1. Quyền chính trị của phụ nữ trong các văn kiện quốc tế và pháp luật Việt Nam
Kể từ khi Cương lĩnh hành động Bắc Kinh ra đời vào năm 1995 và được 189 nước ký kết tham gia tại Đại hội Phụ nữ thế giới lần thứ 4, trao quyền cho phụ nữ trở thành một giải pháp quan trọng. Pháp luật Việt Nam cũng luôn thể hiện sự quan tâm, bảo vệ cho quyền và lợi ích của người phụ nữ.
Thứ nhất, các văn kiện quốc tế về quyền chính trị của phụ nữ: Trên thế giới đã có một hệ thống các văn kiện mang tính tổng quát cũng như các văn kiện liên quan đề cập đến vấn đề quyền phụ nữ và quyền chính trị của phụ nữ, trong đó có các văn kiện quy định rõ ràng về quyền chính trị của con người và quyền chính trị của phụ nữ. Quyền chính trị của con người đã được nhắc đến trong các văn bản pháp lý quốc tế như Hiến chương Liên Hợp quốc năm 1945, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR) năm 1948, Công ước quốc tế về quyền chính trị của phụ nữ năm 1952 và được thể hiện tập trung trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966.
Trong đó, các quyền chính trị của con người đã được nêu ngay trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR) năm 1948 bao gồm: Quyền tự do ý kiến và biểu đạt, được tự do giữ quan điểm của mình (Điều 19); quyền tự do lập hội và không bị ép buộc vào bất cứ hiệp hội nào (Điều 20); quyền tự do hội họp một cách hòa bình (Điều 20); quyền được tham gia vào đời sống chính trị. Theo đó, mọi người đều có quyền tham gia quản lý đất nước mình một cách trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức đại diện và họ được lựa chọn (Điều 21). Ngoài ra, các quyền trên đều được tái khẳng định, cụ thể hóa trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966.
Thứ hai, văn bản pháp luật Việt Nam về quyền chính trị của phụ nữ: Đặt trong bối cảnh về bình đẳng giới thì quyền chính trị của phụ nữ là một trong những quyền con người quan trọng nhất của phụ nữ được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ, nó xác lập năng lực pháp lý bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong việc tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào quản lý nhà nước và xã hội. Cụ thể:
- Hiến pháp:
+ Hiến pháp năm 1946 đã nêu hai quyền cơ bản và khái quát của công dân Việt Nam là “tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều 6); “tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 7). Trong đó, quyền chính trị quan trọng hàng đầu của công dân mà Hiến pháp quy định là “quyền được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình” (Điều 7) và quan trọng hơn, Hiến pháp năm 1946 cũng nói rõ việc tham gia đó “không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo” (Lời nói đầu Hiến pháp năm 1946).
+ Hiến pháp năm 1959 đã kế thừa và bổ sung những điều cụ thể hơn về quyền chính trị của công dân Việt Nam. Trong đó, có quyền bầu cử và ứng cử một cách bình đẳng, quyền bãi miễn, quyền khiếu nại và tố cáo cũng như nhấn mạnh việc bảo đảm tính pháp lý cho các quyền chính trị của công dân Việt Nam.
+ Hiến pháp năm 1980 tiếp tục khẳng định nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân như một nguyên tắc hiến định của việc xác lập các quyền của công dân. Hiến pháp cũng quy định thêm quyền chính trị mới là quyền tham gia quản lý các công việc của Nhà nước và xã hội.
+ Hiến pháp năm 1992 nêu rõ: “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Hiến pháp quy định cụ thể và rõ ràng hơn về các quyền chính trị cũng như sự bảo đảm của cả hệ thống chính trị cho việc thực hiện các quyền chính trị của công dân một cách nghiêm túc và công bằng nhất.
+ Hiến pháp năm 2013 nêu rõ, công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.
