một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm thì vẫn nên giữ nguyên như quy định cũ là “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” như Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, chứ không để hậu quả việc nạn nhân đã bị mất đi bộ phận cơ thể rồi mới được áp dụng khoản 3 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 mà chỉ cần chứng minh người thực hiện hành vi mua bán người nhằm lấy bộ phận cơ thể nạn nhân là đã đủ điều kiện để áp dụng khoản 3.
(iii) Gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên
Đây là quy định mới được bổ sung, do trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, kẻ phạm tội có thể dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân, trong thực tế rất nhiều nạn nhân sau khi trở về có biểu hiện thần kinh, một số mang thai và mang về con nhỏ, có nạn nhân thì bị tàn tật, số thì bị tổn thương. Quy định mới tại điểm c khoản 3 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã đáp ứng tốt hơn trước yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm.
(iv) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát
Quá trình mua bán người, người phạm tội có thể làm cho nạn nhân chết hoặc tự sát. Nạn nhân đã chết hay có hành vi tự sát thì phải chịu khung hình phạt ở khoản 3 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015, cần lưu ý rằng nạn nhân chết hoặc tự sát là hậu quả của hành vi mua bán người gây ra, ở đây cần phân biệt đối với tội bức tử mặc dù nạn nhân cũng do quá uất ức và tủi nhục mà hành vi mua bán người gây ra.
(v) Đối với 06 người trở lên
Mua bán từ 06 người trở lên phải chịu khung hình phạt ở khoản 3 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015, việc quy định như vậy phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng của hành vi để tránh những trường hợp người phạm tội chỉ mua bán 02 người nhưng cũng phải chịu hình phạt như mua bán 06 người. Tuy nhiên, theo tác giả, cần nghiên cứu thiết kế bổ sung điều luật, bởi vì trên thực tế có thể xảy ra trường hợp mua bán hàng chục người; tuy nhiên, người phạm tội lại phải chịu trách nhiệm hình sự như mua bán 06 người là chưa tương xứng với tính chất của hành vi phạm tội.
e) Tái phạm nguy hiểm
Trước đây, tình tiết này chưa được quy định trong Điều 119 (Tội mua bán phụ nữ) nhưng đã được quy định tại điểm h khoản 2 Điều 120 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em). Theo quy định tại Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
- Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
- Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”.
2.4. Hình phạt bổ sung
Ngoài các khung hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể và các tình tiết có giá trị chứng minh trong vụ án người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (khoản 4 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015); phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi).
So với quy định tại khoản 3 Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Tội mua bán phụ nữ) và khoản 3 Điều 120 (Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em) thì quy định tại khoản 4 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã tăng mức hình phạt bổ sung mà người phạm tội có thể bị áp dụng. Cụ thể tại khoản 3 Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm; khoản 3 Điều 120 quy định: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.
Qua nghiên cứu hình phạt của Tội mua bán người trong quy định của hai bộ luật gần đây nhất là Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015 với thực tiễn đấu tranh phòng ngừa tội phạm trong thời gian qua, tác giả cho rằng, hình phạt đối với Tội mua bán người được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 là còn nhẹ và chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm. Theo tác giả, cần thiết kế lại khoản 3 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng tăng mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đồng thời, cần tăng mức hình phạt bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi cần tăng mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng (khoản 3 Điều 119) lên từ 50 triệu đồng đến 250 triệu đồng.
Tội phạm mua bán người đang có diễn biến hết sức phức tạp, xâm phạm nghiêm trọng quyền con người trên nhiều phương diện, gây tâm lý hoang mang trong xã hội. Trước yêu cầu của công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng, thiết nghĩ bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan, cấp có thẩm quyền thì cần một khung pháp lý đủ mạnh để xử lý loại tội phạm này, qua đó góp phần ngăn chặn tội phạm có hiệu quả, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người trong từng thời kỳ./.
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4