Thế chấp tài sản được hiểu là một bên dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ[1], bên bảo đảm chỉ giao giấy tờ về quyền sở hữu đối với tài sản và vẫn chiếm hữu tài sản bảo đảm để khai thác, sử dụng. Trong trường hợp giao dịch được bảo đảm đã được các bên thực hiện đúng như cam kết, thì biện pháp bảo đảm cũng chấm dứt, bên nhận bảo đảm sẽ trao trả giấy tờ liên quan đến tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan mà giao dịch bảo đảm không được thực hiện, thực hiện không đúng, không đủ, ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nhận bảo đảm. Bởi vậy, để bảo đảm quyền lợi của mình, bên nhận bảo đảm phải xử lý tài sản bảo đảm.
Theo quy định của pháp luật, bên nhận bảo đảm được xử lý tài sản bảo đảm khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Các trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định[2]. Theo thông lệ, bên nhận bảo đảm sẽ xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên bảo đảm, hoặc bên thứ ba giữ tài sản giao tài sản bảo đảm để xử lý, nếu bên bảo đảm không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác[3].
Trên thực tế, rất nhiều trường hợp bên bảo đảm vi phạm nghĩa vụ thế chấp của mình như không giao tài sản cho bên nhận bảo đảm để xử lý nhằm gây khó khăn, kéo dài thời gian cho bên nhận bảo đảm, buộc bên nhận bảo đảm phải khởi kiện ra Tòa án. Tuy nhiên, biện pháp yêu cầu Tòa án giải quyết thì thời gian kéo dài và thủ tục phức tạp. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, phải mất từ 04 đến 06 tháng hoặc lâu hơn nữa mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, các bên lại kháng cáo, kháng nghị dẫn đến cấp phúc thẩm và thi hành án… Do vậy, để kịp thời bảo đảm quyền lợi cho bên nhận bảo đảm, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản để xử lý tài sản bảo đảm[4]. Với biện pháp này, bên nhận bảo đảm được chủ động tiến hành thu giữ tài sản mà không cần thông qua thủ tục tố tụng dân sự, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí tố tụng, đồng thời giảm bớt thiệt hại cho bên bảo đảm như tiền lãi, cũng như góp phần làm giảm hao phí xã hội. Tuy nhiên, quy định thu giữ tài sản này mới chỉ được quy định với tư cách là một quyền của bên nhận bảo đảm, còn thực hiện quyền này như thế nào, trình tự, thủ tục ra là sao thì pháp luật chưa quy định cụ thể nên việc thực hiện quyền này trong thực tế rất khó khăn.
Trong thời gian qua, có nhiều chủ thể thế chấp tài sản để vay tiền tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhưng không có khả năng thanh toán, dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng nhanh, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các ngân hàng, đe dọa đến an ninh kinh tế quốc gia nói chung. Trước tình hình đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết này quy định khá chi tiết về biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý: “Chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện công khai thông tin về thời gian, địa điểm thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm được thu giữ, lý do thu giữ theo quy định sau đây: (a) Đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của mình; (b) Gửi văn bản thông báo cho ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan công an nơi có tài sản bảo đảm; (c) Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ theo hợp đồng bảo đảm và trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản bảo đảm; (d) Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm”. Trường hợp khi tổ chức tín dụng áp dụng biện pháp thu giữ tài sản mà bên bảo đảm hoặc bên thứ ba giữ tài sản bảo đảm không chuyển giao thì có quyền khởi kiện ra Tòa án và Tòa án sẽ áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn[5]. Có thể nói, đây là một chính sách hợp lý, tạo một cơ sở pháp lý quan trọng để các tổ chức tín dụng chủ động xử lý tài sản bảo đảm là nợ xấu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Tuy nhiên, Nghị quyết số 42/2017/QH14 chỉ áp dụng thí điểm cho việc xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng xảy ra trước ngày 15/8/2017 hoặc khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian thí điểm Nghị quyết này.