- Luật Bình đẳng giới năm 2006: Thể chế hóa quy định của Hiến pháp, Điều 11 Luật Bình đẳng giới năm 2006 khẳng định, phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong những lĩnh vực và vấn đề cụ thể như: (i) Tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội; (ii) Tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức; (iii) Tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; (iv) Tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức. Theo đó, có thể thấy hai biện pháp cơ bản nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, đó là bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, để bảo đảm sự tuân thủ các quy định về quyền bình đẳng về chính trị của phụ nữ trên thực tế, Điều 40 Luật Bình đẳng giới năm 2006 đề cập các hành vi bị coi là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực, trong đó, các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm: (i) Cản trở việc nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp vì định kiến giới; (ii) Không thực hiện hoặc cản trở việc bổ nhiệm nam, nữ vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới; (iii) Đặt ra và thực hiện quy định có sự phân biệt đối xử về giới trong các hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc trong quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.
- Tham gia các công ước về quyền chính trị của phụ nữ: Việt Nam đã ký nhiều công ước quốc tế nhằm cam kết ủng hộ phụ nữ tham chính và nỗ lực giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, cụ thể như: (i) Tích cực tham gia Cương lĩnh hành động Bắc Kinh với 12 lĩnh vực quan tâm, trong đó có vấn đề ra quyết định và cơ chế thể chế, bên cạnh các lĩnh vực quan tâm khác như nghèo đói, giáo dục và đào tạo, sức khỏe, bạo lực, xung đột vũ trang, kinh tế, quyền con người, truyền thông, môi trường và trẻ em gái; (ii) Ký kết, tham gia Chương trình nghị sự thế giới về phát triển bền vững, trong đó có Mục tiêu 5: Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu, trong đó có chỉ tiêu bảo đảm phụ nữ có quyền tham gia đầy đủ, hiệu quả, bình đẳng các cơ hội lãnh đạo và ra quyết định.
Như vậy, Việt Nam có khung pháp lý thúc đẩy bình đẳng giới tương đối vững chắc, trong đó có các quy định thúc đẩy bình đẳng giới về mặt chính trị.
2. Thực hiện quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam
2.1. Thành tựu trong việc thực hiện quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam thời gian qua
Hầu hết, các quốc gia trên thế giới đều coi việc thực hiện quyền chính trị là thước đo quan trọng nhất của bình đẳng giới. Quyền của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị gồm quyền được bầu cử, ứng cử, tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa giữa các quyền được quy định trong luật và thực tiễn, khoảng cách chênh lệch giữa nam giới và nữ giới trong lĩnh vực này.
Ở Việt Nam, để thúc đẩy phụ nữ tham chính, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng như khuyến khích phụ nữ tham chính, có các chính sách hỗ trợ, đưa thêm phụ nữ vào danh sách ứng cử, khuyến khích đề bạt thêm phụ nữ vào Đảng... Nhằm nâng cao năng lực cho các nữ ứng viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, chuẩn bị tốt cho kỳ bầu cử, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Bộ Ngoại giao đã tổ chức nhiều lớp tập huấn với nội dung hữu ích, trang bị cho các ứng cử viên nữ kiến thức về hệ thống chính trị Việt Nam, về quy trình bầu cử, xây dựng chương trình hành động, kỹ năng chuẩn bị cho hội nghị tiếp xúc cử tri và trình bày chương trình hành động... Đặc biệt Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội và thực hiện bình đẳng giới. Cụ thể, Điều 11 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức; bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp... Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 cũng quy định, phụ nữ có quyền bầu cử, ứng cử cũng như các cơ chế để bảo đảm phụ nữ được thực hiện những quyền đó.
