Tóm tắt: Bài viết phân tích các quy định pháp luật Việt Nam hiện nay về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật. Trên cơ sở phân tích những tồn tại và hạn chế, tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện nội dung quy định pháp luật về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trong thời gian tiếp theo.
Abstract: The article analyzes Vietnamese provisions on handling objects under vegetable quarantine. Bases on the analysis of insufficiencies and limitations, the author raises some proposals for completing contents of legal provisions on handling objects under vegetable quarantine in the next time.
Xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là một nội dung quan trọng trong pháp luật về kiểm dịch thực vật của các nước. Các quy phạm pháp luật về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhằm ngăn cản sự xuất hiện, lây lan của các sinh vật gây hại là đối tượng của kiểm dịch thực vật thông qua việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật - pháp lý khác nhau ngăn chặn hoặc tiêu diệt chúng. Các quy định về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của pháp luật Việt Nam hiện nay được ghi nhận trong Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc ban hành phù hợp và thực hiện hiệu quả các quy định này không chỉ góp phần bảo vệ thực vật, ngành trồng trọt trong nước mà còn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản. Do vậy, cần có những phân tích và đánh giá nghiêm túc đối với quy định pháp luật về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
1. Quy định pháp luật về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Theo khoản 15 Điều 3 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013, xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là việc áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn hoặc diệt trừ triệt để đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát và sinh vật gây hại lạ. Cũng tại Điều 3 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đối tượng kiểm dịch thực vật được định nghĩa là sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật, chưa có hoặc có nhưng phân bố hẹp ở Việt Nam và phải được kiểm soát nghiêm ngặt; đối tượng phải kiểm soát là sinh vật gây hại không phải là đối tượng kiểm dịch thực vật nhưng sự có mặt của chúng trên vật liệu dùng để làm giống có nguy cơ gây thiệt hại lớn về kinh tế, phải được kiểm soát ở Việt Nam; và sinh vật gây hại là sinh vật gây hại chưa xác định được tên khoa học và chưa từng được phát hiện ở Việt Nam. Như vậy, xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là việc áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn hoặc diệt trừ triệt để sinh vật gây hại - là các sinh vật gây ra thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thực vật bao gồm vi sinh vật gây bệnh, côn trùng gây hại, cỏ dại và các sinh vật có hại khác (khoản 6 Điều 3 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013).
1.1. Những trường hợp xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013 xác định, trong các trường hợp sau, vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải được xử lý:
Những vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam, đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ, vật thể có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam. Trường hợp này, vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải được tiến hành xử lý để nhằm loại trừ các sinh vật gây hại được vật thể đó mang theo hoặc có thể mang theo, tránh những hậu quả mà chúng có thể gây ra đối với thực vật trong nước.
Những vật thể phải xử lý để đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Việc nước nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật yêu cầu tiến hành xử lý vật thể là phòng ngừa sinh vật gây hại thông qua hàng hóa là thực vật, sản phẩm thực vật nhập khẩu. Yêu cầu này của nước nhập khẩu xảy ra khi vật thể thuộc diện kiểm dịch đến từ vùng, lãnh thổ là nơi phân bố tự nhiên sinh vật gây hại là đối tượng của kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu hoặc là nơi đang có dịch hại thực vật nguy hiểm.
Các vật thể vô chủ, không rõ nguồn gốc cũng phải được tiến hành xử lý. Các vật thể thuộc diện này thường sẽ có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại. Việc xử lý chúng nhằm phòng ngừa việc xâm nhập hoặc lan truyền các sinh vật gây hại đó thành dịch hại thực vật.
1.2. Các biện pháp xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Các biện pháp xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bao gồm: Xông hơi khử trùng, xử lý nhiệt, xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ, tái xuất, tiêu hủy, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và các biện pháp khác (khoản 2 Điều 34 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013).
Các biện pháp xử lý này nếu căn cứ vào mục đích thực hiện có thể được chia làm hai loại. Loại đầu tiên là các biện pháp xử lý nhằm ngăn chặn đối tượng kiểm dịch thực vật, sinh vật phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ. Các biện pháp này bao gồm tái xuất, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. Loại thứ hai là các biện pháp xử lý nhằm tiêu diệt triệt để đối tượng kiểm dịch thực vật, sinh vật phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ, chúng bao gồm xông hơi khử trùng, xử lý nhiệt, xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ, tiêu hủy. Việc tiêu diệt triệt để đối tượng kiểm dịch thực vật, sinh vật phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ ở đây sử dụng các tác nhân hóa học, vật lý mà không sử dụng tác nhân sinh học. Dù việc sử dụng tác nhân sinh học đảm bảo an toàn về mặt sinh học nhưng cần nhiều thời gian (là yếu tố khó thỏa mãn trong hoạt động thương mại).