Kể từ khi có Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến nay, việc thu giữ tài sản của các tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu thành công là không nhiều, nguyên nhân chủ yếu là quy định của Nghị quyết chưa cụ thể. Một trong những điều kiện để áp dụng khoản 2 Điều 7 là các bên phải có thỏa thuận về biện pháp thu giữ tài sản trong hợp đồng, quy định này vô tình đã tước đoạt quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ của chủ thể nhận bảo đảm, mà lẽ ra đây là quyền đương nhiên, là hệ quả tất yếu khi bên bảo đảm vi phạm nghĩa vụ của mình. Quy định này còn trái với Hiến pháp năm 2013 là các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng và được bảo vệ. Một nguyên nhân nữa làm cho quyền thu giữ tài sản trong Nghị quyết số 42/2017/QH14 khó được thực thi là quy định chỉ áp dụng cho “giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật”, vậy các giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm không đăng ký bảo đảm thì có quyền thu giữ không? Theo Nghị quyết này thì câu trả lời là không và đã vô tình tước đi quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ của chủ nợ. Ngoài ra, Nghị quyết số 42/2017/QH14 cũng khó được thực thi khi bên bảo đảm không hợp tác trong việc tự nguyện giao tài sản. Trong trường hợp này, bên nhận bảo đảm không thể tự cưỡng chế hoặc yêu cầu ủy ban nhân dân hay cơ quan công an cấp xã cưỡng chế bên bảo đảm giao tài sản. Bên nhận bảo đảm chỉ có quyền lập biên bản về việc thu giữ tài sản không thành, có sự chứng kiến của cơ quan chức năng, làm chứng cứ để khởi kiện ra Tòa án. Hơn nữa, việc phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan công an với bên thu giữ cũng chưa hiệu quả, pháp luật cũng chưa quy định cụ thể trách nhiệm của hai cơ quan này, vì vậy, các tổ chức tín dụng rất lúng túng và khó khăn trong việc thu giữ tài sản bảo đảm.
Như đã nói ở trên, Nghị quyết số 42/2017/QH14 là văn bản về thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng áp dụng cho các khoản nợ xấu xảy ra trước ngày 15/8/2017. Với quy định tại khoản 1 Điều 307 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thanh toán chi phí cho việc thu giữ tài sản, thì các chủ thể nhận bảo đảm rất khó áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý tài sản như đã phân tích ở trên. Về vấn đề này, theo Luật Ngân hàng của Vương quốc Anh (Banking Act 2009) tại điểm f khoản 4 Tiểu mục iv Điều 255[6] cho phép một bên thực hiện các quyền được quy định trong thỏa thuận giữa các bên về biện pháp bảo đảm trong việc cần hoặc không cần tới phán quyết của Tòa án. Trong mục sắp xếp tài sản thế chấp của Luật Ngân hàng, các thỏa thuận tài sản thế chấp được định nghĩa bao quát đó là các thỏa thuận mà tài sản thế chấp được sử dụng như bảo đảm đối với khoản vay hoặc trách nhiệm pháp lý khác và vì mục đích đó[7]. Ngoài ra, tại Quy định về tài sản thế chấp (Số 2) 2003[8] theo trích dẫn của Luật Ngân hàng thì bên nhận thế chấp có thể thực hiện các điều khoản của thỏa thuận tài sản bảo đảm tài chính, mà không có bất kỳ lệnh tịch thu nào từ Tòa án. Quy định này giúp các bên chủ động trong việc xử lý tài sản đảm bảo mà không cần phải thực hiện thủ tục khởi kiện tại Tòa án.
Cũng như pháp luật của Vương quốc Anh, pháp luật Ireland cũng không bắt buộc việc xử lý tài sản bảo đảm phải có quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác mà cho phép các bên liên quan có thể thỏa thuận trước về phương thức xử lý tài sản bảo đảm như việc chỉ định người xử lý tài sản bảo đảm hoặc bên nhận tài sản bảo đảm sẽ không cần phán quyết của Tòa án hoặc quyết định cơ quan có thẩm quyền khác mà được xử lý như nội dung thỏa thuận giữa các bên. Tại Pakistan, việc xử lý tài sản bảo đảm phải được giải quyết thông qua Tòa án theo trình tự, thủ tục tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 1908 (Civil Procedure Code 1908)[9]. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản bảo đảm ở các tổ chức tài chính sẽ được áp dụng với trình tự, thủ tục đặc biệt theo quy định tại Pháp lệnh về Thu hồi nợ của tổ chức tài chính năm 2001[10]. Theo khoản 2 Điều 15 Pháp lệnh này quy định về trình tự gửi thông báo như sau: “Trong trường hợp khách hàng không trả nợ đúng kỳ hạn, tổ chức tài chính gửi thông báo đến bên thế chấp yêu cầu thanh toán khoản nợ còn lại trong vòng mười bốn ngày kể từ khi nhận được thông báo và khi không thanh toán số tiền trong thời hạn trên, sẽ gửi thông báo thứ hai để yêu cầu thanh toán khoản nợ còn lại trong vòng mười bốn ngày. Trong trường hợp khách hàng vào ngày đến hạn được gửi trong thông báo đến lần thứ hai, tiếp tục không trả nợ đúng kỳ hạn, tổ chức tài chính sẽ gửi thông báo cuối cùng đến bên thế chấp yêu cầu thanh toán khoản nợ còn lại trong vòng ba mươi ngày kể từ khi nhận được thông báo cuối cùng đến khách hàng”. Ngoài ra, sau khi hết thời hạn thông báo mà bên thế chấp không thanh toán cho bên nhận thế chấp thì tổ chức tài chính có thể xử lý tài sản thế chấp mà không phải theo các thủ tục tại Tòa án, việc này giúp cho việc xử lý tài sản được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, để thực hiện việc xử lý tài sản thế chấp không qua Tòa án, tổ chức tài chính phải tuân thủ các trình tự, thủ tục như sau: (i) Tổ chức tài chính phải thông báo trên một tờ báo tiếng Anh có uy tín với lưu thông rộng và một tờ báo tiếng Urdu hàng ngày ở tỉnh nơi có tài sản thế chấp, bao gồm các thông tin: Tên, địa chỉ của bên thế chấp, chi tiết về tài sản thế chấp, số tiền còn lại chưa thanh toán và ý định của tổ chức tài chính trong việc xử lý tài sản thế chấp; (ii) Tổ chức tài chính cũng gửi thông báo như vậy cho tất cả những người liên quan.