2.2. Một số khó khăn trong việc thực hiện quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay
Một là, định kiến về văn hóa - xã hội và vai trò giới truyền thống. Ở Việt Nam vẫn tồn tại định kiến liên quan đến khả năng tham chính và năng lực lãnh đạo của phụ nữ như việc cho rằng phụ nữ thiếu kiên quyết, dứt điểm trong việc ra quyết định hay quan niệm “nam trưởng, nữ phó” khiến phụ nữ ít được ủng hộ vào các vị trí lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn. Bên cạnh đó, quan niệm về vai trò giới truyền thống cho rằng, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc nội trợ, chăm sóc con cái, gắn chặt họ với thiên chức của người mẹ, người vợ, người con, khiến vị trí lãnh đạo trên chính trường của họ thường đứng sau nam giới. Thông thường, họ phải rất nỗ lực làm việc mới được thừa nhận.
Hai là, khó khăn trong tiếp cận các chương trình giáo dục của trẻ em gái, đặc biệt là ở các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa. Nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, mặc dù Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc bảo đảm quyền được giáo dục cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa nhưng việc tiếp cận các cơ hội, các chương trình giáo dục của trẻ em gái còn những hạn chế nhất định.
Ba là, rào cản về thể chế có ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tham chính của phụ nữ. Sự khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu giữa nam giới và phụ nữ đã hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo cao cấp, hạn chế cơ hội quy hoạch, bổ nhiệm của phụ nữ. Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy Đảng còn thấp; sự thiếu hụt cán bộ nữ trong một số lĩnh vực quan trọng khiến việc hoạch định và thực thi chính sách đối với nữ giới còn hạn chế.
3. Một số giải pháp nâng cao quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam
Thứ nhất, các khuyến nghị chung: Nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội nói chung cũng như trong thực hiện bình đẳng giới nói riêng. Các tổ chức quốc tế và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã đưa ra khuyến nghị và giải pháp để triển khai thực hiện từ tất cả các cấp, các ngành, địa phương cũng như với nhận thức của mỗi thành viên trong xã hội và chính bản thân người phụ nữ, cụ thể: (i) Cần có nhiều nguồn lực hơn để nâng cao nhận thức về giới cho toàn xã hội và tập trung vào việc thực hiện, giám sát thực hiện Luật Bình đẳng giới; (ii) Tăng cường sự tham gia của nam giới khi giải quyết các vấn đề về giới. Điều này đòi hỏi sự tham gia của các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ...; (iii) Tăng cường nghiên cứu, phân tích và theo dõi tình hình thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ nói chung và thực hiện quyền chính trị của phụ nữ nói riêng; (iv) Quy định tuổi nghỉ hưu bắt buộc cho cả nam và nữ là như nhau theo tinh thần Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW); (v) Xây dựng năng lực để phụ nữ được trao quyền và tham gia vào đời sống chính trị xã hội của đất nước.
Thứ hai, các giải pháp định hướng chung: Theo tác giả, cần tập trung làm tốt một số nhóm giải pháp sau đây để từng bước thúc đẩy và cải thiện sự phát triển về quyền tham chính của phụ nữ trong thời gian tới bao gồm:
- Nhóm giải pháp về giáo dục: Đảng và Nhà nước cần xây dựng và thiết lập cơ chế bảo đảm nền giáo dục công bằng và bình đẳng cho cả nam và nữ, bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục, học tập đầy đủ và toàn diện của đối tượng là học sinh nữ, đặt ra các chính sách ưu tiên và bắt buộc trong giáo dục đối với nữ giới. Có trí thức, được học tập và hiểu biết, được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng thì nữ giới mới có thể nhìn nhận lại vai trò, vị trí, giá trị bản thân, mạnh dạn và tự tin tham gia vào hoạt động chính trị - xã hội, đấu tranh để đòi hỏi quyền lợi chính đáng mà họ phải được thụ hưởng, từng bước tiến đến xóa bỏ bất bình đẳng nam, nữ trên mọi lĩnh vực.