1.3. Cơ quan có thẩm quyền quyết định xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Theo khoản 3 Điều 34 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013, Điều 12 Nghị định số 116/2014/NĐ-CP ngày 04/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, cơ quan có thẩm quyền quyết định xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bao gồm: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Bảo vệ thực vật. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật. Các trường hợp còn lại thuộc về thẩm quyền của Cục Bảo vệ thực vật.
1.4. Trình tự, thủ tục xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
Trình tự, thủ tục xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bằng biện pháp tạm ngừng hoặc cấm xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được quy định gồm các bước: Bước 1, Cục Bảo vệ thực vật xác định cụ thể loại vật thể và nguyên nhân phải tạm ngừng hoặc cấm xuất khẩu, nhập khẩu và báo cáo với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bước 2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật để xem xét và ra quyết định; Bước 3, Quyết định tạm ngừng hoặc cấm xuất khẩu, nhập khẩu trong thời hạn 24 giờ phải được công bố chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của quốc gia, vùng lãnh thổ xuất khẩu.
Trình tự, thủ tục xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bằng các biện pháp còn lại được tiến hành như sau: Trước hết, Cục Bảo vệ thực vật quyết định biện pháp xử lý và chỉ định tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật để xử lý; Sau đó, tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật ký hợp đồng xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật với chủ vật thể phải xử lý; Tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật thực hiện hợp đồng dưới sự giám sát của Cục Bảo vệ thực vật. Riêng với vật thể vô chủ, không rõ nguồn gốc thì Cục Bảo vệ thực vật quyết định biện pháp xử lý và tổ chức xử lý.
1.5. Chi phí xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
Đối với các trường hợp xử lý vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch của Việt Nam, đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ, vật thể có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch của Việt Nam, vật thể phải xử lý để đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu thì chi phí xử lý do chủ vật thể chi trả. Đối với các trường hợp khác thì chi phí xử lý do ngân sách nhà nước đảm bảo.
2. Những tồn tại, hạn chế
Các quy định pháp luật về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hiện nay là tương đối đầy đủ. Chủ thể thực hiện các biện pháp này đã được phân định cụ thể: Biện pháp ban hành quyết định tạm ngừng, cấm xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; biện pháp ban hành quyết định tái xuất thuộc thẩm quyền của Cục Bảo vệ thực vật; những biện pháp khác sẽ do tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật tiến hành khi có quyết định của cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền và thông qua một hợp đồng giữa tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và chủ hàng. Tuy nhiên, các quy định pháp luật này vẫn còn những tồn tại và hạn chế nhất định.
Các quy phạm pháp luật về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được quy định chi tiết tại Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành mới chỉ áp dụng cho các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh mà không áp dụng cho kiểm dịch thực vật nội địa. Với mục đích bảo vệ thực vật (được trồng trọt và hoang dã) trong nước, việc ngăn chặn và tiêu diệt các sinh vật gây hại do vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nội địa mang theo là hoàn toàn cần thiết.
Quy chuẩn quốc gia về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật chưa thực sự đầy đủ và phù hợp với pháp luật cũng như thông lệ quốc tế. Chúng ta đã ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xông hơi khử trùng, chiếu xạ nhưng chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xử lý nhiệt, xử lý hơi nước nóng. Những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các nước phát triển, mà chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được xây dựng trên những nghiên cứu cụ thể cho nông sản của Việt Nam.