Theo kinh nghệm pháp luật của một số nước như đã phân tích, theo chúng tôi, quy định về thu giữ tài sản của pháp luật nước ta cần hoàn thiện theo hướng sau:
Thứ nhất, khi đến hạn, bên bảo đảm vi phạm nghĩa vụ, việc vi phạm nghĩa vụ này là căn cứ để xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật thì bên bảo đảm có quyền thu giữ tài sản nếu bên bảo đảm không tự nguyện giao tài sản, việc thu giữ tài sản được tiến hành theo các bước như sau:
Bước 1: Bên nhận bảo đảm thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thu giữ tài sản bảo đảm (nếu là đăng báo thì đăng 03 số liên tiếp trên báo của cơ quan trung ương nếu phát trên đài hoặc kênh truyền hình địa phương nơi có tài sản thế chấp thì phát 03 ngày liên tục vào giờ hành chính).
Nội dung thông báo bao gồm: Tên, địa chỉ của bên thế chấp, thông tin tài sản bảo đảm bị thu giữ, số tiền còn lại chưa thanh toán và ý định của tổ chức tài chính trong việc xử lý tài sản thế chấp.
Bước 2: Bên nhận bảo đảm thông báo bằng văn bản cho bên bảo đảm biết về việc thu giữ tài sản (tài sản thu giữ; lý do thu giữ, thời gian; địa điểm thu giữ; các bên liên quan khác).
Bước 3: Gửi văn bản đến ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan công an cấp xã về việc cử người phối hợp việc thu giữ tài sản bảo đảm. Tiến hành niêm yết việc thu giữ tài sản tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký theo hợp đồng và ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản bảo đảm bị thu giữ.
Bước 4: Tiến hành đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đấu giá tài sản với tư cách là người được chủ tài sản ủy quyền.
Thứ hai, bỏ quy định chỉ được thu giữ tài sản bảo đảm đối với giao dịch bảo đảm có đăng ký hay biện pháp bảo đảm có đăng ký tại các cơ quan, tổ chức đăng ký giao dịch bảo đảm, bởi việc đăng ký chỉ có ý nghĩa làm phát sinh đối kháng với người thứ ba trong quan hệ dân sự và trong quản lý nhà nước, nó không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo đảm với bên bảo đảm và không phải là biện pháp bảo vệ quyền của bên nhận bảo đảm.
Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
[1]. Điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2]. Điều 299 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3]. Điều 301 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4]. Khoản 1 Điều 307 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[5]. Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14 Về thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng ngày 21/6/2017.
[6]. Xem thêm: https://www.legislation.gov.uk/ukpga/2009/1/contents (cập nhật ngày 29/6/2018).
[7]. Xem thêm: Khoản 2 Điều 255 Luật Ngân hàng của Vương quốc Anh.
[8]. Xem thêm: http://www.legislation.gov.uk/uksi/2003/3226/regulation/17/made (cập nhật ngày 29/6/2018).
[9]. Xem thêm: http://www.courts.ie/Courts.ie/library3.nsf/(WebFiles)/5B98B2B4F09E28EC80257C6F003B5347/ $FILE/S.I.%20No.%2017%20of%202014%20-%20District%20Court%20(Civil%20Procedure)%20Rules%202014.pdf (cập nhật ngày 29/6/2018).
[10]. Xem thêm: http://www.sbp.org.pk/about/ordinance/r_ordinance.htm (cập nhật ngày 29/6/2018).