- Nhóm giải pháp về chủ trương, chính sách, xây dựng hệ thống pháp luật: Có thể thấy, nữ giới chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng dân số nước ta. Chính vì vậy, cần chú trọng việc xây dựng và ban hành những chủ trương, chính sách phù hợp và hiệu quả dành cho nhóm đối tượng là lao động nữ; đồng thời thiết lập những chế tài hợp lý, đủ sức răn đe, nhằm xử lý các vi phạm cản trở sự phát triển và tước đoạt cơ hội làm việc, tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, thăng tiến và phát triển của cán bộ nữ.
- Nhóm giải pháp về tuyên truyền, vận động: Đây là nhóm giải pháp cần được tiến hành thường xuyên, liên tục trong một khoảng thời gian nhất định nhằm từng bước thay đổi nhận thức của gia đình, cộng đồng và xã hội về vai trò của phụ nữ. Chỉ khi thay đổi được nhận thức của những chủ thể này thì ý thức của toàn xã hội mới có thể chuyển biến mạnh mẽ về cách nhìn nhận, có thái độ đúng đắn, ủng hộ quyền tham chính của phụ nữ, tạo điều kiện và cơ hội khuyến khích nữ giới phát triển.
- Nhóm giải pháp về tài chính: Cần xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính phù hợp đối với trẻ em gái và phụ nữ trong thụ hưởng giáo dục, trong khám, chữa bệnh.
Thứ ba, các giải pháp cụ thể: (i) Cần xây dựng và thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về đội ngũ cán bộ ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương; (ii) Xây dựng, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện tốt các chính sách nhằm phát triển cán bộ nữ trong lãnh đạo, quản lý; (iii) Huy động nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan có trách nhiệm trong toàn hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ để triển khai thực hiện thành công các dự án trọng tâm của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới; (iv) Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế (đa phương, song phương, phi Chính phủ) trong công tác bình đẳng giới và vận động nguồn lực hỗ trợ việc triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Để thực hiện được các giải pháp và khuyến nghị nêu trên, điều quan trọng hơn hết là cần nâng cao vai trò của Chính phủ và các tổ chức có chức năng hoạt động bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ và quyền chính trị của phụ nữ ở nước ta. Đó là vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như các cơ quan có thẩm quyền khác.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới. Về cơ bản, phụ nữ và nam giới đã có vị trí và vai trò ngang nhau, được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người, được phát huy năng lực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.
ThS. Nguyễn Thanh Quyên
Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
Ảnh: internet
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Văn Động (2006), Các quyền hiến định về chính trị của công dân Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
2. Đỗ Kim Tiên (2018), “Chính sách, pháp luật Việt Nam về sự tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 19 (371).
3. Võ Khánh Vinh (2011), Những vấn đề lý luận và thực tiễn của nhóm quyền dân sự và chính trị, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. UNIFEM - Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên Hợp quốc (2009), Giới thiệu tóm tắt về CEDAW, Hà Nội.
5. Bộ Ngoại giao và UNDP (2012), Chương trình lãnh đạo nữ Cambrige - Việt Nam: Nâng cao năng lực cho phụ nữ trong khu vực nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (EOWP), http://undp.org/30282_Factsheet_Women_Political_Representation_in_Vietnam_VN.pdf.
6. Vũ Thị Hoa (2018), Nữ đại biểu Quốc hội - Minh chứng sinh động cho tiến trình bình đẳng giới ở Việt Nam, https://moha.gov.vn/congtaccanbonu/binhdanggioi/nu-dai-bieu-quoc-hoi-minh-chung-sinh-dong-cho-tien-trinh-binh-dang-gioi-o-viet-nam-39958.html.
7. Phạm Thị Hương (2016), Thực tiễn hơn 25 năm thực hiện công ước CEDAW tại Việt Nam, https://cvdvn.net/2016/01/07/thuc-tien-hon-25-nam-thuc-hien-cong-uoc-cedaw-o-viet-nam/.
9. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/quyen-tham-chinh-cua-phu-nu-tai-viet-nam-hien-nay-75216.htm.