Đối với các quy định liên quan đến hoạt động xử lý vật thể của tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, chúng ta vẫn chưa xác định rõ ràng về nội dung cơ bản của hợp đồng xử lý vật thể được giao kết giữa tổ chức xử lý và chủ hàng, cũng như trách nhiệm của tổ chức xử lý khi họ thực hiện không đúng hợp đồng, và/hoặc gây thiệt hại cho chủ hàng. Bởi vì các biện pháp xử lý này là nhằm tiêu diệt triệt để đối tượng kiểm dịch thực vật nhưng không gây ảnh hưởng tới chất lượng và giá trị thương mại của vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
Chúng ta cũng chưa có quy định về tổ chức hành nghề xử lý vật thể nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.Việc xuất hiện và hoạt động của các tổ chức này ở Việt Nam sẽ đáp ứng nhu cầu tiến hành xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phục vụ hoạt động xuất khẩu nông sản khi điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ khoa học công nghệ, năng lực của chuyên gia, kỹ thuật viên trong nước còn chưa đáp ứng được các yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu của nhiều nước nhập khẩu.
3. Những giải pháp hoàn thiện
Nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật Việt Nam về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trong thời gian tới, tác giả xin đề xuất các giải pháp sau:
Thứ nhất, bổ sung các quy định về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nội địa. Xác định các trường hợp vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải xử lý là: Vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam, đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ; vật thể xuất phát từ vùng đang có dịch hại thực vật; vật thể vô chủ, không rõ nguồn gốc. Cơ quan quyết định xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nội địa sẽ là cơ quan kiểm dịch thực vật nội địa - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Các biện pháp xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nội địa chỉ thuộc nhóm biện pháp nhằm tiêu diệt triệt để sinh vật gây hại, bao gồm xông hơi khử trùng, xử lý nhiệt, xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ, tiêu hủy. Về trình tự, thủ tục xử lý, cơ quan kiểm dịch thực vật nội địa ra quyết định xử lý và ấn định biện pháp xử lý; sau đó chủ hàng có trách nhiệm ký hợp đồng xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật với tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch; tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch tiến hành xử lý vật thể theo quyết định của cơ quan kiểm dịch và nội dung của hợp đồng (riêng đối với vật thể vô chủ, không rõ nguồn gốc, cơ quan kiểm dịch thực vật nội địa quyết định biện pháp xử lý và tổ chức xử lý).
Thứ hai, tiếp tục xây dựng và sửa đổi quy chuẩn quốc gia về các biện pháp xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo hướng phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế (sự thích hợp, có căn cứ khoa học), áp dụng các công nghệ hiện đại, nhất là đối với trường hợp xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật để phục vụ cho xuất khẩu nông sản.
Thứ ba, cần có những quy định chi tiết hơn đối với các trường hợp xử lý vật thể do tổ chức xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật thực hiện. Xây dựng các nội dung cơ bản của hợp đồng xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật. Bổ sung nghĩa vụ cụ thể của các bên trong quan hệ, gồm nghĩa vụ của tổ chức xử lý và nghĩa vụ của chủ hàng. Theo đó, tổ chức xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có các nghĩa vụ: Thực hiện đúng biện pháp xử lý theo quyết định của cơ quan kiểm dịch thực vật nội địa và hợp đồng; tiến hành xử lý vật thể theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định cho biện pháp xử lý tương ứng; tiến hành xử lý vật thể đúng thời gian, địa điểm theo quyết định của cơ quan kiểm dịch thực vật nội địa và hợp đồng; bồi thường thiệt hại cho chủ hàng khi gây thiệt hại. Còn chủ hàng có những nghĩa vụ: Đưa vật thể phải xử lý đến đúng địa điểm, thời gian xử lý; trả chi phí xử lý vật thể. Cuối cùng, xác định phương pháp tính chi phí xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, trong đó có những chi phí để tiêu diệt đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam, đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ và chi phí là thù lao cho tổ chức xử lý.
Thứ tư, xây dựng khung pháp lý cho các tổ chức xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Khung pháp lý này bao gồm: Mô hình tổ chức, điều kiện hành nghề, giới hạn hành nghề, tiêu chuẩn của kỹ thuật viên xử lý vật thể, các quy định về công nhận điều kiện hành nghề của tổ chức và tiêu chuẩn kỹ thuật viên xử lý vật thể của nước ngoài tại Việt Nam.
Có thể thấy rằng, các quy định pháp luật về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hiện nay đã tương đối đầy đủ nhưng vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Chúng vẫn cần những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, tương thích với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế mà chúng ta là thành viên. Đó sẽ một trong những yếu tố góp phần phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện sống của người dân và bảo vệ môi trường đất nước trong thời gian tới.
Khoa Luật, Đại học Vinh